PHÂN BÓN MIỀN NAM VỚI CÂY CHUỐI – Phân Bón Miền Nam – Nâng tầm Nông sản Việt
1. Giới thiệu chung về cây chuối
Chuối tên tiếng anh là Banana, loài cây thuộc chi Musa, họ chuối, cây chính là thân giả; có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới ở Đông Nam Á và Úc. Ngày nay, chuối được trồng khắp các vùng nhiệt đới trên thế giới.
Ở Việt Nam, chuối được trồng từ Bắc vào Nam. Diện tích khoảng ước tính 150.000 ha. Khu vực miền Bắc: Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, v.v. là các tỉnh có diện tích, sản lượng lớn. Khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, v.v. là các tỉnh đang được đầu tư canh tác với quy mô lớn. Khu vực miền Nam: Đồng Nai, Tây Ninh, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau là các tỉnh có sản lượng chuối lớn hiện nay.
Chuối là loài cây mang lại giá trị kinh tế cao. Sản phẩm chuối của Việt Nam thường được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc và các nước trong Liên minh châu Âu, góp phần mang lại lợi nhuận lớn cho nước nhà.
2. Kỹ thuật canh tác cây chuối với Phân bón Miền Nam
2.1. Giống, đất trồng và kỹ thuật canh tác
a. Giống cây
Hiện nay, có nhiều giống chuối cho năng suất cao và ngon được thị trường ưa chuộng như chuối già lùn, chuối tiêu, chuối xiêm, chuối mốc, chuối sứ, chuối Laba, v.v.
Với cây giống tách ra từ cây mẹ thì chọn những cây chuối con mập, khỏe mạnh, không bị sâu bệnh. Độ cao trung bình khoảng 0.8 – 1m. Thực hiện cắt gọn rễ, và chỉ để lại 2-3 lá trên cây, cắt 1/2 lá xòe. Thời điểm nên tách là sau khi thu hoạch buồng. Nếu giống cây từ nuôi cấy mô thì chọn những cây đủ tháng tuổi, không bệnh và khỏe mạnh.
b. Chuẩn bị đất trồng
Chuối có thể trồng ở nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, chuối thích hợp nơi có mực nước ngầm cao, thoáng khí và tơi xốp. Nếu nơi đất có mực nước ngầm thấp cần phải lên líp trước khi trồng sao cho mặt líp cách mực nước cao nhất từ 0,6-1m. Với những vùng hay xảy ra ngập lụt thì không nên trồng chuối.
Chuối là cây ưa ẩm, cần o-xi nên nếu bị ngập trong nước dài ngày thì chuối sẽ suy yếu và chết.
c. Kỹ thuật canh tác
– Chiều rộng líp trung bình 5-6 m, được trồng 2 hoặc 3 hàng, kích thước hố trồng 40x40x40 cm.
– Ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, chuối nên trồng vụ Thu (tháng 8 – 10), còn vụ Xuân (tháng 2 – 3) trồng cây dễ bén rễ, nhưng thời điểm ra hoa dễ gặp rét nên năng suất thấp.
– Ở các tỉnh Duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long thường trồng vào đầu hoặc sau vụ mưa.
– Mật độ trồng: Khoảng cách trồng 2,5x2m hay 3x2m (khoảng 1.600 – 2.000 cây/ha). Sau khi thu hoạch vụ thứ nhất chừa lại khoảng 2.500 cây con/ha.
– Cách trồng: Trước khi trồng, trộn phân và đất mặt cho vào hố đã đào sao cho khi đặt điểm tiếp giáp củ với thân giả (dạng chồi và củ) hay mặt bầu đất (chuối con cấy mô) thấp hơn mặt líp từ 10-15 cm. Nén chặt đất xung quanh cây giống trồng.
Lưu ý: không để nước đọng lại trong hố quá nhiều và lâu sẽ gây thối rễ.
2.2. Bón phân
a. Bón trồng mới
– Bón lót:
Trộn lớp đất mặt với phân hữu cơ SFJC Bio-Gold G.A.P liều lượng sử dụng từ 1-2 kg/cây và bón lót thêm Phân bón miền Nam NPK 19-11-7+6S+TE, lượng bón từ 20-25 gram/cây. Cần rải thêm thuốc bảo vệ thực vật quanh gốc để phòng trừ sâu bệnh hại.
Phân Hữu cơ SFJC Bio–Gold G.A.P là sản phẩm của Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam, là dạng phân bón sạch, được sản xuất từ 100% nguyên liệu thực vật, phù hợp trong canh tác G.A.P, có 55% Hữu cơ, Đạm tổng hợp từ tự nhiên, Acid Humic, Acid Fulvic, nấm Trichoderma .v.v., góp phần tạo ra hệ sinh thái đất ổn định, gia tăng hiệu quả hoạt động của các yếu tố vi sinh vật có lợi, hạn chế các chủng nấm gây hại, hạn chế rữa trôi các yếu tố dinh dưỡng, kích thích khả năng ra rễ non nhiều hơn, cây trồng có bộ rễ khỏe hơn đồng thời hạn chế sự thoái hóa và bạc màu của đất trồng.
– Bón thúc:
Các kỳ sinh trưởng sau khi trồng được chăm sóc và bón phân theo giai đoạn, tuổi (tháng) của cây, cụ thể là:
+ Bón thúc lần 1: sau khi trồng 1,5-2 tháng, sử dụng Phân bón Miền Nam NPK 19-11-7+6S+TE, bón xung quanh gốc với liều lượng từ 150-200 gram/cây.
Đây là sản phẩm NPK dạng một màu, được sản xuất qua máy móc thiết bị tân tiến với dây chuyền tạo hạt hơi nước thùng quay. Tính năng của sản phẩm này là cung cấp cho cây dinh dưỡng, đạm, lân, kali, trung lượng và vi lượng; có tác dụng phát triển rễ, mầm chồi, thân, lá và quả.
+ Bón thúc lần 2: sau khi trồng được từ 4 – 5 tháng, sử dụng Phân bón Miền Nam NPK 13-13-13+TE, liều lượng từ 250-300 gram/cây. Đây là sản phẩm phân bón hỗn hợp, có hàm lượng đa lượng tương đương nhau và bổ sung các yếu tố vi lượng, có tác dụng hỗ trợ cho chuối sinh trưởng phát triển tốt thân lá, trổ buồng lớn, không bị nghẹn.
+ Từ khi trổ buồng đến trước 1 tháng thu hoạch lần đầu: sử dụng Phân bón Miền Nam NPK 15-9-20+TE. Mỗi tháng cần bổ sung lượng bón từ 200-250 gram/cây. Sản phẩm hỗn hợp với yếu tố đa lượng kali cao nhất, sản phẩm phù hợp với quá trình phát triển sinh thực, nuôi trái to và căng, tăng độ ngọt, dẻo của trái. Chống chịu điều kiện bất lợi, như lạnh, dịch bệnh tấn công, v.v.
b. Bón chuối kinh doanh
– Bón sau khi thu hoạch: Bụi chuối được tỉa bỏ cây mẹ, để cây con khỏe lại thành bụi (3 cây/bụi). Bổ sung dinh dưỡng cho lứa chuối mới, sử dụng phân hữu cơ SFJC Bio-Gold G.A.P liều lượng sử dụng từ 1,5–2 kg/bụi và Phân bón Miền Nam NPK 19-11-7+6S+TE, với liều lượng từ 1-1,5 kg/bụi.
– Bón trước khi chuối trổ buồng/hoa: Sử dụng Phân bón Miền Nam NPK 13-13-13+TE, liều lượng từ 0,7-1 kg/cây.
– Bón sau khi chuối trổ buồng/hoa: Sử dụng Phân bón Miền Nam NPK 15-9-20+TE, định kỳ bón 0,5-0,7 kg/bụi/tháng.
– Cách bón: Bón xung quanh bụi, cách gốc 40 – 60 cm; sâu 10-15 cm bón xong vùi lấp lại.
Lưu ý: Tùy theo tính chất, đặc điểm của đất trồng và tình trạng của cây trồng để có sự thay đổi, điều chỉnh lượng bón cho phù hợp.
2.3. Chăm sóc cây chuối
– Đặc điểm sinh lý:
Cây chuối thích hợp khí hậu nhiệt đới, Thời điểm thích hợp để bắt đầu trồng là vào đầu mùa mưa. Nếu đảm bảo được nguồn nước tưới thuận lợi thì có thể chủ động trồng chuối quanh năm.
Ngoài ra khi trồng cần lựa để thời điểm để khi thu hoạch không trùng vào mùa mưa bão dẫn đến giảm năng suất.
Riêng đối với Chuối Cau thì thời điểm trổ trùng vào mùa có gió tháng 5-6 dương lịch dễ làm gãy cổ buồng. Nên trồng vào đầu mùa mưa, cây sinh trưởng tốt cho tỉ lệ sống cao.
– Độ pH thích hợp từ 5-7.
– Nhiệt độ phù hợp 25 – 28 oC.
– Lượng mưa từ trung bình 1.500-2.000 mm/năm.
– Tưới nước: Đối với những vùng không có mùa mưa, ở giai đoạn cây con tưới 2 ngày/lần, cây trưởng thành 2 lần/tuần. Vào mùa mưa từ tháng 5-11 thoát nước để tránh ngập úng. Ngoài ra, có thể trồng cây chắn gió quanh vườn nhằm hạn chế rách lá làm giảm năng suất. Vào những mùa mưa bão cần có những biện pháp chống cây khỏi đổ ngã.
– Tỉa chồi và để chồi: Tỉa chồi phải thường xuyên khoảng 1tháng/lần, dùng dao cắt ngang thân sát mặt đất và hủy đỉnh sinh trưởng. Nên tỉa vào lúc trời nắng ráo, tránh để đọng nước xung quanh làm chồi con bị thối lây sang cây mẹ. Việc để chồi thực hiện sau khi trồng 5 tháng, chừa cây con mập, khoẻ mọc cách xa cây mẹ trên 20 cm, sao cho mỗi bụi có 3 cây cách nhau khoảng 4 tháng.
– Bẻ bắp, che và chống buồng/quày: Sau khi xuất hiện 1-2 nải trung tính, tiến hành bẻ bắp vào buổi trưa để hạn chế sự mất nhựa. Dùng túi polyetylen có đục lỗ để bao quày để giữ cho màu sắc vỏ trái được đẹp hơn, hạn chế bù lạch chích hút trái non. Nên dùng cây chống quày tránh đỗ ngã.
Sau khi thu hoạch chuối xong, cây mẹ được tỉa bỏ và dọn vệ sinh xung quanh bụi và các khoảng đất trống, phun vệ sinh hoặc rải vôi bột để hạn chế sâu bệnh. Sau đó tiến hành bón phân sau thu hoạch, sử dụng các loại phân đã được giới thiệu ở phần trước.
3. Phòng trừ dịch bệnh tổng hợp
– Các loại dịch bệnh, sâu bệnh thường gặp và cách phòng bệnh cho cây chuối có thể kể đến như: Sùng đục củ, Sâu cuốn lá, Bù lạch, Tuyến trùng, Bệnh đốm lá (Sigatoka vàng và Sigatoka đen), Bệnh héo rủ Panama, Bệnh chùn đọt, v.v.
– Các biện pháp phòng trị thông thường là: vệ sinh vườn chuối thường xuyên, sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật, khử và xử lý đất trước khi trồng, nếu cây bị bệnh thì loại bỏ cây bệnh khỏi vườn, chọn ra cây chuối sạch bệnh để trồng và thường xuyên quan sát vườn chuối để phát hiện bệnh kịp thời.
4. Thu hoạch
Từ trồng đến chuối trổ khoảng 6-10 tháng và từ trổ đến thu hoạch khoảng 60-90 ngày tùy theo giống. Độ chín của quả được xác định qua màu sắc vỏ, độ căng đầy và góc cạnh của trái. Lúc thu hoạch buồng/quày tránh làm cho trái bị trầy xước, đặt vào thùng giấy và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Sưu tầm và biên soạn
KS Lê Minh Giang