Phân tích khái quát nội dung pháp luật hợp đồng gia nhập

1. Hình thức của hợp đồng gia nhập

Thực tiễn cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới khi xây dựng các qui định pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng gia nhập, họ thường không coi trọng vấn đề hình thức của hợp đồng mà tập trung chủ yếu vào nội dung của hợp đồng bởi ở đó chứa đựng các điều khoản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của các bên giao kết và thực hiện hợp đồng. Chính vì vậy, họ chủ yếu tập trung vào việc thiết lập và thiết kế các qui định pháp luật để điều chỉnh những vấn đề liên quan đến việc kiểm soát nội dung các điều khoản của hợp đồng cũng như việc áp dụng các điều khoản đó trên thực tế như thế nào.

Hình thức của hợp đồng dân sự là cách thức biểu hiện ra bên ngoài của những nội dung của nó dưới một dạng vật chất hữu hình nhất định[1]. Theo lý thuyết truyền thống, hình thức của hợp đồng gồm: Văn bản, lời nói và hành vi cụ thể[2]. Trong một số trường hợp, hình thức của hợp đồng là điều kiện bắt buộc để hợp đồng có hiệu lực. Tuy nhiên, trong những trường hợp pháp luật không qui định hình thức của hợp đồng là điều kiện bắt buộc để hợp đồng có hiệu lực, các bên giao kết hợp đồng có quyền lựa chọn bất kỳ hình thức nào của hợp đồng để thể hiện nội dung giao dịch của mình. Thực tiễn cho thấy các hợp đồng gia nhập được giao kết chủ yếu thể hiện ra bên ngoài thông qua hình thức văn bản, điều này xuất phát từ tính chất đặc thù của loại hợp đồng này so với các loại hợp đồng truyền thống khác.

Hơn thế nữa, trong một số trường hợp, để có hiệu lực thì hợp đồng gia nhập được giao kết giữa thương nhân với người tiêu dùng liên quan đến một số lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống xã hội phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thương nhân chỉ được phép sử dụng hợp đồng đã được cơ nhà nước có thẩm quyền chấp nhận để giao kết với người tiêu dùng.

2. Nguyên tắc giao kết và trình tự giao kết hợp đồng gia nhập

Để quyền tự do ý chí của các bên luôn được tôn trọng trong quá trình giao kết hợp đồng, hướng tới công bằng, bình đẳng cũng như bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi của bên gia nhập hợp đồng thì việc giao kết hợp đồng cần tuân thủ các nguyên tắc nhất định, đó là: Tự do; tự nguyện cam kết; thỏa thuận; thiện chí; trung thực. Các nguyên tắc này là kim chỉ nam cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập. Mục đích chính của các nguyên tắc này là nhằm bảo đảm rằng không ai bị cưỡng ép hoặc bị cản trở trái với ý chí của mình khi giao kết hợp đồng, đồng thời thể hiện bản chất của quan hệ pháp luật dân sự là yếu tố “thỏa thuận” luôn phải được đề cao.

Pháp luật không thừa nhận những hợp đồng gia nhập được giao kết thiếu đi sự bình đẳng do chỉ được thể hiện bởi ý chí tự nguyện của một trong các bên giao kết. Tuy nhiên, trên thực tế, để đánh giá một hợp đồng nói chung và hợp đồng gia nhập nói riêng được giao kết có đảm bảo ý chí tự nguyện của các bên hay không là một việc khá phức tạp bởi nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan.

Thông thường hợp đồng được hình thành bởi một quá trình mà trong đó các bên tự do thể hiện ý chí thông qua việc một bên đề nghị giao kết hợp đồng và bên kia chấp nhận, đây có thể coi là nội dung cơ bản của trình tự giao kết hợp đồng. Trình tự giao kết hợp đồng nói chung gồm hai giai đoạn: Đề nghị giao kết hợp đồng; Chấp nhận giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, rất khó xác định bên nào là bên đưa ra đề nghị và bên nào là bên chấp nhận đề nghị, đặc biệt là khi hợp đồng đó được soạn thảo bởi bên thứ ba như: Công chứng viên; luật sư… Hợp đồng gia nhập là một dạng đặc thù của hợp đồng nói chung, được giao kết giữa một bên là thương nhân – bên bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bên kia là người tiêu dùng thường ở thế yếu hơn. Chính vì vậy, trình tự giao kết hợp đồng gia nhập cũng có những điểm khác biệt nhất định khi so sánh với trình tự giao kết hợp đồng truyền thống thể hiện ở chỗ thương nhân thường là bên đề nghị, nếu người tiêu dùng chấp nhận đề nghị, thương nhân sẽ đưa ra hợp đồng đã được soạn sẵn theo những mẫu nhất định mà bản chất của nó là hợp đồng gia nhập, người tiêu dùng sẽ có một khoảng thời gian nhất định để xem xét nội dung của hợp đồng, người tiêu dùng chỉ có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận giao kết hợp đồng mà không có quyền đàm phán, thương lượng về các điều khoản đó. Cá biệt, có trường hợp người tiêu dùng là bên đề nghị mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ của thương nhân, nếu thương nhân chấp nhận lời đề nghị đó thì họ vẫn sẽ là bên soạn sẵn hợp đồng và đưa ra để rồi trình tự giao kết hợp đồng lại được lặp lại như đã phân tích ở trên. Do đó, về cơ bản, việc bên nào đề nghị trước không làm thay đổi bản chất của qui trình giao kết hợp đồng gia nhập. Có thể nhận thấy là trình tự giao kết hợp đồng gia nhập đã bị cắt đi giai đoạn đàm phán, thương lượng và đây chính là điểm khác biệt cơ bản khi so sánh với trình tự giao kết hợp đồng truyền thống.

3. Quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng gia nhập

Quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng là một trong những nội dung quan trọng của pháp luật hợp đồng nói chung và pháp luật hợp đồng gia nhập nói riêng. Thực tiễn cho thấy các tranh chấp xảy ra liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng chủ yếu xuất phát từ việc một trong các bên vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng. Chính vì vậy, quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng cần phải được các bên thỏa thuận chi tiết, cụ thể, nhất là trong trường hợp pháp luật không qui định về vấn đề này đối với loại hợp đồng tương ứng mà các bên giao kết. Trong quá trình đàm phán và giao kết hợp đồng, các bên cần xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mình cũng như của bên kia và nội dung này cần phải được ghi nhận một cách rõ ràng, cụ thể trong hợp đồng bởi đây chính là cơ sở để các bên căn cứ vào đó thực hiện hợp đồng. Quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng không những là cơ sở để xác định bên nào có hành vi vi phạm hợp đồng mà còn là tiêu chí để xác định mức độ hoàn thành nghĩa vụ của các bên cũng như là cơ sở để giải quyết các tranh chấp xảy ra.

Pháp luật hợp đồng hiện nay được xây dựng theo hướng mở rộng quyền tự do thỏa thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng, nhất là sự thỏa thuận liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng. Việc các bên không xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng cũng như không nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình sẽ dẫn đến các hành vi vi phạm hợp đồng và hệ quả làbên bị vi phạm thiệt hại và bên vi phạm sẽ bị áp dụng các chế tài tương ứng với hành vi vi phạm. Khi giao kết hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận thêm về các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên bên cạnh việc áp dụng các qui định pháp luật liên quan về vấn đề này trong trường hợp có qui định cụ thể. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng thì các qui định pháp tương ứng đối với loại hợp đồng mà các bên giao kết sẽ có giá trị áp dụng.

Hiện nay, pháp luật không qui định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng nói chung và hợp đồng gia nhập nói riêng mà chỉ có các qui định về quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng đối với một số loại hợp đồng cụ thể. Tùy theo tính chất đặc thù của loại hợp đồng đó mà pháp luật có những qui định cơ bản nhất liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng. Chính vì vậy, đối với loại hợp đồng mà pháp luật qui định quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng thì các bên cần đưa những nội dung đó vào trong hợp đồng để thực hiện. Ngoài ra, căn cứ vào thỏa thuận liên quan đến các nội dung như: Hàng hóa giao dịch; giá trị; phương thức thanh toán; phương thức giao hàng… trong hợp đồng cũng như dựa trên quyền, lợi ích chính đáng của mỗi bên mà các bên sẽ thỏa thuận những nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình trong các điều khoản của hợp đồng. Quyền và nghĩa vụ của các bên được ghi nhận trong nội dung của hợp đồng phải có sự tương ứng với nhau, quyền của bên này phải tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.

4. Chế tài đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng gia nhập

Trong quá trình thực hiện hợp đồng nói chung và hợp đồng gia nhập nói riêng, việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là điều khó tránh khỏi, hành vi này của bên vi phạm không những làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng mà còn gây thiệt hại cho bên bị vi phạm. Do đó, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng và bị áp dụng các chế tài cụ thể. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng xảy ra khi có ba yếu tố: Có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế xảy ra; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra. Để cụ thể hóa trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thì vấn đề đặt là phải áp dụng các chế tài tương ứng đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

Ở góc độ chung nhất, có thể hiểu chế tài là các biện pháp cưỡng chế của nhà nước dự kiến áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật để đảm bảo việc thực hiện pháp luật. Do đó, chế tài đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trước hết là để thúc đẩy các bên giao kết hợp đồng tuân thủ những nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng và các qui định pháp luật liên quan. Bên cạnh đó, chế tài còn có mục đích trừng phạt đối với bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ đã cam kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm. Ngoài ra, chế tài còn nhằm ngăn ngừa và hạn chế các hành vi vi phạm hợp đồng trong tương lai.

Các bên giao kết hợp đồng có thể thỏa thuận về việc xác định các loại trách nhiệm khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Sự thỏa thuận này của các bênliên quan đến việc áp dụng chế tài nào khi có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra, các chế tài có thể áp dụng đối với hành vi vi phạm hợp đồng là phạt vi phạm; bồi thường thiệt hại hoặc một loại trách nhiệm khác. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về vấn đề này thì các qui định pháp luật về trách nhiệm do vi phạm đối với từng loại hợp đồng nói riêng và các qui định pháp luật về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ nói chung sẽ được áp dụng.

Xét về bản chất, quan hệ hợp đồng được hình thành trên cơ sở sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của các bên giao kết hợp đồng. Chính vì vậy, khi giao kết hợp đồng, các bên được quyền tự định đoạt các vấn đề liên quan đến hình thức, nội dung, phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng… Do đó, về cơ bản, việc lựa chọn chế tài nào để áp dụng là do các bên quyết định.

5. Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng gia nhập

Trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập, việc tranh chấp giữa các bên tham gia hợp đồng là điều không thể tránh khỏi. Các tranh chấp này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Chính vì vậy, nhà làm luật cần thiết kế các qui định pháp luật cụ thể, chi tiết để đảm bảo các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập được giải quyết nhanh chóng, giảm thiểu chi phí thời gian, tiền bạc của các bên tham gia.

Để đảm bảo tính hiệu quả của các qui định pháp luật liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về hợp đồng gia nhập, các qui định pháp luật cần được xây dựng tập trung vào các nội dung sau: Thời hiệu khởi kiện đối với vụ/việc tranh chấp về giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập; thủ tục tố tụng nào được áp dụng và áp dụng như thế nào để có thể giải quyết nhanh chóng các tranh chấp liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập; các phương thức nào sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập giữa thương nhân với người tiêu dùng, giữa thương nhân với thương nhân…

Thực tiễn cho thấy các tranh chấp liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng truyền thống thường được giải quyết bằng các phương thức sau: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài và Tòa án. Đây là những phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống được áp dụng nhiều trong thực tiễn. Như vậy, có thể thấy rằng, cácphương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng truyền thống đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù của loại hợp đồng này thì thủ tục giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập cần phải được tiến hành linh hoạt hơn. Việc thiết kế các qui định pháp luật không chỉ dừng lại ở mục tiêu là làm sao để giải quyết tốt các tranh chấp liên quan đến giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập mà còn phải tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện các qui định để xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng gia nhập. Các qui định này cần hướng tới việc bảo vệ người tiêu dùng, ngăn ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật hợp đồng gia nhập trong tương lai.

6. Đăng ký hợp đồng gia nhập

Trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập, bên được đề nghị (chủ yếu là người tiêu dùng) thường yếu thế hơn so bên đề nghị (thương nhân). Thực tiễn cho thấy trong nhiều trường hợp người tiêu dùng bị áp đặt các điều khoản bất lợi trong giai đoạn giao kết hợp đồng. Chính vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật của một số quốc gia qui định thương nhân kinh doanh những loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống mà sử dụng hợp đồng gia nhập thì phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hàn Quốc là một trong số những quốc gia tiên phong trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các qui định và chính sách khuyến khích thương nhân đăng ký hợp đồng gia nhập. Việc pháp luật qui định thương nhân kinh doanh một số loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống mà sử dụng hợp đồng gia nhập phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là một trong những công cụ hữu hiệu để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát việc giao kết và thực hiện các loại hợp đồng gia nhập liên quan đến những nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với xã hội nói chung và với người tiêu dùng nói riêng.

Việc xây dựng các qui định pháp luật về đăng ký và kiểm soát hợp đồng gia nhập cần tập trung chủ yếu vào các nội dung sau:

Thứ nhất, về thủ tục tiếp nhận và xem xét hồ sơ đăng ký hợp đồng gia nhập (nghĩa vụ đăng ký; thẩm quyền tiếp nhận đăng ký; phương thức nộp hồ sơ đăng ký; thông báo cho thương nhân; công khai kết quả đăng ký);

Thứ hai, về tiêu chí xem xét, đăng ký hợp đồng gia nhập (nội dung hợp đồng gia nhập không chứa đựng điều khoản lạm dụng; phù hợp với qui định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nguyên tắc chung về giao kết hợp đồng; các yêu cầu chung đối với hợp đồng gia nhập như: Ngôn ngữ; cỡ chữ; giấy nền; màu mực; các nội dung không có hiệu lực trong hợp đồng gia nhập; sự phù hợp với qui định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nguyên tắc chung về giao kết hợp đồng);

Thứ ba, về yêu cầu chung để hợp đồng gia nhập có khả năng được đăng ký (ngôn ngữ của hợp đồng gia nhập; nội dung của hợp đồng gia nhập phải rõ ràng dễ hiểu).

7. Giải thích hợp đồng gia nhập

Như đã phân tích ở trên, hợp đồng gia nhập là loại hợp đồng do một bên soạn sẵn các điều khoản và đưa ra, bên kia chỉ có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận mà không có quyền đàm phán, thương lượng về các điều khoản đó, điều này vô hình chung tạo ra sự mất cân bằng lợi ích giữa các bên giao kết hợp đồng. Thực tiễn cho thấy, nguyên nhân của sự mất cân bằng lợi ích giữa các bên giao kết hợp đồng gia nhập xuất phát bởi những lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, trong hợp đồng gia nhập, do việc thiếu hoặc không có khả năng thương lượng và thỏa thuận có thể dẫn đến việc một bên không nhận thức được sự tồn tại hay nội dung của các điều khoản mẫu do một bên đưa ra[3];

Thứ hai, bên được đề nghị thường ở vị thế thấp, tiềm lực tài chính yếu hơn so với bên đề nghị giao kết hợp đồng gia nhập, họ không hoặc có rất ít khả năng nắm giữ các thông tin liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà mình sẽ mua, sử dụng;

Thứ ba, bởi bên được đề nghị không tham gia vào quá trình soạn thảo các điều khoản của hợp đồng gia nhập. Do đó, bên đề nghị giao kết hợp đồng gia nhập có thể lợi dụng việc được soạn thảo để đưa vào hợp đồng các điều khoản có lợi cho mình một cách tối đa mà đẩy rủi ro, bất lợi cho bên được đề nghị bằng việc “gài cắm” các điều khoản mập mờ, tối nghĩa;

Chính vì vậy, để bảo vệ bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng, cân bằng lợi ích giữa các bên giao kết hợp đồng, nhà làm luật cần thiết kế các qui định pháp luật cụ thể, chi tiết nhất có thể để giải thích hợp đồng gia nhập nhằm kiểm soát các điều khoản không công bằng mà bên đề nghị đưa vào trong hợp đồng. Việc thiết kế cácqui định đó là rất cần thiết để hạn chế sự “lạm dụng” của bên đề nghị, bảo vệ quyền lợi của bên được đề nghị tốt hơn. Về vấn đề này, Luật Bảo vệ người tiêu dùng Québec năm 1971 qui định về ngôn ngữ của hợp đồng, đưa ra các nguyên tắc giải thích điều khoản mập mờ, không rõ nghĩa: “Trong trường hợp có những điều khoản bị nghi ngờ hoặc mơ hồ, hợp đồng sẽ được giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng”[4].

Bên cạnh việc nhà làm luật thiết kế các qui định pháp luật để giải thích hợp đồng nói chung và hợp đồng gia nhập nói riêng thì một vấn đề được đặt ra là ai sẽ có quyền giải thích hợp đồng? Thực tiễn cho thấy, trước hết, việc giải thích hợp đồng sẽ do các bên giao kết hợp đồng tự thực hiện, trong trường hợp các bên không đạt được sự đồng thuận khi giải thích hợp đồng, đương nhiên tranh chấp sẽ xảy ra. Nếu một bên khởi kiện tại Tòa án, việc giải thích hợp đồng sẽ thuộc về Tòa án. Tòa án sẽ giải thích hợp đồng dựa trên cơ sở các qui định pháp luật hiện hành, ý chí của các bên và lẽ công bằng. Chính vì tầm quan trọng của việc giải thích hợp đồng trong trường hợp các bên có cách hiểu khác nhau mà luật pháp cần có những qui định cụ thể, chi tiết về vấn đề này và vì vậy, đây cũng chính là một trong những nội dung quan trọng của pháp luật hợp đồng gia nhập hiện nay cần được nghiên cứu, hoàn thiện.

8. Kiểm soát hợp đồng gia nhập (Điều khoản lạm dụng…)

Xuất phát từ đặc điểm của hợp đồng gia nhập là hợp đồng do một bên soạn sẵn các điều khoản. Do đó, bên đưa ra hợp đồng luôn có xu hướng soạn thảo nội dung các điều khoản theo hướng có lợi cho họ một cách tối đa và đẩy rủi ro, bất lợi cho bên kia. Những điều khoản này được nhiều nhà nghiên cứu gọi là “những điều khoản lạm dụng” – les clauses abusives [94, Điều 1437]. Tên gọi này xuất phát từ chính đặc điểm của hợp đồng gia nhập là hợp đồng do một bên soạn sẵn, bên kia không có quyền đàm phán, thương lượng về các điều khoản của hợp đồng. Chính vì vậy, thực tiễn cho thấy là bên đề nghị thường “lạm dụng” đặc điểm này để soạn thảo và “gài cắm” các điều khoản bất lợi cho bên được đề nghị.

“Điều khoản lạm dụng” được định nghĩa là bất kỳ điều khoản bất lợi cho bên kia hoặc một phần của điều khoản quá bất hợp lý hoặc trái với chuẩn mực thông thường, đặc biệt là điều khoản loại bỏ các nghĩa vụ cốt lõi phát sinh qui tắc thông thường. Thực tiễn cho thấy, những điều khoản lạm dụng hay bất công với người tiêu dùng rất đa dạng và phong phú, nó có thể là điều khoản loại trừ quyền khiếu nại, khiếu kiện của người tiêu dùng hoặc đó là điều khoản chỉ qui định trách nhiệm của một bên trong hợp đồng gia nhập. Những điều khoản lạm dụng cũng có thể là những điều khoản mà nội dung của nó tạo điều kiện cho thương nhân trốn tránh trách nhiệm, đẩy rủi ro, bất lợi cho người tiêu dùng…

Những điều khoản lạm dụng hay gặp nhất hiện nay là trong các hợp đồng điện tử. Với hành động nhấn nút “đồng ý” rất nhanh của người sử dụng các ứng dụng điện tử, hợp đồng điện tử đã xác lập. Nhưng để trước khi đi đến cái ấn nút nhanh chóng đó, các nhà tạo lập hợp đồng điện tử – hay chính là các nhà cung cấp dịch vụ – đã phải suy nghĩ rất kỹ lưỡng và mất nhiều thời gian để sao cho bản hợp đồng đó ít gây thiệt hại nhất cho mình. Từ đó, khi phát sinh tranh chấp, người sử dụng dịch vụ – bên yếu thế trong giao kết – sẽ dễ dàng sa vào những bẫy được đặt trong các điều khoản của hợp đồng[5].

Như vậy, tác giả thấy rằng, sự lạm dụng của bên đề nghị đã gây ra rủi ro và bất lợi rất lớn cho bên được đề nghị và trong nhiều trường hợp, nó đã loại bỏ các nghĩa vụ quan trọng phát sinh từ những nguyên tắc giao kết hợp đồng. Trong một số trường hợp, điều khoản lạm dụng còn tước đi quyền khiếu nại của bên được đề nghị. Nếu trong hợp đồng gia nhập có chứa các điều khoản lạm dụng – tức là nó chỉ qui định trách nhiệm của một bên mà loại trừ nghĩa vụ của bên kia sẽ dẫn đến hệ quả là bên được đề nghị – bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng sẽ không được bảo vệ. Thực tiễn cho thấy, điều khoản lạm dụng trong hợp đồng gia nhập có thể bị giới hạn bởi không gian, thời gian, thời điểm giao kết và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra.

Trong cuộc sống, người tiêu dùng thường phải tham gia vào rất nhiều giao dịch khác nhau để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, trong đó có nhiều giao dịch được thực hiện dưới hình thức giao kết hợp đồng gia nhập với thương nhân mà mục đích chính là nhằm phục vụ các nhu cầu thiết yếu đó. Chính vì vậy, trong những giao dịch đã được giao kết sẽ có không ít giao dịch mà người tiêu dùng có thể phải“gánh chịu” rủi ro và thiệt hại từ các điều khoản lạm dụng do thương nhân – bên đề nghị đã “gài bẫy” vào hợp đồng gia nhập nhằm mang lại lợi thế tối đa cho mình.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vấn đề kiểm soát các điều khoản bất công đã được đặt ra từ lâu trên thế giới. Cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, các nhà làm luật Đức và Anh đã ban hành những qui định quan trọng nhằm kiểm soát những điều kiện giao dịch chung và những điều khoản không công bằng đối với người tiêu dùng. Luật về kiểm soát đối với những điều kiện giao dịch chung năm 1977(ABG gestz) của Đức, Luật về những điều khoản hợp đồng không công bằng năm 1877 (Unfair Contract Terms Act) của Anh. Hiện nay, văn bản được quan tâm nhất trên thế giới về kiểm soát các điều kiện giao dịch chung là Chỉ thị của Ủy ban Châu Âu số 93/13/ECC ngày 05/4/1993 về những điều khoản không công bằng trong hợp đồng với người tiêu dùng[6].

Chỉ thị số 93/13/EEC đưa ra định nghĩa thống nhất về các điều khoản không công bằng trong hợp đồng với người tiêu dùng, cụ thể: Mọi điều khoản hợp đồng được đưa ra mà không có sự thương lượng giữa các bên sẽ bị coi là không công bằng nếu chúng đi ngược với nguyên tắc thiện chí, tạo nên sự mất cân bằng đáng kể về quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng, gây bất lợi cho người tiêu dùng [99, khoản 1 Điều 3]. Chỉ thị số 93/13/EEC cũng xác định rõ danh mục các điều khoản không công bằng bị cấm trong phần phụ lục, hầu hết đó là các điều khoản dành cho nhà cung cấp những ưu tiên “phi lý” mà không tính đến quyền lợi người tiêu dùng. Trên cơ sở các qui định tại Chỉ thị số 93/13/EEC, Anh; Pháp; Đức và nhiều quốc gia khác trong Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành các văn bản pháp luật phù hợp với qui định của Chỉ thị số 93/13/EEC.

Cụ thể, để kiểm soát các điều khoản lạm dụng nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong quan hệ hợp đồng, Điều 7 Bộ luật dân sự Cộng hòa Liên bang Đức năm 2002 qui định: “Các điều khoản thương mại theo mẫu sẽ không có hiệu lực nếu đi ngược lại với nguyên tắc thiện chí trong giao kết hợp đồng, chúng đưa ra cho bên giao kết các bất lợi không hợp lý. Các bất lợi không hợp lý có thể phát sinh từ các điều khoản không rõ ràng và khó hiểu”[7][102, ].

Về vấn đề này, BLDSCHLBĐ năm 2002 đã đưa ra các tiêu chí để xác định điều kiện thương mại chung vô hiệu. Cụ thể, Điều 307 Bộ luật dân sự Cộng hòa Liên bang Đức năm 2002 quiđịnh: “Các điều kiện thương mại chung sẽ không có hiệu lực nếu đi ngược lại với nguyên tắc thiện chí trong giao kết hợp đồng, chúng đưa ra cho bên giao kết các bất lợi không hợp lý. Các bất lợi không hợp lý có thể là kết quả của việc các điều kiện đó không rõ ràng và toàn vẹn”. Cơ sở để xác định một điều kiện thương mại chung bất lợi, không hợp lý đối với bên giao kết khi có căn cứ cho thấy “(1) Không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật; hoặc (2) Hạn chế các quyền hoặc nghĩa vụ phát sinh từ bản chất của hợp đồng theo cách có thể gây ra rủi ro là sẽ không đạt được mục đích của hợp đồng”.

Điều 308 và 309 Bộ luật dân sự Cộng hòa Liên bang Đức năm 2002 đưa ra các loại điều khoản bị vô hiệu đương nhiên hoặc có thể bị vô hiệu trên cơ sở đánh giá của các cơ quan Tư pháp. Theo đó, có 8 loại điều khoản có thể sẽ bị vô hiệu nếu Tòa án xem xét và kết luận, các điều khoản này được qui định từ điểm (i) đến điểm (viii)[8]. Bên cạnh đó, các điều khoản của điều kiện thương mại chung cần được xem xét, đánh giá bởi Tòa án hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thêm nữa, từ điểm (i) đến điểm (xiii) Điều 309 Bộ luật dân sự Cộng hòa Liên bang Đức năm 2002 đã liệt kê 13 loại điều khoản đương nhiên vô hiệu. Mặc dù Bộ luật dân sự Cộng hòa Liên bang Đức năm 2002 không qui định trực tiếp về hợp đồng gia nhập. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự Cộng hòa Liên bang Đức năm 2002 đã qui định rất rõ ràng, cụ thể về các điều kiện thương mại chung, đặc biệt Bộ luật dân sự Cộng hòa Liên bang Đứcnăm 2002 đã dự liệu về những điều khoản bị xem xét vô hiệu hoặc đương nhiên vô hiệu. Do đó, các nhà làm luật Việt Nam cần nghiên cứu kế thừa các yếu tố hợp lý nêu trên trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hợp đồng gia nhập.

Pháp luật Canada xác định hợp đồng gia nhập là hợp đồng tiêu dùng và mỗi bang của Canada lại đưa ra những biện pháp pháp lý riêng nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các điều khoản lạm dụng. Tại bang Québec, vấn đề hợp đồng tiêu dùng được điều chỉnh bởi cả Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 1971 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Bảo vệ người tiêu dùng Québec qui định một cách chi tiết các vấn đề liên quan đến hợp đồng tiêu dùng[9]. Tại Chương I Luật Bảo vệ người tiêu dùng Québec năm 1971 qui định các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng thông qua hợp đồng hàng hóa, dịch vụ. Điều 8 Luật này qui định: “Người tiêu dùng có thể đề nghị tuyên bố vô hiệu một hợp đồng hoặc đề nghị giảmnghĩa vụ của mình nếu trong hợp đồng thể hiện rõ sự không cân xứng giữa phần nghĩa vụ tương ứng của các bên mà phần lớn thuộc về người tiêu dùng hoặc nếu nghĩa vụ của người tiêu dùng là quá nhiều, không hợp lý”. Như vậy, một hợp đồng có thể bị tuyên là vô hiệu nếu nó chứa đựng điều khoản gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, liên quan đến việc kiểm soát các điều khoản lạm dụng, Điều L.132-1 Bộ luật Tiêu dùng Pháp năm 1993, bản cập nhật số 853.2010 dành riêng một điều khoản để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những điều khoản lạm dụng, cụ thể: “Trong hợp đồng giữa những người kinh doanh chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp – người tiêu dùng, những điều khoản được coi là lạm dụng khi có mục đích hoặc kết quả gây thiệt hại cho những người kinh doanh không chuyên nghiệp hay những người tiêu dùng, hoặc gây ra một sự mất cân bằng đáng kể giữa quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Nghị định của Hội đồng nhà nước được thực hiện sau khi có ý kiến của Ủy ban được thành lập theo Điều L.534-1, thiết lập một danh sách các thuật ngữ được coi là lạm dụng, trong trường hợp tranh chấp liên quan đến một hợp đồng có một điều khoản như vậy, những người kinh doanh chuyên nghiệp phải chứng minh tính không lạm dụng của các khoản tranh chấp. Những điều khoản khác ngoài điều khoản lạm dụng trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực nếu nó có thể tồn tại mà không có các điều khoản lạm dụng đó. Những qui định của điều khoản này là để bảo vệ trật tự công cộng”. Mặc dù nội dung của Bộ luật Tiêu dùng Pháp năm 1993 không trực tiếp đề cập đến hợp đồng gia nhập nhưng nhiều qui định của Bộ luật Tiêu dùng Pháp năm 1993 đã đề cập đến các điều khoản của hợp đồng trong các lĩnh vực đặc thù hay sử dụng hợp đồng mẫu, trong đó có những qui định cụ thể để kiểm soát các điều khoản lạm dụng.

Trong thực tiễn, khi giao kết hợp đồng gia nhập với thương nhân, người tiêu dùng dường như không nhìn thấy tinh thần “tự do khế ước” của hợp đồng. Họ thường phải chấp nhận những điều khoản bất lợi do thương nhân đưa ra mà về nguyên tắc những điều khoản này không phải là đối tượng của việc đàm phán, thương lượng. Do đứng ở thế yếu, người tiêu dùng phải chấp nhận nội dung những điều khoản đó để có quyền mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ của thương nhân và họ cũng không biết đến việc phải kiểm soát chúng như thế nào để có thể bảo vệ lợi ích của mình. Chính vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cân bằng lợi ích củacác bên trong quan hệ hợp đồng, nhà làm luật cần thiết kế các qui định cụ thể, chi tiết để kiểm soát những điều khoản bất công hay điều khoản lạm dụng này.

9. Điều chỉnh lại các điều khoản lạm dụng trong hợp đồng gia nhập

Để bảo vệ quyền lợi bên được đề nghị (chủ yếu là người tiêu dùng) trong quan hệ hợp đồng gia nhập nhằm khắc phục nhược điểm của loại hợp đồng này thì vấn đề điều chỉnh lại các điều khoản lạm dụng trong hợp đồng gia nhập là rất cần thiết, nhất là khi các điều khoản này có nguy cơ gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đây là một trong những nội dung quan trọng của pháp luật hợp đồng gia nhập.

Pháp luật cần qui định cụ thể các vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc tự mình hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng, yêu cầu thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung hợp đồng gia nhập trong trường hợp phát hiện hợp đồng gia nhập đó vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Trong trường hợp hợp đồng gia nhập chứa đựng các điều khoản lạm dụng, nó sẽ bị yêu cầu hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các qui định của pháp luật để có hiệu lực. Việc hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các điều khoản lạm dụng trong hợp đồng gia nhập trước hết sẽ được thực hiện bởi chính thương nhân trên cơ sở yêu cầu từ phía cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng.

Như vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước các điều khoản lạm dụng trong hợp đồng gia nhập thì nhà làm luật cần phải thiết kế cụ thể, chi tiết các qui định liên quan đến việc điều chỉnh lại hoặc loại bỏ các điều khoản lạm dụng trong hợp đồng gia nhập. Việc này là rất cần thiết bởi các qui định pháp luật đó sẽ phát huy vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập.

10. Điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật hợp đồng gia nhập

Để các qui định pháp luật hợp đồng có thể đi vào cuộc sống thì một vấn đề tiên quyết là cần có các điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật hợp đồng gia nhập và các điều kiện này phải được luật hóa, đây được xem là một trong những nội dung quan trọng của pháp luật hợp đồng gia nhập. Các điều kiện này được tập trung chủ yếu vào các nhóm sau:

Thứ nhất, pháp luật hợp đồng gia nhập cần được xây dựng thống nhất trong một văn bản, chặt chẽ về hình thức và nội dung, đảm bảo tính khả thi trên thực tế. Hơn thế nữa, các qui định pháp luật hợp đồng gia nhập cần có tính lường trước, tính dự báo và tính dự đoán để hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung. Đây chính là điều kiện cơ bản, nền tảng để việc thi hành pháp luật hợp đồng gia nhập có thể diễn ra thuận lợi;

Thứ hai, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo thi hành pháp luật hợp đồng gia nhập bởi lẽ pháp luật chỉ có thể đi vào cuộc sống nếu các chủ thể chịu tác động hiểu và tự giác tuân thủ các qui định pháp luật mà để làm được điều này thì cần tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên, liên tục, sâu, rộng;

Thứ ba, cơ sở vật chất, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức có thẩm quyền ban hành pháp luật cũng như thi hành pháp luật hợp đồng gia nhập cần được đầu tư, cung cấp đầy đủ. Có như vậy thì việc thi hành pháp luật hợp đồng gia nhập mới có nền tảng vững chắc và thuận lợi để phát triển và đạt hiệu quả;

Thứ tư, cán bộ, công thức thi hành pháp luật hợp đồng gia nhập cần thường xuyên được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ liên quan đến hợp đồng gia nhập, đặc biệt là về kỹ năng, năng lực tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật hợp đồng gia nhập.

Việc thi hành pháp luật hợp đồng gia nhập có thực hiện được hay không và thực hiện đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào các qui định pháp luật liên quan đến điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật hợp đồng gia nhập được thiết kế như thế nào và thiết kế ra sao. Chính vì vậy, các điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật hợp đồng gia nhập như đã phân tích ở trên nếu được qui định cụ thể, khoa học, có tính khả thi và được hiện một cách đồng bộ, thống nhất thì việc thi hành pháp luật hợp đồng gia nhập sẽ được nâng lên một bước đáng kể.

 

[1]Chế định hợp đồng (Luật dân sự Việt Nam) (2015). https://vi.wikipedia.org/ wiki/Ch%E1%BA%BF_%C4%91%E1%BB%8Bnh_h%E1%BB%A3p_%C 4%91%E1%BB%93ng_(Lu%E1%BA%ADt_d%C3%A2n_s%E1%BB%B1_ Vi%E1%BB%87t_Nam), truy cập vào 11: 10′, ngày9/11/2015

[2]Quốc hội (2005), Bộ luật Dân sự, HàNội, Điều 401

[3]Đỗ Giang Nam (2015), “Bình luận về các qui định liên quan đến hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, (5), tr.38

[4]Consumer Protection Act of Québec – Section 17, Canada, updated to 01 December 2016. http://legisquebec.gouv.qc.ca/en/showdoc/cs/P-40.1, access at 9: 10 AM, date October 19th,2019, Điều 1437

[5]Trần Văn Biên (2011). “Bảo vệ quyền lợi ngƣời tiêu dùng trong giao kếthợp đồng điện tử qua internet”. http://vndp.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/kinhtexa hoi/View-Detail.aspx?Item ID=76, truy cập vào 14: 15′, ngày10/3/2015, tr.2

[6]Nguyễn Thị Vân Anh (2012), Giáo trình Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nxb. Công an nhân dân, HàNội, tr.32

[7]German Civil Code, promulgated on January 2th, 2002. http://www. gesetze- im-internet.de/englisch_bgb/englisch_bgb.html, access at 21: 30 PM, date March 25th,2015, Phần I Mục 37

[8]German Civil Code, promulgated on January 2th, 2002. http://www. gesetze- im-internet.de/englisch_bgb/englisch_bgb.html, access at 21: 30 PM, date March 25th,2015, Điều 308

[9]Nguyễn Thị Ngọc Anh (2011), Pháp luật về hợp đồng dân sự theo mẫu trên thế giới – những kinh nghiệm đối với Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, chuyên ngành Luật quốc tế, Khoa Luật – Đại học Quốc gia HàNội, tr.31