Pháp luật về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam hiện nay

Tóm tắt: Người khuyết tật cũng có những nhu cầu và quyền lợi giống như những người không khuyết tật, được thể hiện ở các quyền thuộc lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Bài viết góp phần cung cấp một số kết quả, thành tựu nghiên cứu cũng như những vấn đề đặt ra đối với pháp luật về quyền của người khuyết tật ở nước ta hiện nay.

Abstract: People with disabilities have the same needs and rights as people without disabilities, which are reflected in their civil, political, economic, social and cultural rights. The article contributes to providing a number of research results, achievements as well as issues posed to the law on the rights of people with disabilities in our country today.

1. Quan niệm về người khuyết tật

Khái niệm “khuyết tật” đã được định nghĩa theo nhiều cách tiếp cận, dẫn đến nội hàm rộng, hẹp khác nhau[1]. Có những định nghĩa rất hẹp do thuần túy dựa trên dấu hiệu về tình trạng sức khỏe (chủ yếu là chức năng vận động), nhưng cũng có những định nghĩa rất rộng khi cho rằng, gần như tất cả mọi người trong cộng đồng đều đang có một dạng khuyết tật nhất định. Người khuyết tật có ở tất cả các nước trên thế giới và trong tất cả tầng lớp của mọi xã hội, cả trong những gia đình ở nông thôn và thành thị. Quan niệm về vấn đề khuyết tật và người khuyết tật khác nhau giữa các nước trên thế giới theo những hoàn cảnh xã hội, văn hóa, kinh tế và lịch sử khác nhau, biến đổi qua các giai đoạn phát triển trong từng thời kỳ khác nhau, tùy thuộc vào nhận thức, thái độ và sự hiểu biết khác nhau[2]. Theo Công ước quốc tế về các quyền của người khuyết tật năm 2007 của Liên Hợp quốc (CRPD) thì “khuyết tật” là một khái niệm “luôn tiến triển” và “khuyết tật là kết quả của sự tương tác giữa những người có khiếm khuyết và những rào cản về thái độ và môi trường mà ở đó hạn chế sự tham gia một cách đầy đủ và có hiệu quả vào các hoạt động trên cơ sở bình đẳng với các thành viên khác trong xã hội”.

Liên Hợp quốc đã phát động năm quốc tế về người khuyết tật (1981), thông qua Chương trình hành động vì người khuyết tật (1982) nhằm đạt tới một xã hội cho tất cả mọi người vào năm 2010 cũng như Thập kỷ của Liên Hợp quốc về người khuyết tật cho giai đoạn 1983 – 1992. Liên Hợp quốc cũng thông qua những văn bản quốc tế cơ bản liên quan đến người khuyết tật, tuy không có quy định ràng buộc về mặt pháp lý song có giá trị lớn về các mặt đạo đức và chính trị gồm: Tuyên bố về quyền của những người khuyết tật về tâm thần (ngày 24/12/1971); Tuyên bố về quyền của người khuyết tật (ngày 09/12/1975); Nguyên tắc về bảo vệ người mắc bệnh tâm thần và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần (ngày 17/12/1991); Quy tắc tiêu chuẩn của Liên Hợp quốc về bình đẳng hóa các cơ hội cho người khuyết tật (ngày 20/12/1993).

Nếu như trước đây, quyền của người khuyết tật chỉ được quan tâm ở mức độ bảo đảm cho họ có được mức sống tối thiểu và được chăm sóc về y tế, thì hiện nay, trong điều kiện kinh tế, xã hội phát triển hơn, việc chăm lo đến quyền của người khuyết tật chính là việc phải tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật được bình đẳng các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng và tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội. Việc chăm sóc đến quyền lợi của người khuyết tật ngày nay có thể kể đến: Quyền được tham gia giao thông của người khuyết tật, khả năng tiếp cận với các công trình công cộng của người khuyết tật thông qua việc xây dựng các phương tiện, công trình hỗ trợ cho họ, đặc biệt là tại trụ sở của các cơ quan nhà nước, các địa điểm vui chơi công cộng, nhà ga, sân bay, trạm chờ xe bus hay các điểm vệ sinh công cộng… Việc Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua Công ước quốc tế về các quyền của người khuyết tật năm 2007 là một cơ sở pháp lý vững chắc để các nước tiến hành các chương trình, dự án liên quan đến việc tăng cường và củng cố quyền của người khuyết tật trên phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế[3].

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ người khuyết tật trên thế giới chiếm khoảng 8 – 10% dân số[4]. Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, người khuyết tật chiếm 20% trong số người nghèo nhất trên thế giới[5]. Người khuyết tật được coi là một trong những nhóm thiểu số lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Tình trạng khuyết tật khiến họ gặp nhiều rủi ro, thiệt thòi hơn trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, như: Sức khỏe, cơ hội học tập, mức độ tham gia kinh tế ít hơn những người không khuyết tật. Tại Việt Nam, theo điều tra quốc gia về người khuyết tật năm 2016[6], ước tính có khoảng 7,09% dân số là người khuyết tật từ 02 tuổi trở lên (khoảng 6.225.519 người khuyết tật); cả nước có gần 05 triệu hộ có người khuyết tật (cứ 05 hộ thì có 01 hộ có người khuyết tật). Trong đó, hơn 3/4 số hộ có người khuyết tật sống ở khu vực nông thôn.

2. Pháp luật Việt Nam về quyền của người khuyết tật

Ở Việt Nam, người khuyết tật là một trong những nhóm đối tượng xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong quá trình phát triển. Hỗ trợ người khuyết tật khắc phục khó khăn, hòa nhập xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước là trách nhiệm pháp lý của Nhà nước, xã hội. Để tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ người khuyết tật, Nhà nước đã ban hành và từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý toàn diện thực hiện mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các cơ quan nhà nước triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để người khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội[7]…

Thời gian qua, các chính sách, pháp luật của Nhà nước từng bước đi vào đời sống và đã đạt được những thành tựu, tuy nhiên, cần có những giải pháp và điều chỉnh chính sách phù hợp hơn nữa để các chính sách, pháp luật đạt hiệu quả hơn, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Thực tế cho thấy, vẫn còn những bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật ở một số địa phương. Người khuyết tật vẫn phải đối mặt với những thách thức như: Thiếu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo phương pháp giảng dạy phù hợp với người khuyết tật; khó khăn khi đến trường và học tập do sự bố trí lớp học chưa linh hoạt; khó tiếp cận công trình công cộng, thiếu các thiết bị, đồ dùng dạy học; chưa có cơ hội tiếp cận với nghề nghiệp, việc làm phù hợp…

Dưới góc độ pháp lý, có thể thấy một số vấn đề cần quan tâm liên quan đến quyền của người khuyết tật ở nước ta hiện nay như sau[8]:

Thứ nhất, khái niệm về khuyết tật chưa đầy đủ.

Hiện nay, khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Khoản 1 Điều 17 của Luật cũng quy định việc xác định mức độ khuyết tật được thực hiện bằng phương pháp quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội và các phương pháp đơn giản khác để kết luận mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật.

Có thể thấy, khái niệm người khuyết tật nêu trên được tiếp cận theo mô hình y tế và không bao gồm tất cả các dạng khuyết tật nên vẫn còn hẹp so với CRPD. Khái niệm về người khuyết tật theo CRPD bao gồm những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác (khoản 1 Điều 2). Phương pháp xác định mức độ khuyết tật theo Luật Người khuyết tật năm 2010 chưa thể phát hiện các dạng khuyết tật khó xác định (ví dụ với người mắc hội chứng tự kỷ thì rất khó để xác định họ bị mắc hội chứng tự kỷ ở mức độ nghiêm trọng thông qua giao tiếp, khó nhận biết thông qua quan sát).

Như vậy, theo tác giả, cần áp dụng mô hình xã hội (thay vì mô hình y tế như hiện nay) để xây dựng khái niệm khuyết tật theo cách tiếp cận của CRPD. Điều này sẽ bảo đảm tất cả các dạng khuyết tật đều được xác định và có thể cấp giấy xác nhận người khuyết tật nhằm bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.

Thứ hai, chưa bảo đảm tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

Quyền tiếp cận dịch vụ y tế và phục hồi chức năng là một trong những quyền quan trọng của người khuyết tật. Chính sách về y tế, khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng để người khuyết tật sống độc lập và hòa nhập cộng đồng được quy định khá đầy đủ, cụ thể trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề này mới chỉ dừng lại ở chủ trương, chính sách mà chưa có nhiều quy định cụ thể để người khuyết tật có thể tiếp cận dịch vụ hỗ trợ tại nhà, khu vực sinh sống và cộng đồng. Các dịch vụ chăm sóc y tế, đặc biệt là các vùng nông thôn, miền núi còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phòng ngừa, phát hiện, can thiệp sớm và phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Thực tế cho thấy, đến nay, phần lớn người khuyết tật tại nước ta chưa được tạo điều kiện để khắc phục những khó khăn liên quan đến chức năng cơ thể để phát huy năng lực, chủ động tham gia vào mọi khía cạnh của đời sống xã hội (chỉ có khoảng 2,3% người khuyết tật tiếp cận được các dịch vụ phục hồi chức năng[9]). Chính việc nhận thức chưa đầy đủ và sự kỳ thị phân biệt đối xử với người khuyết tật là một trong những nguyên nhân của tình trạng này[10].

Các chính sách bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật và danh mục các loại thiết bị hỗ trợ được bảo hiểm y tế chi trả hiện nay còn tương đối hạn chế. Vì vậy, chính sách bảo hiểm y tế cần được tiếp cận dựa trên điều kiện có khó khăn thay vì cách tiếp cận dựa trên mức độ khuyết tật nặng hay đặc biệt nặng như hiện nay.

Thứ ba, chính sách về quyền có việc làm, bảo đảm thu nhập cho người khuyết tật còn có điểm chưa hợp lý.

Trong suốt một thời gian dài, người khuyết tật luôn phải đối diện với nhiều khó khăn trong vấn đề tìm việc làm. Tâm lý tự ti là một trong những rào cản của không ít người khuyết tật khi muốn hòa nhập cộng đồng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khi có nhu cầu tuyển dụng vẫn thường “vô tình” không nghĩ đến việc tuyển người khuyết tật vì cho rằng, khả năng làm việc của người khuyết tật không bằng người lành lặn, họ không chịu được áp lực công việc cao, không đi được công tác xa, sức khỏe yếu…

Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số bất cập trong hệ thống pháp luật về việc bảo đảm cơ hội việc làm cho người khuyết tật[11], như:

– Luật Người khuyết tật hiện hành chưa quy định việc ưu đãi việc làm cho người khuyết tật là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp, mà chỉ quy định mang tính chất khuyến khích.

Khoản 1 Điều 35 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định: “Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng chính sách ưu tiên theo quy định tại Điều 34 của Luật này”. Chính vì vậy, doanh nghiệp sẽ tùy theo điều kiện, khả năng, nhu cầu của mình mà quyết định có nhận người khuyết tật vào làm việc hay không. Nếu doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật thì sẽ được hưởng các chính sách ưu tiên, còn nếu doanh nghiệp không sử dụng lao động là người khuyết tật thì cũng không cơ quan nhà nước nào có thể xử lý.

Đây là một bất cập, vì thực tế cho thấy, tâm lý không muốn nhận người khuyết tật vào làm việc là tâm lý chung của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước đều có tình trạng này, vì việc bố trí việc làm cho người khuyết tật, ngoài việc làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng nơi làm việc cho người khuyết tật, còn có thể làm cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, yêu cầu người khuyết tật trong khi làm việc. Vậy nên, dù có nhiều chính sách khuyến khích nhưng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn không muốn nhận người khuyết tật vào làm việc. Chính vì thế, để bảo đảm người khuyết tật có cơ hội được nhận vào làm việc trong các doanh nghiệp, ở nhiều nước phát triển, nơi mà xã hội đã có sự khách quan trong việc đánh giá khả năng của người khuyết tật, thì pháp luật vẫn phải ấn định nghĩa vụ cho các doanh nghiệp nhận người lao động khuyết tật, ví dụ[12]: Bộ luật Xã hội của Đức quy định các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân sử dụng ít nhất 20 lao động phải bảo đảm có ít nhất 5% trong số họ là người khuyết tật. Ở Anh Quốc, quy định tỷ lệ này là 3%. Ở Nhật quy định tỷ lệ này là 1,8% đối với những công ty tư nhân sử dụng từ 56 lao động trở lên… Các doanh nghiệp không nhận đủ tỷ lệ trên sẽ phải chịu áp dụng chính sách phạt định mức. Vì vậy, theo tác giả, cần sửa đổi Điều 35 Luật Người khuyết tật năm 2010 theo hướng quy định rõ trách nhiệm phải nhận người khuyết tật đối với doanh nghiệp, để các doanh nghiệp có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng lao động là người khuyết tật, mặt khác, sẽ có cơ sở pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp đóng tiền vào Quỹ việc làm cho người khuyết tật, bảo đảm nguồn tài chính cho việc tạo việc làm cho người khuyết tật.

– Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định về đối tượng được hưởng ưu đãi trong tạo việc làm cho người khuyết tật còn chưa phù hợp, không khuyến khích được các doanh nghiệp tích cực sử dụng lao động là người khuyết tật.

Điều 34 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định: Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp.

Nội dung quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Điều 34 nêu trên được bãi bỏ theo quy định tại điểm k khoản 4 Điều 2 Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 1 của Luật số 32/2013/QH13 cũng quy định thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có từ 30% số lao động bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật là một trong những thu nhập được miễn thuế.

Nếu so với các quy định trước đây thì quy định nêu trên đã giảm bớt điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, trên thực tế, số cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật đạt tỷ lệ từ 30% tổng số lao động trở lên không nhiều, nên một số các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người khuyết tật – nhưng dưới 30% tổng số lao động – đã không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đây là nguyên nhân tạo ra sự không bình đẳng giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người khuyết tật (dưới 30%) với cơ sở sản xuất, kinh doanh không sử dụng lao động là người khuyết tật. Theo tác giả, Luật Người khuyết tật và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần có quy định nhằm hỗ trợ tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người khuyết tật. Tất nhiên, hình thức và mức độ hỗ trợ sẽ khác nhau tùy theo tỷ lệ người khuyết tật mà doanh nghiệp nhận. Do đó, cần sửa đổi Luật Người khuyết tật năm 2010 và Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) theo hướng quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ cần sử dụng người khuyết tật vào làm việc nhiều hơn tỷ lệ bắt buộc là được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước. Luật vẫn có thể quy định cách hỗ trợ khác nhau giữa doanh nghiệp sử dụng từ 30% lao động là người khuyết tật trở lên với doanh nghiệp sử dụng ít hơn. Chẳng hạn, đối với những doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động là người khuyết tật dưới 30% thì không được hưởng chính sách miễn, giảm thuế, nhưng Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách miễn cho doanh nghiệp trích nộp bảo hiểm xã hội cho người khuyết tật, ngân sách nhà nước sẽ bù cho phần đó.

Mặt khác, để khuyến khích hơn nữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh tích cực cải tạo các điều kiện để tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc, Luật Người khuyết tật năm 2010 cần bổ sung nội dung quy định rõ: Nhà nước sẽ hoàn trả các chi phí phát sinh của doanh nghiệp do phải chuyển đổi thiết kế, trang bị đồ dùng, phương tiện đáp ứng cho việc nhận người khuyết tật vào làm việc, chứ không nên chỉ quy định là “hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật” như hiện nay.

– Luật Người khuyết tật năm 2010 chưa quy định chế độ ưu đãi trong lĩnh vực lao động và việc làm cho những người trực tiếp chăm sóc người khuyết tật nặng.

Thực tế cho thấy, khi trong gia đình có người khuyết tật nặng thì sẽ có ít nhất một người trong gia đình không thể tham gia lao động bình thường để có thu nhập thường xuyên, do phải chuyên tâm chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ cho người khuyết tật nặng. Điều 44 Luật Người khuyết tật năm 2010 mới chỉ quy định về việc hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó và người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng, mà chưa có một quy định cụ thể nào về chế độ ưu đãi trong lĩnh vực lao động và việc làm cho những người trực tiếp chăm sóc người khuyết tật. Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho gia đình có người khuyết tật nặng theo quy định của Chính phủ hiện nay còn thấp, chưa đủ để bảo đảm trang trải các nhu cầu cơ bản của gia đình người khuyết tật nặng một cách có chất lượng, trong khi những người nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật nặng bị hạn chế cơ hội làm việc, không thể có thu nhập ổn định là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đa số gia đình có người khuyết tật nặng thuộc hộ nghèo. Để bảo đảm thu nhập cho các hộ gia đình có người khuyết tật nặng, Luật Người khuyết tật năm 2010 cần bổ sung những quy định về chế độ ưu đãi trong lao động và việc làm cho người khuyết tật. Cụ thể, Luật Người khuyết tật năm 2010 cần quy định về vấn đề giảm giờ làm việc cho người là lao động chính trong hộ gia đình có người khuyết tật nặng. Trong trường hợp do phải chăm sóc người khuyết tật mà người chăm sóc phải nghỉ làm, thì phải cho hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Nên tổ chức thường xuyên các hội chợ việc làm, triển lãm giới thiệu các sản phẩm của người khuyết tật; tăng cường xây dựng và triển khai nhiều hơn nữa các dự án đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật; hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh, tự tạo việc làm, cung cấp kỹ năng quản trị doanh nghiệp nhỏ…

Thứ tư, bảo đảm quyền về giáo dục của người khuyết tật còn một số thách thức[13].

Tại Việt Nam, cùng với việc phát triển của kinh tế và xã hội, hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và cộng đồng quốc tế, các chính sách về người khuyết tật đã dần được quan tâm, cập nhật và điều chỉnh tốt hơn. Trong đó, chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật tiếp tục được hoàn thiện hơn, dù còn nhiều điểm cần bàn thêm về nội dung, cũng như có nhiều thách thức khi áp dụng trong thực tế. Mặt khác, cách tiếp cận từ góc độ nhân đạo, chứ chưa phải tiếp cận dựa trên quyền, vẫn đang còn ảnh hưởng nổi trội. Theo Luật Người khuyết tật năm 2010 (thay thế cho Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998), chính sách của Nhà nước về người khuyết tật bao gồm “trợ giúp người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông; ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi” (Điều 5). Luật cũng bao gồm một chương riêng về giáo dục (Điều 27 đến 31).

Có thể thấy, Việt Nam đã có những bước tiến trong việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế và pháp lý (gia nhập CRPD, thành lập Ủy ban ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam…) để bảo vệ các quyền của người khuyết tật, trong đó có quyền giáo dục. Tuy nhiên, một số rào cản liên quan đến tiếp cận trường học, tiếp cận phương tiện học tập vẫn còn hiện diện, hệ thống các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập chưa có được nhiều nguồn lực từ Nhà nước và xã hội. Việc thúc đẩy quyền giáo dục của người khuyết tật đòi hỏi những hành động làm giảm thiểu các rào cản, đồng thời quan tâm nhiều hơn đến hệ thống các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, cũng như tạo thuận lợi cho các thành phần xã hội, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo tham gia thành lập, điều hành các trung tâm này, cũng như bằng nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo khác của các giáo hội và cộng đồng.

Qua phân tích một số vấn đề nêu trên cho thấy, Việt Nam đã có những thành tựu cũng như hạn chế, khó khăn về việc xây dựng, thi hành chính sách, pháp luật về quyền của người khuyết tật. Trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp tổng thể, chúng ta nên chú trọng tới khái niệm “khuyết tật” chứ không phải “người khuyết tật” (ở chừng mực nào đó sẽ thể hiện sự tôn trọng đối với nhân phẩm của tất cả mọi người bất kể tình trạng của họ)[14]. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể cân nhắc đến việc thay đổi cách gọi “người khuyết tật” bằng một cụm từ chính xác hơn là “người sống chung với khuyết tật”[15].

TS. Trương Hồng Quang

Khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội

ThS. Dương Thu Hương

Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

 

 

[1]. Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội (Chương trình đào tạo Thạc sĩ Pháp luật về quyền con người), Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Ngô Minh Hương, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên), Quyền của người khuyết tật (sách tham khảo), Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 43.

[2]. Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội (Chương trình đào tạo Thạc sĩ Pháp luật về quyền con người), Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Ngô Minh Hương, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên), Quyền của người khuyết tật, tlđd, tr. 13.

[3]. Việt Nam chính thức gia nhập Công ước này vào năm 2014.

[4]. Cẩm nang quyền của trẻ em khuyết tật trong giáo dục hòa nhập, Hà Nội, 2017. Nguồn: <http://acdc.vn/uploads/documents/files/5c33131e91480.pdf>, tr. 26.

[5]. Anh Chi, Việt Nam có số người khuyết tật cao trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/viet-nam-co-so-nguoi-khuyet-tat-cao-trong-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-219625, ngày 03/12/2014.

[6]. Cuộc điều tra chọn mẫu hộ có cỡ mẫu 35.442 hộ thuộc 1.074 địa bàn, trên 1.074 xã/phường (trong đó có 144 xã nghèo, vùng sâu, vùng xa), với 658 trên tổng số 713 quận/huyện của 63 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Xem: Tổng cục Thống kê, Việt Nam – Điều tra quốc gia người khuyết tật 2016, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2018, tr. 13 – 20.

[7]. Nguyệt Hà, Đảm bảo an sinh xã hội cho người khuyết tật, <http://www.tapchibaohiemxahoi.gov.vn/vi/tin-chi-tiet-dam-bao-an-sinh-xa-hoi-cho-nguoi-khuyet-tat-a1e23449.aspx>, ngày 03/12/2020.

[8]. Phần này tác giả có tham khảo một số nội dung từ một số tài liệu: Phan Thị Lan Hương, Bảo đảm quyền của nhóm yếu thế – Khoảng trống pháp lý và khuyến nghị cho Việt Nam (Sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 70 – 82; Đinh Thị Cẩm Hà, Bảo đảm việc làm và thu nhập cho người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (Văn phòng Quốc hội), 2014 (21), tr. 47 – 52…

[9]. Xem: Tổng cục Thống kê, Việt Nam – Điều tra quốc gia người khuyết tật 2016, tlđd, tr. 13 – 20.

[10]. Chính sách y tế cho người khuyết tật: Nhiều rào cản cần gỡ bỏ, < http://www.molisa.gov.vn/ Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=21774 >, đăng ngày 24/9/2014; Thảo Hương, Quyền bình đẳng của người khuyết tật – Kỳ 3: Khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, <http://baophunuthudo.vn/article/31041/170/ky-3-kho-khan-trong-tiep-can-dich-vu-y-te-cham-soc-suc-khoe/>, đăng ngày 03/9/2019…

[11]. Tham khảo Đinh Thị Cẩm Hà, Bảo đảm việc làm và thu nhập cho người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật, tlđd, tr. 47 – 52.

[12]. Xem Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Tài liệu hướng dẫn giảng dạy: Hướng tới cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật thông qua hệ thống pháp luật, 2004, tr. 52 – 56.

[13]. Trong phần này có tham khảo nội dung từ tài liệu Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội (Chương trình đào tạo Thạc sĩ Pháp luật về quyền con người), Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Ngô Minh Hương, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên), Quyền của người khuyết tật, tlđd, tr. 255 – 269.

[14]. OHCHR, The Convention on the Rights of Persons with Disabilities – Training Guide, Professional Training Series No. 19, 2014, p. 18, < https://www.ohchr.org/Documents/Publications/CRPD_TrainingGuide_PTS19_ EN%20Accessible.pdf>.

[15]. Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội (Chương trình đào tạo Thạc sĩ Pháp luật về quyền con người), Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Ngô Minh Hương, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên), Quyền của người khuyết tật, tlđd, tr. 47.

 

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 377), tháng 3/2023)