Quan tâm chăm sóc sức khỏe học sinh

Nguy cơ từ quá tải

Năm học này, số học sinh lớp 1 tăng đột biến vì theo quan niệm dân gian là lứa tuổi đẹp “Rồng Vàng” (sinh năm 2012), cộng vào đó, tốc độ đô thị hóa chóng mặt, sự gia tăng của các khối nhà chung cư nhưng số trường học mới được xây dựng quá ít dẫn đến tình trạng quá tải ở khối lớp 1. Ghi nhận tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội như Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân), Dịch Vọng A, Nghĩa Đô, Mai Dịch.. (quận Cầu Giấy) số lượng học sinh đã ngấp nghé 70 em/lớp. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ được phép 35 em/lớp.

Việc quá đông học sinh nên ở nhiều lớp mỗi bàn học được bố trí đến ba học sinh ngồi, khiến các em gặp khó khăn khi viết bài cũng như khi tham gia các hoạt động của lớp. Cùng với đó, bàn ghế học tập không đúng tiêu chuẩn, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của học sinh. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều phụ huynh lo lắng khi con em họ mới chỉ đi học ít ngày đã cảm thấy mệt mỏi, chân tay rã rời chỉ vì lớp đông, bàn ghế chật hẹp.

Qua điều tra của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, tỷ lệ học sinh Việt Nam bị mắc bệnh cong vẹo cột sống chiếm tỷ lệ 15 – 25%. Trong đó, ngoài một số trẻ bị tật bẩm sinh thì phần lớn nguyên nhân là do kích thước bàn ghế không phù hợp với chiều cao học sinh, ngồi học không đúng tư thế, không ngay ngắn, nằm, quỳ, nghiêng khi học bài, mang vác cặp sách, ba-lô nặng… gây áp lực lên cột sống khiến cột sống không phát triển bình thường.

Bên cạnh đó, hiện nhiều học sinh nước ta đang mắc tật khúc xạ (cận thị, loạn thị và viễn thị). Điều tra của Bệnh viện Mắt T.Ư, Việt Nam hiện có trên ba triệu học sinh (độ tuổi 6 – 15) bị mắc các tật khúc xạ cần phải điều trị, trong đó 2/3 là bị cận thị. Còn theo Cục Y tế dự phòng, số học sinh mắc cận thị chiếm 20% – 35%. Đáng lo ngại, tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ ngày càng tăng nhanh, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị. Nguyên nhân chính của tình trạng này là việc học sinh ngồi học thiếu ánh sáng, ngồi sai tư thế thời gian dài, dinh dưỡng chưa đáp ứng, thời gian học tập căng thẳng và liên tục, không cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn. Cùng với đó, việc nhiều trẻ lạm dụng máy tính, chơi game, xem tivi quá nhiều cũng khiến cho tật khúc xạ ngày càng tăng.

Nhiều dịch bệnh mùa tựu trường

Thời điểm năm học mới bắt đầu cũng là khoảng thời gian cao điểm của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó đáng lo ngại nhất là sởi, sốt xuất huyết và tay chân miệng. Tại Hà Nội, tính tới hết tháng 8-2018 đã ghi nhận khoảng 300 ca mắc sởi, tăng hơn bốn lần so với cả năm 2017. Cùng với đó, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng đang gia tăng nhanh với hàng chục trường hợp mắc mới được ghi nhận mỗi tuần.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng cho biết, bệnh tay chân miệng thường tăng mạnh, bùng phát vào mùa tựu trường là do bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc. Để phòng bệnh tay chân miệng, các cơ sở giáo dục phải vận động học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, rửa tay bằng xà-phòng. Các trường học phải bố trí đủ bồn rửa tay có vòi nước và xà-phòng ở những vị trí thuận lợi cho học sinh rửa tay. Đối với trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà-phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Trong khi đó đối với bệnh sốt xuất huyết, để ngăn không cho dịch bùng phát vào mùa tựu trường, cần đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường phối hợp với các trường học để triển khai các biện phòng ngừa như phun thuốc vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, bảo đảm vệ sinh trường học.

CÁC CHUYÊN GIA Y TẾ KHUYẾN CÁO:

Cho học sinh ngồi học đúng tư thế, lưng thẳng, đầu ngẩng, không ngồi vẹo lệch sang một bên. Bàn ghế phải có kích thước phù hợp với trẻ, hạn chế cho trẻ mang vác những vật nặng, tập luyện thể thao với cường độ cao.

Học sinh phải có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ 1 giờ phải nghỉ 10 – 15 phút. Việc điều chỉnh tư thế ngồi học ngay từ bậc tiểu học cần được đặc biệt chú ý, rèn giũa để thành thói quen.