Phiếu bổ sung lý lịch viên chức 2020 theo mẫu mới nhất
Viên chức là nhóm đối tượng người lao động làm việc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế – chính trị – xã hội được chi trả lương bằng ngân sách nhà nước nhưng chưa được công nhận biên chế chính thức. Hồ sơ lý lịch của viên chức sẽ được bổ sung chỉnh sửa nếu có sự thay đổi để đáp ứng các điều kiện trong việc quản lý hồ sơ cán bộ công chức, viên chức. Trong bài viết này, EVBN xin gửi tới bạn những thông tin cần thiết về quản lý hồ sơ viên chức cũng như mẫu phiếu bổ sung lý lịch viên chức 2020 theo mẫu mới nhất.
Mục Lục
Những quy định trong công tác quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức
– Các đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Hồ sơ này được coi là tài liệu mật, không được phép tiết lộ ra bên ngoài. Cán bộ, công chức, viên chức cần kê khai đầy đủ, chính xác về những thông tin trong hồ sơ.
– Hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức bao gồm những giấy tờ, tài liệu sau:
+ Đối với cán bộ, công chức, viên chức tuyển dụng lần đầu, thành phần hồ sơ bao gồm:
- Lý lịch cán bộ, công chức;
- Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức;
- Tiểu sử tóm tắt;
- Bản sao giấy khai sinh;
- Giấy chứng nhận sức khỏe;
- Các loại giấy tờ có liên quan đến trình độ đào tạo của cán bộ, công chức, viên chức; các quyết định tuyển dụng, xét tuyển…
+ Đối với cán bộ, công chức, viên chức đang công tác còn có thêm:
- Phiếu bổ sung lý lịch;
- Các quyết định bổ nhiệm, nâng ngạch, điều động, luân chuyển, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật…
- Bản tự kiểm điểm, nhận xét đánh giá hàng năm;
- Các bản nhận xét đánh giá của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức; bản kê khai tài sản;
- Các đơn, thư kèm theo các văn bản thẩm tra, xác minh, kết luận của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến đơn thư đó;
- Cán bộ, công chức, viên chức là lãnh đạo, quản lý cần bổ sung đầy đủ các tài liệu có liên quan đến việc bổ nhiệm.
+ Đối với cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu, mất sức, điều động, biệt phái, luân chuyển, thôi việc, buộc thôi việc và từ trần thì cần có quyết định liên quan đến việc nghỉ hưu, mất sức, điều động, biệt phái, luân chuyển, thôi việc, buộc thôi việc hoặc từ trần.
+ Khi cán bộ, công chức, viên chức thiếu, thất lạc hoặc sai sót thông tin các thành phần trong hồ sơ gốc thì phải tiến hành sửa chữa, hoàn chỉnh, bổ sung.
Phiếu bổ sung lý lịch viên chức dùng để làm gì?
Phiếu bổ sung lý lịch viên chức là mẫu phiếu được lập ra nhằm ghi lại, thông báo về sự thay đổi trong trong lý lịch của viên chức sau một quá trình công tác cụ thể.
Phiếu bổ sung lý lịch viên chức hiện nay đang dùng theo mẫu HS03-VC/BNV do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành kèm theo Thông tư 07/2019/TT-BNV, ngày 01/6/2019. Đây là mẫu phiếu được cơ quan, đơn vị nơi viên chức đang công tác phát cho viên chức đó kê khai, bổ sung theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý hồ sơ viên chức trong trường hợp cần thiết.
Phiếu bổ sung lý lịch viên chức là một trong những giấy tờ không thể thiếu trong bộ hồ sơ viên chức, giúp công tác quản lý viên chức chặt chẽ hơn, cập nhật các thông tin trong hồ sơ viên chức một cách kịp thời, đầy đủ và chính xác. Phiếu bổ sung lý lịch viên chức cần phải được đơn vị sử dụng viên chức kiểm tra, xác minh và đóng dấu xác nhận sau khi viên chức hoàn thành kê khai.
Cách viết Phiếu bổ sung lý lịch viên chức 2020 theo mẫu HS03
Phần đầu phiếu
– Ghi rõ tên cơ quan quản lý viên chức, tên đơn vị sử dụng viên chức và số hiệu viên chức.
– Tên Phiếu bổ sung lý lịch viên chức cần ghi rõ thời gian từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào.
– Các thông tin về cá nhân viên chức:
+ Họ và tên khai sinh: ghi theo Giấy khai sinh.
+ Các thông tin về ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi ở hiện tại.
+ Nêu rõ chức vụ, chức danh mà viên chức đang đảm nhiệm.
+ Ghi rõ chức danh nghề viên chức, mã số, bậc lương, hệ số lương, ngày hưởng lương, phụ cấp chức vụ và các khoản phụ cấp khác.
+ Các thông tin về kết nạp Đảng: ghi rõ ngày kết nạp Đảng và ngày chuyển Đảng chính thức.
Phần nội dung chính
– Ghi rõ toàn bộ những thay đổi của viên chức về chức danh, chức vụ, cơ quan công tác: Viên chức ghi cụ thể các chức danh, chức vụ mà mình được bổ nhiệm, bầu cử, miễn nhiệm hoặc điều động công tác; những thay đổi về nội dung công việc, đơn vị công tác, các danh hiệu được phong tặng… theo thời gian được yêu cầu kê khai.
– Ghi rõ những thay đổi của viên chức trong việc học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Viên chức kê khai ghi rõ: tên trường, tên chuyên ngành đào tạo, thời gian học, hình thức đào tạo, văn bằng, chứng chỉ được cấp sau khóa học.
– Viên chức ghi rõ những khen thưởng, kỷ luật mới (nếu có).
– Viên chức khai chi tiết về thời gian công tác ở nước ngoài: Viên chức ghi rõ thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến công tác (chỉ kê khai những chuyến đi trên 6 tháng), ghi rõ đến nước nào, làm gì, tại cơ quan, tổ chức nào.
– Tình trạng sức khỏe viên chức ở thời điểm hiện tại: Ghi cụ thể về tình trạng sức khỏe, các bệnh mãn tính cũng như thông tin cơ bản về nhóm máu, chiều cao, cân nặng.
– Về kinh tế bản thân viên chức: Kê khai những phát sinh về tài sản mới như nhà đất, các tài sản giá trị lớn… mà bản thân viên chức có do tự mua hay được thừa kế, được cho.
– Những thay đổi về gia đình viên chức: Ghi cụ thể những thay đổi về số lượng thành viên, về kinh tế, chính trị của các thành viên trong gia đình viên chức.
Phần cuối phiếu
Viên chức khai ghi rõ địa điểm, ngày tháng năm rồi ký và ghi rõ họ tên lên phiếu.
Thủ trưởng đơn vị sử dụng viên chức ký xác nhận và đóng dấu lên phiếu.
Tải mẫu phiếu bổ sung lý lịch viên chức 2020
Dưới đây chúng tôi gửi các bạn mẫu Phiếu bổ sung lý lịch viên chức mới nhất hiện nay để tham khảo khi cần.