Quy trình canh tác Chuối già lùn Nam Mỹ – TraceVerified

Chuẩn bị đất trồng: Đất trồng được lên liếp có độ dày tầng canh tác từ  50cm trở lên, thoát nước tốt, tránh bị ngập úng, đất phải cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, tạo cho đất tơi xốp.

        – Đối với đất mới lên líp được bón 1 tấn/ha vôi bột trước khi trồng 15 ngày

       – Đào hố: hố có kích thước 40 x 40 x 40cm.


Mật độ, chọn giống và cách trồng:

– Áp dụng mật độ thâm canh 2000 cây/ha (không tính diện tích ao mương).

– Chọn cây chuối cấy mô có chiều cao 30 – 40cm, đường kính thân 2cm đạt từ 6 – 8 lá, cây to và khỏe mạnh. Khi đem trồng chọn lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh trồng lúc trời nắng gắt. Khi đặt cây con xuống hố trồng thao tác phải nhẹ nhàng tránh làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây, mặt bầu được đặt thấp hơn mặt đất 5 – 10cm và đắp mô hơi cao lên để tránh hiện tượng trồi gốc sau nầy.

– Cây mới đặt xuống phải có cọc cố định để không bị ảnh hưởng bởi gió (nếu có).

– Bố trí trồng ngoài đồng: theo 2 kiểu so le hình tam giác và đối diện hình vuông trên ruộng mình.


Bón phân:
 Bón phân theo công thức sau: 310 kg Urea + 105 kg surper lân long thành + 310 kg Kali + 2 tấn phân hữu cơ/ha/năm (phân hữu cơ có hàm lượng chất hữu cơ trên 20%).

Bón lót: Bón toàn bộ lân và phân hữu cơ trước khi trồng 7 – 10 ngày, số còn lại chia làm 6 lần bón:

+ Lần 1: 7 ngày sau trồng 21 kg Urê.

+ Lần 2: 25 ngày sau trồng 21 kg Urê + 21 kg Kali.

+ Lần 3: 40 ngày sau trồng 42 kg Urê + 42 kg Kali.

+ Lần 4: 120 ngày sau trồng 63 kg Urê + 63 kg Kali.

+ Lần 5: 180 ngày sau trồng 84 kg Urê + 84 kg Kali.

+ Lần 6: Trước khi trổ buồng 84 kg Urê + 105 kg Kali.

Cách bón: Ở giai đoạn cây còn nhỏ (lần 1 và 2) có thể hoà tan phân vào nước tưới vào gốc cây. Các lần bón sau bón theo rãnh xung quanh tán cây và lấp đất lại. Khi cây được trên 6 tháng tuổi có thể bón đều khắp mặt liếp.


Tưới nước và quản lý cỏ dại:

– Trong 3 tháng đầu khi cây còn nhỏ tưới 1lần/ngày, thời gian về sau thì tưới 2 lần/ 1 tuần. Khi bón phân có kết hợp tưới nước.

– Khoảng 1 – 1,5 tháng/lần, làm sạch bằng tay xung quanh gốc bán kính từ 0,5 -1m, làm cỏ trước khi bón phân, phần cỏ ngoài mặt liếp dùng máy cắt sát 2 tuần 1 lần, không sử dụng thuốc hoá học để diệt cỏ.


Tỉa mầm để chồi non: Trên mỗi cây mẹ chỉ nên để 2 – 3 chồi con, các chồi còn lại nên tỉa bỏ, chọn giữ lại chồi mọc khoẻ, cách gốc 10 – 20cm, có thời gian cách nhau bốn tháng, sau 4 tháng để thêm 01 chồi nữa,  nên chọn chồi xa gốc cây mẹ và tránh vị trí dưới buồng chuối.Chăm sóc buồng khi trổ: Sau khi trồng 7 tháng chuối bắt đầu trổ buồng, sau khi trổ xong hàng hoa cái thì tiến hành cắt bỏ bắp chỉ chừa 8 – 10 nải tuỳ theo sinh trưởng của cây, nên tiến hành cắt bắp vào buổi trưa để hạn chế sự mất nhựa, sau đó phun thuốc trừ bọ trĩ và bệnh thối trái, tiến hành bao quày bằng túi vải màu trắng.
Thông thường 01 tháng sau khi cắt bắp tiến hành chống quày để tránh đổ ngã

Thu hoạchSau khi trồng 7 – 8 tháng chuối bắt đầu trổ buồng, đến 11 – 12 tháng ta có thể thu hoạch lứa đầu tiên, thu hoạch bằng cách đốn cả cây chuối sau đó cắt buồng, xẻ nải và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Chú ý thao tác thu hoạch phải nhẹ nhàn, thu hoạch lúc chuối già, không để chuối chín mới thu hoạch, vì dễ bị hư và dập.

Chăm sóc vườn chuối sau khi thu hoạch buồng: Cần đốn bỏ thân giả cây mẹ đã lấy buồng, nếu vườn có nhiều sâu bệnh có thể đào bỏ luôn củ cây mẹ, dọn vệ sinh như cắt bỏ các lá khô, bẹ lá khô và chuyển tất cả ra khỏi vườn trồng đặt ở nơi có kiểm soát được sâu bệnh cho cả vườn chuối; có thể sử dụng các vật liệu dọn vườn lúc thu hoạch buồng này làm nguồn phân hữu cơ góp phần cải thiện đất và sinh trưởng của chuối. Bón phân cho vụ thu buồng tiếp theo.

Thạc sỹ: Lê Văn Dũng