QUAN ĐIỂM GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI
QUAN ĐIỂM GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Chính sách xã hội trước đổi mới
-
Đặc điểm của chính sách xã hội trước đổi mới
Thời kỳ 1945 – 1954
– Chính sách xã hội cấp bách lúc này là làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành. Tiếp theo đó là làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm.
– Chính sách tăng gia sản xuất, chủ trương tiết kiệm, đồng cam cộng khổ trở thành phong trào rộng rãi và được coi trọng như đánh giặc.
– Tóm lại, các vấn đề xã hội được giải quyết trong mô hình dân chủ nhân dân. Chính phủ có chủ trương để các tầng lớp nhân dân chủ động tự mình giải quyết các vấn đề xã hội
Thời kỳ 1954 – 1975
– Các vấn đề xã hội được giải quyết trong mô hình CNXH kiểu cũ thời chiến. Do chế độ tập trung quan liêu, bao cấp kéo dài, các vấn đề xã hội cũng được kế hoạch hóa và thực hiện qua các chỉ tiêu pháp lệnh như chỉ tiêu tổng biên chế, quỹ lương, tuyển dụng lao động, các chỉ tiêu về kinh phí, vật tư,… cho phát triển sự nghiệp (văn hóa, giáo dục, y tế, v.v…).
– Chế độ phân phối về thực chất là theo chủ nghĩa bình quân. Nhà nước và tập thể đáp ứng các nhu cầu xã hội thiết yếu bằng chế độ bao cấp tràn lan dựa vào viện trợ.
Thời kỳ 1975 – 1985
Các vấn đề xã hội được giải quyết theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế – xã hội nghiêm trọng, nguồn viện trợ giảm dần, bị bao vây, cô lập và cấm vận.
-
Kết quả thực hiện chính sách xã hội trước đổi mới
– Bảo đảm xã hội ổn định trong chiến tranh ác liệt, kéo dài, tạo niềm tin vào chế độ; đồng thời đạt được thành tựu phát triển đáng tự hào trên một số lĩnh vực như văn hoá, giáo dục, y tế, lối sống, đạo đức, kỷ cương và an ninh xã hội, hoàn thành nghĩa vụ của hậu phương đối với tiền tuyến lớn.
– Vấn đề quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội chưa được đề cập một cách thỏa đáng trong nhận thức của Đảng. Quan niệm về công bằng xã hội thường bị đồng nhất với cào bằng bình quân. Quan hệ giữa tiến bộ kinh tế và công bằng xã hội chưa được xem xét một cách khoa học. Trong xã hội hình thành tâm lý thụ động, ỷ lại vào Nhà nước và tập thể trong cách giải quyết các vấn đề xã hội. Hình thành một xã hội đóng, ổn định nhưng kém năng động.
– Nguyên nhân cơ bản là do chúng ta chưa đặt đúng tầm chính sách xã hội trong mối quan hệ với chính sách thuộc các lĩnh vực khác, đồng thời lại áp dụng và duy trì quá lâu cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp.
2. Quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng về chính sách xã hội (1986 – nay)
-
Nhu cầu đổi mới chính sách xã hội
– Công cuộc đổi mới tất yếu tạo ra những chuyển biến toàn diện, sâu sắc về xã hội, xuất hiện những yêu cầu mới về vấn đề xã hội. Giải quyết các vấn đề xã hội nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh quá trình đổi mới.
– Những chuyển biến mới về xã hội, về giai cấp, về cơ cấu dân cư gắn liền với việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đặt ra những yêu cầu mới về quản lý xã hội và phát triển xã hội (phân hóa giầu nghèo, công bằng xã hội, động lực phát triển…).
– Xu thế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, tất yếu tác động đến đời sống xã hội của hàng loạt quốc gia dân tộc. Hàng loạt vấn đề mới đặt ra đối với chính sách xã hội của nước ta, nhằm hoàn thiện chính sách xã hội ngày càng tiến bộ, bảo vệ, phát triển những giá trị mà cách mạng mang lại.
-
Quá trình phát triển nhận thức của Đảng về đổi mới chính sách xã hội
Nhận thức của Đảng về đổi mới chính sách xã hội trong những năm 1986 -1996
– Đại hội VI (1986): Lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ “chính sách xã hội”, đặt đúng vị trí, vai trò của chính sách xã hội: “Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người: điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hóa, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc”.
– Đại hội VII (1991): Đặt ra vấn đề kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội. “Chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng CNXH”.
– Tóm lại, nhận thức về chính sách xã hội thời kỳ này chủ yếu là về:
+ Mục tiêu chính sách xã hội: Vì con người, nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người.
+ Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và chính sách xã hội: Phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội, đồng thời thực hiện tốt các chính sách xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nhận thức của Đảng về đổi mới chính sách xã hội thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước (1996- nay)
– Đại hội VIII (1996): Tiếp tục phát triển nhận thức lý luận về kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, thông qua năm quan điểm để hoạch định hệ thống chính sách xã hội liên quan tới hình thức phân phối, vấn đề công bằng xã hội, vấn đề làm giàu hợp pháp, xóa đói giảm nghèo, xã hội hóa các chính sách xã hội.
Cũng từ Đại hội VIII, Đảng đã tách nội dung “chính sách giải quyết một số vấn đề xã hội” theo nghĩa hẹp của thuật ngữ “chính sách xã hội”, bên cạnh các chính sách cụ thể đối với các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, tôn giáo,…
– Đại hội IX (2001): Làm rõ thêm quan điểm kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, nhấn mạnh những nội dung mới:
+ Chính sách xã hội phải hướng vào phát triển và làm lành mạnh hoá xã hội.
+ Thực hiện bình đẳng trong các quan hệ xã hội.
+ Như vậy, Đại hội IX đã gắn bó các yếu tố kinh tế – xã hội, đặt nội dung “giải quyết tốt các vấn đề xã hội” trong tổng thể “Đường lối và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội” đã thể hiện một bước phát triển mới trong nhận thức, lý luận của Đảng về sự kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội. – Đại hội X (2006) và các Hội nghị Trung ương khóa X:
+ Kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, từng lĩnh vực, từng địa phương.
+ Giải quyết tốt các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình thực thi các cam kết với WTO.
– Chính phủ đầu năm 2008: Trong chiến lược chống lạm phát đã chủ trương mở rộng các chính sách an sinh xã hội
3. Quan điểm, biện pháp giải quyết một số vấn đề xã hội
-
Quan điểm
– Một là, kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội.
+ Kết hợp để giải quyết các vấn đề xã hội ngay từ khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế.
+ Kết hợp để lường trước được tác động và hậu quả xã hội có thể xảy ra do mục tiêu phát triển kinh tế để chủ động xử lý.
+ Kết hợp để tạo được sự thống nhất, đồng bộ giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội.
– Hai là, xây dựng và hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển.
Nhiệm vụ “gắn kết” này không dừng lại như một khẩu hiệu, một lời khuyến nghị mà phải được pháp chế hoá thành các thể chế có sức cưỡng chế, buộc các chủ thể phải thực hiện.
– Ba là, chính sách xã hội được thực hiện trên cơ sở phát triển kinh tế, gắn bó hữu cơ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa cống hiến và hưởng thụ.
+ Xoá bỏ quan điểm bao cấp, cào bằng, cơ chế xin cho trong chính sách xã hội.
+ Thực hiện yêu cầu công bằng xã hội và tiến bộ xã hội trong chính sách xã hội.
– Bốn là, coi trọng chỉ tiêu GDP bình quân đầu người găn với chỉ tiêu phát triển con người (HDI), và chỉ tiêu phát triển các lĩnh vực xã hội.
+ Quan điểm này khẳng định mục tiêu cuối cùng và cao nhất của sự phát triển không phải là số lượng tăng trưởng mà là vì con người, vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh
+ Phát triển theo quan điểm này là phát triển bền vững
-
Biện pháp
(1)- Khuyến khích mọi người dân làm giàu theo pháp luật, thực hiện có hiệu quả mục tiêu xoá đói, giảm nghèo.
(2)- Đảm bảo cung ứng dịch vụ công thiết yêu, bình đẳng cho mọi người dân, tạo việc làm và thu nhập.
+ Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng.
+ Đa dạng hoá các loại hình cứu trợ xã hội.
(3)- Phát triển hệ thống y tế công bằng và hiệu quả; chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, xây dựng chiến lược quốc gia về nâng cao sức khoẻ; cải thiện nòi giống, thực hiện tốt các chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình.
(4)- Chú trọng các chính sách ưu đãi.
(5)- Đổi mới cơ chế quản lý và phương thức cung ứng các dịch vụ công cộng.
4. Kết quả thực hiện chính sách xã hội thời kỳ đổi mới
-
Thành tựu
Sau 20 năm đổi mới chính sách xã hội, nhận thức về vấn đề phát triển xã hội của Đảng và nhân dân ta đã có nhiều thay đổi có ý nghĩa bước ngoặt rất quan trọng sau đây:
– Từ tâm lý thụ động, ỷ lại vào nhà nước và tập thể, trông chờ viện trợ đã chuyển sang tính năng động, chủ động và tích cực của tất cả các tầng lớp dân cư”.
– Từ chỗ đề cao quá mức lợi ích của tập thể một cách chung chung, trừu tượng: thi hành chế độ phân phối theo lao động trên danh nghĩa nhưng thực tế là bình quân – cào bằng đã từng bước chuyển sang thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp các nguồn lực khác vào sản xuất – kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội. Nhờ vậy, công bằng xã hội được thể hiện ngày một rõ hơn.
– Từ chỗ không đặt đúng tầm quan trọng của chính sách xã hội trong mối quan hệ tương tác với chính sách kinh tế đã đi đến thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, xem trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, đồng thời thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển
– Từ chỗ nhà nước bao cấp toàn bộ trong việc giải quyết việc làm đã dần dần chuyển trọng tâm sang thiết lập cơ chế, chính sách đề các thành phần kinh tế và người lao động đều tham gia tạo việc làm
– Từ chỗ không chấp nhận có sự phân hoá giàu – nghèo đã đi đến khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xoá đói giảm nghèo, coi việc có một bộ phận dân cư giàu trước là cần thiết cho sự phát triển.
– Từ chỗ muốn nhanh chóng xây dựng một cơ cấu xã hội “thuần nhất” chỉ còn có giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể và tầng lớp trí thức đã đi đến quan niệm cần thiết xây dựng một cộng đồng xã hội đa dạng, trong đó các giai cấp, các tầng lớp dân cư đều có nghĩa vụ, quyền lợi chính đáng, đoàn kết chặt chẽ, góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh.
– Qua 20 năm đổi mới, lĩnh vực phát triển xã hội đã đạt nhiều thành tựư. Tính năng động xã hội khác hẳn thời bao cấp. Một xã hội mở đang dần dần hình thành với những con người không chờ bao cấp, dám nghĩ dám chịu trách nhiệm, rủi ro, không chấp nhận đói nghèo, lạc hậu, biết làm giàu, biết cạnh tranh và hành động vì cộng đồng, vì Tổ quốc. Cách thức quản lý xã hội dân chủ, cởi mở hơn, đề cao pháp luật hơn.
– Bên cạnh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức đã xuất hiện ngày càng đông đảo các doanh nhân, tiểu chủ, chủ trang trại và các nhóm xã hội khác phấn đấu vì sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh”. Thành tựu xoá đói, giảm nghèo được nhân dân đồng tình, được quốc tế thừa nhận và nêu gương.
-
Hạn chế
– Sự phân hoá giàu nghèo và bất công xã hội tiếp tục gia tăng đáng lo ngại.
– Tệ nạn xã hội gia tăng và diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế và an sinh xã hội.
– Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân, phòng chống các tệ nạn xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
– Môi trường sinh thái bị ô nhiễm tiếp tục tăng thêm; tài nguyên bị khai thác bừa bãi và tàn phá.
– Hệ thống giáo dục, y tế lạc hậu, xuống cấp, có nhiều bất cập, sự phát triển của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với vị trí quốc sách hàng đầu của lĩnh vực này trong giai đoạn mới; an sinh xã hội chưa được đảm bảo.
-
Nguyên nhân
– Tăng trưởng kinh tế vẫn tách rời mục tiêu và chính sách xã hội, chạy theo số lượng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững xã hội.
– Quản lý xã hội còn nhiều bất cập, không theo kịp sự phát triển kinh tế – xã hội.