Phân Tích Điểm Hòa Vốn Là Gì?

Phân Tích Điểm Hòa Vốn Là Gì?


167791

    

0

Bài viết này nói về Phân tích Điểm hòa vốn, một công cụ hữu ích để nghiên cứu mối quan hệ giữa chi phí cố định với chi phí biến đổi và doanh thu. Nó liên kết chặt chẽ với khái niệm Điểm hòa vốn (Break Even Point-BEP), là điểm cho biết tại thời điểm nào một khoản đầu tư sẽ bắt đầu đem lại lợi nhuận dương. Nó có thể được thể hiện bằng hình vẽ hoặc chỉ bằng một phép tính đơn giản. Phân tích Điểm hòa vốn giúp xác định quy mô sản xuất với một mức giá (bán) nhất định đủ để trang trải tất cả các chi phí đã phát sinh. Hãy đọc bài viết dưới đây để hiểu về công cụ phân tích hiệu quả này.

Trước hết chúng ta cần đề cập đến các khái niệm về chi phí sau đây:

Chi Phí Cố Định

Chi phí cố định luôn phát sinh khi bạn quyết định bắt đầu một hoạt động kinh tế và nó liên quan trực tiếp đến trình độ sản xuất, chứ không phải sản lượng. Chi phí cố định bao gồm (nhưng không giới hạn): khấu hao tài sản, chi phí lãi vay, thuế và chi phí chung (chi phí lao động, chi phí năng lượng, chi phí khấu hao).

Có một xưởng mộc chủ yếu đóng bàn, ghế và tủ quần áo, sử dụng 50 nhân công. Cơ sở sản xuất phải mất một khoản lớn cho các chi phí cố định. Đây là khoản chi phí không đổi mỗi tháng, và chỉ có thể thay đổi sau một năm. Đó có thể là tiền lương, hóa đơn tiền điện hàng tháng và chi phí khấu hao tài sản lưu động (có bao gồm máy móc) và tài sản cố định (như nhà xưởng).

Chi Phí Biến Đổi

Chi phí biến đổi là loại chi phí thay đổi liên quan trực tiếp đến sản lượng. Đó là các chi phí bán hàng, chi phí sản xuất, chi phí nhiên liệu và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc sản xuất hàng hoá hoặc một khoản vốn đầu tư.

Đối với xưởng mộc, chi phí biến đổi sẽ chủ yếu là các chi phí cho nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm như gỗ, đinh hay tay kéo cửa bằng đồng. Nếu họ sản xuất 50 tủ quần áo/tháng, thì chi phí này sẽ ít hơn so với lúc họ sản xuất 75 tủ quần áo trong một tháng khác. Vì thế, đây là các chi phí thay đổi hàng tháng.

Công Cụ Tài Chính

Phân tích điểm hòa vốn là một công cụ hữu ích để quyết định xem một công ty có nên hay không việc bắt đầu sản xuất và bán một sản phẩm.

Thêm vào đó, bạn có thể tính điểm hòa vốn (BEP), còn được gọi là điểm then chốt (critical point). Đây là điểm mà tổng doanh thu sẽ bằng tổng chi phí. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp sẽ hòa vốn và cả chi phí cố định và chi phí biến đổi đều được thu hồi. Doanh thu thấp hơn tổng chi phí sẽ là lỗ vốn. Tất cả những điểm nằm bên trên điểm then chốt này thì có thể được ghi nhận là lợi nhuận.

Công Thức Phân Tích Điểm Hòa Vốn

Để tính toán được điểm hòa vốn trong phân tích này, bạn cần một số dữ kiện nhất định, cụ thể là chi phí cố định, giá bán sản phẩm và chi phí biến đổi cho mỗi sản phẩm.

Điểm hòa vốn được xác định là thời điểm khi chi phí cố định được thu hồi. Nó chỉ xảy ra khi ta có cái gọi là lãi trên Số dư đảm phí (contribution margin), đó là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí biến đổi. Khi lấy chi phí cố định chia cho lãi trên số dư đảm phí bạn sẽ có điểm hòa vốn.

Xem công thức Điểm hòa vốn trong hình dưới đây:

Điểm hòa vốn = chi phí cố định / (giá bán – chi phí biến đổi)

Ví Dụ Phân Tích Điểm Hòa Vốn

Xưởng mộc được nhắc tới ở trên đang có kế hoạch để làm một chiếc tủ quần áo mới.

Đó là kiểu Bohemian, làm bằng gỗ thô, màu trắng với hai cánh cửa và một ngăn kéo ở phía dưới. Chiếc tủ cao gần 2 mét, rộng 1,50 mét và sâu 0,5 mét. Trong tủ sẽ có nhiều kệ và một khu vực để treo quần áo, sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Vị quản đốc xưởng mộc phải xem xét các dữ kiện trước khi quyết định bắt tay vào sản xuất.

  • Giá bán dự kiến ​​là $1,000.
  • Chi phí cố định trung bình một năm là $210,000 (lương nhân viên hàng tháng, chi phí năng lượng, chi phí lãi suất và khấu hao).
  • Giá mua gỗ và các loại phụ liệu là 400$ cho mỗi tủ và là chi phí biến đổi.

Với các dữ kiện này, vị quản đốc sẽ xác định điểm hòa vốn như sau:

Điểm hòa vốn = $210,000 / ( $1000 – $400 ) = 350 chiếc

Điều đó có nghĩa là xưởng mộc sẽ không thể hòa vốn cho đến khi họ bán được 350 chiếc tủ quần áo và sẽ không có lãi cho đến chiếc thứ 351.

Sự Kết Hợp

Ví dụ bên trên cho thấy rằng việc giao tiếp tốt và hợp tác thoải mái giữa các bộ phận phụ trách việc thu mua, bán hàng và sản xuất trong một doanh nghiệp là rất quan trọng.

Họ sẽ đạt được sự đồng thuận cùng với nhau. Bộ phận bán hàng khó có thể bán được hơn 350 chiếc tủ quần áo loại này. Bởi giá bán $1,000 có thể là quá cao, nên nhân viên bán hàng đã gợi ý một mức giá bán cạnh tranh và khả thi hơn là $750. Khi giá thay đổi, điểm hòa vốn sẽ thay đổi và họ sẽ cần phải bán được nhiều hơn 350 chiếc trước khi có được lợi nhuận.

Mặt khác, bộ phận thu mua có thể đảm bảo nguyên liệu thô và các loại phụ liệu được mua ở mức giá phải chăng hơn, và giảm chi phí biến đổi. Thảo luận với bộ phận bán hàng, họ cũng có thể lựa chọn giữ giá bán ở mức cao, để đảm bảo rằng họ sẽ thu lợi sớm hơn khi họ bán được 350 tủ quần áo. Cuối cùng tới lượt bộ phận sản xuất. Đối với họ thì đó là việc xử lý nguyên liệu thô hiệu quả: Họ cần tránh lãng phí để giảm chi phí biến đổi.

Cách làm đúng và hiệu quả sẽ giúp tăng tốc độ sản xuất, cho phép nhiều tủ quần áo được sản xuất ra trong thời gian ngắn hơn. Tất nhiên, các bộ phận khác cũng có liên quan tới hệ thống. Ví dụ như, nhiệm vụ của bộ phận Marketing là quảng cáo loại tủ này một cách hấp dẫn, thông qua các kênh khác nhau, như các cửa hàng, cửa hàng trực tuyến, tạp chí thiết kế, …

Lợi Ích Của Phân Tích Điểm Hòa Vốn

Ưu điểm chính của Điểm hòa vốn là nó giải thích mối quan hệ giữa chi phí, sản lượng và doanh thu. 

Phân tích này có thể được mở rộng để cho thấy việc thay đổi mối quan hệ giữa chi phí cố định và chi phí biến đổi, ví dụ như thay đổi giá sản phẩm hay doanh thu sẽ có tác động như thế nào đến mức lợi nhuận và điểm hòa vốn.

Phân tích điểm hòa vốn đặc biệt hữu dụng khi nó được kết hợp với các kỹ thuật lập ngân sách từng phần.

Lợi thế quan trọng nhất khi sử dụng phương pháp này là nó cho biết số vốn tối thiểu cần thiết cho mỗi hoạt động kinh tế để ngăn ngừa những tổn thất xảy ra.

Hơn nữa, dựa trên công thức điểm hòa vốn, bạn có thể dễ dàng tính toán thêm để có được cái nhìn sâu sắc hơn về khả năng sinh lợi của việc đầu tư.

Nguồn :
Theo SAGA.VN