Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa quốc tế vô sản
Có thể khái quát những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa quốc tế vô sản như sau:
Sự đoàn kết, thống nhất về ý chí và đội ngũ của giai cấp công nhân chính là nội dung cơ bản, nguyên tắc hàng đầu. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen thay mặt Liên đoàn những người cộng sản viết và được công bố vào tháng 3-1848 có lời kết như lời kêu gọi và cũng là mệnh lệnh hành động của tất cả những người vô sản trên thế giới: Công nhân toàn thế giới hãy liên hiệp lại! Đây là điểm mà những người nghiên cứu về chủ nghĩa Mác đều thống nhất khi đề cập đến nội dung của chủ nghĩa quốc tế vô sản.
V.Lênin: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”
Nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này, chúng ta có thể nhận ra “những tầng bản chất” của chủ nghĩa quốc tế vô sản. Điển hình là 5 nội dung về sự thống nhất mà giai cấp công nhân toàn thế giới cần đạt tới: thống nhất về lợi ích, thống nhất về tư tưởng, thống nhất về mục tiêu, thống nhất về tổ chức và thống nhất trong hành động.
Chủ nghĩa quốc tế vô sản là ý thức về sự thống nhất lợi ích giai cấp của những người vô sản trên toàn thế giới.
Ý thức về sự thống nhất này xuất phát trước hết từ địa vị kinh tế xã hội của họ. Mác chỉ ra rằng chính phương thức sản xuất đại công nghiệp TBCN là nguyên nhân khách quan của thuộc tính này.
“Nói chung, công nghiệp lớn tạo ra ở khắp nơi những quan hệ như nhau giữa các giai cấp xã hội và do đó xóa bỏ tính chất riêng biệt của những dân tộc khác nhau. Và sau hết, trong khi giai cấp tư sản của mỗi dân tộc còn duy trì những lợi ích dân tộc riêng biệt thì công nghiệp lớn lại tạo ra một giai cấp cùng có những lợi ích như nhau trong tất cả các dân tộc, một giai cấp không còn tính riêng biệt dân tộc nữa…”(1).
Lênin đã làm rõ vấn đề này thông qua việc phân tích tính chất xã hội hóa ở phạm vi thế giới của công nghiệp hiện đại: “Thực vậy, việc sản xuất cho một thị trường rộng lớn ở trong nước và trên thế giới, việc phát triển mối liên hệ thương nghiệp chặt chẽ về mua bán nguyên liệu và vật liệu phụ giữa các miền trong nước và giữa các nước với nhau, bước tiến bộ vĩ đại về kỹ thuật, việc tập trung sản xuất và nhân khẩu trong những xí nghiệp lớn, truyền thống cổ hủ của chế độ gia trưởng bị phá vỡ, lớp dân cư di động được tạo ra, mức nhu cầu và trình độ văn hóa của công nhân được nâng cao, – tất cả những cái đó đều là những nhân tố của quá trình tư bản chủ nghĩa, quá trình làm cho sản xuất ở trong nước ngày càng được xã hội hóa, và do đấy, làm cho người tham gia sản xuất cũng ngày càng được xã hội hóa”(2).
Sự thống nhất đó cũng làm thành nền tảng cho mối liên hệ bình đẳng về lợi ích, tinh thần trách nhiệm với sự nghiệp chung của giai cấp công nhân ở các quốc gia – dân tộc: “Muốn cho các dân tộc có thể thực sự đoàn kết lại thì họ phải có những lợi ích chung. Muốn cho những lợi ích của họ trở thành lợi ích chung thì những quan hệ sở hữu hiện có phải bị thủ tiêu, bởi lẽ những quan hệ sở hữu hiện có tạo điều kiện cho một số dân tộc này bóc lột một số dân tộc khác; chỉ có giai cấp công nhân là thiết tha với việc thủ tiêu những quan hệ sở hữu hiện tồn. Duy chỉ có mình nó mới có thể làm được việc này. Giai cấp vô sản chiến thắng giai cấp tư sản đồng thời còn có nghĩa là khắc phục tất cả những cuộc xung đột dân tộc và xung đột công nghiệp hiện nay đang sinh ra sự thù hằn giữa các dân tộc. Vì vậy mà thắng lợi của giai cấp vô sản đối với giai cấp tư sản đồng thời còn là dấu hiệu giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức”(3).
Chủ nghĩa quốc tế vô sản là sự thống nhất về tư tưởng trong giai cấp công nhân.
Mác khẳng định: “Sự thống trị của tư bản là có tính chất quốc tế. Chính vì thế, cuộc đấu tranh của công nhân ở tất cả các nước để tự giải phóng, chỉ có thể thành công được, nếu công nhân cùng nhau đấu tranh chống lại tư bản quốc tế”(4).
Sự thống nhất về tư tưởng có được không phải chỉ từ sự đồng cảm của những người cùng bị tư bản bóc lột, mà còn từ sự phát triển trí tuệ, từ cuộc đấu tranh tư tưởng nội bộ thông qua tranh luận. Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, tái bản năm 1890, Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh: “Để đạt tới thắng lợi cuối cùng của những nguyên lý đã đề ra trong “Tuyên ngôn”, Mác chỉ tin tưởng vào sự phát triển trí tuệ của giai cấp công nhân, sự phát triển mà hành động chung và tranh luận chung nhất định sẽ mang lại”(5).
Nó còn xuất hiện từ sự giáo dục lâu dài, chu đáo và kỹ lưỡng của các tổ chức chính trị của giai cấp công nhân. Lênin viết: “… muốn cho cách mạng vô sản thắng lợi thì phải giáo dục lâu dài cho công nhân tinh thần bình đẳng và hữu nghị dân tộc đầy đủ nhất”(6). Lênin còn nói: “Thắng lợi của cách mạng vô sản thế giới đòi hỏi giai cấp công nhân các nước tiên tiến phải hết sức tin cậy lẫn nhau, đoàn kết anh em hết sức chặt chẽ với nhau và phải hết sức nhất trí trong các hành động cách mạng của họ”(7).
Và sự thống nhất ấy có được, còn từ chiều sâu của nhận thức về nhu cầu phát triển của nhân loại: “… đối lập với xã hội cũ cùng với sự bần cùng về kinh tế và sự điên rồ về chính trị của nó đang xuất hiện một xã hội mới mà nguyên tắc quốc tế phải là hòa bình, bởi vì cùng một nguyên tắc giống nhau ngự trị ở tất cả các dân tộc – lao động!”(8).
Chủ nghĩa quốc tế vô sản là sự thống nhất về mục tiêu quốc tế của giai cấp công nhân với việc họ trở thành giai cấp đại biểu cho lợi ích của dân tộc.
Đó là sự thống nhất về ý chí và hành động của công nhân. Ăngghen viết: “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!”, một khẩu hiệu công khai tuyên bố tính chất quốc tế của cuộc đấu tranh, và ngày nay, “giai cấp vô sản chiến đấu ở tất cả các nước đều ghi khẩu hiệu đó trên lá cờ của mình”(9). Và theo đó: “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc. Đương nhiên là trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình đã”(10).
Chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân phù hợp cơ bản về lợi ích và với những xu hướng tiến bộ của vấn đề dân tộc hiện đại. Trong Lời tựa cho lần xuất bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản bằng tiếng Ý năm 1893, Ăngghen coi nhiệm vụ giải quyết vấn đề độc lập dân tộc như một tiền đề để giai cấp công nhân thực hiện tốt chủ nghĩa quốc tế: “Không khôi phục lại độc lập và thống nhất cho từng dân tộc thì về phương diện quốc tế, không thể thực hiện được sự đoàn kết của giai cấp vô sản và sự hợp tác hòa bình và tự giác giữa các dân tộc đó để đạt tới mục đích chung”(11). Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, Lênin đã phát hiện ra sự gắn bó về lợi ích giữa giai cấp công nhân và các dân tộc trong quá trình đấu tranh để tự giải phóng. Từ đó Người đã phát triển khẩu hiệu hành động chiến lược của Tuyên ngôn thành: Giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới hãy đoàn kết lại! “Đối lập với thế giới cũ, cái thế giới của áp bức dân tộc, của sự phân tranh dân tộc hoặc của sự tách biệt giữa các dân tộc, công nhân đưa ra một thế giới mới, một thế giới trong đó những người lao động thuộc mọi dân tộc đoàn kết với nhau, trong đó không có chỗ cho bất cứ một đặc quyền đặc lợi nào, cũng như không có chỗ cho bất cứ một sự áp bức nào giữa người với người”(12).
Chủ nghĩa quốc tế vô sản không chấp nhận, không điều hòa với các thứ chủ nghĩa dân tộc. Lênin viết: “Chủ nghĩa Mác không thể điều hòa được với chủ nghĩa dân tộc, dù là chủ nghĩa dân tộc “công bằng”, “thuần khiết”, tinh vi và văn minh đến đâu đi nữa. Thay cho mọi chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa Mác đưa ra chủ nghĩa quốc tế…”(13) vì “Chúng ta phản đối những mối hằn thù dân tộc, những mối bất hòa dân tộc, sự biệt lập dân tộc. Chúng ta là những người quốc tế chủ nghĩa”(14). Theo đó, “trước hết cần phải giữ vững tinh thần quốc tế chân chính, tinh thần đó sẽ loại trừ sự xuất hiện của mọi thứ chủ nghĩa sô-vanh…”(15).
Chủ nghĩa quốc tế vô sản là sự thống nhất nhận thức lý luận về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân.
Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân chính là hạt nhân lý luận – khoa học cho sự đoàn kết và hợp tác hành động của công nhân thế giới. Những nguyên lý lý luận ấy là sự đúc kết từ thực tiễn. “Chủ nghĩa cộng sản nảy sinh ra từ nền đại công nghiệp và những hậu quả của đại công nghiệp, từ sự xuất hiện của thị trường thế giới và cuộc cạnh tranh không thể kìm hãm được do sự xuất hiện của thị trường thế giới gây ra; từ những cuộc khủng hoảng thương nghiệp ngày càng có tính chất phá hoại và tính chất phổ biến và giờ đây đã hoàn toàn trở thành những cuộc khủng hoảng của thị trường thế giới; từ sự hình thành ra giai cấp vô sản và sự tích tụ của tư bản; và từ cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản do đó mà nảy sinh ra”(16).
Nó chỉ ra sứ mệnh giải phóng toàn nhân loại của giai cấp công nhân hiện đại: “… lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp đó hiện nay đã phát triển tới giai đoạn trong đó giai cấp bị bóc lột và bị áp bức, tức là giai cấp vô sản, không còn có thể tự giải phóng khỏi ách của giai cấp bóc lột và áp bức mình, tức là giai cấp tư sản, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn xã hội khỏi ách bóc lột, áp bức, khỏi sự phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp”(17).
Lý luận về giai cấp công nhân còn xuất phát từ kinh nghiệm đấu tranh chính trị. Mác viết: “… chúng ta hãy nhớ một nguyên tắc cơ bản của Quốc tế: sự đoàn kết. Chúng ta sẽ đạt được mục đích vĩ đại mà chúng ta đang hướng tới, nếu chúng ta củng cố vững chắc nguyên tắc đầy sức sống ấy trong tất cả các công nhân ở tất cả các nước. Cách mạng là phải đoàn kết, kinh nghiệm lớn lao của Công xã Pa-ri đã dạy chúng ta như thế; Công xã Pa-ri sở dĩ thất bại vì tất cả những trung tâm chính như Béc-lin, Ma-đrít,v.v., đã không đồng thời bùng nổ một phong trào cách mạng to lớn tương xứng với trình độ đấu tranh cao của giai cấp vô sản Pa-ri”(18).
Chủ nghĩa quốc tế vô sản là sự phối hợp hành động cách mạng của giai cấp công nhân ở các nước trên toàn thế giới.
Tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân là biểu hiện đầu tiên về sự phối hợp hành động của giai cấp vô sản. Tổ chức ấy được sinh ra từ giác ngộ về giai cấp. Việc hình thành một trung tâm quốc tế để lãnh đạo cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước, từ đó thúc đẩy sự ra đời của chính đảng của giai cấp công nhân ở từng nước là sứ mệnh hàng đầu của các tổ chức quốc tế của những người cộng sản. “Liên đoàn những người cộng sản” là tổ chức đầu tiên được thành lập trên cơ sở của sự giác ngộ lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học do Mác và Ăngghen xây dựng. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (3-1848) được coi là “bản khai sinh” của tổ chức quốc tế đầu tiên này. Những nguyên lý mà Mác và Ăngghen trình bày trong tác phẩm này là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Từ đó đến nay, về mặt tổ chức quốc tế, giai cấp công nhân và những người cộng sản trên toàn thế giới đã có nhiều sáng tạo về hình thức tổ chức: từ các tổ chức như Quốc tế I (1864 – 1889), Quốc tế II (1889 – 1914), Quốc tế III (Quốc tế cộng sản 1919 – 1943) đến các hình thức tổ chức quốc tế tương đương như Cục thông tin quốc tế, Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân quốc tế, Diễn đàn thường niên của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế v.v.. Mác, Ăngghen và Lênin là những lãnh tụ đã dành nhiều công sức, trí tuệ cho việc xây dựng những tổ chức quốc tế đầu tiên và định ra cương lĩnh chiến đấu, lý luận chỉ đạo cho phong trào công nhân thế giới – biểu hiện sinh động chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Sự phối hợp hành động cách mạng có nhiều biểu hiện, gần gũi nhất là sự ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp hành động giữa giai cấp công nhân của các dân tộc đã được đoàn kết lại. Lênin từng trao nhiệm vụ cho Quốc tế III: “Trong tất cả các nước thuộc địa và các nước lạc hậu, không những chúng ta phải đào tạo những cán bộ độc lập, xây dựng nên những tổ chức đảng, không những phải tiến hành tuyên truyền ngay từ giờ cho việc tổ chức các Xô-viết nông dân và cố gắng làm cho các Xô-viết đó phù hợp với những hoàn cảnh tiền tư bản chủ nghĩa, mà Quốc tế cộng sản còn phải xác định và chứng minh trên lý luận cho một nguyên tắc là: với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ xô-viết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trái qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(19).
Sự phối hợp hành động ấy còn bao gồm cả sự kết hợp cuộc cách mạng của giai cấp công nhân chính quốc với các phong trào dân tộc, dân chủ. “Cuộc cách mạng xã hội chỉ có thể tiến hành được dưới hình thức một thời đại kết hợp cuộc nội chiến của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản trong các nước tiên tiến, với cả một loạt phong trào dân chủ và cách mạng, kể cả những phong trào giải phóng dân tộc trong các nước chưa phát triển, lạc hậu và bị áp bức”(20).
Sự thống nhất, phối hợp hành động của giai cấp vô sản ở các nước cũng chấp nhận những sự khác biệt về chi tiết khi vận dụng các nguyên lý của chủ nghĩa quốc tế. Lênin từng nhắc nhở: “Chừng nào mà giữa các dân tộc và các nước vẫn còn những sự khác nhau về dân tộc và về chế độ nhà nước – những sự khác nhau này, ngay cả khi nền chuyên chính của giai cấp vô sản đã được thiết lập trên phạm vi toàn thế giới, cũng vẫn còn tồn tại trong một thời gian lâu, rất lâu, – thì chừng đó, sự thống nhất sách lược quốc tế của phong trào công nhân cộng sản ở tất cả các nước vẫn không đòi hỏi phải xóa bỏ mọi mầu sắc khác nhau…, mà nó đòi hỏi phải áp dụng những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa cộng sản. (Chính quyền xô-viết và chuyên chính vô sản) sao cho những nguyên tắc ấy được cải biến đúng đắn trong những vấn đề chi tiết, được làm cho phù hợp, cho thích hợp với những đặc điểm dân tộc và đặc điểm nhà nước – dân tộc”(21).
Như vậy, chủ nghĩa quốc tế vô sản là một hệ thống lý luận chỉ đạo giai cấp công nhân quốc tế về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động trong quá trình cùng nhau thực hiện sứ mệnh mà lịch sử trao cho: đấu tranh xóa bỏ CNTB và xây dựng thành công CNXH, chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới.
Cơ sở kinh tế xã hội của chủ nghĩa quốc tế vô sản xuất phát từ tính chất xã hội hóa cao của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thống nhất toàn thể giai cấp công nhân thế giới ở nhiều điểm: sản xuất công nghiệp mang tính chất liên hiệp, lao động của công nhân bị giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư; CNTB, chủ nghĩa đế quốc là những thế lực quốc tế đã liên minh với nhau để bóc lột và chống lại họ; đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân là kinh nghiệm chính trị và là quy luật đấu tranh cách mạng; quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân cũng đòi hỏi phải có tư duy và hành động ở tầm mức thế giới…
Mặt đối lập với chủ nghĩa quốc tế vô sản là chủ nghĩa dân tộc lớn, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, là quan niệm biệt phái về tổ chức và hành động, sự chia rẽ, sự bất đồng về quan điểm giữa các đảng do xuất phát từ lợi ích cục bộ, thiển cận… Đây cũng là những điểm yếu, mặt hạn chế xuất hiện từ phong trào cộng sản – công nhân quốc tế và đã bị giai cấp tư sản lợi dụng, gây nhiều trở ngại. Song cũng đã nhiều lần, sức mạnh tự thân của quy luật khách quan và ý chí đoàn kết của giai cấp công nhân đã tái lập lại chủ nghĩa quốc tế vô sản ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng hơn trong phong trào công nhân thế giới.
Trong bối cảnh chính trị mới của thế giới hiện nay, chủ nghĩa quốc tế vô sản vẫn là quy luật vận động phát triển và thắng lợi của cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Dĩ nhiên, cần thấy rằng, đã và đang xuất hiện nhiều thách thức, khó khăn mới từ chiến lược toàn cầu của chủ nghĩa đế quốc, từ “chủ nghĩa tự do mới” và chủ nghĩa quốc gia – dân tộc hiện đại… Thực tế đó đòi hỏi mỗi đảng cộng sản và toàn thể phong trào công nhân thế giới cần phải nỗ lực, đoàn kết và sáng tạo để vượt qua. Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa quốc tế vô sản trong điều kiện mới vẫn là phương châm hành động của chúng ta.
___________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2012
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.87-88.
(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.3, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1976, tr.694.
(3),(10) C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.4, tr.526-527, 611.
(4) V.I.Lênin: Sđd, t.2, tr.115.
(5),(11),(16),(17) C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t.I, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.524, 534, 432-433, 517.
(6) V.I.Lênin: Sđd, t.26, tr.132.
(7) Sđd,t.38, tr.132.
(8),(15) C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t.III, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.641, 634.
(9) Sđd,t.VI, tr.340.
(12) V.I.Lênin: Sđd, t.23, tr.194.
(13) Sđd, t.24, tr.167.
(14) Sđd, t.40, tr.49.
(18) C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t.IV, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1980, tr.212.
(19),(21) V.I.Lênin: Sđd, t.41, tr.294-295, 96.
(20) Sđd, t.30, tr.146.