Phiên thảo luận 5: Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí
Phiên thảo luận 5: Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí
Hội thảo với chủ đề “Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí” diễn ra chiều 12/11 có sự tham gia của các nhà báo, diễn giả: Lê Trọng Minh – Tổng Biên tập báo Đầu tư; Lê Xuân Trung – Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ; Phạm Hữu Quang – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay; Nguyễn Ngọc Ánh – Tổng Biên tập Báo Hải Phòng; Vũ Ngọc Tú – Tổng Biên tập Báo Đắk Nông.
Phần 1: Đại biểu trình bày tham luận
Ông Lê Trọng Minh – Tổng Biên tập Báo Đầu tư: “Tổ chức sự kiện – Nhìn từ góc độ kinh tế báo chí”
Bài tham luận đặt ra vấn đề, hiện chưa có số liệu chính thức nào được công bố về số lượng sự kiện được tổ chức bởi các tòa soạn báo tại Việt Nam hay số lượng tòa soạn có tổ chức các sự kiện, song theo quan sát của chúng tôi, rõ ràng ngày càng có thêm nhiều tòa soạn quan tâm đến hoạt động này vì những mục đích khác nhau. Có những sự kiện rất lớn, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần cả trong nước và quốc tế. Có những sự kiện về hình thức chỉ mang tính nội bộ, nhưng lại tạo ra sự chú ý của cả một cộng đồng. Có những sự kiện thuần túy được tổ chức với ý nghĩa là một phần nhiệm vụ của tòa soạn, không gắn với mục tiêu kinh doanh và có những sự kiện kết hợp cả hai nội dung trên.
Báo Đầu tư cũng đánh giá thành công về mặt kinh tế của các sự kiện không đơn thuần dựa trên kết quả doanh thu phí và tài trợ. Hiệu quả kinh tế lớn nhất mà các sự kiện mang lại, dù là chỉ vì mục đích từ thiện như “Swing for the Kids” hay sự kiện có tính chất quốc tế như “Diễn đàn Mua bán & Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam” (M&A Vietnam Forum) – một sự kiện lớn thường niên đã thực hiện thành công suốt 14 năm qua và có thu phí, là ở những giá trị “hậu sự kiện”. Ngoài việc tăng cường sự gắn kết như đã nói ở trên, có thêm khách hàng mới và những ý tưởng nội dung mới mà các sự kiện mang lại đều là những hiệu quả rất lớn nhìn từ phương diện phát triển kinh doanh.
Nhưng ngay cả nếu chúng ta đánh giá sự thành công của sự kiện thuần túy ở phương diện tài chính thì cũng có không ít sự kiện sẽ mang lại kết quả tích cực.
Từ thực tiễn đó, diễn giả chia sẻ kinh nghiệm của Báo Đầu tư trong tổ chức các sự kiện có tính cung cấp thông tin dạng như diễn đàn, hội thảo, tọa đàm…
Thứ nhất, tìm được chủ đề mà chúng ta cảm thấy các bên đều đang rất quan tâm, đặc biệt là những chủ đề mang tính thời sự thu hút được sự chú ý của truyền thông và công chúng.
Thứ hai, khi đã có chủ đề được đánh giá là đủ hấp dẫn, cần tìm được những diễn giả phù hợp nhất để hiện thực hóa chủ đề thành nội dung hấp dẫn. Thông thường, chúng ta có xu hướng tìm đến những gương mặt quen thuộc, nhất là những người được công chúng độc giả mến mộ. Điều đó cũng hết sức tự nhiên và thường phát huy hiệu quả tốt. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng sẽ tạo ra cảm nhận không tốt về tính đa dạng và trong một số trường hợp lại đặt diễn giả vào tình huống khó xử vì phải thảo luận về những vấn đề không thuộc chuyên môn sâu của mình.
Ông Lê Trọng Minh – Tổng Biên tập báo Đầu tư.
Thứ ba, thời điểm dự kiến tổ chức sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu sự kiện có các thành phần chính tham gia là người nước ngoài, chúng ta nên chú ý lịch nghỉ hè, nghĩ lễ tết thường niên của họ. Nếu sự kiện mong muốn có sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao, chúng ta không thể không tính đến những khoảng thời gian diễn ra các kỳ họp lớn trong năm hay những sự kiện chính trị quan trọng đã có lịch được ấn định…
Thứ tư, luôn phải có “phương án B”, vì mọi tình huống đều có thể xảy ra trong thực tế: địa điểm mong muốn không thể đặt được đúng ngày đó, diễn giả không tham dự được vì lý do đột xuất, nhất là những diễn giả then chốt, thiên tai, dịch bệnh… Việc có sẵn kịch bản dự phòng sẽ giúp đơn vị tổ chức chủ động trước mọi tình huống.
Thứ năm, xây dựng kịch bản chi tiết và chia sẻ với diễn giả để có sự chuẩn bị tốt, không tạo tình huống quá bất ngờ khiến diễn giả lúng túng, nhưng không cứng nhắc đi theo kịch bản đã chuẩn bị sẵn đó khiến cuộc thảo luận mất đi tính tự nhiên và sôi động. Một cuộc thảo luận hấp dẫn rất cần có yếu tố “đuổi bắt”, “tung hứng” và nếu có thể thì thêm một chút hài hước sẽ làm tăng được sự chú ý của các khán thính giả. Vì vậy, việc chọn được người dẫn dắt thảo luận phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ sáu, địa điểm tổ chức cần phù hợp với tính chất sự kiện. Một không gian sang trọng như khách sạn 4, 5 sao hay trung tâm hội nghị lớn thường có khuynh hướng xuất hiện đầu tiên trong ý tưởng của nhà tổ chức cũng như nhà tài trợ.
Thứ bảy, coi trọng từng chi tiết trong khâu hậu cần. Cả bức tranh lớn có thể bị xấu đi vì vài nét nguệch ngoạc nhỏ. Vài sơ sót nhỏ trong khâu kỹ thuật (micro không kêu, đèn thiếu sáng…) có thể khiến thành công về nội dung kém đi sự trọn vẹn. Sự tư vấn của các chuyên gia kỹ thuật là hết sức cần thiết trong trường hợp này.
Thứ tám, làm tốt những phần việc thông thường khác: chuẩn bị ngân sách, nhân sự, chuẩn bị tài liệu đầy đủ, mời các cơ quan truyền thông tham dự và đưa tin…
Theo diễn giả, các tòa soạn báo Đảng hội đủ những lợi thế cần thiết, nhất là vị thế và uy tín tại cộng đồng địa phương. Việc tổ chức thành công và hiệu quả các sự kiện sẽ không chỉ bổ sung thêm nguồn doanh thu quý giá để đầu tư trở lại cho phát triển hạ tầng cả cứng và mềm của tòa soạn, mà tự thân sự kiện cũng là một nguồn thông tin quý giá để tòa soạn tổ chức nội dung sâu hơn, hấp dẫn hơn, cập nhật hơn.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Ông Lê Xuân Trung – Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ: Tạo thêm nguồn thu từ nội dung số
Khảo sát công chúng báo mạng, báo giấy cho thấy, từ năm 2021 trở đi, lượng phát hành của báo giấy giảm xuống góc 45 độ, đỉnh điểm rơi vào năm 2020-2021. Trong khi báo điện tử tăng vọt, từ 2005 đến 2021, tăng cao hơn mức độ giảm của báo in. Phần lớn độc giả lên mạng đọc tin trên báo điện tử. Đại dịch làm cho báo in ngày càng thoái trào, một số báo thua lỗ.
Như vậy, muốn có thêm nội dung số sẽ có thêm công chúng và có thêm nguồn thu. Muốn đa dạng hóa nguồn thu phải đa dạng hóa công chúng. Cách để có thêm nội dung số là phải số hóa những nội dung sẵn có, chế biến lại thành nội dung số, sản xuất phát triển nội dung số.
Nhóm chuyên nội dung số sẽ tập trung sản xuất nội dung (text, ảnh, audio, video, đồ họa, livestream…) cho báo điện tử, truyền hình mạng, youtube, facebook, Tiktok, Podcast, Zalo…
Mục tiêu của việc sản xuất nội dung là để đáp ứng người dùng, đặc biệt là người dùng trung thành, từ đó mới bảo đảm tạo ra nguồn thu bền vững. Nhóm ưu tiên những nội dung có nhiều bạn đọc trên báo điện tử và các kênh báo chí trên nền tảng số; Đầu tư sản xuất những nội dung riêng, khác biệt, chất lượng cao, không nhất thiết phải chạy đua về số lượng để tránh lãng phí, bội thực…
Để tăng số lượng công chúng, các tòa soạn cần xác định đối tượng người dùng chính và xây dựng hồ sơ người dùng thực tế trên cơ sở dữ liệu thu thập được thường xuyên. Tòa soạn nên phân loại khách hàng để lên chương trình quản lý, chăm sóc khách hàng, đặc biệt là khách hàng trung thành.
Theo diễn giả, nguồn thu từ nội dung số sẽ gồm:
Một là, thu từ việc bán bản quyền cho các trang tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng OTT. Thí dụ như Zalo, Lotus, Báo mới… mua bản quyền nội dung trên báo.
Hai là, thu từ quảng cáo trực tiếp và gián tiếp thông qua các doanh nghiệp, đại lý, các công ty công nghệ. Thí dụ vừa qua Báo Tuổi trẻ bán quảng cáo trực tiếp cho đối tác qua kênh email.
Ông Lê Xuân Trung – Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ.
Báo Tuổi trẻ đã tổ chức thành Tọa đàm trực tuyến trên facebook về Chăm sóc phục hồi – Đồng hành cùng vượt biến cố sức khỏe.
Báo Tuổi trẻ cũng đã có những chương trình thành công như: Chương trình nghệ thuật “Mẹ là tình yêu 2022”; Lễ công bố báo cáo: Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả; Ngày phở Việt; Ngày không tiền mặt; Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt.
Thứ ba là thu từ sự kiện truyền thông, ưu tiên trên các nền tảng số.
Diễn giả nhận định, nếu chúng ta không mở ra kênh mạng xã hội, chuyển đổi số không thể thực hiện đơn đặt hàng, có thêm được nguồn thu như thế này. Đóng góp của độc giả cho báo chí rất quan trọng.
Ông Phạm Hữu Quang – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay: Mô hình thu phí báo chí trực tuyến
Việc bỏ tiền ra mua thông tin là xu hướng nhiều tờ báo lớn trên thế giới đang áp dụng. Rất nhiều tờ báo thành công như The New York Times, Wall Street Journal, Washington Post (Mỹ), Bild (Đức), Financial Times, Economist, Times of London (Anh)… The New York Times được đánh giá là một trong những tờ báo thành công nhất trong việc thu phí bạn đọc.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020, The New York Times
có số người đăng ký trả phí đọc báo online đạt được kỷ lục kể từ thời điểm báo này bắt đầu tính phí cho nội dung digital vào năm 2011: Gần 600 nghìn người. Nâng tổng số người đăng ký trả tiền đọc báo của tờ này lên đến con số 5 triệu. Như vậy, để tăng độc giả công chúng chỉ có thể tăng trên nền tảng số.
Theo báo cáo thường niên “Các xu hướng và dự báo về báo chí, truyền thông và công nghệ năm 2020” của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (RISJ), 52% lãnh đạo các cơ quan báo chí tại 29 quốc gia khẳng định thu phí báo điện tử là trọng tâm tạo doanh thu của họ trong thời gian tới. 14% cho rằng nguồn thu quảng cáo là trọng tâm trong năm tiếp theo.
Theo diễn giả, dựng tường thu phí là một lựa chọn trong nhiều cách tạo nguồn thu cho cơ quan báo chí.
Trước sự phát triển ngập tràn của mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, các kênh thông tin trực tuyến, bạn đọc đang bị “nhiễu loạn” trong một biển thông tin, rất khó phân biệt ngay lập tức đâu là thông tin thật, đâu là tin giả (fake news). Một trong những sứ mệnh của báo chí chính thống là truyền tải thông tin chính xác, kịp thời.
Ông Phạm Hữu Quang – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay.
Bạn đọc cần tiếp cận những thông tin mang tính xác thực, những nội dung có hàm lượng tri thức cao, những câu chuyện tử tế và nhân văn, những góc nhìn riêng biệt từ những cây bút, nhà báo có uy tín.
Diễn giả nhấn mạnh, những tác phẩm báo chí đích thực, thông tin chính thống, có giá trị, được đầu tư bài bản, được trình bày hiện đại, bắt mắt là điều mà công chúng luôn mong đợi. Để tiếp cận những tác phẩm đó, độc giả sẵn sàng trả tiền.
Yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự khác biệt và chất lượng của nội dung. Bạn đọc hiện nay tin rằng khi trả tiền thì họ sẽ thu được thông tin tốt hơn so với các nguồn miễn phí. Không bị làm phiền bởi quảng cáo.
Thu phí trên báo điện tử chỉ là một lựa chọn trong rất nhiều lối đi trên con đường phát triển của một cơ quan báo chí. Việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó có chiến lược thu phí báo điện tử, là điều cần được các cơ quan báo chí tính đến khi nguồn thu từ các kênh khác bị hạn chế dần.
Diễn giả nhấn mạnh, báo chí thu phí trực tuyến đòi hỏi rất khắt khe ở ba khía cạnh:
Nội dung: Bản quyền là vấn đề cốt lõi của các nhà sản xuất nội dung, trong đó có báo chí; Nội dung chuyên sâu giúp bạn đọc ở lại lâu hơn với tờ báo; Nội dung khác biệt giúp bạn đọc nhớ đến và tìm đến tờ báo; Bạn đọc không bị làm phiền bởi các quảng cáo gây mất tập trung; Xây dựng nội dung báo chí giải pháp: Phân tích, đưa giải pháp. Là cầu nối, kết nối bạn đọc với cơ quan có trách nhiệm; Báo chí dữ liệu: Kết hợp trí tuệ nhân tạo để cung cấp thông tin dữ liệu cho bạn đọc.
Phương thức thanh toán: Theo diễn giả, tòa soạn có thể thu phí toàn bộ tức là bạn đọc phải trả phí khi muốn đọc bất kỳ tin bài nào; Có thể thu phí một số chuyên mục, bạn đọc chỉ phải trả phí khi đọc một số nội dung; Miễn phí số lượng tin, bài nhất định tức là bạn đọc phải đăng nhập và phải trả phí, sau khi được đọc một số lượng tin bài theo quy định của báo.
Cổng thanh toán: Diễn giả cũng chia sẻ kinh nghiệm thu phí mục Special Today trên Tạp chí Ngày nay: thu phí 180 nghìn đồng/tháng. Chuyên mục có nội dung riêng biệt, chuyên sâu; tích hợp Multimedia+Multi Platform; Không quảng cáo.
Diễn giả cho biết, việc thu phí với mức giá như vậy với 2 mục tiêu, một là bạn đọc làm quen với thanh toán khi đọc báo điện tử và hai là tòa soạn, phóng viên làm quen với việc sản xuất nội dung cho bạn đọc trả tiền.
Khó khăn nhất không phải công nghệ hay sản xuất nội dung mà thói quen tiêu dùng chưa hình thành.
Phần 2: Hội thảo bàn tròn
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Tổng Biên tập Báo Hải Phòng: Trong 3 năm vừa qua, 2 năm Covid-19 và 1 năm phục hồi, Báo Hải Phòng về nguồn thu không bị ảnh hưởng, thậm chí trong thời gian Covid-19, nguồn thu tăng hơn. Đến giờ, nguồn thu của báo khá ổn định cho dù chúng tôi không có nguồn thu mới.
Chúng tôi đã nhận được lời đề nghị từ Google, Facebook, Zalo trong việc mua nội dung trên báo nhưng chúng tôi cũng chưa dám thu phí từ việc bán nội dung. Chúng tôi cũng chưa xây dựng việc thu phí đọc báo điện tử.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Ông Vũ Ngọc Tú, Tổng Biên tập báo Đắk Nông hỏi: Tôi rất quan tâm tổ chức sự kiện tại các tòa soạn báo. Báo Đắk Nông cũng tham gia tổ chức sự kiện thu tiền. Tôi muốn hỏi, khi tổ chức sự kiện khó khăn trở ngại lớn nhất với các tòa soạn như Báo Tuổi trẻ, Báo Đầu tư là gì?
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư:
Khó khăn lớn nhất là tự làm mới mình. Hiện nay, về mặt nội dung báo chí, việc chuyển tải thông tin cùng một sự kiện làm sao cho hay, cho khác biệt đã là một vấn đề. Thông tin hiện nay rất ít độc quyền. Do đó, làm thế nào để khác biệt rất khó. Bên cạnh đó, với sự kiện mang tính thường niên, làm thế nào để cách tổ chức sự kiện của năm sau khác năm trước cả về mặt nội dung và hình thức cũng là bài toán.
Vì thế, trong phần chia sẻ của mình, tôi nhấn mạnh đến yếu tố đầu tiên chính là câu chuyện chọn chủ đề thế nào.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư.
Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ:
Khó khăn nhất khi tham gia tổ chức sự kiện là căn cứ tiêu chí: Có nên làm và đáng làm hay không. Chúng tôi phải xác định sự kiện có đáp ứng nhu cầu của độc giả hay không bởi vì nếu chỉ đáp ứng của doanh nghiệp chưa đủ.
Thí dụ, khi tổ chức Chương trình “Ngày của phở”, chúng tôi không chỉ đáp ứng nhu cầu của đơn vị tài trợ mà muốn làm sao biến phở thành một món ăn đại diện cho văn hóa ẩm thực Việt nam. Như vậy, truyền thông về mặt sự kiện có ý nghĩa với đời sống xã hội và người đọc. Ở đó, chúng tôi nâng tầm của sự kiện không chỉ là câu chuyện ẩm thực mà giá trị của hạt gạo. Thông điệp của phở khi đó đủ sức làm sự kiện truyền thông và biến sự kiện đó không chỉ tạo nên giá trị cho đơn vị đặt hàng mà thành sự kiện báo chí. Khi đó, sự kiện này xứng đáng để chúng ta đầu tư.
Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ.
Câu hỏi: Xin hỏi ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, việc tổ chức sự kiện của báo đã bảo đảm nguồn thu cơ bản của báo chưa?
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư:
Về hiệu quả, việc tổ chức sự kiện không phải hoạt động chính của báo, chỉ chiếm 20% doanh thu của báo. Nhưng những cái mang lại cả trước và sau rất giá trị. Cấu phần đó có thể lên tới 35-40%, đặc biệt là giá trị nội dung đem lại để biến nó thành cơ hội kinh tế báo chí khác.
Đôi khi chúng ta nghĩ tổ chức sự kiện thu tài trợ 5, 7 tỷ đồng nhưng chi hết 4 tỷ đồng, thực chất cầm về chẳng bao nhiêu. Tuy nhiên có sự kiện vài trăm triệu nhưng lãi thuần vì chi phí bỏ ra thực hiện rất nhanh gọn.
Do đó, vì sao tôi nói, chúng ta nên tổ chức sự kiện ở nhà vì khi đó không mất phí, tăng hiệu quả và giảm chi phí hơn nhiều. Quan trọng nhất khi tổ chức sự kiện là phải làm mới mình, phải sẵn sàng với sự cạnh tranh của nhiều đối tác bên ngoài. Khi đó ta mới trở thành nhà tổ chức có uy tín, khách hàng mới tìm tới mình.
Câu hỏi: Hiện nay nhiều báo Đảng khó có thể tổ chức sự kiện do nhiều yếu tố. Làm cách nào để các tòa soạn có thể “trúng thầu” tổ chức sự kiện?
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư:
Đây không phải là câu chuyện của báo Đảng hay không. Trong những đối tượng mà báo chí phục vụ có cả cơ quan cấp trên. Nếu chúng ta tổ chức sự kiện phù hợp mục đích cơ quan đó thì chắc chắn không chịu sự cản trở nào. Báo Đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải thực hiện mục tiêu truyền thông cho bộ.
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo.
Hoặc chúng ta có thể tổ chức sự kiện liên quan đến vấn đề kinh tế nổi lên của địa phương. Nếu sự kiện được sự quan tâm của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, thí dụ như bất động sản thì các cơ quan báo chí sẽ dễ tìm đến sự “trúng thầu” vì bên tài trợ thấy đúng nhu cầu, cơ quan chức năng thấy đây chính là vấn đề tồn tại cần giải quyết.