QUAN HỆ GIỮA CHA, MẸ – CON SAU KHI LY HÔN – CÔNG TY LUẬT TNHH MTV THƯƠNG GIA LUẬT
Trong quan hệ hôn nhân gia đình, con cái được xem là sợi dây gắn kết giúp tình cảm gia đình bền chặt hơn. Do đó, khi các cặp vợ chồng giải quyết thủ tục ly hôn sẽ xuất hiện một bài toán khó về quan hệ giữa cha, mẹ – con, ai là người trực tiếp nuôi dưỡng con sau ly hôn. Biết được những trăn trở này, Thương Gia Luật xin phép chia sẻ đến quý bạn đọc những quy định của pháp luật hiện hành về quan hệ giữa cha, mẹ – con sau khi ly hôn thông qua bài viết sau.
Vấn đề quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về “Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn”, hai vợ chồng thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên thì Tòa án sẽ công nhận thỏa thuận đó.
Ngược lại, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giao cho con một bên trực tiếp nuôi nhưng phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Khi đó, cha hoặc mẹ phải chứng minh mình đủ điều kiện để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con như: điều kiện kinh tế, tinh thần…
Quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn: Một bài toán khó
Theo đó, về điều kiện kinh tế: Một trong hai người phải chứng minh mình có đủ điều kiện vật chất về thu nhập, tài sản, nơi ở ổn định… Về tinh thần phải chứng minh bản thân có đủ thời gian để ở bên con, chăm sóc, nuôi dưỡng con, luôn phải đặt con lên hàng đầu…
Ngoài ra, một trong hai người có thể cung cấp thêm các chứng cứ chứng minh người còn lại không đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để nuôi dạy con cái, thường xuyên có hành vi bạo lực, thu nhập không ổn định ….
Độ tuổi của con ảnh hưởng như thế nào trong việc giành quyền nuôi con của cha, mẹ?
Với độ tuổi con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì cha mẹ có thỏa thuận khác nhưng phải phù hợp và đảm bảo lợi ích của trẻ.
Còn với trẻ từ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Trên thực tế, trong quá trình phán quyết ai sẽ là người nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán sẽ hỏi ý kiến của con. Ý kiến chỉ mang tính định hướng, tham khảo, là một phần để Tòa án xem xét đi đến quyết định, không có ý nghĩa hoàn toàn quyết định.
Con trên 07 tuổi phải lấy ý kiến về nguyện vọng ; phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và giữ bí mật cá nhân của trẻ.
Quyền của cha mẹ khi thực hiện ly hôn
Người trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Hậu quả của hành vi này, người có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha, mẹ và con thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng. (Quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình“)
Người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con khi con sống với người còn lại, có nghĩa vụ cấp dưỡng và có quyền thăm nom con mà không ai được cản trở. Người không trực tiếp nuôi con sẽ được thực hiện “Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” theo quy định của Luật hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, người không trực tiếp nuôi con không được lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con
Ngoài ra, người không trực tiếp nuôi con phải có trách nhiệm cấp dưỡng. Pháp luật không quy định giá trị mức cấp dưỡng, tùy thỏa thuận của cha mẹ căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Khi không thể thỏa thuận, trên thực tế xét xử, Toà án thường ấn định mức cấp dưỡng dao động 15-30% mức thu nhập của người cấp dưỡng.
Thay đổi người nuôi con sau khi Tòa có quyết định?
Sau khi ly hôn, trên tinh thần đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất của con nên việc thay đổi người nuôi con hoàn toàn có thể xảy ra khi rơi vào các trường hợp sau:
– Khi cha mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người nuôi con. Nếu con trên 7 tuổi thì khi đổi người nuôi con phải hỏi ý kiến của con;
– Cha hoặc mẹ có quyền yêu cầu nếu thấy người còn lại không còn đủ khả năng và điều kiện để chăm sóc và mang đến cho con lợi ích tốt nhất nữa;
– Nếu cả cha mẹ đều không có đủ điều kiện để nuôi dạy con thì Tòa sẽ quyết định trao quyền nuôi con cho người giám hộ.