Phục hồi 4 dây chằng tổn thương trong một ca phẫu thuật – VnExpress

Sau khi được thay dây chằng nhân tạo, cô gái 21 tuổi tự đi những bước chân đầu tiên sau 8 tháng phải dùng nạng và xe lăn do tai nạn giao thông.

Nguyễn Thị Kim, ở Đồng Nai, bị tai nạn giao thông, gãy đùi và cẳng chân trái. Xương gãy đã điều trị bằng phương pháp bắt vít kết hợp xương. Tuy nhiên, khi thử tập đi, Kim cảm nhận rõ rệt đầu gối không vững, có xu hướng sụp xuống. Với mong muốn mãnh liệt có thể sớm đi lại một cách vững vàng, Kim không ngừng tìm kiếm thông tin và quyết định đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Qua thăm khám, ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, phát hiện rằng trong sự cố tai nạn giao thông trước đó, Kim không chỉ bị gãy xương mà người bệnh còn tổn thương cùng lúc 4 dây chằng. Tình trạng cụ thể như sau: đứt bán phần dây chằng chéo trước, đứt hoàn toàn dây chằng chéo sau, tưa rách dây chằng bên ngoài, tổn thương nhẹ dây chằng bên trong. Các dây chằng đồng thời bị tổn thương đã làm cho khớp gối lỏng lẻo nghiêm trọng, sụp lún và lệch sang bên khi đi lại. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh đối mặt với nguy cơ bong sụn khớp, thoái hóa sụn và thoái hóa khớp sớm.

Bác sĩ kiểm tra tình trạng khớp gối của người bệnh trước khi điều trị. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ kiểm tra tình trạng khớp gối của người bệnh trước khi điều trị. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ Anh Vũ cho biết, đây là một ca phẫu thuật khó vì bên trong xương chày và xương đùi của người bệnh vẫn còn các dụng cụ kết hợp xương. Điều này làm nhòe hình ảnh hiển thị trên phim chụp cộng hưởng từ MRI, cản trở việc quan sát tình trạng tổn thương. Nếu chờ lấy dụng cụ kết hợp xương ra ngoài rồi mới xử lý tổn thương dây chằng sẽ làm chậm quá trình phục hồi. Một trở ngại khác của ca phẫu thuật là trong thời gian bắt vít kết hợp xương, người bệnh đã phải hạn chế vận động. Khi sử dụng phương pháp tái tạo dây chằng bằng gân tự thân, người bệnh sẽ phải tiếp tục nghỉ ngơi trong nhiều tháng tiếp theo. Các cơ bắp, đặc biệt là ở vùng đùi và vùng cẳng chân không được hoạt động nhiều trong một thời gian dài có nguy cơ dẫn đến biến chứng teo cơ.

Nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh và tránh ảnh hưởng đến các dụng cụ kết hợp xương, bác sĩ Anh Vũ quyết định sử dụng dây chằng nhân tạo với sự trợ giúp của máy chụp MRI Open. Máy MRI Open là công nghệ chẩn đoán hình ảnh không gian mở mới, cho phép bác sĩ quan sát rõ tình trạng tổn thương các dây chằng kể cả khi có sự xuất hiện của dụng cụ kết hợp xương.

Bác sĩ Anh Vũ thực hiện phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng cho chị Kim. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ Anh Vũ thực hiện phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng cho chị Kim. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Đối với tổn thương dây chằng, mục tiêu điều trị là can thiệp tối thiểu và phục hồi tối đa thông qua phẫu thuật nội soi. Dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau sẽ được tái tạo bằng dây chằng nhân tạo. So với dây chằng tự thân, sử dụng dây chằng nhân tạo giúp tránh được việc phải lấy gân từ vị trí khác ghép vào, giảm xâm lấn gây tổn thương cho cơ thể. Dây chằng bên trong sẽ được bắt nẹp và khâu lại. Dây chằng bên ngoài sẽ thực hiện điều trị bảo tồn.

Tất cả các thủ thuật đều được tiến hành trong cùng một ca phẫu thuật, giúp giảm chi phí điều trị, đẩy nhanh tốc độ phục hồi và không ảnh hưởng đến quá trình lành xương. Theo tiên lượng, sau phẫu thuật 2 – 3 ngày, người bệnh có thể đi lại. Điều này đáp ứng được mong muốn khôi phục khả năng đi lại một cách nhanh chóng của người bệnh.

Người bệnh tập phục hồi chức năng, dần trở lại với sinh hoạt thường ngày sau thời gian dài hạn chế vận động. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Người bệnh tập phục hồi chức năng, dần trở lại với sinh hoạt thường ngày sau thời gian dài hạn chế vận động. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Một ngày sau ca phẫu thuật, chị Kim được tiến hành tập vật lý trị liệu thụ động nhằm lấy lại tầm vận động của khớp gối. Sau 3 ngày, người bệnh có thể bắt đầu đứng dậy và tập đi lại. Tái khám vào 2 tuần sau phẫu thuật, chị cho biết đã đỡ đau, vết mổ khô, đi lại không cảm thấy sụp lún hoặc lỏng khớp gối.

“Mặc dù đi lại còn chưa vững nhưng tôi rất vui. Đây là những bước chân đầu tiên tôi có thể tự đi mà không cần dụng cụ hỗ trợ sau 8 tháng kể từ khi bị tai nạn giao thông”, người bệnh chia sẻ.

Bác sĩ Anh Vũ cho biết, tái tạo dây chằng bị tổn thương bằng dây chằng nhân tạo là một phương pháp mới với 2 ưu điểm vượt trội: thời gian phục hồi nhanh chóng vì không phải lấy gân từ vị trí khác trên cơ thể ghép vào, và đây là phẫu thuật nội soi nên hạn chế được tổn thương ở các mô xung quanh. Ngoài ra, dây chằng nhân tạo là một tổ hợp gồm khoảng 3.000 sợi polyethylene bện lại với nhau có độ linh hoạt và mềm dẻo cao. Người bệnh có thể hoạt động thoải mái mà không lo tình trạng đứt dây chằng tái phát vì dây chằng nhân tạo có thể chịu một lực tác động lên đến 350 kg.

*Tên người bệnh đã được thay đổi.

Phi Hồng