Phản bác luận điệu xuyên tạc “chủ nghĩa Mác bỏ rơi vấn đề con người nên thiếu tính nhân văn, nhân bản”
Thứ hai, 30 Tháng 1 2023 15:39
541 Lượt xem
(LLCT) – Từ nhân sinh quan và trong thực chất hệ thống quan điểm của mình, những người sáng lập chủ nghĩa Mác đã thể hiện rõ quan điểm tư tưởng, lập trường nhân văn, nhân bản đúng đắn và sâu sắc, hoàn toàn trái ngược với luận điệu của những thế lực thù địch, phản động cho rằng chủ nghĩa Mác chỉ bàn về kinh tế, chính trị, chuyên chính, bạo lực…, bỏ rơi vấn đề con người, nên thiếu tính nhân văn, nhân bản.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giúp người dân trong mưa lũ – Ảnh:cand.com.vn
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đang tuyên truyền rằng, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ bàn về kinh tế, chính trị, chuyên chính, bạo lực…, bỏ rơi vấn đề con người, nên học thuyết Mác thiếu tính nhân văn, nhân bản của một học thuyết xã hội. Để minh chứng cho luận điệu trên, các thế lực thù địch viện dẫn ra một số tác phẩm có tựa đề về kinh tế, chính trị, chuyên chính, đấu tranh, bạo lực như: Tư bản, Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 – 1850, Nội chiến ở Pháp… của C.Mác hay Lược khảo phê phán khoa kinh tế chính trị; Bàn về quyền uy; Lý luận về bạo lực… của Ph.Ăngghen. Ngoài ra, họ còn trích dẫn một cách xuyên tạc các luận điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen bàn về chuyên chính, đấu tranh, bạo lực… trong các tác phẩm để minh chứng cho luận điệu trên của mình.
1. Đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, phản động
Để xem xét một học thuyết có mang tính nhân văn, nhân bản hay không cần xem xét hai vấn đề: nhân sinh quan của những người sáng lập ra học thuyết có mang tính nhân văn, nhân bản hay không và các quan điểm trong học thuyết đó có hàm chứa giá trị nhân văn, nhân bản hay không.
Đối với C.Mác và Ph.Ăngghen, cả hai vấn đề trên là rõ ràng.
Một là, nhân sinh quan, lý tưởng của C. Mác và Ph.Ăngghen thể hiện tính nhân văn, nhân bản sâu sắc
Là những người sáng lập chủ nghĩa Mác, C.Mác và Ph.Ăngghen đều có chung một đặc điểm là hình thành nhân sinh quan tích cực, tốt đẹp ngay từ khi còn trẻ.
Với C.Mác, nhân sinh quan, lý tưởng tốt đẹp đã hình thành từ rất sớm trong cuộc đời, ngay từ năm 1835 (tức lúc C.Mác mới 17 tuổi). Trong bài luận văn tốt nghiệp trường trung học với tựa đề Những suy nghĩ của một chàng trai trong việc lựa chọn nghề nghiệp, C.Mác đã viết: “Nếu con người chỉ lao động cho bản thân mình thì… không bao giờ người đó có thể trở thành một người thật sự hoàn thiện và vĩ đại… Nếu chúng ta đã chọn một nghề mà trong đó chúng ta có thể lao động nhiều nhất cho loài người thì chúng ta sẽ không cúi đầu, vằn lưng dưới gánh nặng của nó, bởi gánh nặng ấy là sự hy sinh vì mọi người; khi ấy điều chúng ta cảm nhận được không phải là một niềm vui thảm hại, hạn hẹp, vị kỷ, mà niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ thuộc về hàng triệu người”(1).
Điều đó cho thấy, C.Mác đã sớm xác định mục tiêu, lý tưởng của đời mình là phục vụ nhân loại, là sẵn sàng hy sinh vì cộng đồng, xã hội. Đối với C.Mác, khi hành động theo lý tưởng tốt đẹp thì hành động đó không còn là gánh nặng, mà ngược lại sẽ tìm thấy được niềm vui, hạnh phúc. Theo C.Mác, người hạnh phúc nhất là người đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất. Chỉ có người giàu tình yêu thương đồng loại, luôn luôn quan tâm đến con người, đến cộng đồng xã hội một cách vô tư, trong sáng, không vị kỷ mới viết được những lời tâm huyết mang tính nhân văn, nhân bản sâu sắc như vậy.
Ph.Ăngghen vốn là con một nhà tư sản. Khi ở Anh, ở tuổi 22, ngoài giờ làm việc, Ph.Ăngghen thường đi thăm các khu nhà ở của người lao động, nên hiểu rõ về nhân dân lao động; trên cơ sở đó, ông đã viết các tác phẩm như Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh; Tình cảnh nước Anh, hiến pháp Anh… Trong các tác phẩm này, ông đã đánh giá vai trò to lớn của người lao động đối với sự phát triển xã hội – “những người mà trí sáng tạo và bàn tay lao động đã làm nên sự vĩ đại của nước Anh”(2).
Đồng thời, Ph.Ăngghen cũng nhận thấy thực tế đang tồn tại các nghịch lý: người lao động là những người làm ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng lại thiếu thốn về của cải vật chất (thiếu những nhu yếu phẩm phục vụ cho việc ăn, mặc, ở, đi lại…); người lao động là người làm nên sự giàu có cho nước Anh, nhưng bản thân họ lại rất nghèo khổ và đang bị bần cùng hóa; sự bần cùng hóa của đa số nhân dân lao động tạo nên sự giàu có của thiểu số giai cấp tư sản ở Anh, “giai cấp tư sản Anh, và nhất là bọn chủ xưởng là những kẻ trực tiếp làm giàu trên sự bần cùng của người lao động”(3). Sự bần cùng về kinh tế kéo theo sự nghèo nàn về các quyền cơ bản của họ, “người nghèo không có quyền, người ta đàn áp và làm nhục họ; hiến pháp không thừa nhận họ, pháp luật áp chế họ”(4). Một xã hội như vậy là hết sức bất công đối với những người lao động.
Trên cơ sở nhận thức về thực trạng của xã hội Anh, Ph.Ăngghen đã chuyển biến từ lập trường giai cấp tư sản sang lập trường của người lao động và cùng với C.Mác dành cả cuộc đời đấu tranh nhằm giải phóng người lao động, đòi dân chủ, công bằng, tự do, bình đẳng cho quần chúng nhân dân.
Như vậy, ở C.Mác và Ph.Ăngghen đã hình thành nhân sinh quan tiến bộ, lý tưởng tốt đẹp giàu tính nhân văn, nhân bản ngay từ khi tuổi đời mới đôi mươi và kiên định nhân sinh quan ấy đến cuối đời. Đó là tiền đề quan trọng để hình thành quan điểm nhân văn, nhân bản của hai ông trong toàn bộ học thuyết của mình.
Hai là, các quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen hàm chứa giá trị nhân văn, nhân bản sâu đậm và đặc sắc
Trong quá trình hoạt động cách mạng, C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết rất nhiều tác phẩm. Nếu chiểu theo các ngành khoa học, thì nội dung trong các tác phẩm của hai ông liên quan đến nhiều ngành khoa học có quan hệ mật thiết với nhau như: triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa cộng sản khoa học, chính trị học, xã hội học, văn hóa học, tôn giáo học, dân tộc học…, trong đó ba bộ phận là triết học Mác, kinh tế chính trị học Mác, chủ nghĩa cộng sản khoa học có mối quan hệ hữa cơ và trở thành ba bộ phận cơ bản cấu thành của học thuyết Mác, chủ nghĩa Mác.
Trong triết học Mác, kinh tế chính trị học Mác, chủ nghĩa cộng sản khoa học đều bàn về con người, xã hội ở những giác độ khác nhau (như nguồn gốc, bản chất con người, quan hệ con người với tự nhiên, lao động sản xuất, quan hệ xã hội, giá trị hàng hóa…). Ngoài ra, quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về văn hóa, tôn giáo, dân tộc… đều bàn trực diện đến con người, cộng đồng, xã hội.
Nếu chiểu theo các lĩnh vực của đời sống xã hội, thì nội dung các tác phẩm của hai ông đề cập nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, quân sự, pháp quyền, văn hóa, tôn giáo, giai cấp, dân tộc, nhà nước, gia đình,…
Trong sâu xa, toàn bộ nội dung trong các tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngghen đều hướng tới mục tiêu: giải phóng con người, phát triển con người, hoàn thiện con người và xây dựng một xã hội tốt đẹp, trong đó con người có thể tự do phát triển, hoàn thiện mình một cách triệt để. Mục tiêu này thể hiện tính nhân văn, nhân bản sâu sắc.
Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, con người vốn có quyền tự do, bình đẳng và có quyền phát triển, hoàn thiện bản thân mình. Điều này đã được Ph.Ăngghen khẳng định trong tác phẩm Các bài phát biểu tại En-bơ-phen-đơ: “không thể chối cãi được rằng mỗi người đều có quyền phát triển toàn diện tài năng của mình”(5). Nhưng, trong những xã hội đối kháng giai cấp (xã hội mà quyền lực thuộc về thiểu số giai cấp bóc lột như các xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa) chỉ có thiểu số giai cấp bóc lột là có điều kiện thực hiện những quyền của mình, còn đa số quần chúng nhân dân bị bóc lột, bị áp bức, bị nô dịch không được thực hiện những quyền đó một cách thực chất, chính vì vậy, cần giải phóng con người: “người là sinh vật tối cao đối với con người, do đó, dẫn đến cái mệnh lệnh tuyệt đối đòi phải lật đổ tất cả những quan hệ trong đó con người là một sinh vật bị làm nhục, bị nô dịch, bất lực, bị khinh rẻ”(6).
Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, chế độ tư bản chủ nghĩa dù tiến bộ hơn chế độ phong kiến nhưng vẫn còn áp bức. Điều này đã được hai ông khẳng định trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Xã hội tư sản hiện đại, sinh ra từ trong lòng xã hội phong kiến đã bị diệt vong, không xóa bỏ được những đối kháng giai cấp. Nó chỉ đem những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới”(7). Vì xã hội tư bản chủ nghĩa còn nô dịch, áp bức, bóc lột, bất công, nên không phải là xã hội tốt đẹp và phải giải phóng xã hội đó.
Với C.Mác và Ph.Ăngghen, giải phóng xã hội là giải phóng triệt để, tức là phải giải phóng được tất cả các cá nhân, bởi vì “xã hội không thể nào giải phóng cho mình được, nếu không giải phóng cho mỗi một cá nhân riêng biệt”(8). Luận điểm này cho thấy quan điểm của các ông về giải phóng con người, giải phóng xã hội có sự tiến bộ vượt bậc so với các quan điểm trước đó, vì nó triệt để hơn: giải phóng tất cả cá nhân cụ thể trong xã hội. Quan điểm này cũng thể hiện tinh thần nhân văn, nhân bản sâu sắc.
Vì “bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(9), như C.Mác đã khẳng định trong Luận cương về Phoi-ơ-bắc, nên để giải phóng, phát triển, hoàn thiện con người phải xây dựng xã hội tốt đẹp với những quan hệ xã hội lành mạnh, tiến bộ, nhân văn, nhân bản. Đó là xã hội không còn nô dịch, áp bức, bóc lột, bất công, trong đó mỗi cá nhân con người có thể tự do phát triển, hoàn thiện bản thân mình một cách triệt để, xã hội tốt đẹp như vậy là xã hội cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì: “Trong khuôn khổ của xã hội cộng sản chủ nghĩa, cái xã hội duy nhất mà trong đó sự phát triển độc đáo và tự do của các cá nhân không còn là lời nói suông”(10), như C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định trong Hệ tư tưởng Đức.
Trên cơ sở quan điểm duy vật, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, để xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa trước hết phải phát triển kinh tế để “trong đó tất cả mọi vật phẩm cần cho đời sống sẽ được sản xuất ra nhiều đến nỗi mỗi thành viên trong xã hội đều có thể hoàn toàn tự do phát triển và sử dụng mọi lực lượng và năng lực của mình”(11). Phát triển sản xuất đến một trình độ mà có thể sản xuất ra nhiều “vật phẩm” đến mức đáp ứng được nhu cầu của tất cả các thành viên trong xã hội mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là xã hội không còn đối kháng giai cấp và quá trình phát triển sản xuất đó phải được làm chủ và tổ chức một cách hoàn toàn tự giác bởi chính toàn thể nhân dân lao động. Nhân dân lao động là những người làm nên nền sản xuất, làm chủ về kinh tế, trên cơ sở đó làm chủ về chính trị – xã hội.
Sở dĩ phải hội đủ hai điều kiện cần và đủ là bởi, nếu nền sản xuất phát triển và tạo ra nhiều “vật phẩm” mà “vật phẩm” lại rơi vào tay thiểu số giai cấp bóc lột thì chế độ xã hội cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp vẫn chưa được thiết lập. Khi hội đủ hai điều kiện cần và đủ thì xã hội bước lên một nấc thang mới khác về chất, khi đó “xã hội mới có thể ghi trên lá cờ của mình: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu!”(12) như C.Mác đã khẳng định trong Phê phán Cương lĩnh Gô-ta.
Cũng cần nói thêm rằng, C.Mác và Ph.Ăngghen có bàn nhiều về đấu tranh giai cấp, về chuyên chính, về bạo lực…, nhưng tất cả những điều đó chỉ là phương tiện, là công cụ cần thiết trong quá trình giải phóng con người, xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp cho con người.
Không chỉ hoạt động lý luận mà hai ông còn trực tiếp tham gia các phong trào thực tiễn. C.Mác và Ph.Ăngghen đã tham gia thành lập “Đồng minh của những người cộng sản” – tổ chức quốc tế đầu tiên của giai cấp vô sản cách mạng. Đầu năm 1847, C.Mác và Ph.Ăngghen gia nhập vào hội bí mật của người Đức “Đồng minh của những người chính nghĩa”, tháng 6-1874, “Đồng minh của những người chính nghĩa” họp ở Luân Đôn và đổi tên thành “Đồng minh của những người cộng sản” với khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”. “Đồng minh của những người cộng sản” tồn tại đến tháng 11-1852 và là tiền thân của “Hội liên hiệp lao động quốc tế” (Quốc tế I). “Đồng minh của những người cộng sản” và sau này là Quốc tế I có vai trò to lớn trong việc đấu tranh vì giải phóng nhân dân khỏi áp bức, bóc lột, bất công, nhằm đem lại cho mỗi cá nhân con người có cơ hội phát triển, hoàn thiện bản thân mình một cách thực chất.
2. Sự kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo tinh thần nhân văn, nhân bản của chủ nghĩa Mác trong cách mạng Việt Nam
Tinh thần nhân văn, nhân bản của chủ nghĩa Mác phù hợp với quy luật phát triển của nhân loại và thống nhất với truyền thống nhân văn, nhân bản, nhân đạo của dân tộc Việt Nam, nên được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa và phát huy trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng con người, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân là mục đích cao nhất: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(13). Trong tư tưởng cũng như hành động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt nhân dân ở vị trí cao quý nhất, Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”(14).
Việc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong lịch sử và đổi mới theo định hướng CNXH hiện nay thể hiện tinh thần nhân văn, nhân bản sâu sắc. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là mục tiêu xuyên suốt trong tiến trình cách mạng ở Việt Nam và nhằm mục đích nhân văn, nhân bản là giải phóng nhân dân Việt Nam khỏi chế độ thuộc địa, áp bức, bất công, xây dựng xã hội tốt đẹp cho nhân dân Việt Nam, góp phần xứng đáng vào sự phát triển, tiến bộ của nhân loại.
Tinh thần nhân văn, nhân bản của chủ nghĩa Mác được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt sâu sắc trong tất cả các cương lĩnh, nghị quyết của Đảng. Cương lĩnh (Bổ sung và phát triển năm 2011) khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân… chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính”(15).
Văn kiện Đại hội XII của Đảng đề ra định hướng: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển”(16) và: “coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”(17).
Tiếp theo tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”… Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(18); phát triển con người toàn diện, “thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”(19).
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 538 (tháng 12-2022)
Ngày nhận: 07-11-2022; Ngày bình duyệt:12-12-2022; Ngày duyệt đăng: 19-12-2022.
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.40, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.18.
(2), (3), (5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.2, Sđd, tr.350, 351, 730.
(4), (6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1, Sđd, tr.887, 581.
(7), (11) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.597, 466.
(8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Sđd, tr.406.
(9), (10) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Sđd, tr.11, 664.
(12) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Sđd, tr.36.
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.187.
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.453.
(15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.76-77.
(16), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.126, 167.
(18) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.27-28.
(19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.336.
TS ĐINH VĂN THỤY
Viện Triết học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh