Quá độ lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu và lâu dài

Trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng, nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu rất công phu, nghiêm túc, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, khoa học.

Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội (CNXH) là gì và đi lên CNXH bằng cách nào là điều mà chúng ta luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn để từng bước hoàn thiện đường lối, quan điểm và tổ chức thực hiện, làm sao để vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Tranh tư liệu. Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định, sau khi hoàn thành về cơ bản những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nước ta chuyển sang thực hiện những nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên CNXH, không qua chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN). Nhưng thực tế, cho đến nay vẫn còn không ít người hoài nghi về tính tất yếu của bước quá độ này, thậm chí có ý kiến cho rằng, không cần sử dụng phạm trù thời kỳ quá độ hoặc nên lựa chọn một con đường khác. Bởi vậy, làm rõ tính tất yếu khách quan và nội dung của thời kỳ quá độ lên CNXH không qua chế độ TBCN ở nước ta vẫn là một vấn đề lý luận và thời sự cấp bách trong hoàn cảnh hiện nay.

Khi phân tích những mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản và những đặc trưng của xã hội cộng sản, Các Mác đã chỉ ra rằng, từ xã hội TBCN lên xã hội cộng sản chủ nghĩa (CSCN) là cả một thời kỳ lịch sử lâu dài, từ khi giai cấp công nhân giành được chính quyền đến khi xây dựng thành công CSCN. Trong quan niệm đó, thời kỳ quá độ được coi là một quá trình cải biên từ xã hội TBCN lên xã hội CSCN. Trên cơ sở thực tiễn của Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga và thực tiễn công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô, Lê Nin đã phát triển nhiều luận điểm mới cho rằng, từ CNTB lên CNXH có một thời kỳ lịch sử đặc biệt, đó là thời kỳ quá độ lên CNXH. Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung thêm, các nước thuộc địa, nô lệ, tiền TBCN đặt trong chủ nghĩa Mác-Lênin có thể quá độ lên CNXH. Vì vậy, con đường quá độ từ CNTB lên CNXH và CNCS là một tất yếu khách quan, không thể đảo ngược được.

Nước ta đi lên CNXH là một tất yếu khách quan theo đúng quy luật tiến hóa của lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết luận: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản. Chỉ có CNXH, CNCS mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân thế giới. Thời kỳ quá độ là một thời kỳ lịch sử, thời kỳ chuyển biến cách mạng mà bất cứ quốc gia nào đi lên CNXH cũng đều phải trải qua. Nước ta quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN là một tất yếu lịch sử. Bởi vì, thời đại chúng ta đang sống là thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới.

Thực tiễn lịch sử đã khẳng định, CNTB là chế độ xã hội đã lỗi thời về mặt lịch sử, sớm hay muộn cũng phải được thay thế bằng hình thái kinh tế-xã hội CSCN mà giai đoạn đầu là giai đoạn XHCN. Đảng ta ngay từ khi mới ra đời, trong cương lĩnh (năm 1930) đã khẳng định mục tiêu, lý tưởng phấn đấu của nước ta là độc lập dân tộc và CNXH. Đây là sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc, lại phù hợp với xu thế của thời đại. Điều đó cũng đã thể hiện sự quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN ở nước ta là một tất yếu lịch sử.

Tuy nhiên, thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta sẽ lâu dài và gian khổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một chế độ này biến đổi thành một chế độ khác là cả một cuộc đấu tranh gay go, kịch liệt và lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái thoái bộ và cái tiến bộ, giữa cái đang suy tàn và cái đang phát triển. Kết quả là cái mới, cái tiến bộ nhất định thắng”. Nước ta là một nước nông nghiệp, công cuộc thay đổi xã hội cũ thành xã hội mới sẽ gian nan và phức tạp hơn đánh giặc, vì phải đấu tranh với kẻ địch nguy hiểm khác đó là nghèo nàn, đói khổ và lạc hậu.

Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử nước ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải cải biến quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới. Đó là cuộc cách mạng vĩ đại, vẻ vang nhất trong lịch sử loài người, nhưng đồng thời cũng là một cuộc cách mạng gay go, phức tạp và đầy khó khăn. Trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện nay, nước ta luôn có những khả năng và tiền đề để quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN ngay cả trong điều kiện không còn hệ thống XHCN thế giới.

CNTB có vai trò lịch sử là phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, xã hội hóa lao động dựa trên nền tảng chế độ tư hữu TBCN. Quá trình này diễn ra một cách tự phát, tuần tự, kéo dài hàng thế kỷ. Ngày nay, trong những điều kiện lịch sử mới, chúng ta có thể đi con đường phát triển rút ngắn, phát triển theo định hướng XHCN. Sự rút ngắn này chỉ có thể thực hiện thành công với điều kiện chính quyền thuộc về Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức đầy đủ sự rút ngắn ở đây không phải là công việc có thể làm nhanh chóng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tiến lên CNXH, không thể một sớm một chiều. Đó là cả một công tác tổ chức và giáo dục; CNXH không thể làm mau được mà phải làm dần dần”. Do đó, chúng ta không thể nóng vội tiến ngay lên CNXH mà còn phải duy trì và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần trong một thời gian tương đối dài.

Nhận thức đúng nội dung của sự quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, giúp chúng ta khắc phục được những quan niệm đơn giản, duy ý chí về thời kỳ quá độ lên CNXH từ một nước đang phát triển. Đồng thời, chúng ta không ngừng tiếp thu có chọn lọc, tận dụng phù hợp với giá trị của nền văn minh nhân loại để hiện thực hóa con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn.