Phòng, chống ma túy không phải là trách nhiệm của riêng cá nhân, cơ quan nào mà cần một phong trào rộng khắp, có tính xã hội cao

Tệ nạn ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của nhân loại. Hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; đồng thời là nguyên nhân chủ yếu phát sinh các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đe dọa sự ổn định, phồn vinh và trường tồn của mỗi quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, ngày 26/6 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là “Ngày Quốc tế phòng, chống lạm dụng ma túy” để kêu gọi mọi người tích cực phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.

Tại Việt Nam, theo Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg ngày 13/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm lấy tháng 6 là “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và ngày 26/6 là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

Những năm qua, tệ nạn ma túy ở Việt Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng cùng với việc xuất hiện nhiều loại ma túy mới, khó kiểm soát. Ma túy đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của mỗi con người, cộng đồng xã hội. Ma túy làm hủy hoại sức khỏe dẫn đến mất khả năng lao động, suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia về phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm thì có tới 70% các vụ án hình sự liên quan đến ma túy và người nghiện ma túy; hầu hết những vụ án gây mất trật tự công cộng, đâm chém kinh hoàng liên quan tới người nghiện, người sử dụng ma túy. Đặc biệt, ma túy còn là nguyên nhân chính và trực tiếp dẫn đến tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS – căn bệnh mà hiện nay chưa có thuốc chữa.

Phòng, chống ma túy không phải là trách nhiệm của riêng cá nhân, cơ quan nào mà cần một phong trào rộng khắp, có tính xã hội cao. Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo 138 tỉnh Bắc Ninh và Kế hoạch của Ban Thường vụ huyện ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Thành đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn; trong 6 tháng đầu năm 2022, tệ nạn ma túy được kiềm chế, công tác đấu tranh bắt giữ, xử lý đối tượng ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện vẫn tiềm ẩn phức tạp, vẫn còn có người nghiện ma túy. Đặc biệt, thời gian gần đây, nổi lên tình trạng các đối tượng lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT (nhà nghỉ, quán bar, karaoke) để hoạt động phạm tội về ma túy, gây mất an ninh trật tự, làm gia tăng phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và huyện Thuận Thành nói riêng. Tác hại của ma túy tổng hợp là rất lớn, gây suy kiệt về thể xác; nguy hiểm hơn ma túy tổng hợp tác động mạnh và trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương gây tình trạng ảo giác, khiến người sử dụng tưởng tượng ra những sự việc không có thật; từ đó, thực hiện những hành vi mất nhân tính mà chính bản thân họ không kiểm soát được như đi xe tốc độ cao, lạng lách, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí gây ra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Tình hình người nghiện ma túy đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều mặt của đời sống xã hội, gây tổn hại về kinh tế, nhân lực lao động, làm gia tăng tội phạm và các tai, tệ nạn xã hội, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, truyền thống đạo đức dân tộc. Điều đáng lo ngại, đối tượng sử dụng các loại ma túy tổng hợp hiện nay phần lớn là thanh, thiếu niên, thậm chí có những người chưa thành niên, học sinh, sinh viên.

Để đấu tranh phòng, chống và làm giảm tệ nạn ma túy trên địa bàn, 06 tháng đầu năm 2022, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân huyện Thuận Thành đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều biện pháp phòng, chống ma túy như: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống ma túy, đặc biệt là những nội dung của Luật phòng, chống ma túy năm 2021; tổ chức ký cam kết phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; tập trung đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy. Lực lượng Công an huyện triển khai nhiều biện pháp, tập trung đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy. Trong 6 tháng đầu năm 2022, phát hiện, bắt 21 vụ, 39 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 6. 6881 gam Heroine; 275.8528 gam ma túy tổng hợp; gồm: 10 vụ, 17 đối tượng mua bán; 1 vụ, 12 đối tượng tổ chức sử dụng; 10 vụ, 10 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy; trong đó, phá 3 chuyên án ma túy; phát hiện 3 vụ lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT để hoạt động phạm tội. Khởi tố 21 vụ, 24 bị can; XLHC các vụ, các đối tượng còn lại.

Bên cạnh công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện luôn được các cấp ủy đảng, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện quan tâm chỉ đạo, thực hiện; các hình thức cai nghiện được áp dụng đa dạng, phù hợp với từng người nghiện khác nhau; tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình phong trào quần chúng giúp đỡ người nghiện tại gia đình, cộng đồng dân cư như: các Câu lạc bộ tình thương và trách nhiệm, Tổ an ninh nhân dân.

Để tích cực hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26-6, thực hiện có hiệu quả Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022 với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy – Vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn” đề nghị các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn cùng toàn thể nhân dân hãy tham gia tích cực hơn nữa vào công tác phòng, chống ma túy; trong đó, tập trung tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

          1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn thể nhân dân trong công tác phòng, chống ma túy; hậu quả, tác hại của tệ nạn ma túy đối với từng cá nhân, gia đình và đời sống xã hội; nhất là tác hại của các loại ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới.

          2. Phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân phòng, chống ma túy, ngăn chặn không để ma túy lây lan trong cộng đồng, giảm các địa bàn có tội phạm và người nghiện ma túy. Từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy, trước hết là trong thanh thiếu niên, ngăn chặn tệ nạn ma túy không để thâm nhập vào học đường, trong học sinh, sinh viên.

          3. Đẩy mạnh các hình thức cai nghiện tập trung và cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; tổ chức tốt công tác quản lý người nghiện sau cai nhằm giảm tỷ lệ người tái nghiện ma túy. Đề nghị các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp, chính quyền địa phương quan tâm nghiên cứu thực hiện các chính sách tạo việc làm, nhất là đối với những người nghiện ma túy sau cai, để họ sớm hòa nhập cộng đồng, góp phần chống tái nghiện.

          4. Đề nghị các nhà trường tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến về tác hại của ma túy; cách phòng, chống ma túy học đường để nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên trong việc phòng, chống hiểm họa ma túy.

          5. Tăng cường đấu tranh truy quét tội phạm ma túy và kiểm soát tiền chất ma túy. Tập trung triệt phá các điểm, tụ điểm ma túy phức tạp, nhất là các điểm sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp, thuốc lắc; bắt giữ, xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội về ma túy; tổ chức ngăn chặn có hiệu quả ma túy xâm nhập vào địa bàn./.