Quy định mới về xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy
Phổ biến giáo dục pháp luật
Quy định mới về xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy
Cập nhật ngày: 17-08-2021 | 16:39:10 GMT +7, lượt xem: 816
Ngày 13⁄11⁄2020, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022, đáng chú ý là có các quy định liên quan đến áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy, cụ thể như sau:
1. Về đối tượng áp dụng
Luật XLVPHC hiện hành quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (CSCNBB) là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC đã sửa đổi quy định nêu trên theo hướng không quy định cụ thể đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB mà dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy. Cụ thể, Khoản 1 Điều 96 được sửa đổi như sau: “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy”.
Quy định nêu trên xuất phát từ việc giữa các quy định về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB tại Luật XLVPHC và Luật Phòng, chống ma túy có một số điểm không thống nhất. Tại Khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (đối với người có nơi cư trú ổn định) mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy quy định: Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào CSCNBB. Như vậy, theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà vẫn còn nghiện thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB, tuy nhiên, theo quy định của Luật XLVPHC, những người này lại không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC được tiến hành soạn thảo cùng thời điểm dự án Luật Phòng, chống ma túy cũng đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Luật Phòng, chống ma túy quy định mang tính tổng thể về cai nghiện ma túy cho người nghiện ma túy như các biện pháp cai nghiện ma túy (cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc) và các hình thức cai nghiện ma túy (cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy). Trong khi đó, Luật XLVPHC chỉ quy định về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB đối với người nghiện ma túy. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cũng đã dự kiến quy định cụ thể các trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất giữa 02 Luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC quy định theo hướng dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy khi quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB.
2. Về điều kiện áp dụng
Một trong những điểm mới nổi bật liên quan đến vấn đề xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC lần này là quy định về điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB. Theo quy định của khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC, người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định phải trải qua biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB. Trong khi đó, đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì sẽ không phải trải qua biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà áp dụng ngay biện pháp đưa vào CSCNBB. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC đã bỏ quy định áp dụng biện pháp “tiền đề” giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB đối với đối tượng là người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định.
Quy định mới này của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC đồng nghĩa với việc sẽ không còn sự phân biệt giữa người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định và người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định. Theo đó, tất cả các đối tượng nêu trên, nếu có đủ các điều kiện theo quy định của Luật sẽ bị áp dụng ngay biện pháp đưa vào CSCNBB.
Một trong những lý do dẫn đến việc sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên xuất phát từ quan điểm cho rằng, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp được áp dụng nhằm mục đích giáo dục, quản lý người vi phạm tại nơi cư trú nhưng lại được áp dụng đối với người nghiện ma túy là không phù hợp vì đây là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này. Thực tế triển khai thời gian vừa qua cũng cho thấy, việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn không thực sự hiệu quả, nhiều khi mang tính hình thức; làm kéo dài thời gian áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB. Mặt khác, việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy làm phát sinh thực trạng gây bất ổn an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi có quá nhiều người nghiện mặc nhiên sinh sống tại địa bàn dân cư mà không có biện pháp để quản lý hữu hiệu, gây nhiều nguy cơ rủi ro đối với cộng đồng.
3. Về thủ tục áp dụng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC đã sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính liên quan đến người nghiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc, quá trình áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng, cụ thể:
Luật sửa đổi các quy định liên quan đến thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng: (1) Không quy định việc kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc lập; (2) không quy định thẩm quyền kiểm tra tính pháp lý của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB. Thay vào đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC quy định rõ, cơ quan nào lập hồ sơ đề nghị thì phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ (Điều 103). Bởi vì, thực tế cho thấy quy định việc kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc lập không thật sự cần thiết, không có hiệu quả, làm kéo dài thời gian xem xét, áp dụng.
Quy định nêu trên cũng nhằm giải quyết thực trạng hiện nay, các cơ quan gặp rất nhiều vướng mắc khi thực hiện thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB do thủ tục theo Luật XLVPHC phải trải qua rất nhiều bước, hồ sơ phải chuyển qua nhiều cơ quan, nhiều tầng nấc khác nhau trước khi chuyển sang Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện để xem xét, quyết định áp dụng. Nhiều cơ quan cùng xem xét và có ý kiến đối với hồ sơ đề nghị dẫn đến kéo dài thời gian lập hồ sơ trong khi TAND cấp huyện mới là cơ quan xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB.
Mặt khác, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình lập hồ sơ đề nghị đôi khi chưa bảo đảm hiệu quả, dẫn đến tình trạng kéo dài trong việc áp dụng biện pháp này. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB nói riêng và các biện pháp xử lý hành chính nói chung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp này.
Phan Minh Thuận