Phật giáo & Nhân sinh

   18. BỆNH TẬT

   Từ nhỏ, sức khỏe tôi đã không tốt, một năm 365 ngày, ngày nào cũng uống thuốc, không một ngày nào nghỉ uống cả. Trước đây, tôi cũng đã uống rất nhiều loại tây dược, nhưng đến bây giờ cứ uống thuốc tây vào là bị ói và ói liên tục. Thế là đành phải  uống thuốc bắc.

   Có một vị Phật tử hỏi tôi rằng: “Bạch Tuệ Luật pháp sư, Thầy thuyết pháp một lần độ cả mấy vạn người, công đức lớn như thế mà cũng bị bệnh, cũng bị ói mửa sao?”.

   “Ôi! Tại sao lại hỏi như vậy? Nôn mửa là trạng thái thường thấy ở bệnh nhân thì lại có quan hệ gì với việc thuyết pháp độ sinh! Con người, có thân thì nhất định phải chịu khổ vì thân. Nếu như sau khi học Phật, sau khi niệm Phật mà không bị bệnh, cũng không bị cảm, tụng kinh mà trong nhà có thể tiêu trừ hết những tai nạn nguy hiểm, thì tất cả bệnh viện ở Singapore này phải đóng cửa hết rồi, cũng không cần phải uống thuốc, châm cứu làm gì nữa. Đây đã là một sự ngộ nhận, ngộ nhận về chân lý của Phật giáo”.

   Sở dĩ nói “chấp nhận hiện thực” chính là tiếp nhận sự thật bất khả kháng. Chúng ta phải vui vẻ mà tiếp nhận. Khi chúng ta vui vẻ tiếp nhận sự thật thì chúng ta sẽ cảm thấy được thoải mái, an vui hơn. Tuy nói tôi độ được rất nhiều người nhưng sự thật thì không có chúng sinh nào có thể độ cả. Tôi cũng không cho rằng là mình đang độ chúng sinh. Tuy cơ thể tôi có nhiều bệnh nhưng tôi vẫn tiếp nhận sự thật này. Sức khỏe không tốt là do kiếp trước mình đã tạo nghiệp, nay phải thọ quả báo. Nếu như quả báo đã đến mà chúng ta lại than phiền thì càng khổ hơn nữa. Vì thế, quý vị cần phải học điều này: chấp nhận số mạng của mình.

   Chấp nhận số mạng thì cuộc sống sẽ bớt được rất nhiều đau khổ, không phải than oán, cuộc đời không có việc oan uổng. Nhân như thế nào thì quả sẽ như thế đó, không có việc nào là oan uổng cả.

   Trong cuộc sống, mỗi một con người có  hình dáng, trí tuệ, năng lực kinh tế không giống nhau, hình thái sinh hoạt cũng khác nhau. Vì sao vậy? Đó là do vì nhân quả tạo tác của mỗi người một khác. Vì thế, hy vọng mọi người phải hiểu rõ được cuộc sống chân thật mà không phải đi bói khoa, xem tướng, đoán vận mạng.

   19. BUÔNG XẢ QUAN NIỆM VỀ SỰ ĐƯỢC MẤT

 

   Chúng ta phải làm thế nào để đạt được hạnh phúc, đó chính là phải buông bỏ quan niệm được mất. Thật vậy, phải xả bỏ quan niệm được mất. Hôm nay, quý vị có được bất kỳ một vật gì thì trước hết đừng nên mừng vội, vì rằng đến một ngày nó sẽ mất đi; hôm nay mà quý vị mất một vật gì thì có một ngày nó cũng sẽ có lại thôi. Đây là sự thật ở cuộc đời, nghĩa là: không có một cái gì tồn tại vĩnh viễn. Do vậy, chúng ta cần phải buông bỏ quan niệm về sự được mất, nghĩa là khi được một cái gì chúng ta cũng không nên mừng vội và khi mất một cái gì chúng ta cũng không nên quá đau buồn. Người xưa đã nói trong họa có phúc, trong phúc có họa; và nếu là họa thì có trốn cũng không khỏi, còn nếu là phúc thì không cầu cũng tới.

   Cuộc đời thường có rất nhiều việc mà chúng ta không biết làm thế nào cả. Ví dụ, người con trai bị mất người yêu, anh ta vô cùng đau khổ chỉ muốn chết thôi, hoặc thắt cổ, hoặc uống thuốc ngủ, hoặc tự sát hoặc uống thuốc độc. Ở Đài Loan rất nhiều người uống thuốc độc tự sát. Những người ấy vì họ không hiểu được rằng: có một số sự việc chúng ta làm nhưng không hẳn lúc nào cũng thành công cả. Giống như nhiều tay đại gia ở Đài Loan rất thích chơi cờ bạc, đam mê cờ bạc một cách điên cuồng, nhưng có mấy ai thành công nhờ cờ bạc đâu? Có một người rất hiếm khi trúng lớn, sau đó anh ta mua vé số trúng được hơn 400 vạn. Khi đi lãnh tiền về, gặp bốn người tay cầm  binh khí chận anh ta lại, bảo anh ta bỏ bao tiền xuống. Vấn đề trị an bấy giờ của Đài Loan đã đến lúc báo động đỏ, nghiêm trọng lắm rồi.

   Có một hôm, bộ trưởng nội chính Hứa Thủy Đức đến thăm tôi. Ông ta hy vọng có thể nhờ vào lực lượng tôn giáo để cải thiện được những phong tục, thị hiếu của xã hội, dùng lý nhân quả để khuyến khích mọi người làm việc thiện. Kỳ thật, vấn đề trị an ở Singapore tốt như thế này, nếu có thể làm cho mọi người hiểu biết thêm về lý nhân quả của Phật giáo thì càng tốt hơn nữa, vì như vậy sẽ làm cho đất nước xã hội Singapore đã tốt lại càng tốt hơn.

   Sau khi đã ý thức được về nhân quả thì mọi người sẽ không dám phạm tội. Ví dụ như quý vị đánh tôi, bảo tôi đi bắt cóc tống tiền, thì dù có chết tôi cũng không dám làm; bảo tôi đi giết người, tôi cũng sẽ không đi, bởi vì tôi có ý thức về giới luật.

   Ở trên chúng ta vừa nói đến người trúng số. Khi vào ngân hàng lãnh tiền, gặp bốn tên cướp bảo anh ta bỏ 400 vạn xuống. Anh ấy đã từng là lính thủy quân lục chiến, sức khỏe rất tốt, tuy nhiên đối phương có tới bốn người lại có cả binh khí, còn anh ta thì không có một tấc sắt trong tay, nhưng vì là người đã học quyền thuật, lúc ấy anh ta liền xuất thủ, kết quả là hai trong bốn người bị anh ta đánh chết nhưng anh ta cũng bị đâm hơn hai mươi nhát dao, sau đó vì bị máu ra nhiều, cứu không kịp, anh ta cũng lìa đời.

   Chúng ta có giả thiết: giá như không trúng số thì có lẽ anh ta sẽ không bị chết như vậy. Nhân vì phát tài bất ngờ mà thân thể phải thọ thương rồi cuối cùng phải chết. Vì thế tôi nói: quý vị Phật tử “có tiền, không có tiền, cũng đều cố gắng học Phật”. Như vậy, chúng ta phải buông bỏ cái ý niệm về sự được mất. Có tiền cũng không hẳn đã tốt, có người yêu cũng không hẳn là may, có quyền lực cũng không nhất định là hay, mà có lúc còn bị họa sát thân nữa là khác… những điều này thật là khó nói! Cứ sống bình dị qua ngày, có phải là an lạc hơn không?

 

   20. MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH

 

   Tiếp theo tôi xin kể về một chuyện của tôi trước đây, đó là thời kỳ đau khổ nhất của tôi. Lúc đó tôi đang học Cao trung năm thứ 3, có quen với một người bạn gái. Tuy tôi thấp như thế này mà cũng có một thiên tình sử về tình yêu lãng mạn. Giờ đây thì tôi đã xuất gia rồi, nhưng không phải vì thất tình mà xuất gia, đây là điểm cần phải nói rõ.

   Người con gái mà tôi quen khi học năm thứ 3 Cao trung là người em con dì học cùng lớp. Lúc đó, tôi học ở trung học Kiến Quốc Đài Bắc, đó là một trường danh tiếng, điểm số để vào trường rất là cao, trong mấy vạn thí sinh dự thi mới chọn được mấy ngàn, thật là rất khó thi đậu. Khi đó tôi dạy cô ta học toán, thế rồi tình cảm phát sinh luôn.

   Sau đó mẹ của cô ta không đồng ý, bà ta nói với con gái: “Con quen với người con trai này, anh ta tuy đẹp trai nhưng thấp quá. Lại nữa, con nhìn thử coi, sắc mặt anh ta như vậy chắc thọ không đến 30 tuổi”!
Thế mà bây giờ tôi đã 38 tuổi rồi đó!

   Lúc ấy, do sự phản đối của mẹ cô ta, nên thời gian chúng tôi gặp nhau không nhiều, không lâu sau thì xa nhau. Thế nhưng, vì đó là tình yêu đầu tiên trong đời, nên nó sâu đậm lắm, cho nên khi chia tay, thật vô cùng đau khổ. Đâu có giống bây giờ lớn rồi, sẽ không còn bị say tình nữa. Bây giờ đã hiểu rõ và rất rõ nữa là khác! Lúc đó chưa biết Phật pháp, lại cũng không hiểu được cách sống là thế nào. Hằng ngày, cứ đọc thư và hình ảnh của cô ta, nó cứ luôn luôn chiếm lấy tâm hồn tôi, vừa nghe tiếng chuông điện thoại reo thì liền nghĩ có phải nàng ấy không? Rất là khẩn trương. Về sau, người ta không yêu mình nữa, thì tôi cũng đành quyết định chia tay. Sự thật là cô ta nói lời chia tay trước và đương nhiên tôi đành chấp nhận.

   Quý vị không biết sự đau khổ của loại tình cảm đó đâu! Muốn quên nhưng thực sự rất khó, không đơn giản chút nào cả. Người chưa bị lửa tình thiêu đốt thì cũng không biết được sự lợi hại của nó thế nào.

   Rõ ràng, biết mình với người ta không còn duyên nữa, phải quên đi thế mà quên không được.

   Sau đó thì tôi đi đến cái cầu lớn ở Đài Bắc, muốn nhảy xuống cầu tự tử. Nhảy xuống một cái là mọi chuyện giải quyết xong cả, mà được giải thoát nữa! Nhưng nhìn lại thấy cây cầu cao quá, không dám nhảy! Thế là càng đau khổ, chết mà cũng muốn tìm một cách chết cho êm xuôi! Lúc ấy tôi xuống khỏi cầu, đi men theo bên sông, càng đi càng cảm thấy đau khổ. Suy đi nghĩ lại, thôi thì cứ nhảy xuống uống nước một cái mà chết cho rồi. Lúc đó là mùa đông, nước dưới sông rất lạnh, tôi lại nghĩ, nếu bây giờ nhảy xuống lỡ mà không chết thì thật là phiền phức. Chết liền thì không nói, lỡ nó không chết mà bị cảm lạnh phải uống thứ thuốc “Hắc can tiêu” thì thật là phiền lắm. Thế rồi nghĩ đi nghĩ lại, thôi không tự tử nữa vì trong nhà còn có mẹ. Ôi chà, cứ ôm ấp sự suy nghĩ vớ vẫn đó thật là đau khổ vô cùng.

   Sau đó, tôi đọc được cuốn sách “Hy vọng của người thanh niên” do một vị tiến sĩ người Mỹ viết. Cuốn sách đó rất hay và tôi xem đó là cuốn sách gối đầu giường. Lúc ấy còn chưa tiếp xúc với Phật giáo, nếu như khi đó mà đã được tiếp xúc, học hỏi Phật pháp thì vấn đề đã đơn giản hơn nhiều. Giả như cô ta muốn chia tay, thì tôi lập tức chia tay liền. Bởi vì như vậy thì tôi càng có nhiều thời gian để tụng kinh, và cô ta cũng không thể làm khó tôi nữa. Trong lúc tôi đau khổ nhất, lại đọc được cuốn sách đó nên tôi mới vượt qua được đau khổ. Trong sách đó có viết: “Thời gian rồi cũng sẽ qua!”, nghĩa là nói thời gian rồi cũng dần dần trôi mất, đau khổ rồi cũng sẽ phôi phai.

   Giả thiết như hôm nay tôi gặp một cô nào đó, kết hôn với cô ta thì có lẽ cũng bắt đầu cãi nhau liền bây giờ. Điều đó là đúng thôi. Bởi vì quý vị nhìn thấy, tất cả những cái gì gọi là đẹp thì nó cũng ngắn ngủi, không chân thật. Đến ngày nào đó cô ta đi thẩm mỹ viện, làm tóc, sửa sang đủ thứ cả, như thế có phải là phiền phức lắm không? Đài Loan trước đây có rất nhiều ngôi sao ca nhạc, điện ảnh đều như vậy, đều rất khổ vì vấn đề da mặt. Vì thế, tôi phải nói với quý vị: nếu khi quý vị gặp việc gì đau khổ nhất thì quý vị phải chấp nhận sự thật, và phải nói với mình một cách rõ ràng rằng: “Thời gian rồi cũng sẽ phôi phai!”.
Cảm ơn tất cả quý vị!