Quy định phân loại, phân cấp loại công trình đường bộ mới nhất 2023
Công trình đường bộ bao gồm các công trình nào? Hệ thống mạng lưới đường bộ? Quy định phân loại, phân cấp loại công trình đường bộ mới nhất 2023?
1. Phân loại và phân cấp công trình xây dựng
Điều 3 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về Phân loại và phân cấp công trình xây dựng, theo đó:
Căn cứ tính chất kết cấu và công năng sử dụng, công trình xây dựng được phân loại như sau:
– Theo tính chất kết cấu, công trình được phân thành các loại gồm: nhà kết cấu dạng nhà; cầu, đường, hầm, cảng; trụ, tháp, bể chứa, silô, tường chắn, đê, đập, kè; kết cấu dạng đường ống, các kết cấu khác;
– Theo công năng sử dụng, công trình được phân thành các loại gồm: công trình sử dụng cho mục đích dân dụng; công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp; công trình cung cấp các cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật; công trình phục vụ giao thông vậ tải; công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; công trình sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh và được quy định chi tiết tại Phụ lục I Nghị định này.
Công năng sử dụng của công trình có thể được tạo ra bởi một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ gồm nhiều hạng mục công trình có mối quan hệ tương hỗ với nhau tạo nên công năng chung. Dự án đầu tư xây dựng có thể có một, một số công trình độc lập hoặc tổ hợp công trình chính hoặc dây chuyền công nghệ chính, Công trình nằm trong tổ hợp công trình hoặc một dây chuyền công nghệ là hạng mục công trình trong tổ hợp công trình hoặc dây chuyền công nghệ.
– Cấp công trình xây dựng được xác định cho từng loại công trình theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020.
– Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về viêc sử dụng cấp công trình quy định tại khoản 2 Điều này trong quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng công trình sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.
Điều 5 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi bổ sung 2020) quy định về loại, cấp công trình xây dựng như sau:
– Loại công trình xây dựng được xác định theo tính chất kết cấu và công năng sử dụng công trình.
– Cấp công trình xây dựng được xác định cho từng loại công trình gồm:
+ Cấp công trình xây dựng phục vụ quản lý hoạt đông đầu tư xây dựng quy định tại Luật này được xác định căn cứ vào quy mô, mức độ quan trọng, thông số kỹ thuật của công trình, bao gồm cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III và cấp IV, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
+ Cấp công trình xây dựng phục vụ thiết kế xây dựng công trình đực quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Cấp công trình phục vụ quản lý các nội dung khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Khái niệm Công trình đường bộ
Theo Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
– Công trình đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác.
– Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác trên đường bộ phục vụ giao thông và hành lang an toàn đường bộ.
Mục IV Phụ lục I Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về Công trình phục vụ giao thông vận tải (công trình giao thông), theo đó:
Công trình kết cấu dạng cầu, đường, hầm hoặc dạng kết cấu khác (một công trình độc lập hoặc một tổ hợp các công trình) sử dụng làm các cơ sở, tiện ích, cấu trúc phục vụ trực tiếp cho giao thông vận tải; điều tiết, điều phối các hoạt động giao thông vận tải; bao gồm:
– Công trình đường bộ: Đường ô tô cao tốc; đường ô tô; đường trong đô thị; đường nông thôn.
– Bến phà, bến xe; cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ; trạm thu phí; trạm dừng nghỉ.
– Công trình đường sắt:
+ Đường sắt cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị (đường sắt trên cao, đường tàu điện ngầm/Metro); đường sắt quốc gia; đường sắt chuyên dụng và đường sắt địa phương;
+ Ga hành khách, ga hàng hoá; ga deport; các kết cấu rào chắn, biển báo phục vụ giao thông.
Chú thích: Công trình sản xuất, đóng mới phương tiện đường sắt (đầu máy, toa tàu) thuộc loại công trình phục vụ sản xuất công nghiệp – Mục II Phụ lục này.
– Công trình cầu: Cầu đường bộ, cầu bộ hành (không bao gồm cầu treo dân sinh); cầu đường sắt; cầu phap; cầu treo dân sinh.
– Công trình hầm: Hầm tàu điện ngầm, hầm đường ô tô, hầm đường sắt, hầm cho người đi bộ.
– Công trình đường thuỷ nội địa, hàng hải:
+ Công trình đường thuỷ nội địa: Cảng, bến thuỷ nội địa; bến phà, âu tàu; công trình sửa chữa phương tiện thuỷ nội địa (bến, ụ, triềnm, đà, sàn nâng,…); luồng đường thuỷ (trên sông, hồ, vịnh và đường ra đảo, trên kênh đào); các khu vực neo đậu; công trình chỉnh trị (hướng dòng/bảo vệ bờ).
+ Công trình hàng hải: Bến, cảng biển; bến phà; âu tàu; công trình sửa chữa tàu tàu biển (bến, ụ, triền, đà, sàn nâng,…); luồng hàng hải; các khu vực, các công trình neo đậu; công trình chỉnh trị (đê chắn sóng/chắn cát, kè hướng dòng/bảo vệ bờ).
– Các công trình đường thuỷ nội địa, hàng hải khác: Hệ thống phao báo hiệu hàng hải trên sông, trên biển; đăng tiêu; công trình chỉnh trị, đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ; hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS) và các công trình hàng hải khác.
– Công trình hàng không: Khu bay (bao gồm cả các công trình đảm bảo bay); nhà gia hành khách, nhà ga hàng hoá, khu kỹ thuật máy bay (hangar), kho hàng hoá,…
– Tuyến cáp treo và nhà ga để vận chuyển người và hàng hoá.
– Cảng cạn.
– Các công trình khác như: trạm cân, cống, bể, hào, hầm, tuy nen kỹ thuật và kết cấu khác phục vụ giao thông vận tải.
3. Phân loại đường bộ
Điều 39 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về Phân loại đường bộ như sau:
– Mạng lưới đường bộ được chia thành sáu hệ thống, gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng, quy định như sau:
+ Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ ba địa phương trở lên; đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khấu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng, khu vực;
+ Đường tỉnh là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh;
+ Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện;
+ Đường xã là đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương hoặc đường nối với các xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của xã;
+ Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị;
+ Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Thẩm quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường bộ quy định như sau:
+ Hệ thống quốc lộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định;
+ Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi thoả thuận với Bộ Giao thông vận tải (đối với đường tỉnh) và thoả thuận với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng (đối với đường đô thị);
+ Hệ thống đường huyện, đường xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định sau khi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý;
+ Hệ thống đường chuyên dùng do cơ quan, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng quyết định sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với đường chuyên dùng đấu nối vào quốc lộ; ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với đường chuyên dùng đấu nối vào đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện; ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với đường chuyên dùng đấu nối vào đường xã.
Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê gửi tới Quý bạn đọc các nội dung liên quan đến công trình đường bộ. Mọi vướng mắc vui lòng liên hệ tới Luật Minh Khuê qua số tổng đài 19006162 để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên của chúng tôi hỗ trợ tư vấn và giải đáp nhanh chóng. Trân trọng./.