Phân vân việc đổi tên khai sinh cho ‘hợp phong thủy’
Từ câu nói của thầy phong thủy hơn mười năm trước, Thiên Nhi giằng xé suy nghĩ với mong mỏi được đổi tên khai sinh.
Sau thời gian đó, Nguyễn Thiên Nhi sống ở Hà Nội đã hơn ba lần đề xuất với bố mẹ cho đổi tên khai sinh với lý do “để cuộc sống khởi sắc” hơn nhưng đều bị gạt bỏ. Bố mẹ cho rằng đây là tên ông nội đặt cho chị, chứa đựng bao yêu thương nên không được thay đổi.
Đầu năm 2021, khi tròn 30 tuổi, Nhi quyết tâm, thông báo với cả nhà việc “sẽ đổi tên khai sinh”. Từ đó, chị bắt đầu làm thủ tục đổi tên mới thành Bảo Nhi.
Chị chuẩn bị hồ sơ gồm giấy khai sinh bản gốc, sổ hộ khẩu, biên bản họp gia đình có đủ chữ ký của các thành viên, mang đến đến bộ phận một cửa của UBND phường nơi đăng ký khai sinh để nộp. Nhi lấy lý do “trùng tên với bà họ”.
Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như chị nghĩ khi cán bộ tiếp nhận cho rằng chỉ có quy định về việc đổi họ hoặc tên, chứ không có hướng dẫn về đổi tên đệm. Từ đó, phường phải gửi đề xuất lên Sở Tư pháp để Sở xin hướng dẫn từ Bộ Tư pháp.
6 tháng sau, khi Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn, trường hợp của Nhi mới được giải quyết. Tên khai sinh của chị được đổi thành công, từ Nguyễn Thiên Nhi thành Nguyễn Bảo Nhi nhưng bị đảo lộn tất cả vì tên trong các giấy tờ không khớp nhau. Chị phải bỏ dở công việc để đi làm lại căn cước công dân, hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tài khoản ngân hàng… theo tên mới.
Những trường hợp đổi tên khai sinh như Nhi gần đây không ít. Một năm trước, vợ chồng Nam Hoa, ở Hà Nội, cũng quyết định đổi tên cho Hoàng Long, cậu con trai 11 tháng tuổi, bởi thấy “ốm đau triền miên”. Tuy nhiên khi làm thủ tục đổi tên, vợ chồng Nam Hoa không được chấp nhận do không thuộc các trường hợp được đổi trên khai sinh.
Một trường hợp khác như Mạnh Hùng, quê Thái Nguyên, tên khai sinh gắn bó với anh hơn 30 năm cuộc đời. Sau đó khi lập gia đình, Hùng bị trùng tên bố vợ nên gặp khó trong quá trình xưng hô, giao tiếp.
Tiếc với tên “cha sinh mẹ đẻ” đặt cho nhưng vì cuộc sống mới, Hùng vẫn quyết định đổi. Mọi việc của anh diễn ra nhanh gọn do thuộc trường hợp theo quy định. Anh chỉ cần nộp đơn xin đổi tên kèm theo giấy khai sinh và giấy tờ chứng minh “con rể trùng tên với bố vợ”. Sau chừng một tuần, Hùng đã có tên khai sinh mới.
Giấy khai sinh chứa các thông tin cơ bản của công dân, trong đó có họ và tên. Ảnh: Phạm Dự
Một cán bộ tư pháp của một phường ở Hà Nội cho biết việc yêu cầu đổi tên trên giấy khai sinh không phải là thủ tục hộ tịch mới. Tuy nhiên, nhiều người đang nhầm lẫn việc “đổi tên theo sở thích” và theo “quy định pháp luật”.
“Đổi tên khai sinh không bị nghiêm cấm. Tuy nhiên mọi người cần tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định bởi tên gắn bó với mình cả đời từ khi sinh ra đến lúc chết đi. Hơn nữa, không phải ai cũng được đổi tên mà phải thuộc các trường hợp được đổi theo quy định”, cán bộ nói.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Thịnh (Công ty Luật TNHH Fanci) cho biết khoản 1 điều 26 Luật Hộ tịch 2014 quy định, chỉ được thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong giấy khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.
Bộ luật Dân sự hiện hành cho phép cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước công nhận việc thay đổi tên trong các trường hợp sau: theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, danh dự hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; theo yêu cầu của cha, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên đã đặt khi khai sinh.
Các trường hợp khác cũng được thay đổi tên khai sinh như: thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước đó hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi; thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính hoặc đã chuyển đổi giới tính.
Như vậy, luật sư Thịnh cho rằng, nếu không có sai sót khi đăng ký khai sinh, không thuộc trường hợp cải chính tên sẽ không được đổi tên khai sinh. Tuy nhiên việc sử dụng tên khai sinh gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó thì cá nhân, người đại diện của họ có quyền yêu cầu công nhận việc đổi tên.
Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
Về thẩm quyền, theo Luật Hộ tịch, UBND cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có quyền giải quyết việc thay đổi tên cho người chưa đủ 14 tuổi. UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi tên cho người từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước.
*Tên nhân vật đã thay đổi.