Quản lý về an toàn thực phẩm ở huyện Sơn Tịnh-quan ly ve an toan thuc pham o huyen son tinh

Quản lý về an toàn thực phẩm ở huyện Sơn Tịnh

An toàn thực phẩm là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Trong thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Sơn Tịnh đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng việc thực hiện công tác này hiện đang gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với cấp cơ sở.

Từ đầu năm 2018 đến nay, việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP)  được huyện Sơn Tịnh thực hiện thường xuyên thông qua hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành, đã tổ chức kiểm tra gần 250 cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, phát hiện 34 cơ sở vi phạm, các cơ sở này đã bị xử lý và cam kết không vi phạm; tiêu hủy gần 110 kg sản phẩm các loại không đảm bảo tiêu chuẩn ATTP. Tuy nhiên điều đáng bàn là việc kiểm tra chủ yếu mang tính nhắc nhở, tuyên truyền; công tác quản lý ATTP tuyến xã gặp nhiều khó khăn do hầu hết các cán bộ không có chuyên môn trong lĩnh vực này. Quá trình kiểm tra thiếu dụng cụ phân tích, kiểm nghiệm. Việc kiểm tra ATTP chủ yếu bằng cảm quan, bằng mắt thường; nếu được trang bị thì chỉ có bộ thử nhanh thực phẩm chả, giò chứa hàn the hay không, nhưng số lượng rất hạn chế; một số thiết bị chuyên dụng khác phục vụ công tác kiểm tra chưa được trang bị.

Trong thời gian qua, công tác chỉ đạo, tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành quy định về ATTP được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể quan tâm. UBND huyện Sơn Tịnh thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo về ATTP huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, đồng thời chỉ đạo các xã thành lập Ban chỉ đạo ATTP. Nhờ công tác chỉ đạo, quản lý nên tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm đã được kiểm soát. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Sơn Tịnh số ca ngộ độc thực phẩm ít, không có tử vong.

Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý về ATTP trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. ATTP là vấn đề rất lớn, vượt ra lãnh thổ biên giới, thực phẩm nhập lậu, gian lận thương mại diễn ra ngày càng phức tạp, rủi ro sử dụng thực phẩm không an toàn rất khó tránh, vì vậy nguy cơ ngộ độc thực phẩm dễ xảy ra. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đều nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị nhà xưởng còn hạn chế, chưa áp dụng khoa học trong sản xuất kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán tại các chợ đầu mối, giết mổ gia súc, gia cầm diễn ra vào sáng sớm, ban đêm, dịch vụ thức ăn đường phố, dịch vụ đám tiệc hoạt động theo mùa vụ nên rất khó cho cơ quan chức năng kiểm soát ATTP. Nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng ngày càng lớn, trong khi hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm là thủ công, mang tính truyền thống, chưa đảm bảo sản lượng cung cấp cho tiêu dùng, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào của bữa ăn như: rau, củ, quả, thịt, trứng,… phần lớn chưa được kiểm tra đảm bảo ATTP. Công tác quản lý ATTP gặp khó khăn, hạn chế nữa là do hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ thống nhất; tổ chức bộ máy quản lý an toàn thực phẩm chưa hoàn thiện, lực lượng mỏng và chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn lực đầu tư cho công tác an toàn thực phẩm còn quá thấp cả về kinh phí, trang thiết bị nhân lực; công tác kiểm nghiệm còn yếu kém, trang thiết bị không có, chỉ làm các kiểu xét nghiệm test nhanh nhưng số lượng khiêm tốn, kết quả chưa quyết định cho kết luận mà phải gửi lên tuyến trên. Đồng thời, công tác quản lý ATTP ở các chợ chưa được chú trọng, chưa có sự thống nhất trong phân công giữa các ngành; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm, dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ chưa được quản lý tốt.

Với những bất cập, khó khăn trên, để giải quyết được bài toán ATTP không đơn giản, rất cần một giải pháp căn cơ hơn. UBND tỉnh cần giao Sở Y tế phối hợp với các Sở, ngành tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP từ tuyến huyện đến tuyến xã. Chỉ đạo các Sở, ngành tham mưu xây dựng và sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về ATTP để quản lý theo qui định tại Điều 65 của Luật an toàn thực phẩm. Phối hợp tốt trong công tác thanh tra, kiểm tra ATTP. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, quản lý thị trường, quản lý nhà nước về ATTP cho đội ngũ cán bộ quản lý, cộng tác viên ATTP. Hỗ trợ kinh phí phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP với sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, công bố những doanh nghiệp, cơ sở vi phạm nghiêm trọng về ATTP; biểu dương doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làm ăn chân chính,…