Pi Network: Chiến Lược Truyền Thông Và Công Nghệ Mã Hóa Tiền Điện Tử
Như mọi người đã biết, Cộng đồng Fintech Việt Nam những ngày gần đây đang chứng kiến sự bùng nổ trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội với “cơn sốt” Ứng dụng Pi Network. Được Nhà phát triển đẩy mạnh chiến lược quảng bá & định vị Pi Network sẽ là loại tiền điện tử mã hóa, thay thế Bitcoin trong tương lai. Bài viết này, mình xin không đề cập đến các yếu tố tin cậy hoặc khả thi. Mình sẽ viết xoay quanh nền tảng công nghệ, UIUX & các chiến lược truyền thông nổi bật của Pi Network trong thời gian vừa qua. Bài viết khá dài, hy vọng sẽ đem đến các thông tin khách quan & hữu ích với mọi người.
Mục Lục
Đội Ngũ Phát Triển Ứng Dụng Pi Network Là Ai?
Nhóm sáng lập Pi Network tuyên bố luôn nắm giữ 25% tổng lượng Pi, con số này đồng thời tạo ra nhiều tác động nếu Pi có cơ hội trở thành công cụ thanh toán chung. Đội ngũ bao gồm 3 thành viên chính. Nicolas Kokkalis: Trưởng bộ phận Công nghệ. Anh là giáo sư trẻ người Hy Lạp đang giảng dạy khoa học máy tính và công nghệ blockchain tại Đại học Stanford (Mỹ). Thành viên nữ, chị Chengdiao Fan: Trưởng bộ phận Sản phẩm, hiện đang là giảng viên chuyên ngành Khoa học Nhân chủng tại Đại học Stanford. Vincent McPhillip: Trưởng bộ phận Cộng đồng. Hiện Vincent đang là thành viên của Trung tâm nghiên cứu Blockchain Stanford.
Chiến Lược Truyền Thông Của Pi Network
Với định vị thương hiệu là Social Chain, chiến lược quảng bá Ứng dụng Pi Network có phần tương đồng với Facebook ở thời kỳ đầu tiên (lúc ra mắt). Hoạt động như một mạng xã hội chứ không phải một Ứng dụng “đào coin”. Hơn thế nữa, cơ chế miệng truyền miệng, chia sẻ phân tầng & “marketing đa tầng” (MLM – Multi-level Marketing) được đội ngũ marketing của Pi thực hiện một cách bài bản. Seeding vào cộng đồng & tạo twist nóng hổi. Đồng thời, với các thủ thuật đơn giản nhưng hiệu quả, Pi Network với điểm đặc trưng là “cần có mã giới thiệu từ người tham gia trước” – điều này khiến người dùng Mobile nói chung tuyệt nhiên hình thành tính tò mò & muốn tìm hiểu về công nghệ này trước khi nhìn nhận đó là một cơ hội đầu tư hay kinh doanh sinh lời.
Cá nhân mình đánh giá cao đội ngũ App Marketing của Pi cũng cũng như những chiến lược truyền thông & thành tựu mà họ đạt được chỉ trong thời gian ngắn. Đó thực sự là một kết quả vượt trội về thời gian chạy nước rút & kết quả thu hoạch: một kho dữ liệu khổng lồ.
Về ASO, trên cửa hàng App Store và Google Play của Pi Network được cập nhật thông tin khá sơ khai. Được nhà phát hành định vị là một Ứng dụng Social Chain và sẽ thay đổi cục diện nền kinh tế tiền mã hóa toàn cầu. Tuy nhiên phía sau bức tranh đơn giản ấy là một đội ngũ Product & Marketing vô cùng chuyên nghiệp, đẳng cấp. Minh chứng, Pi Network được Sensor Tower đánh điểm tuyệt đối (A+) đối với trang ứng dụng Google Play và điểm A trên iTunes. Vì sao ư? Hãy nhìn vào cách mà họ đang áp dụng việc đưa Keywords vào App Pages rất thông minh. Họ chọn những cụm từ mang tính xã hội và nóng bỏng nhất ở thời điểm hiện tại (khi Bitcoin có giá trị gần như vượt qua mọi giới hạn).
Hơn thế nữa, số lượng tải Ứng dụng khổng lồ trên toàn cầu đạt hơn 7 triệu lượt cài đặt chỉ trong thời gian chớp nhoáng khiến mọi điểm chuẩn (Visibility Score / Internationalization) trở nên vô nghĩa.
Được xem như một hiện tượng “Among Us” trong ngành Ứng dụng tài chính, Pi Network cũng đang là ứng dụng có lượt hiển thị cao hàng đầu (trung bình đạt top 20 thậm chí top 10 free app chart) đối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả iTunes Store & Google Play.
Về Nền Tảng Công Nghệ Pi Network
Ra đời vào tháng 3/2019, Pi Network được giới thiệu trên trang chủ của mình như một loại tiền điện tử chuyên dụng dành cho các thiết bị di động. Pi có khả năng được khai thác ngoại tuyến mà không yêu cầu năng lượng thiết bị nhờ vào giao thức đồng thuận Stellar. Tuy nhiên điều này vẫn chưa được xác minh vì chủ dự án Pi Network không công khai mã nguồn của dự án, tạo ra nhiều nghi vấn về việc liệu họ đã áp dụng giao thức đồng thuận hay chưa. Việc công khai mã nguồn tuy không phải là điều bắt buộc với một dự án Blockchain nhưng có thể giúp chủ dự án chứng minh tính xác thực với người dùng.
*Giao thức đồng thuận Stellar: sự triển khai đầu tiên của Thỏa thuận Byzantine Liên bang và cung cấp một cách mới để các mạng phân tán đạt được sự đồng thuận. Mặc dù nó là giao thức được sử dụng bởi Mạng Stellar để đạt được sự đồng thuận, nhưng các ứng dụng của nó vượt ra ngoài các Blockchains.
*Stellar: Stellar là một dự án mạng mã nguồn mở, hướng tới việc giải quyết các vấn đề về tiền tệ và thanh toán. Stellar cung cấp khả năng tạo, gửi và trao đổi các token biểu diễn các loại tiền như dollars, pesos, bitcoin,… dưới dạng kỹ thuật số. Nó được thiết kế với mục tiêu đưa toàn bộ hệ thống tài chính thế giới vào trong một mạng lưới duy nhất. Tương tự Bitcoin, Stellar không được sở hữu bởi bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, mà thuộc về toàn bộ cộng đồng. Hệ thống được chạy trên một mạng lưới mở, phi tập trung và xử lý hàng triệu giao dịch mỗi ngày. Giống như Bitcoin và Ethereum, Stellar dựa vào blockchain để giữ cho mạng được đồng bộ hóa, nhưng lại mang lại trải nghiệm giống với sử dụng tiền mặt cho người dùng. Stellar nhanh hơn, rẻ hơn và tiết kiệm năng lượng hơn các hệ thống dựa trên blockchain thông thường. (mọi người vui lòng tìm hiểu thêm sau nhé).
Với hiểu biết ít ỏi của cá nhân mình, Ứng dụng Pi Network thời điểm hiện tại không phải là một iFrame thông thường. Có thể nhà phát hành Pi sẽ khai thác Ứng dụng bằng quảng cáo & re-captcha. Người dùng thực hiện một số hoạt động, nhiệm vụ trong Ứng dụng & sẽ được phân phát Pi theo tiến độ cụ thể, riêng biệt.
*iFrame: viết tắt của Inline Frame – khung nội tuyến, là một frame bên trong frame. Nó là thành phần của một HTML element (tag HTML) giúp bạn đính kèm/nhúng tài liệu HTML, videos, và các video vào trong một trang web / ứng dụng Mobile. Bằng cách sử dụng iFrame, nội dung từ một web bên ngoài có thể nhúng vào app (Ứng dụng) cụ thể.
Ứng Dụng Pi Network Hoạt Động Như Thế Nào?
Hiện tại, Pi Network bao gồm một ứng dụng trên di động dùng để “đào” Pi mỗi 24 giờ và không có bất cứ chức năng nào khác. Thao tác “đào” Pi thực chất mang tính phân phối vì chủ dự án đã công bố rằng lượng Pi này đã được đào từ trước, điều đó cũng đồng nghĩa với việc ứng dụng của bạn không chạy bất kỳ thuật toán nào. Theo chia sẻ của nhà phát triển: “Số Pi có được bởi người dùng sẽ giảm đi một nửa mỗi khi số lượng người dùng của Pi Network tăng lên gấp mười lần”.
Token Emission Policy:
- Total Max Supply = M + R + D
*M = total mining rewards
*R = total referral rewards
*D = total developer rewards
2. M = ∫ f(P) dx where f is a logarithmically declining function
Với P = Population number (e.g., 1st person to join, 2nd person to join, etc.)
3. R = r * M
Với r = referral rate (50% total or 25% for both referrer and referee)
4. D = t * (M + R)
5. t = developer reward rate (25%)
***
Chiến Lược Phát Triển Kinh Doanh (Roadmap) Của Pi Network:
Giai đoạn 1 – Thiết kế, Phân phối, Trust Graph Bootstrap.
Máy chủ Pi đang hoạt động như một vòi mô phỏng hành vi thuộc hệ thống phi tập trung và nó sẽ hoạt động sau khi được kích hoạt bởi người dùng. Trong giai đoạn này, các cải tiến về trải nghiệm và hành vi của người dùng có thể thực hiện được và tương đối dễ dàng so với giai đoạn ổn định của mạng lưới chính thức (phiên bản hoàn thiện). Tất cả việc phân phối Pi cho người dùng sẽ được chuyển sang mạng lưới trực tiếp (livenet) sau khi được ra mắt. Nói cách khác, livenet sẽ chặn tất cả số dư của chủ tài khoản được tạo trong Giai đoạn 1 và tiếp tục hoạt động giống như hệ thống hiện tại nhưng được phân quyền hoàn toàn. Pi không được niêm yết trên các sàn giao dịch trong giai đoạn này và không thể “mua” Pi bằng bất kỳ loại tiền tệ nào khác.
Giai đoạn 2 – Testnet
Trước khi Nhà phát hành Pi khởi chạy mạng lưới chính (mainnet – livenet phiên bản hoàn thiện), phần mềm Node sẽ được triển khai trên mạng lưới thử nghiệm (testnet). Testnet sẽ sử dụng cùng một đồ thị đáng tin cậy và gần chính xác như livenet nhưng trên đồng Pi thử nghiệm. Nhóm người dùng chính (core TA) của Pi sẽ lưu trữ một số “nút thắt” (điểm tích lũy) testnet, nhưng sẽ khuyến khích nhiều Người tiên phong bắt đầu các điểm tích lũy & phân quyền của riêng họ trên testnet. Trên thực tế, để bất kỳ “nút thắt” nào tham gia vào mạng lưới chính, chúng cần phải bắt đầu trên mạng lưới thử nghiệm. Có thể hiểu là ví dụ: anh A muốn tham gia khai thác Pi thì cần được giới thiệu bởi người tham gia trước đó & anh ấy sẽ bắt đầu ở bản thử nghiệm chứ không phải bản chính thức tức thời. Testnet sẽ được chạy song song với trình mô phỏng Pi trong giai đoạn một và định kỳ, ví dụ: hàng ngày, kết quả từ cả hai hệ thống sẽ được so sánh để nắm bắt những lỗ hổng và thiếu sót của testnet, điều này sẽ cho phép Nhà phát triển Pi đề xuất và thực hiện các bản sửa lỗi. Sau khi chạy đồng thời cả hai hệ thống, testnet sẽ đạt đến trạng thái mà kết quả của nó luôn khớp với trình giả lập. Vào thời điểm đó khi cộng đồng cảm thấy sẵn sàng, Pi sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 3 – Mainnet
Khi cộng đồng cảm thấy Pi đã sẵn sàng để “trình làng” và nó đã được kiểm tra kỹ lưỡng trên testnet, mainnet chính thức của mạng lưới Pi sẽ được khởi chạy. Một chi tiết quan trọng là trong quá trình chuyển đổi sang mainnet, chỉ những tài khoản được xác thực là thuộc về các cá nhân thực sự mới được kích hoạt. Sau thời điểm này, thể thống phân phối và trình mô phỏng mạng lưới Pi của Giai đoạn 1 sẽ tắt và hệ thống sẽ tự tiếp tục vĩnh viễn. Các bản cập nhật trong tương lai cho giao thức sẽ do Nhà phát triển Pi và nhóm người dùng cốt lõi của Pi đóng góp, đề xuất. Việc thực hiện và triển khai của Pi Network sẽ phụ thuộc vào các “nút thắt” cập nhật phần mềm khai thác giống như bất kỳ loại tiền mã hóa nào khác. Sẽ không có cơ quan trung ương nào kiểm soát tiền tệ và nó sẽ được phân quyền hoàn toàn. Số dư của người dùng giả mạo hoặc người dùng trùng lặp sẽ bị loại bỏ. Đây là giai đoạn mà Pi có thể được kết nối với các sàn giao dịch và được đổi lấy các loại tiền tệ khác.
***
Tương đồng với mô hình liên kết (Multi-level Model), người dùng có thể tăng lượng Pi sở hữu được bằng cách giới thiệu thêm người dùng mới. Ngoài ra, người dùng buộc phải trải qua quy trình KYC – Know Your Customer nhằm mục đích tránh gian lận thông qua việc cung cấp thông tin cá nhân của bạn & đồng thời người dùng mới cần có mã giới thiệu từ người tham gia trước đó để có thể đăng nhập và tiến hành các tính năng trong Ứng dụng. Việc thu thập dữ liệu này đang được nhiều chuyên gia đánh giá là chưa phù hợp với một dự án Blockchain vì nó đi ngược lại với một trong những đặc tính quan trọng của tiền điện tử, tiền mã hóa là tính ẩn danh. Tuy nhiên với định vị là Social Chain , có vẻ Nhà phát triển Ứng dụng Pi Network đang muốn tái định nghĩa về thị trường tiền điện tử trong tương lai.
Sự Khác Biệt Giữa Pi & BitCoin Ở Thời Điểm Hiện Tại
Về thời gian xác nhận giao dịch: Bitcoin mất khoảng 10-60 phút/ giao dịch, trong khi đó Pi dựa trên công nghệ mạng Stellar có khả năng xác nhận giao dịch chỉ trong khoảng 3-5 giây.
Về cách khai thác: Bitcoin đòi hỏi người dùng phải đầu tư những dàn máy với chip “đào” chuyên dụng, điều này làm tiêu tốn nguồn tài chính và điện để giải mã những thuật toán của đồng coin này và mang lại những phần thưởng khối. Hơn thế, người dùng thậm chí phải cạnh tranh với những “máy đào” khác trong việc giải mã và khai thác. Trong khi Pi được “đào” trên ứng dụng điện thoại và không yêu cầu người dùng phải tiêu tốn về mặt tài chính hay tài nguyên thiết bị. Điện thoại dù sử dụng ứng dụng Pi Network trong thời gian dài vẫn không bị nóng lên và bạn vẫn có thể dùng khi tắt mạng hoặc tắt app.
Về cơ chế điều chỉnh lạm phát của Pi: Pi không mang lại tiềm năng khai thác vô tận vì nó sẽ trở về điểm 0 khi đạt giới hạn người dùng. Bắt đầu với tốc độ 3,14 Pi/h và giảm một nửa sau khi số lượng người dùng tăng lên 10 lần, ngày nay tốc độ khai thác cơ sở của Pi là 0,4Pi/h áp dụng cho người chơi đơn lẻ khi kích hoạt đủ vòng tròn bảo mật (vòng tròn gồm . Tốc độ này sẽ giảm 1 nửa khi số lượng Pioneer lên 10tr người. So sánh với Bitcoin, Pi mang lại cơ chế điều chỉnh lạm phát ưu việt hơn, cũng chính là khó khăn mà Bitcoin đang gặp phải.
Về tính phân phối công bằng: Pi đảm bảo tính công bằng cho tất cả người dùng vì tốc độ của họ là như nhau và cơ chế nhận được phần thưởng sau mỗi phiên khai thác. Đối với những người dùng đầu tư công sức, thời gian để phát triển mạng lưới sẽ nhận được nhiều phần thưởng hơn nhờ vào sự đóng góp của họ. Vào năm 2009, người dùng có khả năng kiếm được phần thưởng khối trị giá 50 Bitcoin nhưng đối với Pi trong thời điểm hiện tại, với từng mốc thời gian bạn sẽ nhận được tốc độ khai thác tại thời điểm đó.
Về mặt đơn vị tiền điện tử được đưa vào lưu thông: Do đặc tính giảm phát, Bitcoin sẽ không thể khai thác thêm khi chạm mốc 21 triệu, việc đưa Bitcoin vào lưu thông như một đồng tiền mã hóa là điều không thể. Ngược lại, Pi được phân phối đến nhiều người hơn và tất cả họ đều có khả năng tiếp cận. Số lượng người sử dụng càng lớn, giá trị của Pi càng cao.
Ứng Dụng Pi Network Trong Mắt Người Dùng
Cá nhân mình đánh giá không cao về giao diện Ứng dụng của Pi Network. Được thiết kế chỉn chu về hình ảnh, màu sắc và tỉ lệ icon, tuy nhiên Pi Network khá “rỗng” bên trong. Chưa nhiều tính năng được hình thành và cách thể hiện các trường thông tin trên nền Ứng dụng chưa có nhiều điểm vượt trội. Tuy nhiên Ứng dụng Pi được đánh giá bởi người dùng rất tốt & siêu tốt. 4.6/5 đối với Google Play bởi hơn 233.000 lượt đánh giá là một điều quá tuyệt vời với Ứng dụng Global (toàn cầu) bất kỳ. Ở mặt trận App Store, Pi Network cũng đạt được số điểm cao không kém, 4.4/5 với hơn 5.500 lượt rating app. Điểm đặc biệt là nội dung review app luôn có xu hướng tích cực dù là đánh giá 1/5. Điều này chứng tỏ Ứng dụng đã đáp ứng hầu như toàn bộ mong muốn & kỳ vọng từ phía đại đa số người dùng.
Chuyên Gia Và Giới Tài Chính Thế Giới Nhận Định Về Pi Network Như Thế Nào?
TS Đặng Minh Tuấn, Trưởng Lab Blockchain – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nhận định: “Hiện nay nó vẫn chưa được minh bạch nên nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, dù nhóm dự án đưa ra nhiều công thức trên trang web nhưng trên thực tế vẫn là dấu hỏi lớn.
Theo chuyên gia Cem Dilmegani từ AIMultiple, ứng dụng Pi hiện chỉ là nền tảng cho người dùng thực hiện bấm xem hoặc tắt quảng cáo và không có bất cứ thao tác nào để thực hiện trên ứng dụng này. Ngoài ra bằng cách thu thập thông tin cá nhân của người dùng, Pi Network đang tiến hành việc xây dựng cộng đồng cho chính nó.
Khi tìm hiểu chức năng chính của phần mềm, ông Nguyễn Việt Dinh – Trưởng mảng công nghệ công ty Symper đã dịch ứng dụng Pi Network trên Android và đưa ra đánh giá: “Do Pi chưa mở mã nguồn nên tôi đành phải dịch ngược để tìm hiểu về ứng dụng này. App PI Network được Coding trên nền tảng React Native, khung phần mềm mở được phát triển bởi Facebook sau đó nhúng vào Web view, tạo ra một số hiển thị như quảng cáo, đăng nhập, lưu Token…”. Hơn thế nữa, ông Dinh còn phát hiện bên trong mã nguồn ứng dụng sử dụng các thư viện quảng cáo để kiếm tiền như com.sbugert.rnadmob hiển thị quảng cáo Admob của Google; com.bytedance.overseas của Tik Tok; Audience Network Ads hiển thị quảng cáo của Facebook.
***
Tóm lại, theo quy tắc chung, tiền điện tử, tiền mã hóa khi được đưa vào hoạt động (như Bitcoin), tính xác thực và minh bạch là điều cần thiết. Bản thân mình chưa ủng hộ nhưng cũng không hoàn toàn phản đối Ứng dụng Pi Network và các chiến lược phát triển mà Nhà phát triển Pi đang hướng đến. Ở thời điểm hiện tại, mô hình này vẫn là một ẩn số chưa thể giải thích hoàn toàn bằng Logic sẵn có. Tương tự với Pi, các mô hình tiền ảo, tiền điện tử được mã hóa khác cũng đang là cơ hội kinh doanh của nhiều cá nhân, tổ chức hay thậm chí là vùng lãnh thổ, quốc gia. Tuy nhiên, theo pháp luật Việt Nam và các luật có liên quan được ban hành bởi Chính phủ, người dùng tiền điện tử lôi kéo người khác tham gia là hành vi sai phạm.
***
Cảm ơn mọi người đã dành thời gian theo dõi, hy vọng bài viết mang lại thông tin hữu ích đến mọi người.
Ngo Thai Hoang Tuan
Tuanngoth.