Philip Knight là ai? Cuộc đời, sự nghiệp của nhà sáng lập Nike Philip Knight

Nike là một thương hiệu thời trang – phụ kiện đến từ nước Mỹ nhưng đã không còn xa lạ với nhiều quốc gia trên thế giới. Philip Knight chính là nhà đồng sáng lập nên thương hiệu tên tuổi nổi khắp toàn cầu này. Sau nhiều năm cùng Nike đi qua những thăng trầm, sóng gió, đến nay Philip Knight đã thành công và trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới

Câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của nhà đồng sáng lập thương hiệu nổi tiếng này sẽ được chúng tôi gửi đến bạn ngay trong bài viết sau đây.

Philip Knight là ai?

Philip Knight tên đầy đủ là Philip Hampson Knight sinh ngày 24 tháng 2 năm 1938 là một tỷ phú người Mỹ, nhà đồng sáng lập và Chủ tịch danh dự của Nike, Inc. Ông từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị và CEO của Tập đoàn này trong nhiều năm. Đồng thời, Philip Knight cũng là chủ sở hữu của công ty sản xuất phim hoạt hình Laika.

Philip Knight từng theo học cử nhân tại trường Đại học Oregon và Cao học tại trường Đại học Stanford. Hồi còn học ở Oregon, Philip Knight từng được huấn luyện bởi Bill Bowerman và người thầy đó cũng là người cộng sự cùng Philip Knight lập nên đế chế Nike sau này.

Philip Knight cũng được biết đến là một nhà từ thiện tích cực khi ông đã quyên góp hàng trăm triệu USD cho những ngôi trường mà trước đây ông từng theo học cùng với đó là trường Đại học Khoa học và Y tế Oregon. Thông qua  những tổ chức khác nhau, Philip Knight đã quyên góp tổng cộng hơn 2 tỷ đô cho các hoạt động từ thiện.

Tóm tắt tiểu sử

Philip Knight sinh ra tại Portland, Oregon, Mỹ. Ông là con trai của nhà báo Bill Knight và và Lota Knight. Philip Knight theo học trường Trung học Cleveland. Khi cha của Knight từ chối cho con trai của mình làm việc hè tại tòa soạn Oregonian nơi ông làm việc vì tin vào khả năng tự tìm việc của con trai, Philip Knight đã tìm đến tòa soạn đối thủ của Oregonian để làm việc.

Philip Knight tiếp tục việc học của mình tại Đại học Oregon ở Eugene và tốt nghiệp cử nhân báo chí vào năm 1959. Sau khi tốt nghiệp, Philip Knight tham gia quân ngũ và sau đó một năm thì quay lại trường học. Ông nhận bằng MBA tại Stanford và ý tưởng thành lập Nike cũng được nảy nở trong thời gian này. Ông và Bill Bowerman, giảng viên của mình mỗi người bỏ ra 500 USD để xây dựng Blue Ribbon Sports (BRS) – tiền thân của Nike sau này.

Sự nghiệp

– Năm 1971, BRS chính thức được đổi tên thành Nike. Hãng giày này là sự lựa chọn của nhiều vận động viên nổi tiếng và doanh thu của Nike tăng trưởng gấp đôi hàng năm. Mạng lưới kết nối của Philip Knight và Bowerman với cộng đồng những người yêu thích chạy bộ và việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm đã kiến Nike trở thành thương hiệu yêu thích của các vận động viên chuyên nghiệp.

– Trong thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, doanh thu của Nike tăng mạnh, chạm ngưỡng 876 triệu USD. Năm 1982, sự ra đời của Air Force – dòng sản phẩm đầu tiên của Nike có tính năng Nike Air với một túi khí ở gót chân, có thêm đệm và hỗ trợ cho những vận động viên bóng rổ đem đến thành công lớn cho Nike, trở thành một trong những đôi Sneaker được ưa chuộng nhất mọi thời đại. Cho đến nay, vẫn có hàng triệu đôi Air Force được bán ra hàng năm.

– Một trong những thành tựu rực rỡ đáng kể của Philip Knight khi điều hành Nike là ông đã thương thảo thành công hợp đồng với Michael Jordan – một vận động viên bóng rổ huyền thoại. Dòng sản phẩm Air Jordan đã trở thành một trong những cái bắt tay thành công nhất mọi thời đại trong lĩnh vực sneaker. Tháng 3 năm 1985, Air Jordan đã có mặt trên các kệ giày tại các cửa hàng Nike trên khắp nước Mỹ với giá 65 USD một đôi. 70 triệu USD là doanh thu của dòng sản phẩm này chỉ sau 2 tháng ra mắt, đóng góp một phần đáng kể vào tổng doanh thu hơn 100 triệu USD của Nike cuối năm đó.

– Không phải lúc nào Nike cũng làm ăn thuận lợi. Một thời gian Nike vướng phải những lùm xùm, tai tiếng khiến khách hàng quay lưng và doanh thu của Nike giảm đi trông thấy. Khi ấy, Philip Knight nhận ra rằng, khách hàng của họ đa phần là những công dân bình thường, hầu hết trong số đó còn không dùng giày cho các hoạt động thể thao dù Nike có cố gắng tiếp thị đến rất nhiều những vận động viên thể thao.

– Đứng trước “sóng gió” lần này, để có thể vững vàng vượt qua, CEO Philip Knight bắt đầu đưa Nike chuyển dịch từ công ty định hướng về sản phẩm sang tiếp thị. Ông kéo doanh thu lên bằng cách hấp dẫn khách hàng với những sản phẩm của mình. Đến cuối năm 1991, những nỗ lực của Philip Knight đã có kết quả khi Nike giành lại vị trí vốn có trên thị trường với tổng doanh thu 3 tỷ USD. Dần dần, công chúng bắt đầu đón nhận sự quay trở lại và những dấu ấn mới của Nike. Kể từ đó, Nike dần lấy lại vị thế thương hiệu giày hàng đầu thế giới và giữ vững vị thế đó trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng với doanh thu ổn định ở mức hơn 30 tỷ USD mỗi năm.

Tình yêu và tâm huyết mãnh liệt với Nike là động lực để Philip Knight làm việc mỗi ngày. mỗi lần bước xuống phố và nhìn thấy mọi người mang giày thương hiệu Nike, ông cảm thấy như mình được tiếp thêm sức mạnh. Với Philip Knight, sự đón nhận của khách hàng thể hiện cho sức sống của Nike trong mọi thời đại, rằng ông và đội ngũ của mình đã làm ra một đế chế không bao giờ lỗi thời trong suốt nhiều thập kỉ qua, là đứa con tinh thần mà ông luôn hết mình vì nó.

Trên đây là những tổng hợp của chúng tôi về “cha đẻ” của Nike Philip Knight. Chúc các bạn tìm thấy cho mình những thông tin tham khảo hữu ích.