PHÂN BÓN MIỀN NAM VỚI CÂY SẮN (KHOAI MÌ) – Phân Bón Miền Nam – Nâng tầm Nông sản Việt

1. Giới thiệu chung

1.1. Nguồn gốc

Sắn (hoai mì, củ mì) là cây hàng năm, nhưng cây cũng có thể sống lâu năm. Giống ngắn ngày cho thu hoạch sau 5-7 tháng trồng; giống dài ngày cho thu hoạch sau 7-12 tháng trồng. Ngôn ngữ nước ngoài có các tên gọi khác nhau như Cassava, Tapioca, v.v. thuộc họ Đại kích (Euphorbiaceae). Cây sắn có nguồn gốc vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới từ châu Mỹ La Tinh được du nhập vào Việt Nam khoảng giữa thế kỷ XVIII.

Ở nước ta hiện tại, diện tích trồng sắn ước tính khoảng 530.000 ha, nhiều vùng có thể trồng sắn. Tuy nhiên, muốn sắn có năng suất cao, chất lượng tốt và phát triển bền vững cần tiến hành các biện pháp cải tạo đất để chuyển các chân đất ít thích hợp thành đất thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Sắn là cây lương thực ăn củ; là sản phẩm mang lại lợi thế trong xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

1.2. Đặc điểm sinh học và điều kiện ngoại cảnh

Cây khoai mì cao 2-3m, lá khía thành nhiều thùy, rễ ngang phát triển thành củ và tích luỹ tinh bột, thời gian sinh trưởng 6 đến 12 tháng, có nơi tới 18 tháng, tùy giống, vụ trồng, địa bàn trồng và mục đích sử dụng.

– Nhiệt độ: Thời kỳ phát triển củ sắn yêu cầu nhiệt độ 28-300C.

– Ánh sáng: Sắn thích hợp với chu kỳ chiếu sáng 8 – 10 giờ/ngày. Ngày ngắn thuận lợi cho sinh trưởng của củ.

– Chế độ nước: Lượng mưa trung bình năm thích hợp từ 1.000-2.000mm/năm. Thời kỳ phình to của củ là lúc cây sắn tập trung vào việc tích lũy tinh bột vào củ, nhu cầu về nước có giảm xuống. Yêu cầu độ ẩm đất thích hợp lúc này là 60-70%.

– Đất đai: Sắn không kén đất, tuy nhiên thích hợp và cho năng suất cao ở chân đất tốt, xốp thoát nước tốt. Là cây rất kém chịu đựng ở các loại đất đọng nước.

– Độ pH: Sắn có thể chịu được đất chua pH từ 4,5 đến 7,5. Độ pH thích hợp nhất đối với sắn là pH = 5,5 – 6,5.

2. Canh tác cây sắn với Phân bón Miền Nam

2.1. Giống, đất trồng và kỹ thuật trồng

a. Giống

Các giống khoai mì được trồng phổ biến hiện nay như: KM.60, KM.94, KM.95, HL.23, HL.24, Giống KM.60, KM.95, v.v. nhân trồng bằng phương pháp vô tính (hom giống).

– Về chọn cây giống thì không chọn hom ở phần thân già (gốc) và phần non (ngọn); tốt nhất là chọn hom bánh tẻ. Chặt hom phải dùng dao sắc và chặt vát so với thân cây để hạn chế gây dập nát 2 đầu hom. Hom có chiều dài khoảng 15-20cm. Sau khi chặt hom có thể chấm hai đầu hom vào phân lân, đất bột hoặc tro bếp để hạn chế chảy nhựa và nên xử lý nấm bệnh.

b. Đất: sắn trồng được ở nhiều loại đất. Trên đất bằng có thể làm đất bằng cày và bừa 1-2 lần, sau đó lên luống bằng cày luống là được. Trên đất dốc thì cày thành luống theo đường đồng mức để hạn chế xói mòn. Sau đó cuốc hố theo mật độ dự định. Những nơi nông dân không có điều kiện thì cần phát cỏ hoặc phun thuốc trừ cỏ, sau đó cuốc hố trồng.

c. Kỹ thuật trồng

– Thời vụ: Khu vực phía Nam thường trồng vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Vụ thứ nhất thường bắt đầu trồng vào từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5. Vụ thứ hai trồng vào tháng 8 và tháng 9. Khu vực miền Bắc thời vụ trồng tốt nhất dao động từ tháng 2 đến tháng 3.

– Mật độ trồng:

+ Đất tốt: Khoảng cách trồng 1,20m x 0,80m, mật độ 10.417 cây/ha.

+ Đất trung bình: Khoảng cách trồng 1,00m x 0,80m, mật độ 12.500 cây/ha.

+ Đất nghèo: Khoảng cách trồng 1,00m x 0,70m, mật độ 16.286 cây/ha.

+ Khoảng cách trồng 0,80m x 0,80m, mật độ 15.620 cây/ha được cho là mang lại hiệu quả.

– Cách trồng: Cây giống sau khi được tuyển chọn sẽ được cắt thành hom có từ 2-3 mắt mầm, xử lý sách bệnh và trồng theo hàng rạch hoặc hố đào.

Lưu ý cách đặt hom: khi trồng có thể đặt hom đứng; đặt hom nằm ngang mặt đất hoặc đặt hom nghiêng một góc so với mặt đất. Cách đặt hom nghiêng đang được xem là ưu thế hơn.

2.2. Bón phân

Phân Hữu cơ SFJC Bio-Gold G.A.P là một sản phẩm của Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam, dạng phân bón sạch, được sản xuất từ 100% nguyên liệu thực vật, phù hợp trong canh tác G.A.P, có 55% Hữu cơ, Đạm tổng hợp từ tự nhiên, Acid Humic, Acid Fulvic, nấm Trichoderma .v.v., góp phần tạo ra hệ sinh thái đất ổn định, gia tăng hiệu quả hoạt động của các yếu tố vi sinh vật có lợi, hạn chế các chủng nấm gây hại, hạn chế rữa trôi các yếu tố dinh dưỡng, kích thích khả năng ra rễ non nhiều hơn, cây trồng có bộ rễ khỏe hơn đồng thời hạn chế sự thoái hóa và bạc màu của đất trồng.

Phân bón Miền Nam NPK 20-20-15+TE (dạng hỗn hợp một màu). Đây là sản phẩm mới của Công ty Phân bón Miền Nam, được sản xuất qua dây chuyền tạo hạt hơi nước thùng quay, tích hợp đầy đủ thành phần hàm lượng dinh dưỡng cao tác động nhanh đến quá trình phát triển đâm chồi, phân nhiều cành quả, giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh. 

Supe Lân Long Thành là sản phẩm của Công ty Cổ phân Phân bón Miền Nam sản xuất tại nhà máy Supe Phốt Phát Long Thành chứa 16% lân hữu hiệu, lưu huỳnh với hàm lượng 10%, Ca với hàm lượng 15% và các dưỡng chất trung vi lượng khác có tác dụng kích thích quá trình hình thành bộ phận mới của cây, thúc đẩy quá trình phân hóa mầm hoa. Supe Lân Long Thành dễ tiêu, dễ tan trong môi trường đất giúp cây trồng nhanh hấp thu và thích hợp với nhiều đối tượng cây trồng.

Phân bón Miền Nam NPK 15-5-15 là loại phân chuyên dùng cho cây sắn, là dòng sản phẩm tạo ra từ công nghệ tạo hạt hơi nước thùng quay, đảm bảo cân đối dinh dưỡng cho năng suất và chất lượng sắn tốt hơn. Phù hợp giai đoạn cây phát triển sinh trưởng sinh thực hình thành củ.

Ngoài Phân bón Miền Nam NPK 15-5-15 ở giai đoạn bón thúc, có thể thay thế loại Phân bón Miền Nam NPK 15-9-13+TE với liều lượng tương đương.

Khi cây sắn trồng được từ 2-3 tháng, có thể sử dụng phân bón lá Yogen Mitsuivina loại Yogen β, 15-20 ngày/lần. Giai đoạn này phân bón lá sẽ tác động lên bộ lá phát triển và giúp cây sắn quang hợp mạnh. Tạo điều kiện cho quá trình hình thành củ và tạo tinh bột ở củ nhiều hơn.

2.3. Chăm sóc

Trong 20 ngày đầu kể từ khi giâm hom khoai mì, duy trì mỗi ngày tưới nước 1 lần. Sau đó, để tránh cây bị ngập úng, một tuần chỉ cần tưới 1 lần.

Khi kiểm tra đất không đảm bảo ẩm độ 60-70% nên tưới bổ sung.

Sau khi trồng phải được làm cỏ hoặc sử dụng thuốc cỏ trước khi bón phân. Thời gian này rất quan trọng phải xử lý cỏ triệt để vì nếu không xử lý được cỏ sẽ tranh thức ăn và phân bón của cây mì làm cho năng suất thấp.

3. Phòng trừ sâu bệnh

3.1. Sâu và bệnh hại

 – Bệnh do Rệp sáp bột hồng gây ra (Phenacoccus manihoti).

– Bệnh do Sùng trắng gây nên: Sùng trắng là ấu trùng của bọ hung (Bọ hung đen – Allissonotum impressicolle, bọ hung nâu – Holotrichia sinensis; Bọ hung xanh – Anomata sp).

– Bệnh do vi-rút Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (Vi-rút SLCMV).

– Bệnh do Phytoplasma (Candidatus phytoplasma aurantifolia) gây ra.

3.2. Biện pháp phòng trừ

– Làm đất: Cày sâu, bừa kỹ, phơi ải, nhặt sạch cỏ dại để hạn chế sự tồn tại của nguồn sâu hại trước khi trồng.

– Chỉ sử dụng giống (hom) sạch bệnh, có đặc tính kháng bệnh.

– Đổi giống; Luân canh với cây trồng họ đậu, không nên độc canh; trồng xen khoai lang, cây dã quỳ, v.v. Đặt bẫy đèn.

– Bón phân cân đối tăng cường sức khỏe cho cây; Bón phân hữu cơ hoai mục (không bón phân trâu bò tươi).

– Thăm và kiểm tra vườn để phát hiện sớm bệnh, nhổ và đốt cây bị nhiễm bệnh.

– Dùng phân chuồng để làm bẫy dẫn dụ bọ hung đến đẻ trứng, thu bẫy đốt hoặc ngâm nước để tiêu diệt.

– Thu bắt tiêu diệt sùng trắng khi làm cỏ, xới xáo vườn trong quá trình chăm sóc.

– Sử dụng bẫy đèn để thu bắt trưởng thành.

– Có thể dùng một số hoạt chất bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu hại.

–  Xử lý thuốc khi sùng tuổi nhỏ (tuổi 1-2) sẽ có hiệu quả tốt hơn.

4. Thu hoạch

Sau trồng từ 6 tháng trở ra có thể thu hoạch củ hầu hết các giống sắn mới đều có thời gian sinh trưởng từ 7- 10 tháng. Quan sát trên đồng ruộng khi có 2/3 số lá trên cây rụng là có thể thu hoạch, thời điểm này tỷ lệ tinh bột cũng như khối lượng củ đã đạt đến tối ưu. Riêng ở miền Bắc nước ta có mùa đông lạnh và khô kéo dài, sau đó chuyển sang thời kỳ lạnh ẩm (tháng 12 và tháng l). Vì vậy, nếu thu hoạch để lát phơi khô, bảo quản cần chọn thời tiết khô hanh để thu hoạch. Khi thu hoạch nếu lớp đất mặt cứng cần dùng cuốc phá rồi mới nhổ sắn sẽ giảm được tỷ lệ gãy, Cần căn cứ vào khả năng chế biến để quyết định khối lượng củ thu hoạch, vì sắn củ tươi sau thu hoạch rất dễ bị chảy nhựa, ảnh hưởng đến chất lượng củ. Sau khi thu hoạch xong cần trồng cây họ đậu, v.v. để cải tạo lại đất (để bổ sung lượng đạm và phân xanh cho đất, tăng độ tơi xốp đất cho vụ sau).

Sưu tầm và biên soạn

Lê Minh Giang – Danh Trí Tâm