Phiếu đánh giá và phân loại cán bộ mới nhất 2020
Phiếu đánh giá và phân loại cán bộ là biểu mẫu quen thuộc được sử dụng phổ biến với những người làm công tác cán bộ. Vậy Phiếu đánh giá và phân loại cán bộ là gì? Trong Phiếu đánh giá và phân loại cán bộ có những nội dung nào cần hoàn thiện và cách ghi các nội dung này ra sao. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng EVBN tìm hiểu về loại Phiếu đánh giá và phân loại cán bộ này.
Thế nào là phiếu đánh giá và phân loại cán bộ?
Trước khi tìm hiểu về phiếu đánh giá và phân loại cán bộ, chúng ta cần hiểu được cán bộ là gì? Theo quy định, cán bộ là tất cả những người làm việc trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện do được bầu cử, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm để giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ. Nhân sự là cán bộ thì được biên chế, không phải trải qua tập sự, không làm việc theo chế độ hợp đồng và được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước
Công tác đánh giá cán bộ được tiến hành bởi các cấp có thẩm quyền, bao gồm: bản thân cán bộ, cấp dưới trực tiếp (nếu cần), tập thể lãnh đạo (đồng cấp) và cấp trên trực tiếp nhận xét, đánh giá. Cấp nào, cá nhân nào thực hiện việc đánh giá, phân loại thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Phiếu này được xây dựng dựa trên chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ. Trong này, cần làm rõ ưu điểm, những công tác đã làm được, những việc chưa làm được, tồn tại, hạn chế về phẩm chất, năng lực, trình độ của cán bộ được đánh giá.
Phiếu này do cá nhân khác và tập thể thực hiện cần bảo đảm tính khách quan, công bằng, tuyệt đối không nể nang, e sợ, thiên vị vì chức quyền cũng không được trù dập theo kiểu bè cánh.
Kết quả đánh giá, phân loại cán bộ không chỉ dựa trên bản thân cán bộ đó mà cần phải căn cứ cả vào vào kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cá nhân đó được giao nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý. Do đó, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu không thể cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ cả đơn vị.
Việc đánh giá và phân loại cán bộ được thực hiện theo từng năm công tác, thời điểm đánh giá do người đứng đầu cơ quan quyết định, một số lĩnh vực thực hiện đánh giá trước tháng 12 hàng năm. Trong trường hợp cán bộ đã chuyển công tác qua đơn vị mới thì đơn vị mới có trách nhiệm đánh giá, phân loại nhưng cần phải kết hợp với ý kiến nhận xét của đơn vị cũ nếu cán bộ đó có thời gian công tác ở đơn vị cũ >6 tháng.
Kết quả đánh giá và phân loại cán bộ cần được lưu vào hồ sơ cán bộ. Đây là căn cứ quan trọng để quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật… các cán bộ.
Các nội dung cơ bản trong Phiếu đánh giá và phân loại cán bộ
Phần đầu phiếu
– Ghi rõ tên cơ quan, đơn vị mà cán bộ đang công tác.
– Tên phiếu được đặt kèm theo năm đánh giá.
– Ghi rõ thông tin về cán bộ được đánh giá, phân loại: họ và tên; chức vụ, chức danh, cơ quan công tác, hệ số lương.
Phần nội dung đánh giá
* Tự đánh giá kết quả về công tác, tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ
– Mức độ chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
– Cán bộ đánh giá tự soi xét về đạo đức, phẩm chất chính trị cũng như lối sống, tác phong trong công việc, lề lối làm việc có chuẩn mực, lành mạnh hay không;
– Năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong đơn vị như thế nào;
– Thể hiện tình thân, trách nhiệm trong công tác ra sao, có tận tâm, có trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm không;
– Kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao hoàn thành ở mức độ nào.
* Cán bộ tự đánh giá, phân loại bản thân
– Đánh giá ưu điểm, nhược điểm: cán bộ tự đánh giá, liệt kê những ưu điểm, khuyết điểm của bản thân sau 1 năm công tác.
– Phân loại đánh giá: dựa trên kết quả về công tác, tu dưỡng, rèn luyện của bản thâ, cán bộ tự đánh giá cá nhân mình theo 1 trong 4 mức được quy định: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hay không hoàn thành nhiệm vụ.
Phần cuối
– Cán bộ tự đánh giá ghi rõ ngày tháng đánh giá, họ và tên đồng thời ký lên phiếu này.
– Sau khi nộp lên lãnh đạo cơ quan nơi cán bộ công tác, tập thể lãnh đạo cơ quan sau khi họp bàn sẽ ghi đầy đủ ngày tháng đánh giá, các ý kiến nhận xét, sau đó đại diện lãnh đạo cơ quan ký và ghi rõ họ tên lên phiếu.
– Cuối cùng là phần kết quả đánh giá, phân loại cán bộ của cấp có thẩm quyền: nhận xét ưu, nhược điểm của cán bộ và quyết định cán bộ đạt mức phân loại nào theo 4 mức phân loại về hoàn thành nhiệm vụ như trên. Sau khi đánh giá, phân loại xong, đại diện cấp có thẩm quyền ghi rõ ngày tháng đánh giá; ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu lên phiếu.
Tải mẫu phiếu đánh giá và phân loại cán bộ
Dưới đây, chúng tôi xin gửi các bạn tham khảo biểu mẫu Phiếu đánh giá và phân loại cán bộ mới nhất.