Rất khó để xử lý vấn nạn bạo hành phụ nữ
Tại Việt Nam, Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2010 cho thấy, những năm qua, bạo lực với phụ nữ vẫn diễn biến phức tạp, 58% phụ nữ Việt Nam đã từng chịu ít nhất một dạng bạo lực trong đời. Kết quả nghiên cứu của năm 2019 thì cho hay, khoảng 63% phụ nữ bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời; gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).
Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cũng chỉ ra, bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa số phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. 90,4% bị bạo lực thể xác hoặc tình dục do chồng gây ra nhưng không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
Đáng nói, trong “mùa” Covid-19 vừa qua, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ lại trở nên trầm trọng hơn. Nguyên nhân do những hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội cùng với sự căng thẳng về kinh tế gia tăng đối với các gia đình, đã dẫn đến sự leo thang của bạo lực gia đình.
Chấm dứt bạo hành phụ nữ vẫn là bài toán khó (Ảnh minh họa)
Có thể kể đến một ví dụ điển hình, tháng 11 vừa qua, chị Hoàng Nhật Ánh (34 tuổi, ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã làm đơn cầu cứu công an. Theo đơn tố cáo của chị Ánh, suốt 11 năm chung sống, chị bị chồng đánh đập triền miên bất kể lý do, trong đó lý do chủ yếu vì không có con. Lần gần đây nhất, chị bị đánh chấn thương cột sống hiện vẫn ngồi một chỗ. Sự việc này đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì hành vi dã man của người chồng vừa trách người vợ quá cam chịu cảnh bị hành hạ.
Trước đó, có trường hợp, một người phụ nữ đã gửi đơn tố cáo lên Công an xã An Tịnh, H.Trảng Bàng (Tây Ninh) về việc bị chồng đánh đập gây thương tích và ép quan hệ tình dục…
Trên đây chỉ là 2 trong hàng trăm trường hợp phụ nữ bị bạo hành khiến dư luận quan tâm và lên án.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho hay, trong xã hội ngày nay, nhiều phụ nữ vẫn có nguy cơ cao bị bạo lực. Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và “văn hóa đổ lỗi” là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và hạn chế sự giúp đỡ.
Theo bà Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội, nhiều năm trở lại đây, bạo lực đối với phụ nữ không những không giảm đi mà còn diễn biến phức tạp hơn, đa dạng hơn với nhiều vụ việc và mức độ nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do bất bình đẳng giới. Bởi thực tế, trong xã hội vẫn tồn tại quan niệm, người phụ nữ phải chịu trách nhiệm toàn bộ về đời sống gia đình, không khí gia đình, việc dạy dỗ con cái cũng như “miếng cơm manh áo”, đời sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Điều đó khiến sự kỳ vọng của người đàn ông ở phụ nữ cũng nhiều hơn. Mong đợi nhiều thì tất nhiên sẽ dẫn đến thất vọng nhiều, từ đó khiến mâu thuẫn cũng bị “đẩy” lên cao hơn. Bên cạnh đó, nhiều người mặc định tư tưởng, người đàn ông là trụ cột gia đình nên có quyền dạy dỗ vợ con mình bằng cả chửi mắng và nắm đấm… Những quan niệm này đã khiến cho bạo lực gia đình tăng lên và tồn tại kéo dài.
Bà Khuất Thu Hồng cho biết thêm, nguyên nhân của bạo lực gia đình còn do người phụ nữ chấp nhận nín nhịn, không dám phản ứng lại để bảo vệ mình. Mọi khúc mắc trong gia đình không được đưa ra để thảo luận, giải quyết dứt điểm mà cứ âm thầm tồn tại đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình. Do vậy, mâu thuẫn vợ chồng cứ tăng lên và không thể tìm ra giải pháp để chấm dứt tình trạng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” hay bạo hành về tinh thần.
Theo bà Hồng, bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay, giải pháp trước mắt là phải là giáo dục nâng cao nhận thức giáo dục trẻ em từ nhỏ rằng, bạo lực không phải cách để giải quyết các mâu thuẫn; trẻ em cần được trang bị những kỹ năng, kiến thức để hóa giải mâu thuẫn bằng phương pháp hòa bình. Nếu hàng ngày trẻ em phải chứng kiến cảnh bố mẹ đánh nhau, cãi nhau thì chúng sẽ coi đó là chuyện bình thường. Khi lớn lên, những đứa trẻ này sẽ “mặc định” suy nghĩ là hoàn toàn có quyền dạy vợ theo kiểu đó.
“Giải pháp quan trọng nữa là nâng cao nhận thức ngoài xã hội, cần phải tuyên truyền để người dân biết rằng, không thể chấp nhận bạo lực. Nếu chứng kiến cảnh vợ chồng hàng xóm cãi nhau thì phải can thiệp chứ không thể mặc kệ coi đó là chuyện nhà người ta. Bạo lực gia đình phải là câu chuyện của cả xã hội mà tất cả mọi người đều phải chung tay giải quyết”, bà Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Do đó, cần phải ngăn chặn bạo lực trong gia đình, tại trường học, nơi công cộng và nơi làm việc trước khi xảy ra; thay đổi những định kiến về giới, để mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai trở thành những tác nhân thay đổi trong nhận thức về bình đẳng giới./.