PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI BỆNH HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI BỆNH HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO 
NGƯỜI BỆNH HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY

         Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay, hội chứng chèn ép thần kinh giữa (Carpal tunnel syndrome), là một tập hợp các triệu chứng của một bệnh thần kinh ngoại biên thường gặp, do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có nguyên nhân nghề nghiệp, thường xảy ra khi làm việc bằng tay liên tục duy trì ở một tư thế cố định nào đó trong một thời gian dài. Bệnh gây tê các đầu ngón tay, nhiều nhất là ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và nửa ngón nhẫn, nếu để lâu gây teo cơ và yếu cơ bàn tay. Tuy không gây tử vong nhưng bệnh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

         Về mặt giải phẫu học, ở mặt trước cổ tay các xương cổ tay xếp theo hình cung, lõm ra trước tạo thành rãnh cổ tay. Rãnh này lại được mạc giữ gân gấp căng ngang phía trước, biến rãnh cổ tay thành ống cổ tay  để các cơ gấp, mạch máu và thần kinh từ vùng cẳng tay trước đi xuống bàn tay. Vì chui qua một ống hẹp giống như chui qua một đường hầm chật chội nên thần kinh giữa dễ bị chèn ép nếu các gân cơ bị sưng phù do đó gây ra các triệu chứng về cảm giác và vận động của các cơ mà nó chi phối. Phạm vi chi phối của thần kinh giữa là các ngón tay cái, trỏ, giữa và nửa ngoài của ngón tay đeo nhẫn.

         Nguyên nhân: các xương ở khớp cổ tay dị dạng do gãy cổ tay, viêm khớp làm sưng khớp, giai đoạn thai kỳ làm cơ thể phụ nữ giữ nhiều nước khiến họ lên cân, bệnh lý tiểu đường có thể gây thoái hóa dạng bột, bệnh lý suy nhược tuyến giáp gây sưng phù, các cử động liên tiếp của cổ tay trong hoạt động sống hằng ngày.
Điều trị: phần lớn các trường hợp hội chứng ống cổ tay có thể khỏi khi người bệnh thay đổi môi trường làm việc, thay đổi cách sống khoa học và hợp lý hơn. Ít khi cần đến sự can thiệp của thầy thuốc chuyên khoa nội thần kinh. Hiện nay những trường hợp thể vừa và nặng có thể điều trị bằng các phương pháp như: điều trị nội khoa bằng thuốc, nẹp, tiêm, yoga liệu pháp, vật lý trị liệu… nếu không chuyển biến thì phải can thiệp bằng phẫu thuật.
       

         PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI BỆNH HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY

     1. Siêu âm điều trị: sóng âm có phương truyền dọc, gồm những chuyển động phân tử. Có tác dụng tăng hoạt động tế bào xương, dãn mạch, cung cấp máu, tăng oxy, chất dinh dưỡng và cải thiện tình trạng viêm, tăng thải bỏ chất thải. Ngoài ra, siêu âm còn giúp gia tăng tính thấm của màng tế bào, kích hoạt sự trao đổi chất, gia tăng sự hấp thụ, làm mềm các cấu trúc, bóc tách sợi collagen. Liều điều trị 5-6 phút/ lần/ ngày, cường độ 1-1,5W/cm2, tần số là 3MHz.

     2. Điện xung TENS: là dòng xung hình chữ nhật xoay chiều tần số thấp có tác dụng tăng tuần hoàn tại chỗ do kích thích trực tiếp các mạch máu và cơ, giảm đau, giảm phù nề do ức chế dẫn truyền cảm giác, giải phóng chèn ép tại chỗ, tăng thải trừ chuyển hóa tại chỗ, tăng trương lực và phục hồi cơ liệt. Hầu như không có biến chứng, không gây khó chịu. Liều điều trị 15 phút/ lần/ ngày, tần số 80-100Hz, cường độ đủ mạnh để gây kích thích châm chích, không gây đáp ứng vận động. 

     3. Tập vận động: mục tiêu là tăng tuần hoàn của bàn tay và cổ tay, làm giảm phù và kích thích các mô mềm khỏe hơn (các cơ, các dây chằng và các gân). Nhằm làm giảm các triệu chứng của bệnh lý hội chứng ống cổ tay. Liều điều trị tập 10 phút/ lần và 3 lần/ ngày/ tuần.

         

Cần lưu ý đến tư thế khi làm việc:

         

• Giữ cho bàn tay trên cùng mặt phẳng với cẳng tay

         

• Không nắm dụng cụ quá mạnh

         

• Không gõ bàn phím quá mạnh

         

• Đổi tay nếu có thể được

         

• Nghỉ thư giãn mỗi 15-20 phút

         

• Giữ tay ấm

         

• Không gối đầu trên tay khi ngủ

         

• Thư giãn, tránh căng thẳng

Tác giả: CN Phạm Ngọc Phúc