Quy định về hóa đơn giá trị gia tăng của doanh nghiệp

Hóa đơn giá trị gia tăng là một trong những chứng từ quan trọng của doanh nghiệp, liên quan đến thủ tục kế toán, thuế. Có rất nhiều thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến quy định về hóa đơn giá trị gia tăng (hay còn gọi là hóa đơn VAT- Hóa đơn đỏ). Vì vậy, NTV xin chia sẻ thông tin dưới đây để quý khách hàng có thể hiểu rõ.

Hóa đơn giá trị gia tăng là gì

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính:

Hóa đơn giá trị gia tăng là loại hóa đơn dành cho các tổ chức khai, tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động sau:

+ Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa;

+ Hoạt động vận tải quốc tế;

+ Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;

+ Xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài.

Phân loại hóa đơn giá trị gia tăng

a) Hóa đơn giá trị gia tăng đầu ra

Doanh nghiệp khi bán hàng hóa, dịch vụ phải lập hóa đơn và giao cho khách hàng. Hóa đơn phải được lập ngay khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo đúng các nội dung, chỉ tiêu in sẵn trên mẫu hóa đơn.

Doanh nghiệp thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT phải sử dụng hóa đơn GTGT, kể cả trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên khi doanh nghiệp xuất hóa đơn giá trị gia tăng phải hợp lý, chặt chẽ và đúng nguyên tắc theo quy định của luật và cơ quan tài chính thì hóa đơn đó mới được cơ quan thuế chấp nhận.

b) Các chứng từ cần thiết đối với một hoá đơn GTGT mua vào hoặc bán ra:

+ Hợp đồng mua, hợp đồng bán hàng hóa (Hợp đồng mua bán hàng hoá). Trong trường hợp Hợp đồng không ghi chi tiết danh mục các mặt hàng bán ra cần có Phụ lục Hợp đồng ghi chi tiết danh mục hàng hoá mua vào hoặc bán ra);

+ Phiếu xuất kho; Phiếu nhập kho đối với hàng hoá bán ra hoặc mua vào;

+ Phiếu thu, phiếu chi ghi lại số tiền giao dịch với khách hàng;

+ Biên bản thanh lý hợp đồng mua bán.

c) Một số lưu ý đặc biệt:

+ Tại các văn bản và chứng từ nêu trên đều phải ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu;

+ Chỉ xuất hoá đơn đối với các doanh nghiệp đã được cấp GCN ĐKKD;

+ Khi xuất hóa đơn phải ghi đúng mức thuế suất áp dụng.

d) Kiểm tra có bỏ sót hóa đơn không

Doanh nghiệp hàng tháng phải rà soát lại toàn bộ hóa đơn xuất ra mỗi tháng, để chắc chắn không bỏ sót hóa đơn nào, nếu bỏ sót thì ngay lập tức phải lập hóa đơn bổ sung và kê khai nộp thuế;

Xem thêm: Dịch vụ thành lập doanh nghiệp mới – trọn gói

Quy định về hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào

Để hóa đơn đủ điều kiện khấu trừ và đáp ứng các yêu cầu của pháp luật thuế hiện hành doanh nghiệp cần phải lưu ý đặc biệt đối với hóa đơn giá trị tăng tăng đầu vào của doanh nghiệp.

– Đối với hóa đơn đầu vào có giá trị từ 20 triệu trở lên:

Điều kiện bắt buộc với hóa đơn mua vào có giá trị từ 20 triệu: Là phải chuyển tiền qua ngân hàng thanh toán mới được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Một số lưu ý cụ thể:

+ Hóa đơn được thanh toán làm nhiều lần:

Khi thanh toán nhiều lần hóa đơn đó thì tất cả các lần đều phải chuyển khoản qua Ngân hàng. Kể cả lần đặt cọc đầu tiên để làm cơ sở cho việc mua bán. Trường hợp nếu đã đặt cọc bằng tiền mặt và khấu trừ luôn vào tiền hàng thì yêu cầu nhà cung cấp trả lại tiền đặt cọc đó và chuyển trả lại cho nhà cung cấp qua Ngân hàng. Nếu không phần tiền mặt đó sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng trong hóa đơn mua vào.

+ Đối với hóa đơn mua cùng trong một ngày:

Trường hợp trong cùng một ngày mua liên tiếp hàng hóa của một đơn vị. Nhưng chia nhỏ ra làm nhiều hóa đơn giá trị gia tăng giá trị dưới 20tr để làm cơ sở thanh toán tiền mặt thì vẫn bị loại thuế giá trị gia tăng. Do đó cần phải để ý khi nhận hóa đơn của một đơn vị. Tránh trường hợp số tiền mua bán có vượt quá 20 triệu đồng.

+ Chuyển tiền qua ngân hàng:

Việc chuyển tiền qua Ngân hàng để thanh toán cho hóa đơn từ 20 triệu trở lên có nghĩa là phải chuyển từ tài khoản Ngân hàng mang tên công ty mình sang tài khoản ngân hàng mang tên nhà cung cấp, do đó nếu chuyển tiền từ một tài khoản không mang tên mình hoặc chuyển tiền sang một tài khoản không mang tên công ty người bán trên hóa đơn thì đều không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Tài khoản chuyển khoản thanh toán phải được đăng ký theo mẫu 08 với cơ quan thuế.

+ Thời điểm thanh toán:

Tại thời điểm kê khai nếu chưa đến thời hạn thanh toán theo hợp đồng và người mua hàng chưa trả tiền thì vẫn được kê khai thuế giá trị gia tăng khấu trừ bình thường, nhưng nếu đến thời hạn quyết toán, thời hạn thanh toán đã hết mà vẫn chưa thanh toán thì phần thuế giá trị gia tăng này bị loại ra và không được khấu trừ.

Xem thêm: Thủ tục xin cấp giấy phép đăng ký kinh doanh

– Lưu ý khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với tài sản cố định:

Nếu tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống, có giá trị vượt trên 1,6 tỷ đồng thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng đó thì sẽ không được khấu trừ. Nhưng nếu có ngành nghề là vận tải thì lại được khấu trừ.

– Đối với hóa đơn thuê văn phòng, trụ sở:

Nhiều doanh nghiệp thuê văn phòng là các căn hộ, nhà của các cá nhân không phát hành hóa đơn giá trị gia tăng. Do đó bên cho thuê phải lên cơ quan thuế mua hóa đơn bán hàng để phát hành hóa đơn cho doanh nghiệp và nộp các loại thuế bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đối với loại hóa đơn này không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên một số kế toán ở một số đơn vị nhìn thấy trong bảng tính thuế của cơ quan thuế thì có phần thuế GTGT nên lập vào bảng kê chứng từ. Loại thuế này sẽ bị loại bỏ khi quyết toán.

– Hóa đơn đã kê khai năm trước năm sau hạch toán:

Đối với hóa đơn nếu đã kê khai trên tờ khai của năm nay nhưng lại không đưa vào hạch toán của năm mà lại hạch toán sang năm sau thì giá trị gia tăng của hóa đơn của năm đó sẽ không được khấu trừ.

– Xử lý tình huống khi bị mất hóa đơn đầu vào:

Trường hợp doanh nghiệp mất hóa đơn GTGT đầu vào thì phải photo lại liên 1, và xin xác nhận sao y bản chính của công ty xuất hóa đơn. Tuy vậy, phần thuế giá trị gia tăng của hóa đơn bị mất này sẽ không được khấu trừ.