QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC LẠI DOANH NGHIỆP
Ngày nay, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên hoạt động kinh doanh luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, các doanh nghiệp có thể bị thua lỗ dẫn đến phá sản. Vì vậy, cần thay đổi, cơ cấu quy mô để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Cho nên doanh nghiệp lựa chọn tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Vậy vấn đề này được quy định như thế nào, hãy cùng NPLaw tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
I. Tổ chức lại doanh nghiệp là gì?
Tổ chức lại doanh nghiệp là những biện pháp nhằm thay đổi quy mô hoặc loại hình, theo quyết định của chủ doanh nghiệp phù hợp với từng giai đoạn kinh doanh. Căn cứ khoản 31 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau: Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
II. Đối tượng của tổ chức lại doanh nghiệp
Tổ chức lại doanh nghiệp có thể diễn ra ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, tuy nhiên do xuất phát từ nhu cầu quản lý nhà nước và yêu cầu điều chỉnh pháp luật, mỗi hình thức tổ chức lại doanh nghiệp có thể chỉ được diễn ra ở một hoặc một số loại hình doanh nghiệp nhất định. Cụ thể là Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần đều có thể được tổ chức lại theo các hình thức: chia, tách, hợp nhất hoặc sáp nhập. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp tư nhân, thì vì tính chất một chủ sở hữu và mỗi cá nhân chỉ được phép thành lập một doanh nghiệp tư nhân, cho nên doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể áp dụng các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp khi chuyển đổi sang loại hình công ty hợp danh, công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.
III. Đặc điểm của tổ chức lại doanh nghiệp
Tổ chức lại doanh nghiệp có các đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, về chủ thể thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định. Chủ thể thực hiện việc tổ chức lại doanh nghiệp phải là một tổ chức kinh tế hội đủ các điều kiện, như phải có tên riêng, có tài sản riêng, có trụ sở ổn định, được đăng ký thành lập một cách hợp pháp, có cơ cấu tổ chức theo luật định.Thứ hai, về tính chất: việc tổ chức lại doanh nghiệp là hoạt động làm thay đổi tư cách pháp lý, quy mô kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động này làm hình thành doanh nghiệp mới, thậm chí có thể là doanh nghiệp khác loại hình; đồng thời làm tăng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổ chức lại doanh nghiệp cũng có thể làm chấm dứt tư cách pháp lý của doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp.
Thứ ba, về hệ quả pháp lý: tổ chức lại doanh nghiệp là hoạt động diễn ra giữa nội bộ các doanh nghiệp liên quan và ít ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ với đối tác do cơ chế chuyển giao quyền và nghĩa vụ pháp lý cho doanh nghiệp sau khi tổ chức lại.
Thứ tư, về hình thức: Tổ chức lại doanh nghiệp diễn ra với các hình thức gồm: chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và chuyển đổi doanh nghiệp.
IV. Các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp
Căn cứ Chương IX Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, có 5 hình thức bao gồm:
1. Chia công ty
Căn cứ Điều 198 Luật doanh nghiệp 2020
Chia doanh nghiệp là trường hợp một doanh nghiệp bị chia thành hai hay nhiều doanh nghiệp mới và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp cũ. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị chia được chuyển từ doanh nghiệp bị chia sang cho các doanh nghiệp mới. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị chia) để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.
2. Tách công ty
Căn cứ Điều 199 Luật doanh nghiệp 2020 thì tách doanh nghiệp là biện pháp chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.
3. Hợp nhất doanh nghiệp
Căn cứ Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020.
Hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.
4. Sáp nhập doanh nghiệp
Căn cứ Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020.
Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
5. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp được quy định tại Điều 202 đến 205 Luật Doanh nghiệp 2020.
-
Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần;
-
Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
-
Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
-
Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh.
V. Các trường hợp nên tổ chức lại doanh nghiệp
Tổ chức lại doanh nghiệp thường thường được đặt ra khi: Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thay đổi; Nhu cầu quản trị doanh nghiệp thay đổi; Các chủ sở hữu doanh nghiệp phát sinh mâu thuẫn; Công ty thiếu thành viên dẫn đến số lượng thành viên công ty không còn đủ giới hạn tối thiểu; hoặc nâng cao năng lực cạnh tranh.
VI. Tổ chức lại doanh nghiệp khi chia và tách doanh nghiệp khác nhau như thế nào?
Điểm khác biệt nổi bật khi chia và tách doanh nghiệp thể hiện các tiêu chí sau đây:
Chia công ty
Tách công ty
Cách thức
Chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có vào các công ty bị chia.
Chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có vào công ty được tách mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.
Hệ quả pháp lý
Sau khi các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì công ty bị chia chấm dứt tồn tại.
Một hay nhiều doanh nghiệp mới có thể lựa chọn bất kỳ loại công ty nào, kể cả công ty hợp danh.
Cả công ty tách và bị tách đều tồn tại hoạt động sau khi thực hiện tách công ty.
Các công ty mới chỉ có thể là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.
Trách nhiệm pháp lý
Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện nghĩa vụ này.
Các công ty mới kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo nghị quyết, quyết định chia công ty.
Công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Các công ty được tách kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo nghị quyết, quyết định tách công ty.
VII. Giải đáp các thắc mắc về tổ chức lại doanh nghiệp
1. Tổ chức lại doanh nghiệp có phải đăng ký thuế không?
Theo Điều 38 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về việc đăng ký thuế trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp thì:
“1. Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh khi tổ chức lại doanh nghiệp thì thực hiện đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế khi tổ chức lại doanh nghiệp phải thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với tổ chức bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất hoặc thay đổi thông tin đối với tổ chức bị tách và đăng ký mới hoặc thay đổi thông tin đối với tổ chức mới sau khi chia, tách hoặc được sáp nhập, hợp nhất.”
Như vậy, với hai trường hợp là “đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp” và “đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế” thì khi tổ chức lại doanh nghiệp đều phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký thuế.
2. Công ty đại chúng ra quyết định về việc tổ chức lại doanh nghiệp thì có cần tiến hành công bố thông tin bất thường hay không?
Căn cứ điểm e, khoản 1 Điều 11 quy định về công bố thông tin bất thường tại Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, thì công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện: “e) Quyết định về việc tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp)…”
Như vậy, công ty đại chúng ra quyết định về việc tổ chức lại doanh nghiệp thì cần tiến hành công bố thông tin bất thường trong 24h.
3. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp có phải là một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp hay không?
Căn cứ khoản 31 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau: “Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.” Vì vậy chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp.
VIII. Dịch vụ tư vấn tổ chức lại doanh nghiệp
Hiện nay có rất nhiều văn phòng luật/công ty luật cung cấp dịch vụ tư vấn về tổ chức lại doanh nghiệp. Trong đó, NPLaw là công ty luôn đáp ứng sự tin tưởng của khách hàng. Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn, NPLaw tự hào là đơn vị chuyên nghiệp cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc tổ chức lại doanh nghiệp. Công ty chúng tôi tư vấn cho khách hàng các quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức lại doanh nghiệp; Soạn hồ sơ phục vụ cho việc thực hiện thủ tục; Đại diện khách hàng thực hiện thủ tục tại Phòng đăng ký kinh doanh; Thay mặt khách hàng nhận kết quả và bàn giao kết quả cho khách hàng.
Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về tổ chức lại doanh nghiệp mà NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: [email protected]