Phương pháp là gì? Ví dụ về phương pháp? Vai trò, nội dung phương pháp
Thông thường, để giải quyết hoặc làm rõ một vấn đề nào đó chắc chắn sẽ có phương pháp làm hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải có giải pháp và biện pháp để thực hiện. Vậy cụ thể phương pháp là gì? Hãy cùng Luật Minh Khuê giải đáp thông qua bài viết sau đây.
1. Phương pháp là gì?
Theo cách hiểu thông thường nhất, thì phương pháp là cách thức nghiên cứu, nhìn nhận các hiện tượng của tự nhiên và đời sống xã hội. Ví dụ, một số phương pháp được sử dụng để nghiên cứu như phương pháp biện chứng, phương pháp so sánh, phương pháp giải thích…
Bên cạnh đó, có thể hiểu phương pháp là hệ thống các cách được sử dụng để thực hiện một hoạt động cụ thể nào đó như phương pháp dạy học, phương pháp sử dụng vốn, phương pháp học tập hiệu quả…
Như vậy nhìn chung, phương pháp là cụm từ để chỉ quá trình để hoàn thành một nhiệm vụ, bao gồm những cách thức, đường lối mang tính hệ thống được đưa ra nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó. Là hệ thống những nguyên tắc được rút ra từ tri thức về các quy luật khách quan để điều chỉnh hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn nhằm thực hiện một mục đích nhất định.
Hiện nay, người ta thường chia phương pháp thành những cấp độ khác nhau. Trong đó bao gồm:
– Phương pháp riêng: Đây là những phương pháp được sử dụng từ kiến thức chuyên ngành riêng biệt, những đối tượng thuộc ngành khác sẽ không thể áp dụng được phương pháp này vào thực tiễn để giải quyết vấn đề. Mỗi ngành khoa học đều có phương pháp tiêng, sử dụng riêng cho ngành của mình. Chẳng hạn như ngành giáo thì sẽ có phương pháp giảng dạy, phân tích, công an thì có phương pháp điều tra, theo dõi…
– Phương pháp chung: Đây là những phương pháp mà mọi cá nhân hoặc tổ chức thuộc các chuyên ngành khác nhau đều có thể sử dụng nhằm mục đích đáp ứng mục đích của bản thân. Chẳng hạn như phương pháp ghi nhớ, phương pháp giảm cân, phương pháp làm đẹp…
– Phương pháp chung nhất: Đây là những phương pháp được áp dụng cho tất cả các ngành khoa học, chẳng hạn như phương pháp triết học.
Như vậy hiện nay, có rất nhiều các phương pháp được đưa vào sử dụng trong đời sống xã hội và lưu truyền với nhau để cùng thực hiện hiệu quả một công việc nào đó cụ thể.
2. Phân biệt phương pháp và biện pháp
Để phân biệt được giữa phương pháp và biện pháp, trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ về khái niệm, mục đích, ví dụ cụ thể của từng khía cạnh thì mới nắm được bản chất vấn đề, cụ thể:
Về phương pháp:
– Phương pháp là cụm từ dùng để chỉ các cách thức hoặc đường lối có tính hệ thống đưa ra để có thể giải quyết một vấn đề nào đó, theo đó thì phương pháp có thể được rút ra từ những kết quả mà con người nhận thức được từ thực tiễn.
– Ví dụ: Phương pháp giáo dục
Khi nhiều học sinh có biểu hiện không làm bài tập về nhà, trên lớp không tập trung, kết quả học tập đi xuống. Khi đó giáo viên và phụ huynh cùng kết hợp để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Từ đó có định hướng để con ý thức được, từ đó gia đình và nhà trường hỗ trợ em học sinh đó có điều kiện tốt nhất để học tập, đây gọi là phương pháp. Để thực hiện được phương pháp, giáo viên và phụ huynh sẽ cùng kết hợp để triển khai các biện pháp cụ thể.
Về biện pháp:
– Biện pháp là cách thức mà chúng ta sử dụng để tác động lên đối tượng nhằm trực tiếp xử lý vấn đề. Chẳng hạn như biện pháp kỹ thuật, biện pháp hành chính… Nhìn chung, biện pháp sẽ giúp chúng ta thực hiện quá trình giải quyết vấn đề nhằm đem lại hiệu quả.
– Ví dụ 1: Ở trong lớp có số lượng lớn học sinh thường xuyên không chịu học bài và làm bài về nhà, tình trạng kéo dài triền miên khiến cho thành tích học tập đi xuống. Trong trường hợp này giáo viên sẽ dùng biện pháp tăng cường kiểm tra bài tập đầu giờ và giữa giờ, đánh vào các đầu điểm trên lớp. Nếu học sinh không thay đổi về ý thức học tập thì điểm cuối năm sẽ không đủ điều kiện để được xét duyệt lên lớp trên.
– Ví dụ 2: Trước đây, khi bước vào học kỳ đầu thì tình hình học tập của các học sinh lớp 12N tương đối tốt, tuy nhiên gần đây có nhiều học sinh có tình trạng học tập bị sa sút. Phát hiện tình trạng này, giáo viên cần tìm ra nguyên nhân để đưa ra biện pháp cụ thể, nếu:
+ Việc giảng dạy từ giáo viên truyền đạt lại cho học sinh, chưa thực sự phù hợp với khả năng nhận thức đối với học sinh trong lớp đó, thì giáo viên thay đổi cách thức dạy học đối với học sinh để việc học tập trở nên hấp dãn hơn.
+ Cơ sở giảng dạy hỗ trợ cho việc học chưa thực sự đầy đủ, phù hợp thì cần bổ sung hỗ trợ cơ sở vật chất hoặc nếu không đủ điều kiện để hỗ trợ thì cần tự tạo những dụng cụ học tập thực tế, dễ tìm kiếm.
+ Vấn đề khen thưởng hoặc kỷ luật chưa nghiêm minh, rõ ràng,… để học sinh khắc phục hoặc noi theo tấm gương tốt thì giáo viên cần phải đưa ra các mức kỷ luật hoặc khen thưởng cụ thể, thực hiện đúng như nội dung phổ biến, tạo động lực cho học sinh phấn đấu.
3. Ví dụ về một số các phương pháp hữu dụng hiện nay
Hiện nay, đối với mỗi lĩnh vực khác nhau sẽ có những phương pháp trình bày hoặc giải quyết vấn đề khác nhau. Cụ thể, Luật Minh Khuê xin phép được giới thiệu hai phương pháp được sử dụng phổ biến là phương pháp ghi nhớ và phương pháp tác động tâm lý.
Phương pháp ghi nhớ
Ghi nhớ không chỉ đơn thuần là “học vẹt” nhớ trong khoảng thời gian ngắn mà ghi nhớ cũng cần nhớ lâu, nhớ kỹ và hiểu rõ. Để có thể nhớ được lâu và hiểu nội dung cần ghi nhớ, bạn có thể áp dụng những quy trình ghi nhớ dưới đây!
– Biết cách sắp xếp công việc hợp lý
Khi thực hiện phương pháp ghi nhớ, bạn cần biết cách để sắp xếp công việc của chính mình nhằm hạn chế được những khoảng thời gian thừa thãi trong quá trình ghi nhớ. Trước tiên, bạn hãy ghi ra những công việc bản thân cần thực hiện, sau đó sắp xếp công việc theo quy luật ưu tiên, mức độ quan trọng để giúp bản thân không quên đi những nội dung quan trọng cần thực hiện.
– Luôn luôn phải có sự tập trung
Để ghi nhớ lâu và nhớ kỹ, đồng thời hiểu được nội dung cần ghi nhớ thì bạn cũng cần rèn luyện sự tập trung. Khi có sự tập trung lắng nghe, đọc và suy ngẫm thì kiến thức sẽ dễ dàng lưu lại trong ký ức, từ đó giúp bạn dễ dàng trình bày hoặc áp dụng trong mọi hoàn cảnh mà không cần xem lại tài liệu.
– Tránh các yếu tố gây nhiễu
Phương pháp để ghi nhớ hiệu quả tiếp theo chính là chủ động tránh những yếu tố gây nhiễu. Thực tế khách quan cho thấy, con người chúng ta chỉ có thể làm việc tập trung, ghi nhớ hiệu quả khi tránh được những yếu tố gây phiền nhiễu. Vì vậy, bạn cần xác định rõ những yếu tố có thể khiến mình bị phân tâm, từ đó chủ động tránh đi khi cần tập trung ghi nhớ.
– Luôn ghi lại những ý quan trọng
Việc đọc nội dung, sau đó hiểu và ghi lại những ý quan trọng sẽ giúp bạn có thể ghi nhớ được cốt lõi của vấn đề một cách hiệu quả. Đây cũng là phương pháp ghi nhớ thông minh được nhiều người tin tưởng lựa chọn.
Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tập luyện thói quen ghi chép, chắt lọc những nội dung quan trọng một cách đầy đủ để có thể ghi nhớ đem lại hiệu quả tốt nhất.
Phương pháp tác động tâm lý
Tác động tâm lý là một phương pháp được chúng ta sử dụng hàng ngày. Chẳng hạn, việc khéo léo trong giao tiếp, hành động khen chê cũng là một phương pháp tác động vào tâm lý người nghe.
Việc tác động tâm lý có thể thông qua hình ảnh, lời nói, hành động phi ngôn ngữ, ám thị, sử dụng truyền thông… Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này khi người thực hiện cũng cần có kế hoạch rõ ràng, nắm vững được những đặc điểm tâm lý của đối tượng để đem lại hiệu quả tốt nhất, đồng thời đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Nếu có bất kỳ vướng mắc nào , quý khách hàng vui lòng liên hệ trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7. Gọi số 1900.6162 hoặc gửi email chi tiết tại: Tư vấn pháp luật qua Email. Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác từ quý khách hàng. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê. Trân trọng cảm ơn!