Quần xã là gì? Các đặc trưng cơ bản của quần xã là?

Quần xã là gì? Các đặc trưng cơ bản của quần xã là? Kính mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê để hiểu rõ hơn về chủ đề này nhé!

1. Quần xã là gì?

Quần xã là một tập hợp các quần thể sinh vật khác loài, cùng sinh sống với nhau trong một sinh cảnh, vào một khoảng thời gian nhất định. Các sinh vật trong quần xã có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và với môi trường sinh sống. Khi xét chung quần xã sinh vật và sinh cảnh bao bọc quanh nó, ta có được khái niệm hệ sinh thái. Các quần thể sinh vật trong quần xã có quan hệ tác động qua lại lẫn nhau và với môi trường để tồn tại (nói cách khác, sinh vật trong quần xã thích nghi với môi trường) và phát triển ổn định qua thời gian. Do đó, quần xã có cấu trúc tương đối ổn định. Ví dụ, Vườn quốc gia Cúc Phương ở nước ta là một quần xã rừng nhiệt đới, có nhiều quần thể sinh vật cùng sinh sống ở đây như chò xanh, chò chỉ, khướu mỏ dài… trong một thời gian dài.

Cũng giống như quần thể hay hệ sinh thái, quần xã là một cấp độ tổ chức sống của sinh giới vì có một cấu trúc tương đối ổn định; quần xã luôn phát trển và tiến dần đến một quần xã ổn định (diễn thế sinh thái). Các sinh vật trong quần xã có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; các thành phần trong quần xã và giữa quần xã với môi trường vô sinh có sự trao đổi; chuyển hoá vật chất và truyền năng lượng. Điều này cũng đúng với cả những quần xã nhân tạo như rừng Larose (Canada). Tiêu chuẩn để nhận biết một quần xã có thể dựa vào sự phù hợp của nó với cảnh quan hoặc sự khác biệt của quần xã đang xét với quần xã khác. Sự khác biệt đó được thể hiện qua các quần hợp có mặt trong đó. Quần hợp là một loại quần xã thực vật với thành phần xác định, có các đặc tính về nơi sống như nhau và sự tăng trưởng đồng nhất. Ví dụ, trên đảo Plum (Hoa Kỳ), quần hợp cây gỗ thông dầu và thạch nam giả thể hiện như một phân nhóm thực vật ở rừng ven biển. Tuy nhiên, trong thực tế sự xác định phạm vi của quần xã gặp nhiều khó khăn vì giữa các quần xã thường có vùng đệm.

Sinh thái học quần xã là một trong những ngành nghiên cứu thuộc lĩnh vực sinh thái học – khoa học môi trường với đối tượng nghiên cứu chính là quần xã và các vấn đề nảy sinh từ quần xã như: mối quan hệ trong quần xã, đa dạng quần xã, diễn thế sinh thái, khuếch địa sinh học… từ đó đề xuất ra các hành động, biện pháp kiểm soát sinh học để duy trì sự ổn định trong quần xã.

 

2. Đặc trưng cơ bản của quần xã

2.1. Đặc trưng về thành phần loài

– Các quần xã thường khác nhau về thành phần loài. Đặc trưng này biểu hiện ở số lượng loài trong quần xã và số lượng cá thể của mỗi loài, loài ưu thế và loài đặc trưng.

+ Loài ưu thế là loài đóng vai trò quan trọng, có sinh khối lớn hoặc do hoạt động mạnh ảnh hưởng tới cả quần xã. Trên cạn, loài thực vật có hạt thường là loài ưu thế.

+ Loài đặc trưng là loài chỉ có ở một quần xã nào đó, hoặc là loài có nhiều cá thể hơn hẳn. Ví dụ, loài đặc trưng của rừng Tam Đảo là cá cóc, loài đặc trưng của quần xã vùng đồi Vĩnh Phú là cây cọ, loài đặc trưng của rừng U MInh là cây tràm.

+ Ngoài ra, người ta còn phân biệt loài chủ chốt (loài khống chế phát triển nhiều loài khác), loài thứ yếu (thay thế cho loài ưu thế bị suy vong) và loài ngẫu nhiên (tình cờ có ở quần xã).

+ Độ phong phú (D) của một loài là tỉ lệ phần trăm số cá thể (hoặc sinh khối) của loài đó so với tổng số cá thể (hoặc tổng sinh khối) của tất cả các loài trong quần xã.

– Đặc trưng về thành phần loài biểu hiện tính đa dạng của quần xã, cho ta biết sự ổn định hay suy thoái của quần xã. Tính đa dạng của quần xã phụ thuộc vào nhân tố sinh thái vô sinh và hữu sinh. Vùng nhiệt đới ấm áp và mưa nhiều nên quần xã có tính đa dạng cao hơn vùng ôn đới, nhưng nguồn sống trong sinh cảnh có hạn, nên số lượng cá thể mỗi loài lại phải giảm đi.

 

2.2. Đặc trưng về phân bố loài (cấu trúc không gian của quần xã)

– Phân bố cá thể của các loài khác nhau trong không gian có quần xã tuỳ thuộc vào nhu cầu từng loài và đặc điểm từng vị trí trong sinh cảnh đó.

– Nhìn chung sự phân bố cá thể trong quần xã tự nhiên có xu hướng phân hoá ổ sinh thái, làm giảm bới cạnh tranh giữa các loài và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn sống của môi trường.

– Người ta phân biệt hai kiểu phân bố chính trong sinh cảnh của quần xã: phân bố theo chiều thẳng đứng và phân bố theo chiều ngang.

 

a. Phân bố theo chiều thẳng đứng

Phân theo tầng hoặc theo lớp

– Sự phân thành nhiều tầng cây phù hợp với điều kiện chiếu sáng khác nhau trong rừng mưa nhiệt đới: tầng vượt tán -> tầng tán rừng -> tầng cây gỗ dưới tán -> tầng cây nhỏ (thảm thực vật)

– Nói chung thì sự phân tầng của thực vật dẫn đến phân tầng của động vật: chim, côn trùng ở tán các cây cao; khỉ, vượn trèo, trăn leo, thú lớn sống trên mặt đất

– Ở biển, sự phân tầng (lớp nước) ở nhiều vùng theo chiều thẳng đứng cũng do ánh sáng quyết định bởi sự đâm xuyên vào nước của các tia đơn sắc là khác nhau.

 

b. Phân bố theo chiều ngang (theo mặt phẳng)

– Phân bố theo chiều ngang thường ở vùng có điều kiện sống thuận lợi như vùng đất màu mỡ, thức ăn dồi dào. Chẳng hạn như phân bố sinh vật trên bãi bồi hay phân bố sinh vật từ ven bờ tới vùng khơi xa. Ví dụ điển hình về phân bố thành phần loài theo chiều ngang là sự phân bố sinh vật ở nơi sông đổ ra biển (tức là vùng cửa sông). Một trong những nguyên nhân quyết định “địa chỉ” của mỗi nhóm loài tại đây là do nồng độ muối ở trong nước.

 

2.3. Đặc điểm về chức năng dinh dưỡng ở quần xã

– Theo chức năng, nghĩa là theo phương thức sống thì quần xã gồm có sinh vật tự dưỡng và sinh vật dị dưỡng.

+ Các sinh vật tự dưỡng có khả năng tự tổng hợp chất hữu cơ cho chúng từ chất vô cơ. Thuộc nhóm này chủ yếu là cây xanh và nhiều loài vi khuẩn hoá tổng hợp hoặc quang tổng hợp, chúng tạo ra nguồn hữu cơ sơ cấp cho quần xã.

+ Các sinh vật dị dưỡng phải tổng hợp chất hữu cơ cho chúng từ chất hữu cơ có sẵn, nguồ gốc là từ chất hữu cơ sơ cấp. Thuộc nhóm này chủ yếu là động vật và phần lớn vi sinh vật. Các động vật được chia thành: động vật ăn mùn bã (như giun), động vật ăn cỏ (bò, hươu…), ăn thịt (như hổ, báo…) và ăn tạp (lợn rừng). Còn vi sinh vật trong quần xã thường có chức năng phân giải chất hữu cơ thành vô cơ.

– Trong quần xã, các nhóm trên tạo nên chuỗi thức ăn, qua đó dòng năng lượng được vận chuyển.

 

3. Chú ý

– Trong quần xã, các quần thể tương tác với nhau và tương tác với môi trường.

– Các sinh vật trong quần xã gắn bó chặt chẽ với nhau và với môi trường như một thể thống nhất, nên quần xã thường có cấu trúc tương đối ổn định.

– Trong nghiên cứu chuyên sâu, các nhà khoa học còn dùng khái niệm quần xã để chỉ:

+ Một tập hợp nhóm loài cùng dạng sống. Ví dụ: quần xã sinh vật nổi, quần xã đáy hồ

+Một tập hợp nhóm loài cùng nơi. Ví dụ: quần xã cây ở rừng nhiệt đới, quần xã kiến ở thân cây

+ Một tập hợp nhóm loài ưu thế. Ví dụ: quần xã cây bụi…

Tóm lại, qua bài viết chúng ta biết được quần xã sinh vật là tập hợp các quần thể sinh vật thuộc nhiều loài khác nhau cùng sống trong một sinh cảnh. Các đặc trưng cơ bản của quần xã đó là: thành phần loài, phân bố loài và chức năng dinh dưỡng ở quần xã. Trân trọng cảm ơn!