Quyết định quản trị (Administrative Decisions) là gì? Các loại quyết định và các nguyên tắc

Quyết định quản trị (tiếng Anh: Administrative Decisions) là hành vi sáng tạo của chủ thể quản trị nhằm định ra mục tiêu, chương trình và tính chất hoạt động của tổ chức.

74935484_435155450452256_5438879428098654208_n

Hình minh họa (Nguồn: editage.com)

Quyết định quản trị 

Khái niệm

Quyết định quản trị trong tiếng Anh là Administrative Decisions.

Quyết định quản trị là một loại hành vi sáng tạo chủ yếu của chủ thể quản trị nhằm định ra nhiệm vụ và tính chất hoạt động của doanh nghiệp để giải quyết một vấn đề đã chín mùi dựa trên cơ sở vận dụng các qui luật vận động khách quan của sản xuất – kinh doanh và việc phân tích các thông tin về hiện trạng của doanh nghiệp và của thị trường. 

Chức năng quyết định được coi là trung tâm vì nó được thể hiện ở mọi giai đoạn và mọi lĩnh vực của quản trị, thể hiện hành động cuối cùng của quá trình hình thành phương án quản trị, nó quyết định trước kết quả thực tế của sản xuất – kinh doanh. 

Các loại quyết định quản trị

a) Theo tầm quan trọng người ta thường phân thành các quyết định chiến được (có tính chất chung nhất, quyết định nhất, dài hạn), các quyết định chiến thuật (cho từng giai đoạn bộ phận) và quyết định tác nghiệp (hàng ngày để giải quyết các công việc thường xuyên).

b) Theo thời gian quyết định có thể xảy ra một lần hay lặp lại nhiều lần theo chu kì công việc quản trị. Quyết định có thể  dài hạn, trung hạn hay ngắn hạn.

c) Theo phạm vi tác động quyết định có thể có tính chất toàn cục (toàn doanh nghiệp hay cục bộ (cho từng bộ phận hay hoạt động riêng lẻ của doanh nghiệp.

d) Theo nội dung quyết định có thể phân thành các quyết định thuộc các lĩnh vực hoạt động khác nhau của doanh nghiệp.

e) Theo hướng tác động quyết định có thể tác động lên đối tượng bị quản trị hay lên chính hệ thống chủ thể quản trị của doanh nghiệp.

g) Theo hình thức biểu hiện các quyết định quản trị có thể là các bản điều lệ quản trị doanh nghiệp do nội bộ doanh nghiệp qui định, các bản qui chế, các phương án kế hoạch, các dự án đầu tư được duyệt, các tiêu chuẩn và qui phạm sản xuất, các mệnh lệnh tức thời…

h) Theo mức độ chủ động có thể phân thành các quyết định đã được dự kiến theo kế hoạch và các quyết định bị động để đáp ứng với các tình huống chưa được dự kiến theo kế hoạch, các quyết định có tính khẳng định và độ tin cậy cao và các quyết định chịu nhiều yếu tố rủi ro và bất định.

Các nguyên tắc và yêu cầu đối với các quyết định quản trị

a) Về mặt nội dung của quyết định quản trị cần tuân theo các nguyên tắc như: 

– Phải phù hợp với đường lối phát triển của đất nước nói chung và của doanh nghiệp nói riêng. 

– Phải bảo đảm tính khoa học, chính xác có tính thuyết phục cao dựa trên các qui luật khách quan và thông tin có độ tin cậy bảo đảm.

– Phải bảo đảm tính hiện thực phù hợp với tình hình thị trường, khả năng của doanh nghiệp và nguyện vọng của tập thể lao động của doanh nghiệp.

– Phải bảo đảm tính có mục đích và cụ thể.

– Phải bảo đảm tính tiết kiệm, đồng bộ và tối ưu.

– Phải bảo đảm an toàn cho kinh tế và dễ đáp ứng với mọi tình huống.

– Phải phù hợp với luật pháp.

b) Về mặt hình thức: diễn giải phải bảo đảm tính đồng nhất, tính rõ ràng của các thuật ngữ quan trọng dựa trên các định nghĩa thống nhất, tính logic, cô đọng, dễ hiểu và thống nhất cách hiểu nội dung của quyết định.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản lí nhà nước về Kinh tế và Quản trị kinh doanh trong xây dựng, NXB Xây Dựng)