Quy định về tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng – Quy định mới – Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05/7/2018 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Theo đó, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản xử lý theo hình thức tiêu hủy như sau:

– Đối với tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng tại Điểm a Khoản 4 Điều 12 Thông tư 57/2018/TT-BTC nhưng không còn giá trị sử dụng bao gồm: thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản; hàng hóa dễ cháy, nổ (xăng, gas, dầu, khí hóa lỏng và các chất dễ cháy, nổ khác); thuốc chữa bệnh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật mà hạn sử dụng còn dưới 60 ngày theo hạn ghi trên bao bì, nhãn hàng; thực phẩm đã qua chế biến và các loại hàng hóa khác mà hạn sử dụng còn dưới 30 ngày theo hạn ghi trên bao bì, nhãn hàng; hàng hóa có tính chất thời vụ (hàng tiêu dùng theo mùa, phục vụ lễ, tết), hàng điện tử (các loại máy tính bảng, điện thoại thông minh) và các loại hàng hoá, vật phẩm khác nếu không xử lý ngay sau khi có quyết định tịch thu sẽ bị hư hỏng, bị mất giá trị, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản thành lập Hội đồng xử lý để tiêu hủy. Hội đồng xử lý do người ra quyết định tịch thu hoặc người được uỷ quyền làm Chủ tịch, các thành viên khác gồm: đại diện cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan tài chính tại địa bàn xảy ra hành vi vi phạm (trong trường hợp được cơ quan tài chính cấp trên uỷ quyền hoặc trường hợp người ra quyết định tịch thu thuộc cơ quan không tổ chức theo cấp hành chính) và đại diện các cơ quan chuyên môn liên quan.

– Đối với hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan, việc tiêu hủy được thực hiện đối với hàng hóa không còn giá trị sử dụng (mục nát, đổ vỡ, hư hỏng, giảm phẩm chất, quá hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng) hoặc thuộc diện buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật Việt Nam. Riêng đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường không xác định được chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền, đơn vị chủ trì quản lý tài sản phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện tiêu hủy. Đơn vị chủ trì quản lý tài sản tổ chức thực hiện việc tiêu hủy hoặc thuê các tổ chức có chức năng để thực hiện việc tiêu hủy; trường hợp việc tiêu hủy do đơn vị chủ trì quản lý tài sản thực hiện thì có thể giao cho doanh nghiệp quản lý hàng hóa tồn đọng huy động người lao động của doanh nghiệp để thực hiện.

– Đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân còn lại không thuộc trường hợp quy định trên, đơn vị chủ trì quản lý tài sản phối hợp với các cơ quan có chức năng thực hiện tiêu hủy.

– Việc tổ chức tiêu hủy tài sản được thực hiện như sau: Tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của hàng hoá, vật phẩm và yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường, việc tiêu huỷ được thực hiện theo các hình thức gồm: Sử dụng hóa chất; sử dụng biện pháp cơ học; hủy đốt; hủy chôn; hình thức khác theo quy định của pháp luật; Việc tiêu huỷ tài sản phải được lập biên bản. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm có: Căn cứ thực hiện tiêu hủy; thời gian, địa điểm tiêu hủy; thành phần tham gia tiêu hủy; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của tài sản tại thời điểm tiêu hủy; hình thức tiêu huỷ và các nội dung khác có liên quan; Đối với loại tài sản mà việc tiêu hủy làm ảnh hưởng đến môi trường thì phải được sự chấp thuận và hướng dẫn của cơ quan quản lý môi trường sở tại trước khi tổ chức tiêu hủy.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định các nội dung khác liên quan đến tổ chức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản nhưĐối với tài sản xử lý theo hình thức chuyển giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành, việc tổ chức thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP; Đối với tài sản xử lý theo hình thức giao hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng, việc tổ chức thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP; Đối với tài sản xử lý theo hình thức bán đấu giá;  Đối với tài sản được xử lý theo hình thức bán chỉ định hoặc niêm yết giá; Đối với tài sản được xử lý theo các hình thức còn lại thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP

Việc tổ chức xử lý tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện đối với tài sản của từng vụ việc. Trường hợp giá trị tài sản của một vụ việc dưới 100 triệu đồng/01 vụ việc thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản có thể tổng hợp tài sản của nhiều vụ việc để xử lý một lần nhưng thời hạn xử lý tối đa không quá 01 năm kể từ ngày có quyết định tịch thu hoặc có quyết định xác lập sở hữu toàn dân của cơ quan, người có thẩm quyền. .

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 8 năm 2018 bãi bỏ các văn bản sau: Thông tư số 159/2014/TT-BTC ngày 27/10/2014; Khoản 3 Điều 4; Điểm b Khoản 1, Khoản 2 Điều 5; Điều 7 và Điều 8 Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013; Điều 13, 14, 15, 16, 17, 18 và 19 Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014

Dương Thắm