Quy định về hướng dẫn viên du lịch, thẻ hướng dẫn viên du lịch
Điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch là gì ? Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch ? Quyền và nghĩa vụ của hướng dẫn viên du lịch theo quy định hiện nay như thế nào? Luật Minh Khuê xin giải đáp vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Mục Lục
1. Quy định về hướng dẫn viên du lịch, thẻ hướng dẫn viên du lịch
– Hướng dẫn viên du lịch bao gồm hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
– Phạm vi hành nghề của hướng dẫn viên du lịch được quy định như sau:
a) Hướng dẫn viên du lịch quốc tế được hướng dẫn cho khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong phạm vi toàn quốc và đưa khách du lịch ra nước ngoài;
b) Hướng dẫn viên du lịch nội địa được hướng dẫn cho khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam trong phạm vi toàn quốc;
c) Hướng dẫn viên du lịch tại điểm được hướng dẫn cho khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch.
– Điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch bao gồm:
a) Có thẻ hướng dẫn viên du lịch;
b) Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa;
c) Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 1 Công văn 120/TCDL-LH năm 2018 như sau:
1. Điều kiện hành nghề hướng dẫn viên
1.1. Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, để được hành nghề hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa, người hành nghề hướng dẫn phải có đồng thời 3 điều kiện sau:
(1) Có thẻ hướng dẫn viên du lịch;
(2) Có hợp đồng lao động lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch. Trong trường hợp không có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn, hướng dẫn viên phải là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch; theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 65 Luật Du lịch, việc tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp là quyền của hướng dẫn viên, hướng dẫn viên có quyền lựa chọn là thành viên của doanh nghiệp hoặc là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp; hướng dẫn viên là nhân viên của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng có quyền lựa chọn tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
(3) Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch, cụ thể như sau:
– Đối với hướng dẫn viên là nhân viên hợp đồng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành (thể hiện qua hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng) – đáp ứng yêu cầu tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, khi thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn du lịch cho đoàn khách du lịch của doanh nghiệp này, hướng dẫn viên phải có văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đó – đáp ứng điểm c khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch.
– Đối với hướng dẫn viên là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc là nhân viên hợp đồng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch (thể hiện qua văn bản xác nhận của tổ chức xã hội – nghề nghiệp; hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch) – đáp ứng yêu cầu tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, khi thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn du lịch cho đoàn khách du lịch của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khác, phải có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp đó. Hợp đồng hướng dẫn cũng là một loại hợp đồng nhưng là hợp đồng theo từng vụ việc, tuy nhiên, nội dung của hợp đồng hướng dẫn khác với nội dung của hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch ở nội dung công việc thực hiện, thời gian thực hiện và các nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp ký hợp đồng hướng dẫn.
Các nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng lao động như trách nhiệm đóng, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm y tế và Luật việc làm.
– Thẻ hướng dẫn viên du lịch bao gồm thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa và thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa có thời hạn 05 năm.
– Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
2. Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch
Được quy định tại Điều 59 Luật Du lịch năm 2017, cụ thể như sau:
– Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa bao gồm:
a) Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam;
b) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
c) Không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng chất ma túy;
d) Tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành hướng dẫn du lịch; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch nội địa.
– Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế bao gồm:
a) Điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
b) Tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành hướng dẫn du lịch; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế;
c) Sử dụng thành thạo ngoại ngữ đăng ký hành nghề.
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 13 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL như sau:
Điều 13. Tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế
1. Người sử dụng thành thạo ngoại ngữ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 59 Luật Du lịch là người đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành ngoại ngữ;
b) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên theo chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài;
c) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên ở nước ngoài;
d) Có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận ngoại ngữ bậc 4 trở lên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc B2 trở lên Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung Châu Âu, còn thời hạn hoặc được cấp trong vòng 05 năm đối với chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận ngoại ngữ không quy định thời hạn, do tổ chức, cơ quan có thẩm quyền cấp đạt mức yêu cầu theo quy định tại Phụ lục I Thông tư này.
2. Văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm bao gồm:
a) Điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
b) Đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm do cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh tổ chức.
– Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về mẫu thẻ, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; nội dung kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm; tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ.
3. Quyền và nghĩa vụ của hướng dẫn viên du lịch
Được quy định tại Điều 65 Luật Du lịch năm 2017, cụ thể như sau:
3.1. Hướng dẫn viên du lịch có quyền sau đây:
a) Tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch;
b) Nhận tiền lương và khoản thù lao khác theo hợp đồng;
c) Tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề hướng dẫn du lịch;
d) Trong trường hợp khẩn cấp hoặc bất khả kháng, được quyền thay đổi chương trình du lịch, điều chỉnh tiêu chuẩn, dịch vụ của khách du lịch.
3.2. Hướng dẫn viên du lịch có nghĩa vụ sau đây:
a) Hướng dẫn khách du lịch theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng hướng dẫn;
b) Tuân thủ, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật nơi đến du lịch, nội quy nơi đến tham quan; tôn trọng phong tục, tập quán của địa phương;
c) Thông tin cho khách du lịch về chương trình du lịch, dịch vụ và các quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch;
d) Hướng dẫn khách du lịch theo đúng chương trình du lịch, có thái độ văn minh, tận tình và chu đáo với khách du lịch; báo cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quyết định thay đổi chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu;
đ) Có trách nhiệm hỗ trợ trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;
e) Tham gia khóa cập nhật kiến thức theo quy định tại khoản 4 Điều 62 của Luật này;
g) Đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch trong khi hành nghề hướng dẫn du lịch;
h) Hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa phải mang theo giấy tờ phân công nhiệm vụ của doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch và chương trình du lịch bằng tiếng Việt trong khi hành nghề. Trường hợp hướng dẫn khách du lịch quốc tế thì hướng dẫn viên du lịch phải mang theo chương trình du lịch bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
4. Trách nhiệm quản lý hướng dẫn viên du lịch
– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và hoạt động hướng dẫn du lịch trên phạm vi toàn quốc.
– Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và hoạt động hướng dẫn du lịch trên địa bàn.
– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch có trách nhiệm sau đây:
a) Kiểm tra, giám sát hoạt động của hướng dẫn viên du lịch trong việc tuân thủ pháp luật và hợp đồng đã ký với doanh nghiệp;
b) Bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề hướng dẫn du lịch.
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng.