QUY ĐỊNH VỀ THÔNG BÁO CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG – KNALaw – Tư vấn pháp lý kinh doanh toàn diện
Quy định về thông báo chấm dứt hợp đồng lao động
So với Bộ luật lao động 2012, Bộ luật lao động 2019 đã bổ sung thêm một điều luật cụ thể về Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, cụ thể:
“Điều 45. Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động
- Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 34 của Bộ luật này.
- Trường hợp người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động thì thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động tính từ thời điểm có thông báo chấm dứt hoạt động.
Trường hợp người sử dụng lao động không phải là cá nhân bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật theo quy định tại khoản 7 Điều 34 của Bộ luật này thì thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động tính từ ngày ra thông báo.”
Theo đó, khi NSDLĐ có ý định chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ thì phải thông báo chính thức bằng văn bản, ngoại trừ trường hợp xử lý kỷ luật sa thải đối với NLĐ hoặc NLĐ đang lâm vào hoàn cảnh quy định tại khoản 4, 5 ,6 và 7 Điều 34.
Quy định này đã khắc phục khoảng trống trong Bộ luật lao động 2012 về việc định hình rõ ràng về hình thức lẫn nội dung của việc thông báo chấm dứt hợp đồng lao động từ NSDLĐ.
Trước đây, không ít vụ án tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật được Tòa án giải quyết xuất phát từ những hành vi thông báo không rõ ràng, cụ thể bằng văn bản của NSDLĐ mà chỉ là những lời trút giận, có khi là ám chỉ từ chủ doanh nghiệp hoặc quản lý trực tiếp thông qua những tin nhắn qua điện thoại, một cuộc gọi hoặc một email trút giận từ cấp trên. Với những lao động có kiến thức hạn chế về pháp luật, những hành động này làm cho họ tưởng chừng như đã bị công ty chính thức cho nghỉ việc nên đã tự nghỉ. Sau đó NLĐ khởi kiện công ty ra Tòa yêu cầu bồi thường. Nhưng đến khi Tòa thụ lý giải quyết thì xác định công ty không có thông báo chính thức về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, hành vi của người lao động là tự ý nghỉ việc dẫn đến yêu cầu khởi kiện của NLĐ bị bác bỏ, vừa mất việc mà vừa mất tiền kiện tụng nhưng thất bại.
Với quy định mới tại Điều 45 nêu trên, doanh nghiệp cần phải chú ý và bổ sung vào nội quy lao động và quy trình áp dụng chế tài đối với NLĐ khi có hành vi vi phạm nội quy, đảm bảo quá trình xây dựng bộ máy nhân sự của công ty hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.
Trên đây là các thông tin cơ bản, để biết thêm chi tiết Quý khách vui lòng liên hệ KNA để được hướng dẫn cụ thể hơn.
Trân trọng.