Phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước – Một số vấn đề đặt ra trong quản lý ngành Tư pháp
Hiện nay, vấn đề phân quyền, phân cấp được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các văn bản luật liên quan. Theo đó, phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương là những quy định pháp luật nhằm phân định nhiệm vụ, quyền hạn cho từng cấp, để việc quản lý được rõ ràng, rành mạch và hiệu quả, bảo đảm việc phân giao nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với chức năng, thẩm quyền và điều kiện ở mỗi cấp. Bài viết này tập trung phân tích và đưa ra một số giải gợi mở để tiếp tục thực hiện, triển khai một cách hiệu quả việc phân quyền, phân cấp trong một số lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp.
I. THỐNG NHẤT VỀ THUẬT NGỮ, KHÁI NIỆM
1. Phân quyền
Trong khoa học quản lý, phân quyền theo cách hiểu chung nhất là chế độ quản lí hành chính “phân cho một tập thể hay một đơn vị hành chính – lãnh thổ tự quản lí, có tư cách pháp nhân, có những quyền hạn và những nguồn lực nhất định, dưới sự kiểm tra của Nhà nước”[1]. Về lý luận, phân quyền được chia thành phân quyền ngang và phân quyền dọc.
Thứ nhất: Phân quyền ngang là sự phân quyền giữa các cơ quan nhà nước theo chiều ngang. Một mô hình vô cùng phổ biến là tam quyền phân lập bao gồm lập pháp, hành pháp, và tư pháp được chia cho nhóm 3 cơ quan độc lập nắm giữ. Mức độ phân quyền giữa các quốc gia khác nhau là khác nhau.
Thứ hai: Phân quyền dọc là việc phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Phân quyền theo chiều dọc (theo lãnh thổ) là việc cấp trung ương chuyển giao một phần quyền hạn, nhiệm vụ, phương tiện vật chất… cho các cấp chính quyền địa phương thực hiện. Theo đó, chính quyền địa phương là pháp nhân công quyền, được tự quyết định các vấn đề của địa phương trên cơ sở quy định của pháp luật; chính quyền trung ương thực hiện kiểm tra hoạt động của chính quyền địa phương thông qua hệ thống pháp luật và tài phán hành chính.
Trong phân quyền không tồn tại tính thứ bậc hành chính giữa các đơn vị hành chính – lãnh thổ như trong phân cấp. Các địa phương có quyền hạn riêng do Hiến pháp và luật quy định. Hay nói cách khác, phân quyền là các cấp chính quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo ủy quyền của người dân thông qua quy định của Hiến pháp và luật, do vậy quan hệ giữa các cấp chính quyền là bình đẳng.
Như vậy, phân quyền chính là sự phân chia quyền lực nhà nước cho các cơ quan, đơn vị hành chính để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Việc phân chia như vậy là để đảm bảo sự quản lý nhà nước được thống nhất và hiệu quả. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều thực hiện mô hình phân quyền như vậy nhưng cách hoạt động có thể khác nhau.
Ở Việt Nam, Nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiên các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (khoản 3 Điều 2 Hiến pháp 2013[2]) – theo chiều ngang. Về phân quyền dọc, theo Điều 94 Hiến pháp năm 2013 và Điều 1 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015[3] (sửa đổi năm 2019) thì “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”. Theo quy định tại Điều 112 Hiến pháp năm 2013 thì: (1) Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. (2) Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương. Với quy định này, chính quyền địa phương có quyền tổ chức và có trách nhiệm bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và các quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH trên phạm vi địa hạt quản lý của cấp mình; đồng thời có quyền quyết định các vấn đề của địa phương đã được luật quy định.
Theo quy định cụ thể tại Điều 12 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì nguyên tắc phân quyền cho chính quyền địa phương được quy định cụ thể như sau:
– Việc phân quyền cho mỗi cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong các luật.
– Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
– Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương.
– Các luật khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, của các cơ quan thuộc chính quyền địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương[4] và phù hợp với các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương quy định tại Luật này.
Tóm lại, việc phân quyền gữa các cấp chính quyền (giữa trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương) phải được quy định bởi Hiến pháp và luật. Các cấp có quyền và trách nhiệm bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và các quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH trên phạm vi quản lý của cấp mình; đồng thời có quyền quyết định các vấn đề đã được luật quy định. Mặt khác, chịu sự thanh tra, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền từ Hiến pháp và Luật.
2. Phân cấp trong quản lý nhà nước
“Phân cấp” theo tiếng Việt làn một động từ có nghĩa phân ra, chia thành các cấp, các hạng. Còn “phân cấp quản lí” có nghĩa là giao bớt một phần quyền quản lí cho cấp dưới, trong hệ thống quản lí chung.
“Phân cấp trong quản lý nhà nước” hay còn gọi là “phân cấp quản lý hành chính” theo Từ điểm luật học thì: “Phân cấp quản lý hành chính là việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý cấp trên cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thực hiện thường xuyên, lâu dài, ổ định trên cơ sở pháp luật… Thực chất của phân cấp quản lý hành chính là xác định lại sự phân chia thẩm quyền theo các cấp hành chính cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới…”[5]. Ở đây tồn tại tính thứ bậc hành chính giữa các đơn vị hành chính – lãnh thổ (trung ương – địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương). Như vậy, về bản chất phân cấp quản lý là việc chính quyền cấp trên giao nhiệm vụ cho chính quyền cấp dưới và lãnh đạo chính quyền cấp dưới trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp giữa chức năng, nhiệm vụ với năng lực và điều kiện thực tế của từng cấp nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.
Tóm lại, phân cấp quản lý là việc chính quyền cấp trên giao nhiệm vụ cho chính quyền cấp dưới thông qua việc thực hiện quyền lập quy (ban hành văn bản quy phạm dưới luật) và lãnh đạo chính quyền cấp dưới – cấp dưới phục tùng cấp trên; còn phân quyền là các cấp chính quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo ủy quyền của người dân thông qua quy định của Hiến pháp và luật. Hay nói cách khác, phân cấp trong quản lý nhà nước được hiểu là việc sắp xếp nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền, giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện quyền quản lý nhà nước trong một lĩnh vực cụ thể.
Theo quy định tại Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015[6] (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì việc phân cấp cho chính quyền địa phương được quy định cụ thể như sau:
– Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Việc phân cấp phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này và phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới, trách nhiệm của cơ quan nhà nước phân cấp và cơ quan nhà nước được phân cấp.
– Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải bảo đảm các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp.
– Cơ quan nhà nước được phân cấp chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước đã phân cấp về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương, cơ quan nhà nước ở địa phương có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước đã phân cấp.
Với quy định này, việc phân cấp trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước được xác định:
– Chủ thể phân cấp là: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và UBND cấp tỉnh, huyện.
– Chủ thể nhận phân cấp là: Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp.
– Phương thức phân cấp: Phương thức phân cấp được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật gồm Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ, ngành, Quyết định của UBND các cấp.
Về nguyên tắc thực hiện phân cấp, phù hợp với quy định của Hiến pháp và các luật về tổ chức, Nghị quyết số 99/2020/NQ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực đã xác định rõ về quan điểm và nguyên tắc phấp cấp. Theo đó, thực hiện đẩy mạnh phân cấp phù hợp với khả năng tự cân đối về ngân sách, điều kiện phát triển của các địa phương, vùng, miền và đặc thù nông thôn, đô thị, hải đảo gắn với đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực và chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương theo hướng bảo đảm các nguyên tắc sau:
– Phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, các quy định của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia; bảo đảm Chính phủ quản lý thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát cân đối vĩ mô;
– Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật; bảo đảm một việc không quá 02 cấp hành chính quản lý;
– Phù hợp với đặc thù nông thôn, đô thị, hải đảo, yêu cầu quản lý đối với ngành, lĩnh vực; khả năng tự cân đối ngân sách và vai trò trung tâm phát triển kinh tế – xã hội vùng, bảo đảm phân cấp nhiệm vụ gắn với bảo đảm nguồn lực;
– Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành, lĩnh vực với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ những nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ, ngành với nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, bảo đảm an ninh quốc gia trong phân cấp quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực;
– Phù hợp với điều kiện, trình độ quản lý và khả năng tiếp nhận phân cấp của địa phương, bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện;
– Tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước phân cấp, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước được phân cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.
Tóm lại, việc phân cấp quản lý nhà nước là việc sắp xếp nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền, giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện quyền quản lý nhà nước trong một lĩnh vực cụ thể trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp giữa chức năng, nhiệm vụ với năng lực và điều kiện thực tế của từng cấp nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước. Việc phân cấp phải được thể hiện dưới hình thức văn bản pháp luật và phải phù hợp với điều kiện, trình độ quản lý và khả năng tiếp nhận phân cấp của cơ quan nhà nước được phân cấp; bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia và trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước phân cấp, cũng như trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước được phân cấp.
II. PHÂN QUYỀN, PHÂN CẤP QUẢN LÝ TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC QUẢN LÝ CỦA BỘ, NGÀNH TƯ PHÁP
1. Phân quyền quản lý trong một số lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp[7]
Như trên đã phân tích, phân quyền quản lý là các cấp chính quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo ủy quyền của người dân thông qua quy định của Hiến pháp và luật. Hay nói cách khác, phân quyền quản lý giữa các cấp chính quyền (trung ương và địa phương) chỉ có thể được thực hiện thông qua Hiến pháp, Luật và theo quy định cụ thể tại Điều 12 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Theo đó, trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp thì hiện nay chỉ còn lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm là chưa có luật điều chỉnh độc lập. Còn các lĩnh vực khác đã có luật chuyên ngành điều chỉnh. Từ đó, có thể khẳng định việc phân quyền quản lý nhà nước trong các lĩnh vực trên giữa cơ quan nhà nước trung ương (Chính phủ, Bộ Tư pháp) và chính quyền địa phương đã được quy định cụ thể.
Ngoài phân quyền quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương được quy định Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, như Luật tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong một số lĩnh vực quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, chúng ta thấy có các văn bản luật sau:
– Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (số 14/2012/QH13) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.
– Luật Hòa giải ở cơ sở (số 35/2013/QH13) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2013 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
– Luật Nuôi con nuôi (số 52/2010/QH12) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011.
– Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (số 10/2017/QH14) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
Trong các luật này đều có các quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan nhà nước (Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp) trong việc thực hiện quản lý nhà nước. Cụ thể:
– Về thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp đều được xác định là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ hoặc chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực do luật định.
Ví dụ: về phân quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật, theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 thì tại khoản 2 Điều 6 đã quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm (phân quyền) của các cơ quan quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật như sau:
– Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật;
– Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn về phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;
– Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật;
– Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.
Với quy định này, về phần quyền quản lý nhà nước chúng ta thấy:
(1) Chính phủ là cơ quan quản lý nhà nước thống nhất về phổ biến, giáo dục pháp luật và Bộ Tư pháp được phân công giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật.
(2) Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn về phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật.
(3) Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.
Một vấn đề chú ý là theo quy định của Luật thì việc phân quyền cho chính quyền địa phương phải tuân thủ các nguyên tắc là:
– Bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia;
– Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
– Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa chính quyền địa phương các cấp đối với các hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn lãnh thổ;
– Việc phân định thẩm quyền phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đặc thù của các ngành, lĩnh vực;
– Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp huyện; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ có quy định khác;
– Việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điệu kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác; gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp. Chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.
Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát các cơ quan nhà nước ở địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền, phân cấp.
Với các nguyên tắc này, khi rà soát, đối chiếu lại với các quy định của một số văn bản luật trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp cho thấy:
– Về cơ bản quy định về phân quyền trong 4 văn bản Luật trên là phù hợp; đã tạo ra sự đồng bộ, thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia. Mặt khác, các quy định cũng đã tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
– Tuy nhiên, qua ra soát chúng ta thấy trong các luật còn thiếu vắng các quy định về phân quyền phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đặc thù của các ngành, lĩnh vực. Cụ thể, ngoài luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, các luật còn lại chỉ quy định chung, thống nhất về các nội dung và không có quy định cụ thể cho các vùng nông thôn, đô thị, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Điều này, đã phần nào làm cho Luật không được áp dụng trực tiếp mà phải chờ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Mặt khác, việc bảo đảm điệu kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cũng chưa được quy định một cách rõ ràng. Trong các văn bản Luật liệt kê ở phần trên thì chỉ có Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật[8] có quy định về điều kiện bảo đảm, còn các văn bản khác, quy định này chưa rõ (chưa bảo đảm nguyên tắc trong phân quyền).
Một thực tế khác, đó là việc phân quyền trong các luật chưa đủ cụ thể đối với các cấp chính quyền địa phương; thường quy định chung về trách nhiệm của chính quyền địa phương. Do vậy, dẫn đến tình trạng UBND các cấp (tỉnh, huyện, xã) đều phải thực hiện các nhiệm vụ giống nhau – tạo ra sự trùng lặp trong quản lý. Ví dụ: khoản 2 Điều 27 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định “ Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây: a) Ban hành theo thẩm quyền chương trình, kế hoạch, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật; b) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; c) Xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật theo quy định của pháp luật; d) Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.” Thẩm quyền của từng cấp UBND chỉ được làm rõ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP.
2. Thực trạng phân cấp quản lý trong một số lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp
Như phần trên đã phân tích: “Phân cấp quản lý hành chính” là việc chính quyền cấp trên giao nhiệm vụ cho chính quyền cấp dưới thông qua việc thực hiện “quyền lập quy” (ban hành văn bản quy phạm dưới luật) và lãnh đạo chính quyền cấp dưới, cấp dưới phục tùng cấp trên. Hay nói cách khác, phân cấp trong quản lý nhà nước được hiểu là việc sắp xếp nhiệm vụ quyền hạn giữa các cấp chính quyền, giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện quyền quản lý nhà nước trong một lĩnh vực cụ thể và được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo thẩm quyền của các chủ thể phân cấp.
Theo quy định tại Điều 39 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì Bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc. Chính phủ quy định cụ thể (phân cấp quản lý)[9] chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ.
Theo quy định tại Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thì: Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, bồi thường nhà nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ (Điều 1). Đây là chức năng quản lý nhà nước của Bộ được Chính phủ phân cấp quản lý. Từ các chức năng này, tại điều 2 của Nghị định số 96/2017/NĐ-CP đã xác định 35 nhiệm vụ cụ thể và cùng với các nhiệm vụ được quy định trong các luật chuyên ngành (phân quyền) hình thành lên các nhiệm vụ cụ thể của Bộ Tư pháp trong các lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.
Theo quy định tại Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì: “Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên” và “Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện, là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp [của UBND][10], ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên” (khoản 1 Điều 9).
Để bảo đảm sự vận hành đồng bộ, thống nhất trong hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp, ngày 21/12/2020 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BTP hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi là Thông tư số 07/2020/TT-BTP). Trên cơ sở đó UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ban hành văn bản (phân công) quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp; UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Tư pháp. Theo đó:
– Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; pháp chế; chứng thực; nuôi con nuôi; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư, tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; hòa giải thương mại; thừa phát lại; quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; đăng ký biện pháp bảo đảm; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; công tác tư pháp khác và dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định pháp luật (khoản 1 Điều 1).
– Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật: theo dõi tình hình thi hành pháp luật: kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; trợ giúp pháp lý; nuôi con nuôi; hộ tịch; chứng thực; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các công tác tư pháp khác theo quy định pháp luật (khoản 1 Điều 3).
Cũng tại Thông tư này, đã xác định cụ thể các nhiệm vụ của Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp (Sở Tư pháp có 35 nhóm nhiệm vụ và Phòng Tư pháp có 22 nhóm nhiệm vụ – Điều 2 và Điều 4) trên các lĩnh vực quản lý nhà nước phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của UBND cùng cấp. Quy định này là căn cứ để UBND cùng cấp phân cấp thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác tư pháp trên địa bàn. Quy định này đồng bộ với các quy định về thẩm quyền và nhiệm vụ cụ thể của từng cấp chính quyền địa phương được quy định trong các Luật chuyên ngành. Trong các lĩnh vực phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm, việc phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền địa phương các (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch) cấp cụ thể như sau:
(i) Về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở
Sở Tư pháp có nhiệm vụ
(khoản 8, 9 Điều 2)
Phòng tư pháp có nhiệm vụ
(khoản 8, 10 Điều 4)
a) Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực hiện sau khi các chương trình, kế hoạch, đề án được ban hành;
b) Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan; tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn;
c) Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh;
d) Xây dựng, quản lý đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật trên địa bàn theo quy định pháp luật;
đ) Theo dõi, hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và các cơ quan, đơn vị khác theo quy định pháp luật;
e) Hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên tại địa phương theo quy định pháp luật.
Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định pháp luật.
a) Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực hiện sau khi chương trình, kế hoạch được ban hành;
b) Theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương; đôn đốc, kiểm tra các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn;
c) Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện;
d) Xây dựng, quản lý đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo quy định pháp luật;
đ) Hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở cấp xã và ở các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn theo quy định pháp luật;
e) Tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở;
Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; là cơ quan thường trực của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật.
(ii) Về nuôi con nuôi
Sở Tư pháp có nhiệm vụ
(khoản 10 Điều 2)
Phòng tư pháp có nhiệm vụ
(khoản 13 Điều 4)
a) Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi tại địa phương;
…
đ) Thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết các việc về nuôi con nuôi thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giải quyết các việc về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Thực hiện nhiệm vụ quản lý về nuôi con nuôi theo quy định pháp luật.
(iii) Về bồi thường nhà nước,
Sở Tư pháp có nhiệm vụ
(khoản 12 Điều 2)
Phòng tư pháp có nhiệm vụ
a) Hướng dẫn, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước theo quy định pháp luật;
b) Hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường trong phạm vi địa phương; đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án tại địa phương;
c) Đề xuất, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định pháp luật; tham gia vào việc xác minh thiệt hại khi được cơ quan giải quyết bồi thường đề nghị; tham gia thương lượng việc bồi thường tại địa phương thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước;
đ) Đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường, kiến nghị thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ xem xét lại quyết định hoàn trả, giảm mức hoàn trả theo quy định pháp luật; yêu cầu thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết bồi thường theo quy định pháp luật;
e) Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương.
Không được phân cấp, phân quyền thực hiện
(iv) Về đăng ký giao biện pháp bảo đảm
Sở Tư pháp có nhiệm vụ
(khoản 22 Điều 2)
Phòng tư pháp có nhiệm vụ
a) Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn việc đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thực hiện kiểm tra định kỳ các Văn phòng đăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương theo quy định pháp luật;
b) Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho người thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
c) Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương, hướng dẫn Văn phòng đăng ký đất đai cập nhật, tích hợp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất vào Hệ thống dữ liệu quốc gia về biện pháp bảo đảm.
Không được phân cấp, phân quyền thực hiện
Đối với công chức Tư pháp – Hộ tịch thì theo quy định tại khoản 6 Điều Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 6/11/2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì công chức Tư pháp – hộ tịch có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong các lĩnh vực: Tư pháp và hộ tịch trên địa bàn theo quy định của pháp luật và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau:
– Phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý tủ sách pháp luật, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tổ chức phục vụ nhân dân nghiên cứu pháp luật; theo dõi việc thi hành pháp luật và tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn cấp xã trong việc tham gia xây dựng pháp luật;
– Thẩm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; tham gia công tác thi hành án dân sự trên địa bàn;
– Thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp, hộ tịch, chứng thực, chứng nhận và theo dõi về quốc tịch, nuôi con nuôi; số lượng, chất lượng về dân số trên địa bàn cấp xã theo quy định của pháp luật; phối hợp với công chức Văn hóa – xã hội hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước ở thôn, tổ dân phố và công tác giáo dục tại địa bàn;
– Chủ trì, phối hợp với công chức khác thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; xử lý vi phạm hành chính, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về hộ tịch trên địa bàn;
– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao.
Như vậy, chúng ta thấy hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp đã được xác định một cách cụ thể, thông suốt từ Bộ, Sở, Phòng và công chức Tư pháp – hộ tịch theo hướng xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của mỗi cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, qua Báo cáo công tác của Bộ Tư pháp, hàng năm Bộ Tư pháp đã tiếp nhận và trả lời hàng trăm văn bản để trao đổi, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ với các Bộ, ngành, địa phương[11]. Qua đó, có thể thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu để làm rõ và quy định cụ thể hơn nữa về phần quyền, phân cấp quản lý trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp phải phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc điểm, điều kiện cụ thể và yêu cầu nhiệm vụ của ngành Tư pháp; nâng cao vai trò của các cơ quan tư pháp địa phương trong việc quản lý nhà nước về pháp luật và tư pháp là một yêu cầu cấp thiết.
ThS. Dương Bạch Long, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1] Bộ Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý “Từ điển luật học”. NXB Từ điển Bách Khoa – NXB Tư pháp, Hà Nội, năm 2006, trang 614, 615
[2] Hiến pháp này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013.
[3] Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015.
a) Bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia;
b) Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
c) Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa chính quyền địa phương các cấp đối với các hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn lãnh thổ;
d) Việc phân định thẩm quyền phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đặc thù của các ngành, lĩnh vực;
đ) Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp huyện; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ có quy định khác;
e) Việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điệu kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác; gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp. Chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.
3. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát các cơ quan nhà nước ở địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền, phân cấp.[4] Cụ thể: Việc phân định thẩm quyền được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc sau đây:a) Bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia;b) Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật;c) Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa chính quyền địa phương các cấp đối với các hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn lãnh thổ;d) Việc phân định thẩm quyền phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đặc thù của các ngành, lĩnh vực;đ) Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp huyện; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ có quy định khác;e) Việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điệu kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác; gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp. Chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.3. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát các cơ quan nhà nước ở địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền, phân cấp.
[5] Bộ Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý “Từ điển luật học”. NXB Từ điển Bách Khoa – NXB Tư pháp, Hà Nội, năm 2006, trang 612
[6] Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015.
[7] Trong phần phân tích này, chúng tôi lấy một số lĩnh vực quản lý nhà nước (phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm) của Bộ để phân tích, bình luận
[8] Khoản 1 Điều 39 Luật quy định: “1. Kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, tổ chức thụ hưởng ngân sách do ngân sách nhà nước bảo đảm và huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách”.
[9] Diễn giải của người viết
[10] Người viết [] làm rõ thêm. Theo quy định của điều luật này thì cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện chỉ nhận sự ủy quyền thực hiện nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên. Ví dụ: Sở Tư pháp nhận ủy quyền thực hiện một nhiệm vụ cụ thể của Bộ Tư pháp.
[11] Ví dụ năm 2019: Bộ đã tiếp nhận, trả lời gần 800 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các Bộ, ngành, địa phương (trong đó, có 502 kiến nghị gửi trực tiếp đến các đơn vị thuộc Bộ, 107 kiến nghị được gửi qua các báo cáo sơ kết 6 tháng, 185 kiến nghị được gửi qua các báo cáo tổng kết); 124 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, 7 Quốc hội khóa XIV; 20 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Hệ thống theo dõi của Văn phòng Chính phủ.