Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn mới

TMO – Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng, dự án có quy mô và sản xuất ra các mặt hàng nông sản có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường; đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông nghiệp đạt từ 3-4%/năm; trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 30-40%/năm.

Đến năm 2025, Ninh Thuận có từ 3-5 vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 1.000ha, giá trị sản xuất nong nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 700 triệu đồng/ha.

Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 30 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả; trong đó mỗi huyện có từ 4-6 dự án, ưu tiên lựa chọn phát triển sản phẩm đặc thù có tiềm năng xuất khẩu.

Nông nghiệp công nghệ cao góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh 

Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động các nguồn lực triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tăng cường tuyên truyền về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật các vùng sản xuất, khu khu nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường nghiên cứu, lựa chọn giống và các quy trình, công nghệ sản xuất.

Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao hiệu quả công tác thu hút, sử dụng các nguồn lực và đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số đối với các hoạt động phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thời gian qua, Ninh Thuận áp dụng nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Mới đây, địa phương này quyết định trích kinh phí để hỗ trợ các huyện, thành phố trong tỉnh trong việc phát triển nông nghiệp và hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao với số tiền lên tới hơn 9,4 tỷ đồng.

Từ đó, hình thành nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao; ứng dụng trong phòng, trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản; ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; công nghệ thâm canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ISO, ISO/IEC 17025, HACCP, hữu cơ.

Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng; công nghệ sinh học, vi sinh; công nghệ sản xuất nông nghiệp không dùng đất; công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm; công nghệ máy móc, tự động hóa trong sản xuất. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Ninh Thuận và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.

 

 

Nguyễn Thành