Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc xây dựng Lai Châu ổn định và phát triển bền vững
Là tỉnh vùng cao, biên giới với 20 dân tộc anh em cùng chung sống, những năm qua Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo củng cố khối đoàn kết các dân tộc. Cấp ủy các cấp đã ban hành nhiều đề án, nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc và tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhất là Đề án số 132-QĐ/TU, ngày 26/5/2016 của Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020. Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc thành các chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện của tỉnh để thực hiện. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án của Chính phủ, như: Chương trình 135, Chương trình 134, Nghị quyết 30a; Đề án “Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020” theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ…
Cùng với đó, quan tâm xây dựng hệ thống chính trị cơ sở (xã, phường, thị trấn) vững mạnh; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên; chất lượng hoạt động, năng lực quản lý điều hành của chính quyền cơ sở có sự chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng từng bước được nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đa số phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, gần dân, sát cơ sở. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong các loại hình; phát huy tốt vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng ở các cấp, các ngành và ngay tại cơ sở. Trong giai đoạn 2015 – 2020 các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tiếp trên 5.400 lượt với trên 7.600 người; tiếp nhận và xử lý trên 6.600 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, những băn khoăn, vướng mắc trong Nhân dân cơ bản được xem xét, xử lý, giải quyết, qua đó đã củng cố được niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền và đội ngũ cán bộ các cấp.
Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong việc xây dựng khối đoàn kết các dân tộc. Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng trọng tâm về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp Nhân dân, thu hút đoàn viên, hội viên tham gia vào tổ chức hội; thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân kịp thời phản ánh với các cấp ủy đảng, chính quyền xem xét giải quyết. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động thiết thực đối với đời sống Nhân dân như Phong trào: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phụ nữ tích cực học tập, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Thanh niên tình nguyện”, “Cựu chiến binh gương mẫu” và các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… đã được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp bước đầu phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức. Trong giai đoạn 2015 – 2020, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã tổ chức được trên 3.600 cuộc giám sát, phản biện xã hội, tham gia gần 4.000 ý kiến góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở.
Những kết quả trên góp phần quan trọng củng cố niềm tin và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc trong xây dựng và phát triển của tỉnh. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Kinh tế phát triển nhanh và khá toàn diện; văn hóa – xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc được nâng lên; quốc phòng, an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; chính trị, xã hội ổn định; Lai Châu đã cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Trước yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới, việc củng cố và phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc trong tỉnh đòi hỏi cần phải tăng cường hơn nữa. Với quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, Nhân dân là chủ, Nhân dân làm chủ; đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở với từng loại hình cụ thể; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Cần tiếp tục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu và cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, củng cố, phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện nghiêm túc việc thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của Nhân dân và thực hiện các quy định của Trung ương, Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương, nhất là gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về đoàn kết và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục xây dựng, củng cố Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội vững mạnh; phối hợp chặt chẽ, thống nhất hành động, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh hoạt động về cơ sở; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường củng cố, thắt chặt mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; đảm bảo mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, được Nhân dân tham gia ý kiến. Chủ động nắm tình hình, kịp thời phản ánh, tham mưu với cấp ủy, chính quyền và tích cực tham gia giải quyết các vấn đề thiết thực trong sản xuất và đời sống của Nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp; tích cực phối hợp giữa chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác dân vận. Chủ động và kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Các cấp ủy đảng không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tập hợp các tầng lớp Nhân dân trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo thế và lực xây dựng Lai Châu tiếp tục ổn định và phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.