PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT CHẤN THƯƠNG TÁI TẠO DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC

1. Dây chằng chéo trước là gì?

Khớp gối là một trong những khớp lớn giữ chứ năng quan trọng trong việc đi lại của phần chi dưới. Để khớp gối được giữ vững cần có một hệ thống dây chằng, bao khớp, tổ chức sụn chêm. Trong đó, dây chằng chéo trước đóng vai trò giữ xương chày và giúp xương chày không bị trượt quá xa ra phía trước so với trục của thân xương đùi và xương chày khi cơ thể vận động đi lại. Ngoài ra, dây chằng chéo trước còn giúp chống lại sự xoay trong của xương chày đối với xương đùi.

Khi sinh hoạt, chúng ta vận động đi lại mạnh hoặc do chấn thương thể thao, tai nạn giao thông làm tổn thương dây chằng chéo trước, có thể bị đứt rời khiến cho xương chày trượt xa ra phía trước so với xương đùi và hệ thống khớp gối mất vững làm cho người bệnh đi lại khó khăn và đau nhức.

Để điều trị đứt dây chằng chéo trước thì tái tạo dây chằng chéo trước là một phương pháp điều trị được áp dụng nhiều nhất hiện nay, mang lại hiệu quả điều trị cao trong thời gian ngắn.

2. Phục hồi chức năng sau tái tạo dây chằng chéo trước

Tại khoa YHCT – PHCN Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ, phương pháp phục hồi chức năng được áp dụng sớm trên bệnh nhân sau phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước nhằm giúp bệnh nhân có thể vận động trong biên độ bình thường, sức cơ được hồi phục và ngăn chặn những thương tật thứ phát như teo cơ, teo cơ tứ đầu đùi gây cản trở nhiều vận động của chi dưới. 

Được thực hiện bằng các bài tập chuyên nghiệp kết hợp các máy móc hiện có tại khoa giúp bảo vệ những mảnh ghép trong quá trình phục hồi và biến đổi sinh học trước khi tạo thành dây chằng thực thụ.

2.1. Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng

Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước cho phép người bệnh tập phục hồi chức năng sớm sau phẫu thuật, khớp gối nhanh chóng lấy lại được biên độ vận động như trước phẫu thuật, sức cơ hồi phục, đồng thời tránh teo cơ đùi.

2.2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng

Ngày 1 sau phẫu thuật

  • Tập di động xương bánh chè
  • Mang nẹp đùi cẳng chân cố định sau mổ: tập dạng và khép chân, tập nâng toàn bộ chân lên khỏi mặt giường, tập vận động cổ chân trong nẹp.
  • Tập co cơ tĩnh trong nẹp: tập gồng cơ đùi, cơ cẳng bàn chân
  • Tháo nẹp ngày 3-4 lần, tập gấp duỗi gối chủ động có trợ giúp, gấp gối < 60 độ
  • Đeo nẹp liên tục cả ngày và đêm, kê cao chân phẫu thuật khi nằm nghỉ.
  • Bệnh nhân có thể ngồi dậy trên giường.

Ngày 2 sau phẫu thuật

  • Tiếp tục tập các bài tập trên như ngày thứ nhất
  • Mang nẹp: bệnh nhân có thể tập ngồi, tập đứng dậy tỳ nhẹ xuống chân đau với trọng lượng bằng 50% trọng lượng cơ thể.
  • Sử dụng 2 nạng nách trợ giúp.

Ngày 3 sau phẫu thuật

  • Tiếp tục tập các bài tập như ngày 1, 2 với cường độ tăng dần.
  • Tập vận động chủ động có kháng trở các khớp tự do tại chân phẫu thuật.
  • Bệnh nhân đi lại, sử dụng 2 nạng nách trợ giúp.

Sau 1 tuần phẫu thuật

  • Có thể gấp gối đến 90 độ.
  • Chịu trọng lượng trên chân phẫu thuật với cường độ tăng dần đến 100% trọng lượng.
  • Nếu khớp gối sưng đau tăng lên, ngưng tập, chườm lạnh khớp gối.
  • Mang nẹp cố định gối 4 tuần.Sử dụng nạng nách 4-6 tuần.
  • Sang tuần thứ 2: Khớp gối phải được duỗi hoàn toàn, gối phải gấp được 90 độ, sức cơ tứ đầu đùi phải đủ mạnh.

Từ tuần thứ 3 đến hết tuần thứ 4

  • Tăng cường tập vận động thụ động gối để gối gấp dần tối đa đến 120 độ.
  • Tăng cường tập nâng chân, tập gấp duỗi gối chủ động tư thế ngồi (chưa có lực cản) để tăng sức cơ tứ đầu đùi.
  • Tập đứng dồn 100% trọng lượng lên chân phẫu thuật.
  • Tập đạp xe đạp tại chỗ không có lực cản.
  • Tập sức cơ tứ đầu đùi bằng cách dùng lực cản ở cẳng chân khi khớp gối duỗi dần từ 90 đến 60 độ.

Kỹ thuật viên khoa YHCT – PHCN tăng cường tập vận động khớp gối ở tuần thứ 3

* Sau phẫu thuật 4 tuần phải đạt: tầm vận động khớp gối là 120 độ và có thể đứng được trên chân phẫu thuật với toàn bộ trọng lượng cơ thể.

Từ tuần thứ 5 đến hết tuần thứ 6

  • Tập gấp gối tích cực hơn để tăng tầm vận động của khớp.
  • Tập nhún đùi (xuống tấn) trong giới hạn khớp gối duỗi dần từ 90 đến 40 độ và ngược lại, tốc độ tăng dần theo thời gian.
  • Tập bước lên và bước xuống một bậc thang.
  • Tập sức mạnh cơ đùi bằng cách tập nâng đùi với tạ hoặc bao cát hoặc chun khi khớp gối gấp 90 độ với trọng lượng tăng dần.
  • Day mềm sẹo mổ, tập di động xương bánh chè.

Từ tuần thứ 7 đến hết tuần thứ 10

  • Tăng cường các bài tập trên để đạt được biên độ gấp duỗi khớp gối thụ động bình thường.
  • Bỏ nẹp, tập đi bộ tích cực và tập dáng đi bình thường.
  • Tập bước lên và bước xuống đến 2-3 bậc thang.
  • Tập nhún đùi với tầm vận động gấp duỗi gối tăng lên và tốc độ tăng dần.
  • Tập chạy trên đường bằng phẳng.

Từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 16

  • Tăng cường các bài tập trên.
  • Tập các bài tập tăng cường sức mạnh cơ tứ đầu đùi và cơ chậu chày.
  • Tập gấp duỗi gối chủ động phải đạt biên độ bình thường.
  • Vào tuần thứ 16 tầm vận động duỗi chủ động phải đạt duỗi hoàn toàn.

Từ tháng thứ 5 đến hết tháng thứ 6

  • Tập các bài tập tăng cường sức mạnh cơ tứ đầu đùi và cơ chậu chày.
  • Tập chạy tốc độ tăng dần, tập lên xuống bậc thang tích cực hơn.

Tháng thứ 7

Làm quen các môn thể thao ưa thích với mức độ phù hợp. Từ tháng thứ 8 trở đi mọi hoạt động nặng đều được tham gia, tập nhảy trên chân được phẫu thuật. Tập luyện và thi đấu thể thao bình thường.

Ngoài ra, tại Khoa YHCT – PHCN có thể điều trị bằng các phương pháp khác như là: Thuốc giảm đau chống viêm chống phù nề tăng cường, vi sóng, điện phân thuốc, điện xung từ tuần thứ 2 sau phẫu thuật hoặc điều trị hỗ trợ bằng các dụng cụ nạng, gậy, chun, tạ…