Pháp luật thương mại điện tử và thực trạng thực thi ở Việt Nam | Tran Luat Law Office

Pháp luật thương mại điện tử và thực trạng thực thi ở Việt Nam

Thông qua việc nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như thực tiễn thực hiện các hợp đồng thương mại điện tử, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và giảm thiểu các rủi ro phát sinh khi thực hiện các hợp đồng thương mại điện tử. 
1. Khái niệm hợp đồng thương mại điện tử
Quan hệ hợp đồng là mối quan hệ phổ biến trong xã hội, là cơ sở pháp lý chủ yếu để các bên chủ thể thỏa thuận nhằm thiết lập nên quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia giao dịch. Khi xã hội ngày càng phát triển thì các loại hợp đồng cũng ngày càng đa dạng hơn. Đặc biệt cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, giao dịch thương mại điện tử được hình thành với nhiều lợi thế như: Chi phí rẻ, tốc độ truyền tải thông tin nhanh chóng, không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý và biên giới quốc gia… Sự gia tăng không ngừng của các giao dịch thương mại điện tử làm xuất hiện một loại hình hợp đồng mới đó là hợp đồng thương mại điện tử.
Điều 33 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định:“Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu”. Dựa vào cách hiểu nêu trên, có thể đưa ra khái niệm hợp đồng thương mại điện tử như sau: Hợp đồng thương mại điện tử là sự thỏa thuận giữa các bên trong đó có ít nhất một bên là thương nhân. Chủ thể còn lại là chủ thể có tư cách pháp lý nhằm xác lập hợp đồng dưới dạng thông điệp dữ liệu.
Hợp đồng trong thương mại điện tử có các đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, hợp đồng thương mại điện tử vẫn giữ các đặc điểm pháp lý của một hợp đồng thương mại, cụ thể: (i) Một bên chủ thể là thương nhân; (ii) Mục đích của hợp đồng trong thương mại điện tử là lợi nhuận; (iii) Đối tượng của hợp đồng là hàng hóa; (iv) Nội dung hợp đồng thương mại thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng, đó là các điều khoản do các bên thỏa thuận.
Thứ hai, hợp đồng thương mại điện tử có các đặc điểm riêng: (i) Hợp đồng được thể hiện hoàn toàn dưới dạng thông điệp dữ liệu; (ii) Trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng các bên không cần gặp trực tiếp mà thông qua các phương tiện điện tử. Đây là điểm khác biệt so với các hợp đồng được thực hiện theo cách thức thông thường.
2. Tình hình thực hiện pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử
2.1. Khái quát tình hình thực hiện pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử
Hợp đồng thương mại điện tử được hình thành khi các chủ thể tham gia giao dịch trong môi trường thương mại điện tử và được thể hiện bởi nhiều hình thức khác nhau, trong đó các hình thức phổ biến bao gồm: Hợp đồng thương mại truyền thống được đưa lên website, hợp đồng thương mại điện tử được hình thành qua giao dịch tự động, hợp đồng thương mại điện tử hình thành qua thư điện tử (email), hợp đồng thương mại điện tử có sử dụng chữ ký số… Vì vậy, để đánh giá tình hình sử dụng hợp đồng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cần căn cứ vào tình hình ứng dụng thương mại điện tử của các chủ thể như: Việc sử dụng email để giao dịch, xây dựng website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, mức độ tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử và mức độ sử dụng các công cụ thanh toán điện tử khi thực hiện hợp đồng… Năm 2017, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra (từ cuối tháng 8 tới tháng 11) tại 3.566 doanh nghiệp trong cả nước nhằm tổng hợp, phân tích về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thương mại điện tử, hiện trạng ứng dụng thương mại điện tử của cộng đồng trong nước. Thông qua số liệu của Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2017[1], có thể rút ra được tình hình sử dụng hợp đồng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như sau: (i) Hạ tầng và nguồn nhân lực đang được cải thiện một cách rõ rệt; (ii) Việc áp dụng các phương tiện điện tử nhằm ký kết hợp đồng đang trở nên ngày càng phổ biến; (iii) Các hợp đồng thương mại điện tử giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp chủ yếu vẫn dưới dạng đơn đặt hàng qua email; (iv) Các doanh nghiệp đang dần chú ý đến các giao dịch thương mại điện tử; (v) Ngoài email thì một số phương thức giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử chỉ mới bắt đầu phát triển; (vi) Giao dịch thương mại điện tử của doanh nghiệp với người tiêu dùng đang dần trở nên phổ biến; (vii) Các giao dịch giữa Chính phủ và doanh nghiệp thông qua sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngày càng phổ biến.
2.2. Đánh giá tình hình thực hiện
Qua các phân tích tình hình thực hiện hợp đồng trong thương mại điện tử, có thể rút ra một số đánh giá như sau: (i) Việc xác lập và thực hiện các giao dịch bằng hợp đồng thương mại điện tử đang diễn ra khá phổ biến; (ii) Chủ thể thực hiện các giao dịch này rất đa dạng (doanh nghiệp, người tiêu dùng, Chính phủ…); (iii) Bên cạnh các lợi ích đã đạt được của giao dịch thông qua hợp đồng thương mại điện tử thì vẫn còn tiềm ẩn các rủi ro pháp lý cần được điều chỉnh và giải quyết.
3. Thực tiễn và những vướng mắc pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử
Thứ nhất, Nhà nước chưa có quy định pháp luật để điều chỉnh hợp đồng thương mại điện tử theo mẫu nên mỗi người bán lại tự soạn cho mình một mẫu hợp đồng với các điều khoản có lợi cho mình. Việc giao kết hợp đồng trực tuyến hiện nay được tiến hành chủ yếu thông qua website của doanh nghiệp hoặc sàn giao dịch thương mại điện tử của các nhà cung cấp trung gian. Khác với thư điện tử trao đổi trực tiếp giữa hai bên, giao kết hợp đồng trên website có thể được thực hiện qua sự tương tác giữa khách hàng và chức năng đặt hàng trực tuyến của website hoặc thông qua những hợp đồng truyền thống được đưa lên website mà thông thường đây là những hợp đồng mẫu. Pháp luật hiện hành chỉ mới quan tâm điều chỉnh về quy trình giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, còn đối với nội dung hợp đồng mẫu vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể để điều chỉnh và hướng dẫn các bên tham gia. Trong khi chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh việc giao kết hợp đồng thương mại điện tử theo mẫu thì các giao dịch này lại phát triển ngày một nhanh chóng và tự phát khiến cho người tiêu dùng gặp nhiều bất lợi. Trong môi trường thương mại điện tử, các hợp đồng mẫu thường là hợp đồng sử dụng dịch vụ ngân hàng, hợp đồng đặt phòng khách sạn, hợp đồng mua bán hàng hóa…
Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản rập khuôn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ đơn phương soạn thảo để giao dịch với nhiều người tiêu dùng. Nội dung của hợp đồng đã được người bán chuẩn bị sẵn, người tiêu dùng chỉ có mỗi quyền tuyên bố chấp nhận hay không chấp nhận chứ không có cơ hội thảo luận, thương lượng về từng điều khoản của hợp đồng.
Các hợp đồng mẫu chính là điển hình của sự bất cân xứng về thông tin, bất cân xứng về khả năng thương lượng. Người bán bao giờ cũng biết rõ hơn người mua những thông tin về hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp, do vậy họ thường soạn hợp đồng với nhiều điều khoản dài dòng không rõ ràng, không bình đẳng, dồn phần bất lợi cho người mua như: Bỏ qua những quy định về quyền của người mua khi giao kết hợp đồng, lờ đi hoặc giảm nhẹ những nghĩa vụ của người bán, sử dụng những thuật ngữ chuyên ngành trong các điều khoản hợp đồng mà không giải thích cho người tiêu dùng hiểu… Người tiêu dùng thì chỉ tiếp xúc với hợp đồng khi họ cần mua một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó, mặt khác khi giao kết hợp đồng, điều họ chú ý hơn cả là giá cả, các điều kiện khuyến mãi và thường bỏ qua các điều khoản khác. Hợp đồng càng cồng kềnh với nhiều điều khoản kỹ thuật phức tạp thì người tiêu dùng càng ít quan tâm và bỏ qua việc đọc hết nội dung hợp đồng. Chính điều này đã dẫn đến việc người tiêu dùng nhanh chóng nhấp vào nút đồng ý giao kết hợp đồng mà không hề biết rõ ràng những điều khoản của hợp đồng là gì và những hậu quả pháp lý nào mình phải chịu khi có rắc rối xảy ra.
Thứ hai, chưa có các quy định về công chứng hợp đồng thương mại điện tử. Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính chất xác thực, hợp pháp của văn bản (hợp đồng, giao dịch) do người yêu cầu công chứng đề nghị hoặc do pháp luật quy định phải công chứng. Công chứng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn pháp lý đối với các hợp đồng, giao dịch dân sự, kinh tế… Đối với hợp đồng thương mại điện tử, các bên tham gia hợp đồng hoàn toàn trao đổi, đàm phán nội dung hợp đồng và ký kết từ xa thông qua phương tiện điện tử, vì vậy, vấn đề đặt ra là nếu các bên có yêu cầu công chứng thì công chứng viên có công chứng được không và công chứng như thế nào? Có quan điểm cho rằng, trong giao dịch điện tử, bằng các công nghệ hiện đại việc nhận dạng các bên tham gia hợp đồng, chữ ký điện tử đều đã được số hóa đảm bảo tính toàn vẹn, chính xác của nội dung hợp đồng, thậm chí việc giao kết hợp đồng cũng được thực hiện trên môi trường mạng internet thì việc tham gia của công chứng viên là không cần thiết. Tuy nhiên, việc ra đời giao dịch điện tử không làm thay đổi bản chất của giao dịch. Nếu trước đây, để thiết lập một giao dịch, hợp đồng, người ta chỉ có thể thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình dưới hình thức là giao kết bằng miệng hoặc giao kết bằng văn bản, nay nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà chúng ta có thêm hình thức giao kết bằng phương tiện điện tử. Vì vậy, dù giao dịch được thực hiện bằng phương thức gì thì những nguyên tắc chung, cơ bản nhất áp dụng trong giao dịch, hợp đồng vẫn đương nhiên được áp dụng. Do đó, vai trò của công chứng viên cần phải được tiếp tục duy trì và phát huy trong giao dịch điện tử. Mặc dù đây là một vấn đề quan trọng cần phải nhanh chóng có sự điều chỉnh của pháp luật do giao dịch điện tử ngày một phát triển nhanh chóng song hiện nay, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (Nghị định số 52/2013/NĐ-CP) chỉ mới quy định một cách chung chung về hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Điều 63 chứ chưa có một quy định cụ thể nào liên quan đến công chứng hợp đồng điện tử. Luật Công chứng năm 2014 cũng chưa đề cập đến việc công chứng hợp đồng, giao dịch điện tử.
Thứ ba, chưa có các quy định điều chỉnh vấn đề tài sản ảo. Vài năm gần đây, vấn đề tài sản ảo trở thành chủ đề nóng ở Việt Nam cùng với trào lưu phát triển các trò chơi trực tuyến (game online). Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản bao gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Vậy tài sản ảo có phải là tài sản hay không? Để xác định tài sản ảo là một loại tài sản cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau. Xét về tính pháp lý thì tài sản ảo là một khái niệm rất rộng như tên miền internet, địa chỉ hộp thư điện tử, các loại tài khoản game online… Nhưng phổ biến nhất là tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến, tên miền. Tiếp cận theo nghĩa hẹp, tài sản ảo là các đối tượng ảo trong thế giới ảo, còn theo nghĩa rộng thì tài sản ảo được hiểu là những tài nguyên trên mạng máy tính được xác định giá trị bằng tiền và có thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự. Khái niệm này được tiếp cận thông qua tư duy lý luận về quyền tài sản. Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Con người không thể thông qua các giác quan của mình để tiếp cận được với quyền tài sản nên quyền tài sản không tạo cho mọi người khả năng tiếp cận mang tính vật thể mà cần phải xác định loại tài sản này thông qua giá trị thể hiện bằng tiền. Nhờ thông qua giá trị bằng tiền của quyền tài sản mà chúng ta có thể tiếp cận và tạo nên khả năng cảm nhận đầy đủ các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản ảo, đó là quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Điều đó cho thấy, tài sản ảo có bản chất “rất gần” với quyền tài sản và do đó việc thừa nhận nó như một loại tài sản cũng là hợp lý.
Xét về mặt giá trị, tài sản ảo có giá trị kinh tế và giá trị sử dụng vì nó đáp ứng những nhu cầu của con người. Trò chơi trực tuyến đáp ứng nhu cầu về giải trí; tên miền cung cấp một hình thức đại diện cho doanh nghiệp, cơ quan, thương hiệu… Trong thực tế, các giao dịch liên quan đến tài sản ảo được thực hiện khá phổ biến, mặc dù pháp luật không chính thức thừa nhận và bảo hộ loại tài sản này là đối tượng của giao dịch dân sự nhưng giá trị của các loại tài sản ảo này là rất lớn, có thể trị giá hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Mặc dù giao dịch mua bán các tài sản này phổ biến là vậy nhưng chưa có quy định pháp luật nào định nghĩa thế nào là tài sản ảo và tài sản ảo trong quan hệ hợp đồng thương mại điện tử được điều chỉnh như thế nào. Do tính phức tạp về công nghệ nên việc giám sát, giải quyết tranh chấp liên quan đến mua bán, chuyển nhượng tài sản ảo trong các game online nói riêng và tài sản ảo nói chung là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ, tiến hành một cách thận trọng.
4. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử
Một là, xây dựng và ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể việc giao kết và thực hiện hợp đồng theo mẫu trên các website thương mại điện tử
Bản chất của hợp đồng là sự thống nhất ý chí của các bên, do đó, nếu không có sự thống nhất ý chí thì không thể có hợp đồng. Sự ra đời của hợp đồng theo mẫu đã phá vỡ quan niệm đó. Bởi trong giao kết hợp đồng theo mẫu, hợp đồng hình thành không dựa trên cơ sở thống nhất ý chí tự do của các bên, người tiêu dùng đã bị tước bỏ cơ hội thảo luận, bàn bạc các điều khoản của hợp đồng đã được một bên mạnh hơn về kinh tế quy định trước. Để đảm bảo tính ưng thuận trong hợp đồng và đảm bảo tính công bằng trong quan hệ giữa thương nhân và người tiêu dùng, pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử cần đưa ra những quy định cụ thể hơn với hợp đồng mẫu trên các website thương mại điện tử. Bên cạnh các quy định chung và mang tính kỹ thuật về giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử đã được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP thì Nhà nước còn cần phải xây dựng và ban hành các quy định chi tiết về nội dung của các hợp đồng thương mại điện tử mẫu được đưa lên website.
Hai là, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử
Việc rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử. Thông qua rà soát, hệ thống hóa, chúng ta có thể phát hiện được những quy định, những văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc đã lạc hậu, không còn phù hợp với định hướng phát triển của hợp đồng thương mại điện tử. Từ đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, loại bỏ chúng hoặc ban hành văn bản mới, tiến tới xây dựng một hệ thống pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đáp ứng nhu cầu có một môi trường pháp lý lành mạnh, an toàn.
Ba là, xây dựng thiết chế công chứng hợp đồng thương mại điện tử   
Nhu cầu công chứng điện tử của công dân là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để thực hiện công chứng điện tử lại chưa được ghi nhận. Ở nước hiện nay, chủ trương hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các ban ngành, các cơ quan, tổ chức đang rất được quan tâm và thực hiện rộng rãi. Trong đó, ngành công chứng Việt Nam dưới sự chủ trì của Bộ Tư pháp đã chú trọng thực hiện các dự án tin học hóa trong chương trình hợp tác quốc tế với ngành công chứng của Cộng hòa Pháp để đầu tư trang thiết bị, đào tạo kỹ năng tác nghiệp trên máy tính cho công chứng viên, cán bộ của phòng công chứng. Đồng thời, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã xây dựng những cơ sở pháp lý cần thiết nhất cho hoạt động công chứng điện tử bằng việc ghi nhận những biện pháp, công cụ điện tử được sử dụng trong giao dịch điện tử cũng như thừa nhận giá trị pháp lý của hình thức giao dịch này [2]. Do đó, Nhà nước cần phải nghiên cứu mô hình tổ chức và hoạt động của công chứng điện tử cũng như nghiên cứu ban hành những quy định pháp luật để điều chỉnh hoạt động này nhằm đáp ứng yêu cầu chính đáng và hợp pháp của công dân. Trong các văn bản quy phạm pháp luật cần phải ghi nhận và xác định được vị trí, vai trò của hoạt động công chứng trong xã hội điện tử. Bởi chỉ khi đã được pháp luật khẳng định chính thức thì công chứng điện tử mới có đầy đủ cơ sở pháp lý để phát triển và tạo ra hành lang pháp lý an toàn cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia giao kết hợp đồng thương mại điện tử.
Bốn là, nghiên cứu và đề xuất ban hành quy định pháp luật điều chỉnh đối với tài sản ảo
Tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến là một thực tế sống động và có ý nghĩa không chỉ đối với người chơi hay nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, mà nó còn liên quan đến nhiều vấn đề khác của nền kinh tế ngoài đời thực, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh của pháp luật. Cho dù pháp luật có điều chỉnh hay bảo hộ tài sản ảo hay không thì nó vẫn đang được trao đổi, mua bán rất sôi động với giá trị thật không nhỏ. Do đó, xu hướng đầu tư vào tài sản ảo để thu lợi bằng tiền thật đang dần trở nên phổ biến với nhiều biến thể mà hiện tại chúng ta chưa thể tiên lượng được. Theo quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự năm 2015 về tài sản, thì tài sản ảo không nằm trong phạm vi điều chỉnh vì không phải là giấy tờ có giá, không phải tài sản hữu hình hay vô hình. Do đó, việc giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản ảo, trong đó mấu chốt là giải quyết vấn đề sở hữu theo nghĩa coi chúng là tài sản thông thường sẽ dẫn đến nhiều bế tắc trong thực tiễn áp dụng. Để có phương pháp điều chỉnh khả thi, phù hợp với thực tiễn, cần có một quá trình đào sâu nghiên cứu về vấn đề sở hữu tài sản ảo nói riêng và quyền sở hữu trong thế giới ảo nói chung.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT ngày 29/12/2014 quy định chi tiết hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, trong đó, Thông tư đã đề cập đến vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi trực tuyến tại Điều 7. Tuy nhiên, đây chỉ là quy định mang tính chất chung chung về quyền và nghĩa vụ của người cung cấp dịch vụ trò chơi và người chơi mà không thừa nhận hay bảo hộ cho các tài sản ảo. Do đó, các cơ quan nhà nước cần có sự đầu tư nghiên cứu và đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn điều chỉnh vấn đề tài sản ảo.

Nguyễn Duy Thanh

Trường Đại học Luật, Đại học Huế

 

[1] http://www.vecom.vn/wp-content/uploads/2017/02/Bao-cao-EBI-2017-Final.pdf.[2] Trần Văn Biên (2012), Hợp đồng điện tử theo pháp luật Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 296 – 298.

 

Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật ( www.tcdcpl.moj.gov.vn

Tin liên quan

Cảnh sát giao thông có được dùng vũ lực trấn áp người vi phạm giao thông?

(LSVN) – Nếu hành vi chống đối của người vi phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội; xét thấy cần thiết phải ngăn chặn bằng biện pháp dùng vũ lực thì Cảnh sát giao thông (CSGT) có thể dùng vũ lực để …

Xem thêm