Quốc tế – Tình hình khủng bố ở châu Phi đáng lo ngại…
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ phát biểu tại cuộc họp
Ngày 11/3, tại New York, Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên thảo luận về tình hình khủng
bố và bạo lực cực đoan tại châu Phi, theo sáng kiến của Trung Quốc, nước
Chủ tịch luân phiên của HĐBA tháng 3/2020.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng Thư ký
LHQ phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary
Dicarlo, Đại diện của Liên minh châu Phi tại LHQ Fatima Mohammed và Trợ
lý Tổng Thư ký LHQ kiêm Cố vấn đặc biệt của Tổng Giám đốc Chương trình
Phát triển LHQ (UNDP) Abdoulaye Dieye cho rằng tình hình khủng bố ở châu
Phi hiện nay đáng lo ngại, đặc biệt là tại các khu vực Sahel, Hồ Chad
và Sừng Châu Phi. Hoạt động khủng bố ở đây đang ảnh hưởng nghiêm trọng
tới hoà bình, an ninh và cuộc sống của người dân. Các báo cáo viên chỉ
ra các biện pháp giải quyết tình trạng khủng bố và bạo lực cực đoan
thông qua giải quyết các thách thức về chính trị, pháp quyền, bất bình
đẳng còn tồn tại ở khu vực, đẩy mạnh các khuôn khổ hợp tác và trao đổi
khu vực và quốc tế.
Các nước thành viên HĐBA bày tỏ quan
ngại sâu sắc về tình trạng khủng bố tại châu Phi và về tác động của
khủng bố đối với an ninh, ổn định và phát triển của khu vực. Các nước
chia sẻ quan điểm về việc cần có giải pháp toàn diện trong xử lý vấn đề
khủng bố và bạo lực cực đoan, trong đó có giải quyết các thách thức về
kinh tế – xã hội, bất bình đẳng và nhân quyền, tăng cường sự tham gia
của phụ nữ và thanh niên, giải quyết các thách thức về chính trị còn tồn
tại ở châu Phi. Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hỗ trợ quốc tế về
năng lực và nguồn lực trong vấn đề chống khủng bố và bạo lực cực đoan ở
châu Phi cũng như trong phát triển kinh tế-xã hội. Cũng tại cuộc họp,
HĐBA đã đồng thuận thông qua một Tuyên bố Chủ tịch đề cập các vấn đề
này.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình
Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, chia sẻ quan ngại về việc hoạt
động của các nhóm khủng bố đang đe doạ sự ổn định và phát triển của
nhiều nước ở châu Phi. Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý
gốc rễ của khủng bố thông qua giải quyết các vấn đề liên quan tới quản
trị, an ninh, bất bình đẳng và phát triển bền vững; cho rằng cần giải
quyết việc tài trợ và hỗ trợ cho khủng bố thông qua triển khai hiệu quả
các điều ước quốc tế và các nghị quyết liên quan của HĐBA có liên quan.
Đại sứ đề cao sự hợp tác của các nước châu Phi trong vấn đề này và kêu
gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với các nước châu Phi trong giải
quyết các thách thức khủng bố và bạo lực cực đoan./.