Phòng bệnh học đường

MẮC BỆNH VÌ… HỌC KHÔNG ĐÚNG CÁCH

Theo điều tra gần đây của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về bệnh tật học đường tại tám tỉnh là: Hòa Bình, Huế, Hải Phòng, Kiên Giang, Kon Tum, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái: Tỷ lệ mắc bệnh cong vẹo cột sống là hơn 10%, trong đó số lượng học sinh THPT mắc bệnh này nhiều hơn học sinh THCS; tật khúc xạ chung 13,48%; bệnh răng miệng là 58%.

Cận thị, viễn thị và loạn thị là những bệnh về mắt thường gặp ở học sinh. Khi thấy học sinh có những biểu hiện như nheo, nhíu mắt hoặc ngồi sát khi xem ti-vi, cúi sát mặt khi học bài… phải kịp thời đưa học sinh đi khám mắt. Nguyên nhân của những căn bệnh này chủ yếu là do thói quen xấu kéo dài của học sinh trong quá trình học tập, như sử dụng bàn học không phù hợp kích thước, khoảng cách không phù hợp, thiếu ánh sáng, khi học tập ở nhà ngồi không đúng tư thế. Để tránh những bệnh khúc xạ nên tăng cường cho học sinh vui chơi ngoài trời mọi lúc, sự vận động không những tốt cho mắt mà cho tất cả các bộ phận của cơ thể. Thiết kế góc học tập tại nhà cho học sinh đạt tiêu chuẩn về ánh sáng, không gian. Không để luồng ánh sáng hắt lên mắt, hay bị sấp bóng. Hướng dẫn và quản lý việc học tập, sinh hoạt của học sinh khi ở nhà, không để các em xem ti-vi, sử dụng máy vi tính quá nhiều thời gian trong ngày, nhắc nhở khi các em viết, đọc sách không đúng cách như vừa ăn vừa học, đọc sách quá gần với mắt hoặc ở nơi thiếu ánh sáng.

Bệnh cong vẹo cột sống ở học sinh hiện nay cũng rất đáng lo ngại. Việc học sinh ngồi học không đúng tư thế cũng tác động xấu đến cột sống và dần trở thành tật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cơ thể cũng như thẩm mỹ khi học sinh trưởng thành. Những tư thế như ngồi trườn người lên bàn, ngồi ép ngực vào thành bàn hay ngồi nghiêng lệch người sang một bên, ngồi cong vẹo cổ sang một bên là những tư thế gây nên bệnh cong vẹo cột sống. Khi mắc bệnh học sinh có thể bị gù, vai bị lệch, cổ bị nghiêng, vai thấp vai cao do bị xoay cột sống. Việc uốn nắn tư thế ngồi cho học sinh hằng ngày để tạo cho các em thói quen ngồi học đúng tư thế là phương pháp hàng đầu trong việc phòng tránh bệnh cong vẹo cuột sống cho các em.

Ngoài các bệnh cận thị, cong vẹo cột sống, các bệnh học đường khác như bệnh răng miệng, bệnh đường ruột… ở lứa tuổi học sinh đang tăng. Trong khi đó chương trình nha học đường vệ sinh răng miệng, chăm sóc răng cho học sinh vẫn chưa được phát triển, nhất là ở vùng sâu, vùng xa…

CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Phòng, chống bệnh học đường đang cần những giải pháp đồng bộ với sự tham gia của nhiều bộ, ngành. Trọng tâm là xây dựng cơ sở trường học và đội ngũ cán bộ y tế trong các trường bảo đảm theo tiêu chuẩn vệ sinh trường học. Xây dựng đủ phòng y tế cho trường học, đào tạo và nâng cao trình độ của cán bộ y tế trường học, khắc phục tình trạng giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế. Tăng cường đủ trang bị kiểm tra điều kiện vệ sinh trường học ở trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, các huyện trên cả nước. Bảo đảm các danh mục thuốc và trang bị thiết yếu phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu cho học sinh.

Xây dựng trường học bảo đảm điều kiện bàn ghế, chiếu sáng: Hiện mới chỉ có 60% phòng học được kiểm tra đạt yêu cầu về hệ thống thông gió và chiếu sáng. Nhiều trường học hiện nay vẫn tồn tại song song hai đến ba loại ghế ngồi. Theo báo cáo của 16 tỉnh thì chỉ có 40% số lượng bàn ghế đạt chuẩn, 76% số trường có nhà vệ sinh hợp vệ sinh. Trên thực tế kinh phí cho hoạt động y tế trường học thiếu thốn, nhiều tỉnh, thành phố không có kinh phí cho hoạt động này, phần trích lại từ bảo hiểm y tế của học sinh không đáp ứng được cho hoạt động y tế trường học.

Để công tác y tế trường học đạt được hiệu quả mong muốn, trước mắt Chính phủ cần có chính sách đầu tư nguồn lực thỏa đáng thông qua các chương trình, dự án của Nhà nước tạo điều kiện cho ngành y tế, ngành giáo dục thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên, phòng, chống bệnh dịch và bệnh tật học đường. Các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt các nội dung của Chỉ thị số 2/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác y tế trường học và Quyết định số 401/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phòng ,chống bệnh tật học đường trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Kiện toàn và hoàn thiện hệ thống Ban chỉ đạo công tác y tế trường học các cấp, có chế độ đãi ngộ, tuyển dụng đủ số lượng cán bộ làm công tác y tế trường học. Huy động các nguồn lực nâng cao cơ sở vật chất, cải tạo môi trường, điều kiện học tập, chú trọng xây dựng “Trường học Nâng cao sức khỏe”. Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, tạo chuyển biến về nhận thức để cá nhân chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Huy động các nguồn lực cho hoạt động y tế dự phòng. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bệnh tật học đường. Xây dựng và triển khai có hiệu quả những dự án, chương trình về y tế trường học.

(Dự án Y tế học đường năm 2012 của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)