Phần đường là gì? Làn đường là gì? Mức phạt khi đi sai làn đường?
Hiện nay, nhu cầu đi lại bằng phương tiện cá nhân ngày càng phổ biến, ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật khi tham gia giao thông là rất quan trọng. Tuy nhiên trong một số trường hợp mà nhiều chủ thể vẫn chưa xác định được phần đường, làm đường là gì để chấp hành theo quy định. Trong bài viết này, Luật Minh Khuê sẽ giải đáp thắc mắc câu hỏi được nhiều độc giả quan tâm.
Mục Lục
1. Khái niệm về phần đường, làn đường
1.1 Phần đường
Theo Luật giao thông đường bộ năm 2008 :
Điều 3. Giải thích từ ngữ
6. Phần đường xe chạy là phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông qua lại.
Theo QCVN 41:2019/BGTVT, phần đường gồm 02 loại :
Điều 3. Giải thích từ ngữ
3.13. Phần đường dành cho xe cơ giới là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng qua lại.
3.14. Phần đường dành cho xe thô sơ là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông thô sơ đường bộ qua lại.
Chúng ta có thể hiểu đơn giản phần đường chỉ là phần của đường bộ được xử dụng cho phương tiện giao thông qua lại và có 2 loại phần đường là phần đường dành cho xe cơ giới, phần đường dành cho xe thô sơ.
1.2 Làn đường
Luật giao thông đường bộ năm 2008 :
Điều 3. Giải thích từ ngữ
7. Làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn.
Làn đường chính là một phần của phần đường, một phần đường có thể có một hoặc nhiều làn đường. Ngoài ra, trên phần đường cũng sẽ có các dải phân cách để phân chia phần đường thành hai chiều riêng biệt hoặc để phân chia phần đường dành cho xe cơ giới, xe thô sơ hoặc nhiều loại xe khác nhau trên cùng một chiều giúp cho người tham gia giao thông có thể nắm bắt được.
2. Thế nào là đi không đúng phần đường, làn đường ?
2.1 Đi không đúng phần đường
Có thể thấy phần đường hiện đã được Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định rất rõ. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khác nhau mà các chủ thể khi tham gia giao vẫn còn băn khoăn không thế thế nào là đi không đúng phần đường ?
Như vừa nêu khái niệm phần đường ở trên : Phần đường dành cho xe cơ giới là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng qua lại; Phần đường dành cho xe thô sơ là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông thô sơ đường bộ qua lại. Thì lỗi đi sai phần đường được hiểu là người điều khiển xe cơ giới đi vào phần đường dành cho xe thô sơ và ngược lại, người điều khiển xe thô sơ đi vào phần đường của xe cơ giới.
Nếu người điều khiển phương tiện đi sai phần đường đã quy định thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2.2 Đi không đúng làn đường
Làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn. Trên một làn đường chỉ có một hoặc một số loại phương tiện nhất định được phép di chuyển.
Như vậy, lỗi đi sai làn đường là người tham gia giao thông không đi đúng làn đường dành cho phương tiện mình điều khiển hay có thể hiểu là lỗi “lấn làn”.
3. Mức phạt áp dụng đối với người điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường, làn đường
3.1 Xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô
Trước tiên, chúng ta phải hiểu các loại xe tương tự xe ô tô là gì ? Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 100/2019/NĐ-CP “Các loại xe tương tự xe ô tô là loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ hai trục, bốn bánh xe trở lên, có phần động cơ và thùng hàng (nếu có) lắp ráp trên cùng một xát xi (kể cả loại xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện).
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP :
Điều 5. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây :
đ) Đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) trừ hành vi quy định tại điểm c khoản 4 Điều này;
Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP :
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
34. Thay một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm sau đây
đ) Thay cụm từ “3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng” bằng cụm từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng” tại tên khoản 5 Điều 5;
Như vậy, đối với xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô mà đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều – có nghĩa là cả làn theo hướng người đang điều khiển phương tiện hoặc là người điều khiển phương tiện đi theo hướng ngược lại của làn) như theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng – 5.000.000 đồng, nhưng kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 123/2021/NĐ-CP mức phạt tiền đã nâng lên từ 4.000.000 đồng – 6.000.000 đồng ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng – 03 tháng.
Đối với trường hợp mà điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, có nghĩa là xe không gắn thẻ đầu cuối – một thiết bị điện tử được gắn trên phương tiện giao thông đường bộ để giao tiếp thông tin với hệ thống thu phí điện tử không dừng theo tiêu chuẩn về nhận dạng tần số vô tuyến thụ động cho việc giao tiếp không dây và lưu trữ các thông tin liên quan đến kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử tự động không dừng mà đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí thì sẽ không bị coi là đi sai làn.
Đối với trường hợp mà đã đi sai phần đường, làn đường rồi mà còn gây thêm cả tai nạn giao thông thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 12.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng – 04 tháng ( điểm a khoản 7; điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
3.2 Xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện)
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP :
Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
g) Đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều);
Như vậy, đối với phương tiện là xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện mà đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định ( làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều – có nghĩa là cả làn theo hướng người đang điều khiển phương tiện hoặc là việc người điều khiển phương tiện đi theo hướng ngược lại của làn ) thì sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Đối với trường hợp mà đã đi sai phần đường, làn đường mà còn gây thêm cả tai nạn giao thông thì sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng – 5.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng – 04 tháng (điểm b khoản 7, điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
3.3 Máy kéo, xe máy chuyên dùng
Xe máy chuyên dùng là một khái niệm gọi chung cho những phương tiện xe máy được sử dụng trong các công trình thi công hoặc những phương tiện xe máy đang được sử dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp hiện nay. Ngoài ra xe máy chuyên dùng còn bao gồm những phương tiện xe máy được sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ hiện nay.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP :
Điều 7. Xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi sau đây:
c) Đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều);
10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm c, điểm g khoản 3;
Như vậy, đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng mà đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều – có nghĩa là cả làn theo hướng người đang điều khiển phương tiện hoặc là người điều khiển phương tiện đi theo hướng ngược lại của làn) thì sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng – 600.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng – 03 tháng.
Đối với trường hợp mà đã đi sai phần đường, làn đường rồi mà còn gây thêm cả tai nạn giao thông thì sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng – 8.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng – 04 tháng (điểm a khoản 7, điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
3.4 Xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP
Điều 8. Xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Đi không đúng phần đường quy định;
Đối với xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện mà đi không đúng phần đường quy định ( có nghĩa là đi sang phần đường dành cho xe cơ giới) sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng – 100.000 đồng.
>> Xem thêm Hàng cồng kềnh là gì? Ô tô chở hàng cồng kềnh bị phạt bao nhiêu?
Cảm ơn quý bạn đã lựa chọn tham khảo bài viết của Luật Minh Khuê, trên đây là toàn bộ lời giải đáp thắc mắc của các bạn. Nội dung có giá trị tham khảo, nếu có bất kì băn khoăn, nội dung nào còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến Tổng đài tư vấn của công ty Luật Minh Khuê 19006162.