Quản lý yếu kém, một vấn đề bức xúc của giáo dục
Trách nhiệm và quyền hạn
Có lẽ, trong số 64 sở giáo dục và đào tạo tỉnh, thành phố trong cả nước. Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðà Nẵng là cơ sở thuận lợi nhất. Bởi vì Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố này được giao quyền tự chủ cả hai mặt: tài chính, nhân sự, bên cạnh quyền tự chủ vốn có của ngành – tự chủ về chuyên môn. Tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cao. Chính vì thế, theo Giám đốc Huỳnh Văn Hoa, Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðà Nẵng có nhiều thẩm quyền quyết đoán, làm được nhiều việc hiệu lực trong quản lý.
Ngoài những mục tiêu lớn mà giáo dục Ðà Nẵng gặt hái khá sớm, đó là phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (năm 2001), phổ cập giáo dục THCS (đứng thứ hai, sau thủ đô Hà Nội), giáo dục Ðà Nẵng tâm đắc nhất với hai vấn đề: Một là, xây dựng nền nếp, kỷ cương giáo dục trước những tác động tiêu cực, phức tạp của kinh tế thị trường. Hai là, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ QLGD.
Việc xây dựng kỷ cương, nền nếp được bắt đầu từ cơ quan chỉ đạo – Sở Giáo dục và Ðào tạo. Từng phòng, ban quán triệt các chủ trương, đường lối, chỉ đạo giáo dục, từ đó thể hiện ở nền nếp, kỷ cương trong các trường học, cấp học, phản ánh cụ thể từ việc soạn bài, giáo án, xây dựng hồ sơ, sổ sách, có kiểm tra, giám sát thường xuyên, đến việc cấp giấy phép cho giáo viên (từ tiểu học) dạy thêm, học thêm, đến những quy định nhỏ, như học sinh không được đi xe máy đến trường…
Với đặc điểm, đội ngũ hơn mười nghìn giáo viên, cán bộ quản lý, nhưng giáo viên (trong biên chế) không có người dưới chuẩn đào tạo, giáo dục Ðà Nẵng tạo điều kiện cho giáo viên các trường đi đào tạo trên chuẩn; cán bộ chuyên môn, chỉ đạo ở sở đi đào tạo trình độ thạc sĩ trở lên (trừ những người lớn tuổi). Sở còn mạnh dạn luân chuyển giáo viên, cán bộ QLGD cơ sở, tăng cường, củng cố chất lượng giáo dục ở các trường yếu kém, nhiều khó khăn, tạo sự đồng đều về mặt bằng chất lượng giữa các trường học, đồng thời bãi nhiệm cán bộ quản lý, giáo viên không đáp ứng yêu cầu năng lực, phẩm chất.
Với ba quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm, giáo dục Ðà Nẵng đạt hiệu quả: tham mưu cho thành phố hoạch định kế hoạch phát triển giáo dục đến năm 2010 với mạng lưới trường lớp phát triển tại các phường, xã; phát triển năm trường trung học chuyên nghiệp ngoài công lập, góp phần xã hội hóa giáo dục, tích cực phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (từ bậc tiểu học), góp phần đổi mới phương pháp dạy và học.
Thế nhưng, ngoại trừ Ðà Nẵng, QLGD của các tỉnh, thành phố trong cả nước, phổ biến chỉ có quyền tự chủ về chuyên môn, chưa được tự chủ cả về tài chính lẫn nhân sự. Giám đốc Sở giáo dục và Ðào tạo Quảng Nam, ông Trần Hường nhận định thẳng thắn: “QLGD có đặc thù riêng. Nên tránh một thói quen trong tư duy là chẳng cần đào tạo gì cũng có thể QLGD được. Có thế mới hạn chế được tình trạng người không có chuyên môn nhưng nếu cần cũng có thể làm giám đốc, phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo!”.
Phải nói thẳng rằng, mấy chục năm qua, những điều kiện cho QLGD các địa phương hoạt động có hiệu quả luôn ở tình trạng thăng trầm. Từng có lúc một phần ba số địa phương được tự chủ tài chính, một phần ba số khác được tự chủ về nhân sự, còn lại chẳng tự chủ bất cứ điều kiện nào. Có nơi như ở Hưng Yên đành xin quản lý 6% kinh phí dành cho thư viện trường học, thiết bị giáo dục. Có nơi như Thừa Thiên – Huế, Sở Giáo dục và Ðào tạo “được quyền” làm kế hoạch, gửi về Sở Tài chính để Sở Tài chính cấp kinh phí.
Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực mang tính xã hội rộng lớn, QLGD là một hoạt động mang tính nghiệp vụ (được đào tạo), tính chỉ đạo, nhưng lại chưa được tự chủ cả về tài chính lẫn nhân sự. Một thí dụ khá điển hình, đó là trường hợp một vị giám đốc sở giáo dục và đào tạo vô trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng cho toàn ngành trong một kỳ thi quốc gia, nhưng Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo chỉ có quyền đề nghị cách chức, còn có cách chức vị đó hay không, lại do UBND tỉnh sở tại. Cuối cùng, Bộ chỉ có quyền kỷ luật một vài vị quan chức tại cơ quan Bộ.
Nâng cao năng lực cán bộ QLGD cơ sở
Ngay tự chủ về chuyên môn, QLGD cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Chỉ đạo chuyên môn liên quan bộ máy cán bộ, phòng, ban ở sở. Mô hình Sở Giáo dục và Ðào tạo, cơ quan quản lý, chỉ đạo giáo dục địa phương xuất hiện, tồn tại mấy chục năm nay, trải qua ba lần cải cách giáo dục cùng công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông đang triển khai, nhưng đến giờ, bộ máy, cấu trúc, định biên cán bộ các phòng, ban của các sở cũng rất đa dạng, chẳng ai giống ai, trong khi ở trường học, bộ máy lại giống nhau. Thành thử, tiếng là được phân cấp quản lý, nhưng QLGD các địa phương lại ở tình trạng lỏng lẻo, phân tán, không ổn định và thiếu nhất quán.
Trước những lời kêu ca, mới đây, ngành giáo dục và đào tạo hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 21 giữa Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Bộ Nội vụ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn. Nhưng đọc kỹ, nhiều giám đốc sở thất vọng, vì: “Cái sở cần, bộ lại không có!”. Rút cục, nhiều sở do quá thiếu cán bộ chỉ đạo, nhất là thanh tra, vẫn phải tiếp tục sử dụng chuyên viên nguyên là giáo viên – ăn lương ở trường, làm việc cho sở, mà anh chị em hài hước gọi là các “chuyên viên lậu”.
Trong bối cảnh đó, đáng mừng là nhiều địa phương vẫn tìm kiếm các giải pháp đổi mới đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, nhất là nâng cao năng lực cán bộ QLGD cơ sở. Quảng Nam là một thí dụ. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo, QLGD cốt lõi là quản lý trường học. Nếu củng cố nâng cao năng lực đội ngũ QLGD từ cơ sở các trường học – sẽ nhân lên hiệu quả QLGD, vì “một trưởng phòng giáo dục và đào tạo khuyết điểm nhỏ chỉ hại nhỏ, nhưng nhiều hiệu trưởng trường học khuyết điểm nhỏ thì hại lớn”.
Với đội ngũ gần 20 nghìn giáo viên và mạng lưới gần 700 trường học, trong đó có 40 trường THPT, bên cạnh việc xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ QLGD cơ sở, có tiêu chí, bước đi rõ ràng, để “tham mưu” cho các cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục Quảng Nam đặc biệt coi trọng giải pháp đưa công nghệ thông tin vào QLGD ở cơ sở, trước hết là nâng cao năng lực này cho hiệu trưởng các trường THPT.
Từ Sở Giáo dục và Ðào tạo đến các phòng, ban, phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, các trường THPT… đều được trang bị máy vi tính, làm việc, xử lý vấn đề bằng CNTT. Nhưng đâu phải địa phương nào cũng làm được như Quảng Nam. Ở nhiều tỉnh, QLGD còn gặp nhiều khó khăn. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Gia Lai thì, trong QLGD, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ giáo viên được coi là khâu đột phá. Thế nhưng, bất cập lớn của đội ngũ này ở Gia Lai là còn tới hơn 700 giáo viên chưa được chuẩn hóa, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Ngành giáo dục Gia Lai cũng biết cần nâng cao năng lực cán bộ QLGD, thế nhưng khối lượng công việc lớn, cán bộ chỉ đạo ít, thường phải chuyên trách, kiêm nhiệm.
Ðổi mới cơ chế quản lý giáo dục, tăng cường chức năng quản lý nhà nước với giáo dục và đào tạo là điều cần thiết. Nhưng đổi mới như thế nào? Trong tầm tay, ngành giáo dục và đào tạo cần sớm thống nhất chức năng, quyền hạn của các sở; định rõ biên chế các phòng, ban, cơ cấu, bộ máy một cách ổn định, phù hợp thực tiễn các địa phương, vùng, miền, các địa bàn. Bên cạnh đó là việc phân quyền, phân cấp quản lý rành mạch và tăng cường bộ máy, chức năng thanh tra, kiểm tra.