Quản lý dinh dưỡng cho cây cà phê
Ông Nguyễn Văn Tằm ở thôn 2, xã Long Bình, huyện Phú Riềng cho biết, gia đình ông trồng cà phê đã 13 năm. Loại giống ông trồng là cà phê vối, sau đó được ghép cải tạo nên năng suất tương đối ổn định. Trung bình 1 ha thu trên 3 tấn. “Cây cà phê thuộc loại thân gỗ nên dễ chăm sóc hơn các cây trồng khác. Tuy nhiên, nếu muốn năng suất cao thì phụ thuộc vào kỹ thuật thâm canh, phương pháp tỉa cành, tạo tán và bón phân, xịt thuốc kịp thời” – ông Tằm chia sẻ.
Còn vườn cà phê của hộ ông Lê Văn Xìn ở ấp Bù Xăng, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú tuy trồng xen canh trong vườn điều 8 năm nhưng do được đầu tư chăm sóc nên sản lượng luôn đạt gần 4 tấn/ha/năm.
Ông Lê Văn Xìn cho biết, bên cạnh bổ sung dinh dưỡng, người trồng cần quan tâm sâu bệnh hại trên cây cà phê
Theo kinh nghiệm của ông Xìn, đầu mùa khô, sau khi thu hoạch, cây cà phê đã tích trữ trong trái một lượng dinh dưỡng rất lớn, do vậy thu hoạch trái cũng đồng nghĩa với việc lấy đi lượng lớn chất hữu cơ và dinh dưỡng trong cây, làm cây bị suy kiệt. Cũng trong mùa khô, cây cà phê xảy ra quá trình phân hóa mầm và nở hoa. Mọi biện pháp kỹ thuật lúc này nhằm thúc đẩy cây sinh trưởng sinh thực, có điều kiện phân hóa mầm hoa sớm. Vì vậy, sau khi thu hoạch xong, ngoài cung cấp đủ nước tưới thì cần bổ sung lượng dinh dưỡng lớn để cây sinh trưởng, phát triển tốt, kích thích quá trình phân hóa mầm hoa mạnh hơn, ra hoa đậu quả tập trung và nuôi trái non. Ông Xìn cho rằng, hiện sự phân bố mùa khô ở Nam Bộ và Tây Nguyên không còn theo quy luật như trước. Trong mùa khô, mưa trái mùa vẫn nhiều lần xuất hiện, đã tác động đến quá trình phân hóa mầm hoa của cây cà phê.
Theo khảo sát sơ bộ, hầu hết vườn cà phê ở Bình Phước được bà con nông dân khai thác hơn 10 năm. Việc chăm sóc cà phê đối với nông dân không quá khó, cây cũng ít bệnh. Tuy nhiên, vấn đề nông dân băn khoăn là dinh dưỡng trong đất tự nhiên phần lớn đã bạc màu, trong khi giá phân bón liên tục tăng cao, dẫn đến việc chăm sóc cây trong nhiều gia đình chưa hợp lý. Điều này thể hiện ở việc sử dụng phân khoáng với liều lượng cao mà chưa chú trọng đến việc bồi dưỡng hữu cơ và cung cấp thêm các yếu tố dinh dưỡng trung vi lượng cho vườn cà phê. Vì thế, nông dân cần nắm vững hơn nữa yêu cầu dinh dưỡng của cây để bón phân cân đối, hợp lý, từ đó tăng hiệu quả sử dụng phân bón.
“Thời gian nắng nóng kéo dài nên rệp sáp phát triển nhiều, chích vào chùm quả làm khô quả, nếu phát hiện muộn sẽ bị mất trắng. Còn mùa mưa, nếu mưa nhiều, quản lý cỏ dại, cành chồi không tốt thì cây hay bị nấm bệnh. Độ ẩm cao thì thường bị nấm bệnh gây thối cuống quả. Để hạn chế tình trạng bệnh trên cây cà phê cần thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện bệnh, tỉa cành thông thoáng kết hợp phun thuốc phòng bệnh” – ông Tằm chia sẻ.
Để cà phê đạt năng suất từ 3-4 tấn/ha, vấn đề quản lý dinh dưỡng cho cây là rất quan trọng. Bởi việc phối hợp phân hữu cơ, vô cơ, bón cân đối đa lượng và trung vi lượng là điều cần thiết để có được vườn cà phê sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và ổn định, duy trì được độ phì của đất lâu dài, giúp sản xuất bền vững.