Phim “Vietnam War – Chiến tranh Việt Nam”

Đạo diễn: Ken Burns và Lynn Novick

Đề tài chiến tranh Việt Nam từ lâu đã là một sự chia rẽ: chia rẽ trên chiến trường, chia rẽ trên mặt trận chính trị, chia rẽ trong lòng người dân Mỹ. Dù không ít bộ phim về cuộc chiến này, nhưng không nhiều phim công phu đến vậy, khai thác từ những người cựu binh của cả 3 phía: Mỹ, Việt Nam Cộng hòa và Bắc Việt. “Những ai từng trải qua chiến tranh, không thể xóa bỏ ký ức trong lòng, không ngừng tranh cãi về điều gì đã thực sự xảy ra, vì sao mọi thứ lại tồi tệ thế, ai chịu trách nhiệm và liệu cuộc chiến đó có đáng không?” câu hỏi nhức nhối mà Ken Burns đặt ra từ đầu phim. Để giải đáp câu hỏi này, tác giả đưa người xem trở về những ngày đầu tiên, từ khi Mỹ chưa thực sự hiện diện, từ ngày Pháp nổ tiếng súng đầu tiên, đến Chiến tranh Thế giới thứ hai, đến khi người Mỹ im lặng, để bảo vệ đồng minh của mình, rồi từng bước nhúng tay sâu hơn vào đất nước này để cuối cùng là sa lầy trên chiến trường Việt Nam và ra đi trả lại chính quyền về tay chính quyền Bắc Việt sau sự kiện 30-4-1975.  

Chúng tôi cùng tất cả người Việt Nam trên dải đất hình chữ S này đều biết về cuộc chiến tranh ‘thần thánh’ này. Vậy còn người Mỹ, họ nhìn gì về cuộc chiến của họ trên một lãnh thổ xa xôi cách nửa vòng trái đất? Trong một thời gian dài, Việt Nam là nỗi đau, là vết thương trong lòng người Mỹ, nơi những cựu chiến binh tham chiến với những ám ảnh trên chiến trường ác liệt. Và bộ phim tài liệu dài 10 tập của Ken Burns và đồng sự Lynn Novick mang những tư liệu, những góc nhìn của người trong cuộc đến với công chúng. Những đoạn phỏng vấn người lính Mỹ, từ khi họ còn là những người thanh niên nhiệt huyết cống hiến để lại làm rạng danh nước Mỹ như cha ông của họ từng làm trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, để giữ vững điều mà những nhà chính trị gọi là “bảo vệ dân chủ” trước sự bành trướng của Chủ nghĩa xã hội. Rồi từng thước phim trôi qua chỉ để cho thấy sự tàn phá của chiến tranh, không chỉ bằng bom đạn trên những liếp nhà, giết chết hàng ngàn dân thường, cả trẻ em, mà còn tàn phá tương lai tươi sáng của những chàng thanh niên nhiệt huyết.  

Trải qua 10 năm thực hiện, kinh phí 30 triệu USD, 18 giờ phim1 là nỗ lực của không chỉ đoàn phim mà còn của những cựu binh, của những người mong cất lên tiếng nói về cuộc chiến này, không phải để khơi gợi lại “bóng ma quá khứ2”, mà để những người ở quê nhà, ở chiến trường, những người trải qua cuộc chiến chỉ bằng hình ảnh và tư liệu, hiểu nhiều về cuộc chiến của chính họ; để những nỗ lực hàn gắn, những nỗ lực đình chiến, những người đấu tranh cho hòa bình không rơi vào quên lãng, và quan trọng hơn, để tất cả cùng hiểu rằng chiến tranh là đau đớn và tan nát, như lời của Bảo Ninh, một cựu chiến binh Bắc Việt và một nhà văn đã trải lòng trong phim: “Thời gian qua gần 40 năm rồi, ngay cả các cựu chiến binh Việt Nam cũng tránh… hát chiến thắng, giải phóng cũng chẳng làm gì cả. Thế còn chuyện thắng thua, chiến tranh không ai thắng ai thua cả, chỉ có tan nát, không có thắng thua gì ở đây. Chỉ có mấy ông không bao giờ đánh nhau thì mới bàn luận, ông này thắng ông kia thua.”   

Nhưng câu hỏi của Ken Burns, ai chịu trách nhiệm cho cuộc chiến này? Là những chính trị gia người Mỹ, là lãnh đạo Bắc Việt hay những đại diện của Việt Nam Cộng Hòa; là những tướng sĩ quân đội hay chính những trực tiếp người cầm súng; là những con người câm lặng để chiến tranh xảy ra và leo thang; là những niềm kiêu hãnh hay mâu thuẫn về ý thức? Ken Burns không có câu trả lời chính xác, ông chỉ bày ra cho người xem toàn bộ bức tranh, từ đẹp đến xấu, từ anh dũng đến bạo tàn, từ những lý tưởng hòa bình to tát đến những trái bom dội thẳng xuống những làng quê thanh bình.   

Dù bộ phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam không phải là bộ phim đầu tiên hay duy nhất về cuộc chiến này, nhưng bằng kinh nghiệm, những thủ pháp nghệ thuật, bằng sự đầu tư nghiêm túc và trên hết là mong mỏi trao đến người xem thực trạng chiến tranh, từ góc nhìn “bên kia”, rằng “không có ai thắng ai thua cả.”