PHÂN TÍCH KHÁI NIỆM VỀ THƯƠNG NHÂN THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM – TPLAW

Thương nhân là chủ thể chính tham gia các quan hệ pháp luật thương mại Việt Nam. Tìm hiểu sâu về thương nhân sẽ giúp các doanh nghiệp nói chung và các bạn đọc nói riêng nắm rõ được quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi bắt đầu tìm hiểu các vấn đề thương mại. Công ty luật TNHH Thanh & Cộng sự sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn cụ thể hơn về đặc điểm pháp lý của thương nhân qua bài viết sau:

Theo quy định tại Điều 6 Luật Thương mại 2005: ” Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.” Theo khái niệm này, thương nhân bao gồm:

+ Tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp;

+ Cá nhân.

Tuy nhiên không phải tổ chức thành lập hợp pháp hoặc cá nhân nào cũng được pháp luật Việt Nam công nhận là thương nhân. Để là thương nhân, các chủ thể nói trên phải mang các đặc điểm pháp lý sau:

            Thứ nhất, thương nhân phải thực hiện các hoạt động thương mại.

Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định: “ Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.” Đây là đặc điểm luôn đi liền với thương nhân. Muốn xem một chủ thể có phải thương nhân hay không thì phải xem chủ thể đó có hoạt động thương mại hay không.

            Thứ hai, thương nhân phải hoạt động độc lập

            Khoản 1 điều 6 Luật Thương mại Việt Nam 2005 quy định, thương nhân phải hoạt động thương mại một cách độc lập. Theo tinh thần của pháp luật thương mại, thực hiện hành vi thương mại độc lập, mang danh nghĩa chính mình và vì lợi  ích của bản thân mình là dấu hiệu cần thiết để xác định chủ thể tham gia vào các hoạt động thương mại có phải là thương nhân hay không? Bởi trên thực tế, hoạt động thương mại thường có nhiều người tham gia vào như người làm công, các nhân viên quản lí điều hành…nên cần phải dựa vào tính độc lập trong thực hiện hành vi của chủ thể để có thể xác định chủ thể có tư cách thương nhân. Thương nhân sẽ thực hiện hành vi thương mại môt cách tự thân, nhân danh mình, vì lợi ích của bản thân mình và tự chịu trách nhiệm về hành vi thương mại của mình. Những người làm công ăn lương, người quản lí điều hành một chi nhánh hay một cửa hàng thương mại thì chưa được coi là một thương nhân vì họ thực hiện những hành vi thương mại vì lợi ích của ông chủ…Chính vì vậy, có thể nói, nếu thiếu đặc điểm thứ hai này thì chủ thể cũng sẽ không có tư cách thương nhân.

thanh-lap-chi-nhanh-vpdd

            Thứ ba, các hoạt động thương mại phải được cá nhân, tổ chức tiến hành thường xuyên.

            Điều này có nghĩa là thương nhân, khi tham gia hoạt động thương mại thì phải thực hiện hoạt động này thường xuyên, nguồn lợi kiếm được từ hoạt động thương mại là nguồn lợi chính, thu nhập chính cho bản thân, tổ chức mình.

            Thứ tư, thương nhân phải có năng lực hành vi thương mại.

            Năng lực hành vi thương mại là khả năng của cá nhân, pháp nhân bằng những hành vi của mình làm phát sinh, thay đổi chấm dứt quan hệ pháp luật thương mại.

Thứ năm, thương nhân phải có đăng kí kinh doanh.

Khoản 1 điều 6 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Thương nhân bao gồm…và có đăng kí kinh doanh” vừa có thể nhìn nhận như là một đặc điểm của thương nhân vừa có thể coi là một yêu cầu bắt buộc đối với cá nhân, tổ chức muốn trở thành thương nhân. Khi đăng kí kinh doanh những thông tin chủ yếu về thương nhân sẽ được công khai như: tên thương mại, trụ sở, mục tiêu, ngành nghề kinh doanh… được ghi nhận vào sổ đăng kí kinh doanh và như vậy một người nào đó muốn có thông tin về một thương nhân cụ thể thì sẽ chỉ cần đến những cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có được thông tin cần thiết.

Đăng kí kinh doanh được thực hiện theo trình tự pháp luật quy định, áp dụng thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên hiện nay do thương nhân còn tồn tại dưới nhiều hình thức doanh nghiệp khác nhau nên việc đăng kí kinh doanh được thực hiện trên cơ sở những văn bản pháp luật khác nhau. Việc đăng kí kinh doanh tạo cơ sở pháp lí cho công tác quản lí nhà nước về kinh tế, xác nhận sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp, cung cấp thông tin cần thiết về doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia quan hệ với doanh nghiệp.

Chuyên viên pháp lý: VÕ VƯƠNG KHÁNH TRÌNH

Không có bài viết liên quan