Phân biệt thực phẩm chức năng và thuốc
Phân biệt thực phẩm chức năng và thuốc
ự nhập nhằng giữa công dụng của thực phẩm chức năng và thuốc khiến nhiều người tiêu dùng không thể phân biệt. GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe cán bộ Trung Ương, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho hay thực phẩm chức năng (TPCN) có lợi ích nhất định cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất đã quảng cáo quá đà về công dụng của chúng khiến người mua không hiểu được bản chất của sản phẩm.
Hiểu đúng về công dụng của thực phẩm chức năng
TPCN là sản phẩm xuất hiện đầu tiên tại Nhật Bản vào những năm 80 của thế kỷ XX. Người Nhật Bản tạo ra những sản phẩm ăn nhưng dinh dưỡng cao hơn thực phẩm hàng ngày. Trong quá trình bào chế, thực phẩm sẽ được chọn lọc các chất cần thiết để bổ sung cho cơ thể giúp nâng cao sức khỏe.
“Cần phải hiểu đúng bản chất của TPCN không thể là thuốc chữa bệnh. Nó là sản phẩm bổ sung những chất còn thiếu cho cơ thể trong quá trình chuyển hóa, giúp cải thiện tình trạng bệnh”, GS. Khải nói.
Thực phẩm chức năng có nhiều lợi ích nhưng không thể thay thế thuốc. Ảnh: Foodmanufacture.
Không nên phân biệt quá rạch ròi giữa TPCN và thuốc. Trong một số trường hợp cụ thể, TPCN cũng có thể gọi là thuốc. Người bị chuột rút do thiếu canxi và vitamin D3, chỉ cần bổ sung vitamin D3 và canxi là đủ. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý khác, bổ sung TPCN lại không có tác dụng.
Năm 2004, Bộ Y tế đã đưa ra thông tư khái niệm về TPCN như sau: “TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật”.
Theo GS Khải, TPCN được phân chia ra làm nhiều nhóm khác nhau:
– Nhóm thức ăn có nguồn gốc động vật (chế phẩm từ sữa, thịt, cá…) và thức ăn có nguồn gốc thực vật (tương, rau củ, hoa quả tươi…). Những thực phẩm này được chế biến giữ lại các dưỡng chất quan trọng và loại bỏ những dưỡng chất không cần thiết, có thể dùng chung cho mọi người.
– Nhóm thành tố của thức ăn chia ra làm 6 loại: chất xơ dinh dưỡng, đường đa phân tử (oligosaccarid), axit amin, peptid và protein, vitamin và khoáng chất, vi khuẩn sinh axit lactic, axit béo. Sản phẩm này được sản xuất ra cho một nhóm đối tượng đặc biệt cần tới nó.
Thuốc khác với TPCN như thế nào?
GS Khải cho hay khác với TPCN, thuốc chữa bệnh có vai trò tham gia vào các hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Nó làm thay đổi cấu trúc sinh lý hoặc bệnh lý của cơ thể để sửa chữa những tổn thương trong cơ thể, giúp tiên lượng bệnh tốt hơn. Thuốc giúp làm giảm các triệu chứng, phục hồi và điều chỉnh các chức năng của cơ thể.
Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén và hỗn hợp có nguồn gốc từ động vật, thực vật, khoáng vật, hóa dược, sinh học.
Thuốc có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau như mục đích sử dụng, tính chất hóa học, cơ chế, ảnh hưởng đến hệ sinh học, hoặc hiệu quả điều trị…
Kỹ thuật điều chế TPCN không cần quá cao thì điều chế thuốc có một quy trình chặt chẽ và kỹ thuật phức tạp. Tổ chức FDA (Mỹ) quy định thuốc đăng ký chỉ có giá trị độc quyền tối đa trong 10 năm. Khi gần hết hạn, thuốc sẽ được thử nghiệm lâm sàng để đánh giá tác dụng, hiệu quả.
“Thuốc là kết quả và sản phẩm của y học cần phải dựa trên bằng chứng không phải dựa trên sự suy luận. Còn công dụng của TPCN đều dựa trên giá trị tiềm năng từ sự suy luận. Một sản phẩm TPCN khi lưu hành được vô hạn giá trị độc quyền về thời gian và cũng không có thử nghiệm lâm sàng sau 10 năm sử dụng”, GS. Khải cho hay.
Khác với TPCN, thuốc có những quy định rất chặt chẽ cần phải ghi rõ nguyên liệu chất hoặc hợp chất, có tính công dụng và luật định, sự chuyển hóa trong cơ thể đào thải ra sao, tác dụng phụ, hàm lượng…