Phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các địa phương – Tin mới – Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong toàn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
“Quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động giai đoạn và hàng năm cần xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm để chỉ đạo đơn vị, địa phương triển khai thực hiện bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đối tượng, lĩnh vực, địa bàn quản lý cụ thể”. Đây là một trong những nội dung được Bộ Tư pháp lưu ý trong tài liệu trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với công tác chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp 6 tháng đầu năm 2022.
Ảnh tư liệu
Theo Bộ Tư pháp, ngày 20/6/2020, Ban Bí thư đã ban hành ban hành Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân (Kết luận số 80-KL/TW).
Trong Kết luận này, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng cần “Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác PBGDPL; xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội..”.
Ngoài ra, tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Kế luận số 80-KL/TW đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong triển khai công tác PBGDPL, đồng thời giao trách nhiệm cho Thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng, toàn diện nội dung Kết luận số 80-KL/TW bằng hình thức phù hợp đến các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; ban hành hoặc tham mưu cấp ủy cùng cấp ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Kết luận; phát huy vai trò, xác định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL và hoạt động phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác này.
Thực tiễn cho thấy, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong toàn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL; trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động giai đoạn và hàng năm cần xác định công tác PBGDPL là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm để chỉ đạo đơn vị, địa phương triển khai thực hiện bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đối tượng, lĩnh vực, địa bàn quản lý cụ thể.
Trước đó, kiến nghị đến Bộ, nhiều địa phương đã đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xem các nội dung liên quan tới công tác PBGDPL là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình; tăng cường vận động các cơ quan, tổ chức chung tay góp sức hỗ trợ kinh phí thực hiện các công tác PBGDPL tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; tiếp tục tập trung đầu tư nhân lực, vật lực triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện công tác PBGDPL.
Hải Yến