Quyền con người và quyền công dân được quy định như nào
Hiến pháp được coi là đạo luật cơ bản nhất của Nhà nước Việt Nam. Trải qua nhiều lần thay đổi, Hiến pháp Việt Nam đã có những cải tiến, đặc biệt với chế định quyền con người, quyền công dân. Trong khuôn khổ bài viết này, A&S Law xin giới thiệu những điểm mới về quyền con người và quyền công dân trong Hiến pháp 2013.
Mục Lục
1. Phân biệt quyền con người và quyền công dân
Hiến pháp 2013 đã giải quyết được sự nhầm lẫn giữa quyền con người với quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 không còn gộp chung quyền con người với quyền công dân như ở Điều 50 của Hiến pháp năm 1992, mà đã sử dụng và phân biệt hai thuật ngữ “mọi người” và “công dân” cho chế định quyền con người và quyền công dân (Chương II).
2. Mở rộng nội hàm chủ thể quyền
Trong các phiên bản Hiến pháp trước đây, đặc biệt là Hiến pháp năm 1992, nội hàm của quyền con người chỉ nằm ở khái niệm chủ thể là “công dân”, chứ không được coi là “mọi người”. Tuy nhiên, trong Hiến pháp 2013, các chủ thể quyền được mở rộng hơn, không chỉ là “công dân”, mà còn gọi là mọi người, tổ chức, cộng đồng hay nhóm xã hội, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương (trẻ em, thanh niên, người cao tuổi).
3. Mở rộng nội dung quyền
Hiến pháp năm 2013 đã phát triển chế định quyền con người, quyền công dân thành một chương riêng. Hiến pháp đã dành ra 36 điều ở Chương II trên tổng số 120 điều của Hiến pháp cho chế định trực tiếp các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ngoài ra, Hiến pháp năm 2013 còn dành một số chế định cho bảo hộ hay bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản hợp pháp, lao động và sử dụng đất (Điều 51, 54, 57).
Quyền con người được sắp xếp phù hợp với các nhóm quyền của luật nhân quyền quốc tế là quyền dân sự, kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa. Hiến pháp năm 2013 quy định rõ ràng hơn hoặc tách ra thành điều riêng hầu hết các quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992, ví dụ: bình đẳng trước pháp luật (Điều 16); không bị tra tấn, truy bức, bạo lực, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác mà xâm hại thân thể, sức khỏe, xúc phạm nhân phẩm, danh dự (khoản 1, Điều 20); bảo vệ đời tư (Điều 21);…
Không chỉ củng cố các quyền trong Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 còn chế định một số quyền mới, như quyền sống (Điều 19); quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43); quyền không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác (khoản 2, Điều 17).
4. Quy định về hạn chế quyền
Khoản 2, Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 quy định: Quyền công dân, quyền con người chỉ có thể bị hạn chế theo quy định pháp luật trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn, trật tự xã hội, sức khỏe của cộng đồng, đạo đức xã hội. Cần quy định về hạn chế quyền để bảo đảm quyền công dân, quyền con người được thực hiện một cách minh bạch, phòng ngừa sự hạn chế hay cắt xén các quyền này một cách tùy tiện từ phía cơ quan nhà nước.
5. Quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, mỗi công dân
Trong Hiến pháp năm 2013, so với các bản hiến pháp trước đây, việc quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, mỗi công dân có nội dung rõ ràng, đầy đủ hơn. Điều 15 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Mọi người có nghĩa vụ phải tôn trọng quyền của người khác; Việc thực hiện quyền con người và quyền công dân không được phép xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền cùng với lợi ích hợp pháp của người khác.
Trên đây là nội dung tư vấn của A&S Law với những điểm mới về quyền con người và quyền công dân trong Hiến pháp 2013. Nếu có bất kì thắc mắc, xin hãy liên hệ tới chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng, chính xác nhất.