Quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia | TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẾN TRE
Thạc sĩ Võ Thị Thúy Liễu
Khoa LLMLN, TTHCM
Biên giới của một quốc gia có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng. Biên giới quốc gia ổn định là điều kiện để đảm bảo cho một quốc gia hòa bình và phát triển. Bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị.
Quốc gia hình thành bởi ba thành tố cơ bản là “lãnh thổ, nhà nước và dân cư”. Trong đó, yếu tố biên giới – lãnh thổ là nền tảng đầu tiên. Bản chất vấn đề biên giới – lãnh thổ là hệ trọng và hết sức nhạy cảm, việc bảo vệ toàn vẹn biên giới – lãnh thổ là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia, dân tộc.
Biên giới quốc gia là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó xác định phạm vi chủ quyền quốc gia của một nước đối với lãnh thổ quốc gia (bao gồm: Vùng đất và lòng đất phía dưới; vùng biển, đáy biển, lòng đất dước đáy biển và khoảng không trên vùng đất và vùng biển đó).
Như vậy, biên giới quốc gia là nơi phân chia chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia với quốc gia khác hoặc với các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia đó. Nói cách khác, biên giới quốc gia chính là giới hạn ngăn cách lãnh thổ của quốc gia này với quốc gia khác và ngăn cách lãnh hải với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (Điều 3, Nghị định số 140/2004/N Đ – CP ngày 25 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Trong đó:
– Đường ở đây bao gồm: Biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển.
– Mặt thẳng đứng gồm mặt thẳng đứng theo biên giới quốc gia trên đất liền, biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất và lên vùng trời.
Như vậy, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: Biên giới trên đất liền, biên giới quốc gia trên biển, biên giới quốc gia trong lòng đất và biên giới quốc gia trên không.
– Biên giới quốc gia trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước láng giềng được xác định bằng hệ thống mốc quốc giới, Hiệp ước về hoạch định biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng cùng các bản đồ, Nghị định thư kèm theo các hiệp ước đó (Điều 4, Nghị định số 140/2004/N Đ – CP ngày 25 tháng 6 năm 2004).
Mốc quốc giới là dấu hiệu bằng vật thể dùng để đánh dấu đường biên giới quốc gia trên đất liền. Mốc quốc giới của Việt Nam được cắm theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế về biên giới đã được ký kết với nước láng giềng để đánh dấu đường biên giới quốc gia trên thực địa và được giữ gìn, bảo vệ giữ đúng vị trí, hình dáng, kích thước, ký hiệu, chữ và màu sắc đã được quy định.
– Biên giới quốc gia trên biển là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải các quần đảo Việt Nam.
Ở những nơi lãnh hải, nội thủy, hoặc vùng nước lịch sử của Việt Nam tiếp giáp với lãnh hải, nội thủy hoặc vùng nước lịch sử của nước láng giềng, biên giới quốc gia trên biển được xác định theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với các nước láng giềng đó.
Biên giới quốc gia trên biển được xác định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập (Điều 5,Điều 4, Nghị định số 140/2004/N Đ – CP ngày 25 tháng 6 năm 2004).
– Biên giới quốc gia trong lòng đất là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất.
Ranh giới trong lòng đất thuộc vùng biển là mặt thẳng đứng từ các đường ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa xuống lòng đất xác định chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1992 và các Điều ước quốc tế giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.
– Biên giới quốc gia trên không là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời (Khoản 4,5 Điều 5 Luật Biên giới quốc gia).
Biên giới quốc gia có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, vì vậy cần phải bảo vệ biên giới quốc gia. Để bảo vệ biên giới quốc gia, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra các quan điểm như sau:
– Thứ nhất, xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là một nội dung quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lãnh thổ và biên giới quốc gia là một bộ phận hợp thành quan trọng, không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lãnh thổ và biên giới quốc gia là yếu tố cơ bản bảo đảm cho sự ổn định của đất nước Việt Nam. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là sự khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là một nội dung đặc biệt quan trọng của xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa không thể thành công nếu chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia không được xây dựng và bảo vệ tốt.
– Thứ hai, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là thiêng liêng bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ gìn và bảo vệ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Luật Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: “Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh của đất nước.”
– Thứ ba, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định; giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau.
Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định là vấn đề đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và luật pháp của Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta coi việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế – xã hội. Trong giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, biên giới, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau. Về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, quan điểm nhất quán của Việt Nam là: Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cải đối với vùng biển, đảo của Việt Nam trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý về vấn đề này. Tuy nhiên, vì lợi ích liên quan chung của các bên hữu quan, Việt Nam sẵn sàng đàm phán hòa bình để giải quyết.
– Thứ tư, xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, lực lượng vũ trang là nòng cốt.
Trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 2013, Đảng ta khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”.
Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà nước thống nhất quản lý việc xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; có chính sách ưu tiên đặc biệt xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt.
Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật.
Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức thiêng liêng và cao cả. Bởi vì, đó chính là nhiệm vụ gìn giữ tài sản vô giá mà ông cha ta đã phải đổi bằng xương máu trong lịch sử tồn tại và phát triển của quốc gia, dân tộc. Sự nghiệp ấy đòi hỏi phải có sự quan tâm thích đáng của Đảng, Nhà nước và sự tham gia với tinh thần trách nhiệm cao của các Bộ, Ngành từ Trung ương đến địa phương cùng nhân dân cả nước, với tinh thần “Tất cả hướng về biên giới”, xây dựng biên giới ngày càng giàu mạnh./.